Công trình khoa học đầu tiên về gia phả của họ Vũ làng Mộ Trạch sẽ động viên, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc vấn tổ tầm tông, phát huy truyền thống Nhân - Trí và tập hợp nhân tài, vật lực của người mang họ Vũ từ Bắc chí Trung, Nam để đời nối đời thực hiện tâm nguyện đoàn kết dòng họ, góp phần xây dựng và gìn giữ truyền thống văn hoá dòng họ Việt Nam.
LỜI GIỚI THIỆU
Đầu năm 2004, vào dịp kỷ niệm 1200 năm sinh của vị Thuỷ tổ - Thần tổ Vũ Hồn, tại làng Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, nhờ hảo tâm, nhân tài và vật lực của các hậu duệ họ Vũ đã ra đời một công trình văn hoá quy mô, hoành tráng - khu di tích tưởng niệm Vũ Hồn.
Lẽ ra, vào dịp trang trọng ấy, một công trình nữa tuy không hoành tráng như vậy nhưng không kém giá trị, cũng đã được dâng trước linh vị của Thuỷ tổ. Nhưng văn chương, lại là văn chương của các bậc đại gia họ Vũ, không phải là việc có thể làm cấp tập, bởi vậy đến nay công trình này mới ra mắt được.
Công trình gồm 2 phần:
Phần I: Là bản dịch là nguyên bản Hán văn sang tiếng Việt sách Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích, tức bộ tộc phả lớn bốn trăm rưỡi trang chữ Hán của Ngũ chi và Bát phái dòng họ Vũ làng Mộ Trạch.
Phần II: Gồm một số kết quả nghiên cứu khoa học về Vũ Hồn - Thuỷ tộc, Thần tổ họ Vũ làng Mộ Trạch và các tài liệu liên quan đến việc biên soạn tiếp bộ tộc phả do nhóm phụ trách công tác gia phả: Vũ Thuý - Võ Văn Liên - Tiến sĩ Vũ Duy Mền (Viện Sử học), thuộc Ban liên lạc họ Vũ (Võ) Việt Nam sưu tầm và sơ bộ xử lý.
Trong kho tàng gia phả của dòng họ Việt Nam nói chung và dòng họ Vũ nói riêng, bộ Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích từ lâu đã nổi tiếng chẳng những trong ngoài tộc mà còn cả với giới học giả trong ngoài nước do giá trị nhiều mặt của nó như một thư tịch còn lại từ giữa thế kỷ XVII cho phép khảo cứu cả loạt vấn đề xã hội Việt Nam truyền thống.
Những gia phả xưa đều viết bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, những thứ văn tự ngày nay rất ít ngườI đọc được. Vì vậy, bộ gia phả của họ Vũ làng Mộ Trạch đã được một số vị tâm huyết trong ngoài tộc dịch sang Quốc ngữ từng phần hay toàn bộ. Những bản phiên dịch hoặc phỏng dịch của các vị tiền bối ấy, dẫu còn một số khiếm khuyết song đã có đóng góp tích cực vào công việc phục hưng văn hoá dòng họ và làng xã.
Bản dịch mới của Vũ Thế Khôi được thực hiện trong khuôn khổ chương trình Nghiên cứu gia phả Việt Nam do Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam, làm Chủ nhiệm. Bởi vậy trước khi dịch, dịch giả đã tiến hành việc khảo sát thẩm định văn bản của các dị bản thuộc bộ tộc phả Vũ Mộ Trạch do trường Viễn Đông Bác Cổ đã sưu tầm, tổ chức sao chụp và lưu trữ, hiện nay bảo quản tại thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm Hà Nội.
Để đáp ứng các yêu cầu khoa học về một văn bản tương đương với bản gốc, có thể cho phép sử dụng làm căn cứ cho các công trình nghiên cứu khác, cho nên bản dịch đã chú trọng tính chính xác và nguyên tắc trung thành với nguyên tác. Tất cả các đính chính, chú giải, bình luận dựa trên cơ sở đối chiếu với sử liệu, bi ký và thơ văn liên quan đều được đưa xuống phần chú thích ở cuối trang. Dịch giả không thêm bớt bất cử điều gì vào văn bản, chỉ lược bớt (có báo hiệu bằng dấu <…>), một bài thơ, câu đốI tán tụng chung chung…Dẫu sao đó cũng là một thiếu sót của bản dịch này.
Bản dịch có kèm theo phả đồ của Ngũ chi và Bát phái do dịch giả lập dựa hoàn toàn vào hai bản phả đã thẩm định và lựa chọn cho nên phả hệ dừng ở giữa thế kỷ XIX.
Việc công bố kết quả khảo cứu văn hoá với bản dịch Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích và những kết quả nghiên cứu bước đầu về Thuỷ tổ Vũ Hồn, cùng vớI việc sưu tập, khai thác tài liệu, chắp nối tộc phả cho thấy công tác gia phả của nhóm biên soạn và Ban liên lạc họ Vũ (Võ) Việt Nam đã đạt được thành quả đáng kể. Song mới là bước đầu, còn phảI cố gắng nhiều mới đáp ứng được lòng mong mỏi của bà con đồng tộc họ Vũ trong cả nước và ở nước ngoài. Theo thiển ý của tôi, những bước cần làm tiếp theo có thể như sau:
- Mở rộng việc hợp tác nghiên cứu với các nhà gia phả học Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
- Tiếp tục dịch một số quyển phả của các chi, phái họ Vũ làng Mộ Trạch, trước hết là bản Mộ Trạch A mới phát hiện, phả Thế Trạch đường (phái Đinh) và Tích Thiện đường (phái Kỷ) để làm tài liệu đối chứng, tiến tới tục biên phả hệ của Ngũ chi và Bát phái họ Vũ làng Mộ Trạch cho đến đương đại.
- Trên cơ sở bản danh sách các vị họ Vũ làng Mộ Trạch đã ly hương đi lập nghiệp nơi khác, lập bản đồ lan toả họ Vũ từ trung tâm Mộ Trạch đi đến các địa phương; cùng các chi họ Vũ địa phương thực hiện việc chắp nốI có căn cứ với phả hệ Vũ Hồn để tiến tớI biên soạn bộ Hợp phả họ Vũ Mộ Trạch trên cơ sở thư tịch và căn cứ thực tế.
- Tổ chức sưu tầm, khảo đính và biên dịch chuyên sâu các bộ phả cổ của những nhánh họ Vũ khác, trước hết ở một số trung tâm họ Vũ lớn như Hà Nội, Hà Tây, Thanh Hoá, Nghệ Tĩnh, Quảng Nam - Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh; tiến tới lập Toàn đồ phân bố họ Vũ ở Việt Nam.
Một kế hoạch đòi hỏi sự kiên trì và quyết tâm rất cao.
Nhưng tôi hy vọng rằng, công trình khoa học đầu tiên về gia phả của họ Vũ làng Mộ Trạch sẽ động viên, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc vấn tổ tầm tông, phát huy truyền thống Nhân - Trí và tập hợp nhân tài, vật lực của người mang họ Vũ từ Bắc chí Trung, Nam để đời nối đời thực hiện tâm nguyện đoàn kết dòng họ, góp phần xây dựng và gìn giữ truyền thống văn hoá dòng họ Việt Nam.
Hà Nội, Xuân Ất Dậu - 2005
Giáo sư, Anh hùng lao động Vũ Khiêu
Chủ tịch Danh dự Ban liên lạc họ Vũ (Võ) Việt Nam
www.hovuvovietnam.com
|