(hovuvovietnam.com) - Ngày 15/4/2025 (tức ngày 18/3 âm lịch), tại đền Bát Nàn (khu 1, xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), hàng nghìn người dân địa phương, các hậu duệ họ Vũ - Võ cùng du khách thập phương đã về dự Lễ dâng hương tưởng niệm 1982 năm ngày mất của Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục (18/3/43 - 18/3/2025 âm lịch).
Nữ tướng Bát Nàn
Trước đó, tại xã Đoan Hùng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Lễ hội đền Tiên La năm 2025 tưởng niệm 1982 năm ngày mất Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục được long trọng tổ chức từ ngày 07 đến 11/4/2025 (tức từ ngày 10 đến 14/3 âm lịch).

Đền Bát Nàn, nơi thờ Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục.
Sự kiện không chỉ là dịp tri ân công đức của nữ tướng, anh hùng dân tộc Vũ Thị Thục mà còn khẳng định sức sống bền bỉ của văn hóa truyền thống, văn hóa dòng họ Việt Nam qua gần 2000 năm lịch sử.


Đông đảo nhân dân địa phương, các hậu duệ họ Vũ - Võ cùng du khách thập phương tham dự lễ hội.
Lễ dâng hương nhân dịp Lễ hội truyền thống năm 2025 diễn ra trong không khí trang nghiêm, đậm chất văn hóa lịch sử. Chính quyền địa phương và Ban Quản lý di tích đền Bát Nàn, Ban Quản lý di tích đền Tiên La đã tổ chức các hoạt động: Tế, lễ, đọc chúc văn, đâng hương, ôn lại tiểu sử, thân thế và sự nghiệp của Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục và một số hoạt động văn hóa, văn nghệ hấp dẫn.
Vũ Thị Thục - Nữ tướng kiệt xuất dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng
Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục là một trong những nữ tướng kiệt xuất dưới cờ khởi nghĩa của Hai Bà Trưng vào đầu thế kỷ thứ nhất sau công nguyên. Có nơi gọi Bát Nàn là Bát Nạn hay Bát Não, Chầu Tám Bát Nàn. Bà Vũ Thị Thục sinh ra tại vùng đất Phượng Lâu, nơi hội tụ khí thiêng sông núi Phú Thọ - cái nôi của nền văn minh Văn Lang. Với tài thao lược và lòng dũng cảm, bà đã lãnh đạo nghĩa quân đánh đuổi quân Hán, góp phần giành độc lập cho dân tộc. Ngày 18/3 năm Quý Mão (tức năm 43 sau công nguyên), bà đã hy sinh anh dũng trong trận chiến cuối cùng chống quân Mã Viện, để lại tấm gương sáng về tinh thần quật khởi.
Tượng Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục (17 - 43).
Theo thần phả và một số ghi chép, Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục sinh ngày 15/8 năm Đinh Sửu (năm 17 sau công nguyên) tại trang Phượng Lâu (nay là xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, Phú Thọ). Theo nghĩa Hán thì Phượng Lâu có nghĩa là Lầu thượng, thường gọi nơi vua ngự là “Lầu sơn gác tía” (nơi hóng mát của vua chúa). Thời Hùng Vương, trang Phượng Lâu thuộc bộ Văn Lang. Thời Hán nằm trong quận Giao Chỉ.
.jpg)
.jpg)
Ông Vũ Đình Thảng, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Khuyến học, khuyến tài và thi đua khen thưởng Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ Việt Nam; Ông Vũ Hữu Mai, Phó Chủ tịch kiêm Trưởng ban Phát triển dòng họ Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, Lãnh đạo Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ cùng đại diện CLB Thế hệ trẻ họ Vũ - Võ Việt Nam, Ban Truyền thông dòng họ tham dự lễ dâng hương.

Ông Vũ Khắc Hoài Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ và đại diện Ban Quản lý di tích Trạng nguyên Vũ Duệ (Lâm Thao, Phú Thọ) dâng hương tại đền Bát Nàn.
Bà Vũ Thị Thục vừa đẹp người, đẹp nết, thông minh, học giỏi, văn võ song toàn, tục gọi là Thục Nương. Thân phụ của Vũ Thị Thục là hào trưởng, thầy thuốc Vũ Công Chất, thân mẫu là Hoàng Thị Mầu. Đến tuổi trưởng thành Thục Nương hứa hôn với Phạm Danh Hương, con trai hào trưởng quận Nam Chân, nhưng chưa kịp làm đám cưới thì cha và chồng chưa cưới bị viên quan Thái thú Tô Định (nhà Hán) ép buộc phải gả Thục Nương cho hắn. Bị Thục Nương cự tuyệt, Tô Định sai quân lính dùng cực hình giết hại cha con Phạm Danh Hương rồi cho quân về Phượng Lâu bắt Thục Nương. Biết tin Thục Nương vô cùng căm giận. Khi quân Tô Định tới nơi Thục Nương chém giết tên cầm đầu rồi chèo thuyền vượt sông đến Tiên La bên bờ sông Thiện Đức thuộc địa phận tỉnh Thái Bình nương náu.

Ông Trần Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ phát biểu tại buổi lễ.
Tại Tiên La bà đã lập căn cứ, tổ chức cho nhân dân phát triển nông nghiệp, xây dựng lực lượng đội quân hùng hậu, tụ cờ khởi nghĩa giải phóng được Tiên La và một số vùng lân cận, xưng là “Bát Nàn đại tướng quân”. Khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đã cho người về khuyến dụ hợp sức, bà đã cùng các tướng lĩnh kéo quân về Mê Linh dựng cờ khởi nghĩa, đánh đuổi giặc Hán.
Nước nhà độc lập, Trưng Vương lên ngôi, phong Thục Nương là “Bát Nàn đại tướng quân - Trinh thục công chúa”, cho hưởng thực ấp và quản lĩnh ở hai nơi là Tiên La (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và Phượng Lâu (TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ). Thục Nương được vua ban cho xe loan, quân hầu, thị nữ cùng bạc, ngọc, lụa là.


Đại diễn Đảng ủy, Chính quyền và các đoàn thể xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì và đông đảo nhân dân dâng hương tại đền Bát Nàn.
Đến tháng 4 năm 42 sau công nguyên, giặc Hán lại đem quân xâm chiếm nước ta, Hai Bà Trưng cùng nhiều tướng sỹ đã hy sinh anh dũng. Sau trận Cẩm Khê thất thủ, Vũ Thị Thục đem quân về cố thủ ở Tiên La Trang để tiếp tục kháng chiến.
Năm 43 nhà Hán đưa hàng vạn quân sang đánh chiếm lại đất Giao Chỉ. Trong trận chiến không cân sức, quyết không hàng giặc, chiến đấu đến những người cuối cùng. Khi chỉ còn một mình Thục Nương vẫn anh dũng tả xung hữu đột chém, giết thêm nhiều quân giặc, phá vòng vây phi ngựa về gốc cây thông trên gò Kim Quy tuốt gươm tự vẫn để báo đền nợ nước, trả thù nhà vào đêm 17 tháng, rạng sáng ngày 18/3 năm Quý Mão, cách đây 1982 năm. Gò Kim Quy có phần mộ của bà Vũ Thục Nương. Tưởng nhớ công ơn của bà, nhân dân đã xây dựng đền Tiên La tại khu vực gò Kim Quy và gìn giữ, phụng thờ gần 2000 năm nay.
Vì khi cầm binh đuổi giặc, từ cửa sông Đáy về ngã ba sông Nông, bà Vũ Thị Thục thường cai quản 18 cửa ngàn, nên tục gọi bà là Thượng ngàn. Và ngôi chùa mà bà tu, sách chép là chùa Nam Liên ở trên núi, nên tục cũng gọi bà là Sư nữ Nam Liên.
Tri ân công đức nữ tướng anh hùng của dân tộc
Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục được các triều đại sau truy phong thần. Đời vua Lê Thánh Tông sắc phong: “Ý đức đoan trang Trinh thục công chúa”. Đời vua Minh Mạng sắc phong: “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần” Đời vua Khải Định sắc phong: “Dực bảo trung hưng linh phù thượng đẳng thần”
Trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, bà Vũ Thị Thục được suy tôn là Thánh Chầu Đệ Bát trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà.

Đội tế nữ tri ân Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục
Ghi nhớ công lao của Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục, nhân dân các tỉnh, thành phố: Thái Bình, Hưng Yên, Lạng Sơn, Hà Giang, Hải Phòng đã lập đền thờ để các thế hệ cháu con hương khói, tưởng nhớ nữ tướng anh hùng của dân tộc. Quê hương Phượng Lâu lập đền thờ Bát Nàn dưới gốc cây đa cổ thụ.
Năm 2012, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có gửi Thiếp chúc mừng đền Tiên La nhân Lễ tôn vinh Bà Tổ Mẫu Vũ Thị Thục. Đây là sự kiện rất ý nghĩa vì chữ ký Thiếp chúc mừng là một trong những chữ ký cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi mất (30/8/2013 âm lịch) nhằm tôn vinh, tri ân nữ Anh hùng dân tộc Vũ Thị Thục.

Thiếp chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chúc mừng Lễ tôn vinh Bà Tổ Mẫu Vũ Thị Thục tại đền Tiên La (Hưng Hà, Thái Bình).
Phát biểu tại lễ hội truyền thống đền Bát Nàn, ông Trần Huy Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Phượng Lâu, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ cho biết: “Noi theo gương sáng của Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, dưới triều đại phong kiến trong lúc đất nước hòa bình hay khi bị lâm nguy dưới ách đô hộ của giặc phương Bắc, nhân dân Phượng Lâu vẫn một lòng tận trung với tổ quốc, quyết tâm giữ đất, giữ làng, với phương trâm nước mất nhưng làng vẫn còn, còn làng là còn nước. Vì vậy quyết tâm giữ gìn xây dựng quê hương đồng thời cũng sáng tạo ra những công trình văn hóa đặc sắc tiêu biểu là những di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn gắn liền với các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu là các lễ hội truyền thống xuân thu nhị kỳ cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đất nước bình yên.”

UBND xã Phượng Lâu tri ân Thủ nhang đền Bát Nàn Nguyễn Thị Ngọc.

Thủ nhang đền Bát Nàn Nguyễn Thị Ngọc

UBND xã Phượng Lâu tri ân các thanh đồng có đóng góp cho Lễ hội truyền thống đền Bát Nàn năm 2025.
Lễ tưởng niệm 1982 năm ngày hóa Đông Nhung Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục không chỉ là hoạt động văn hóa mà còn là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại. Trong dòng chảy hối hả của hiện đại, những giá trị lịch sử được gìn giữ qua từng nén hương, điệu múa, câu hát, trống hội... chính là minh chứng cho sức sống trường tồn của dân tộc. Gương anh hùng Vũ Thị Thục với lịch sử hơn 2000 năm chẳng phai, tinh thần của Bát Nàn đại tướng quân Vũ Thị Thục và các bậc tiền nhân có công với đất nước, với dân tộc mãi mãi là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ sau./.

Đoàn anh chị em họ Vũ - Võ tại Hà Nội thăm gia đình ông Vũ Bình, Phó Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ sau lễ dâng hương tại đền Bát Nà.
Bài và ảnh: VŨ XUÂN KIÊN
|