Tháng 5/2007, ông được mời tham gia Hội thảo quốc tế với chủ đề "Việt Nam, thời điểm duy tân (1905-1908)" tại thành phố Aix-en-Provence nước Pháp để trình bày tham luận khoa học về Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn - một cội nguồn văn hoá – xã hội sâu xa của Đông Kinh Nghĩa thục. Sau đó ông cũng tham dự Hội thảo kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa thục ở Đại học Quốc Gia Hà Nội. Những phát hiện mới về Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn khiến không ai có thể hoài nghi tinh thần nghiên cứu nghiêm túc, tận tâm của tác giả.
Phỏng vấn nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi
Ông đã phát hiện ra rằng lời giới thiệu về đền Ngọc Sơn ghi ở một số sách vở là không chính xác. Vậy xin ông nói tóm tắt lại lịch sử chính xác của đền Ngọc Sơn?
Đúng, lai lịch của đền Ngọc Sơn được ghi ở bảng giới thiệu trong đền và cả trong Từ điển Bách khoa Việt Nam (1995, tập 1, tr.776) đều không chính xác. Căn cứ vào bài văn bia Ngọc Sơn Đế Quân từ ký do TS. Vũ Tông Phan soạn và tập trung đến năm 1843 (và một số văn bia khác), thì ban đầu, khoảng thời cuối Lê, ở đó có Đài câu, nơi Vua Lê, Chúa Trịnh đến câu cá. Đến khoảng đầu đời Gia Long thì đền thờ Quan Đế (Quan Công) được dựng lên. Sau đó có một người tên hiệu là Tín Trai người làng Nhị Khê nhân có đền Quan Đế ở đó đã mở rộng, sửa sang thêm, đặt tên là chùa Ngọc Sơn (có tính chất là chùa tư gia). Ông Tín Trai mất, chùa cũng đổ nát. Lúc đó, Hội Hướng Thiện mới được những người khoa mục lập ra, chủ trương làm điều có ích cho dân (chứ không phải tu Phật, tu Lão như nhiều người lầm tưởng). Hội vốn thờ Văn Xương Đế Quân mà chưa có đền, các con ông Tín Trai đã nhượng lại nơi này cho Hội. Hội bèn tu bổ đền Quan Đế, cải tạo chùa thành đền Ngọc Sơn thờ Văn Xương Đế Quân. Từ đó, đền Ngọc Sơn trở thành trụ sở của Hội Hướng Thiện. Tóm lại, thời điểm sáng lập đền Ngọc Sơn là vào năm 1842, chứ không phải là vào năm 1843 hay 1865 như các sách đã ghi và cũng không phải do Nguyễn Văn Siêu cho xậy dựng. Sau này, Nguyễn Văn Siêu là người trùng tu đền, và cho thể hiện mục đích, tôn chỉ chấn hưng văn hoá, giáo dục của Hội bằng các kiến trúc mới như Tháp Bút, Đài Nghiên, Đình Trấn Ba, bắc Cầu Thê Húc, để ngôi đền có diện mạo tổng thể gần như ngày nay. Thời gian đợt trùng tu và tôn tạo lớn này tôi xác định trên cơ sở thơ văn chữ Hán của Nguyễn Văn Siêu là từ năm 1859 đến năm 1862 thì hoàn thành.
Đền Ngọc Sơn thời Pháp thuộc
Ông đã khằng định đền Ngọc Sơn gắn với Hội Hướng Thiện và phong trào chấn hưng văn hoá, giáo dục Thăng Long. Quả thật, đối với nhiều người, cái tên Hội Hướng Thiện còn rất mới lạ !
Đúng vậy, Hội Hướng Thiện có được nhắc đến trong một số sách vở của những nhà nghiên cứu nhưng chỉ vài dòng sơ sài. Tôi nói gọn như thế này: Hai mươi năm sau khi Gia Long lên ngôi, nhà Nguyễn bắt đầu lộ bộ mặt chuyên chế. Với đám sĩ phu Bắc Hà giỏi giang nhưng cứng đầu, Minh Mạng chủ trương hạ thấp vị thế chính trị và bạt bớt chiều cao văn hoá của cố đô Thăng Long nhằm độc tôn kinh đô Huế. Giáo dục Thăng Long bị bỏ bê, chỉ những tụ điểm ăn chơi là nhiều, lối sống giả trá… Lo lắng cho thế cuộc, ông nghè làng Tự Tháp bên Hồ Gươm là Vũ Tông Phan cùng một số nhà khoa bảng có uy tín đã thành lập Hội Hướng Thiện, lấy đền Ngọc Sơn làm trụ sở. Hội chủ trương chấn hưng văn hoá – giáo dục Thăng Long, phương pháp là làm những điều có ích cho dân để qua đó mà giáo hoá cho họ. Các hoạt động của Hội bao gồm việc tổ chức những buổi giảng Thiện với những bài kinh phù hợp có sẵn trong truyền thống phụng thờ Văn Xương. Khi các bản kinh (cũ) không còn đủ để dùng, Hội mượn danh Đức Thánh Trần, Thánh Mẫu Liễu Hạnh mà “giáng bút” ra những bản kinh (mới) nhằm giáo dục con người lòng hướng thiện, chỉ tu thân, lòng hiếu đễ, trung chính… Hội còn tổ chức khắc ván và in sách. Đến cách mạng tháng Tám năm 1945, (những) bản kinh này vẫn còn được giảng ở đền Ngọc Sơn và các đàn Thiện địa phương.
Nửa đầu thế kỹ XIX, hàng loạt các trường tư thục đã được mở, ở khu vực Hồ Gươm. Đầu tiên là trường của cụ nghè Phạm Quý Thích, thầy học của Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Nguyễn Văn Lý, Lê Duy Trung. Tiếp theo là trường Hồ Đình do Vũ Tông Phan mở; trường Phương Đình của Hội trưởng thứ hai - Nguyễn Văn Siêu; trường của ông cử Nguyễn Huy Đức, cả hai đều là học trò của Vũ Tông Phan… Ngoài việc dạy học, các trường còn là địa điểm tổ chức hàng loạt các sinh hoạt văn hóa khác như đàm luận thơ văn, tổ chức tưởng nhớ những người thầy, những sĩ phu tài đức, … Nửa sau thế kỷ XIX, với những hoạt động tích cực của Hội Hướng Thiện, thêm nhiều trường được thành lập, làn sóng học tập càng được mở rộng cho tới dân chúng. những bóng nho sinh áo the khăn xếp đi lại tấp nập, lòng ham học lại được khơi dậy như Thăng Long trước đây. Có thể nói, Hội Hướng Thiện đã đóng vai trò rất lớn trong việc xây dựng, bảo tồn văn hoá, giáo dục đất kinh kỳ, vực Thăng Long từ chỗ hoang tàn và suy đồi, trở nên, như báo Le Courrier de Saigon nhận xét: “Đứng đầu vương quốc về nghệ thuật, về kỹ nghệ, thương nghiệp, sự giàu có, số dân đông đúc, sự lịch duyệt và học vấn…”
Tôi cũng nói thêm là trên một tấm bia do phả Thiện An Lạc (một nhánh của Hội Hướng Thiện) dựng, chép việc năm 1903 trong đền Ngọc Sơn có xây một đàn giảng kinh, đồng thời khắc tên những người tham gia dựng đàn, tôi đã phát hiện danh tính Lương Văn Can và Nguyễn Thượng Hiền, hai yếu nhân của phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa thục. Đó là một bằng chứng xác thực về mối liên quan của Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với phong trào văn thân yêu nước. Tôi đã viết bài "Hội Hướng Thiện đền Ngọc Sơn với sự nghiệp chấn hưng văn hoá Thăng Long" (Tạp chí Xưa & Nay, số 30, 8/1996), bài này vừa rồi đã được Ban tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Việt Nam, thời điểm duy tân (1905-1908)" tại Pháp nêu trong báo cáo đề dẫn gửi trước tới đại biểu các nước, coi như một căn cứ để đề ra mục tiêu của Hội thảo là tìm hiểu bề dày xã hội của phong trào Duy tân hồi đầu thế kỷ XX ở Việt Nam. Anh Chương Thâu, một nhà sử học chuyên nghiên cứu nhiều năm về phong trào Duy tân và Đông Kinh Nghĩa thục, cũng cho rằng tôi đã có một phát hiện quan trọng về nội lực của các phong trào này, trong khi từ trước đến nay các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước mới chỉ chú trọng tác động ngoại lai là tác động của duy tân ở Nhật Bản và “Tân thư” truyền vào Việt Nam từ Trung Quốc.
Trở lại với những bài báo ông đã từng viết mấy năm trước về những sai sót, nhầm lẫn vì thiếu hiểu biết ở ngôi đền được coi là một biểu tượng thiêng liêng của thủ đô, xin hỏi ông là đến nay, những nhầm lẫn đó đã được sửa chữa chưa?
Tháng 4/2000 đến thăm đền Ngọc Sơn, tôi và học trò đã phát hiện ra rất nhiều sai sót. Tấm bảng giới thiệu sai. Câu đối mang từ đền vua Lê phía bên kia hồ sang treo bị lộn về phía trước ra sau. Tượng Phật thì bị đặt lên ngai từng để bài vị của Trần Hưng Đạo. Còn Đức Thánh Trần đành phải cưỡi ngựa Xích Thố của Quan Công, bởi vì người ta đã di chuyển tượng Quan Công ra ngoài, đem tượng Đức Thánh Trần vào nhưng lại để câu đối về Quan Công ở lại! Tôi đã báo những cái sai không thể chấp nhận đó cho Ban quản lý đền, 2 tháng sau quay lại thấy … vẫn y nguyên. Tôi bức xúc quá nên viết bài lên báo. Truyền hình nhân việc này cũng làm rùm beng lên thì 2 vế đối mới được treo lại, tượng Phật mãi về sau được rước đi, nhưng cho đến hôm nay, câu đối chéo ngoe thì vẫn y nguyên…
Ngày 30/08/2007, tại Trung tâm văn hoá và ngôn ngữ Đông Tây, trước cử toạ có một số nhà toán học, sử học nổi tiếng, ông đã trình bày cách giải mã mới một số câu văn bia và câu đối trong đền Ngọc Sơn. Vì sao ông giải mã lại một số câu đối của đền Ngọc Sơn, trong khi đã có rất nhiều các bậc tiền bối lý giải nó và đã được chấp nhận?
Vì những nhà nghiên cứu khác không biết đến Hội Hướng Thiện. Tôi cho rằng không thể hiểu các câu đối trong đền Ngọc Sơn đơn giản như những câu miêu tả vẻ đẹp và sự linh thiêng của nó. Đền do Hội Hướng Thiện xây dựng, đương nhiên có nhiều câu đối do các sĩ phu trong Hội viết, vậy thì nhất định những câu đối ấy phải tiềm ẩn lý tưởng chấn hưng văn hoá Thăng Long của Hội. Diễn giải thì dài, ai quan tâm có thể xem bài "Câu đối đền Ngọc Sơn - một di sản văn hoá quí giá" (Tạp chí Văn hiến Việt Nam số 9+10, 2001), và "Câu đối đền Ngọc Sơn – vài vấn đề về địa chỉ và dịch thuật" (Tạp chí Hán Nôm số 6/2003) của tôi.
Có một cuốn sách đề “Tháp Bút. Đài Nghiên, Đình Trấn Ba - lời nhắn của người xưa” của tác giả PĐH được NXB Văn hoá – Thông tin ấn hành tháng 11/2006, chắc hẳn ông đã biết. Trong đó có nhiều ý có vẻ như không đồng quan điểm với ông?
Theo tôi, cuốn sách đó có rất nhiều điểm không chính xác và có những suy luận vô căn cứ. Ví dụ, tác giả PĐH cho rằng tất cả những câu đối đại tự bên ngoài đền Ngọc Sơn đều là của Nguyễn Văn Siêu, và Long Môn, Hổ bảng cũng do ông “cho dựng”. Không đúng, vì trong Phương Đình văn loại dày 898 trang và Phương Đình thi loại dày 580 trang của Thần Siêu đều không có những câu đối đó. Bài ký do chính ông chép việc ngày 04 tháng Giêng (âm lịch) năm 1863, ông dẫn các quan đầu tỉnh Hà Nội đi thăm ngôi đền mà ông chủ trì tôn tạo, có kể tên các kiến trúc mới là Tháp Bút, Đài Nghiên, cầu Thê Húc và đình Trấn Ba, nhưng không hề có chữ nào về Long môn, Hổ bảng và các câu đối ở đó. Trong bài miêu tả đền Ngọc Sơn từ cổng vào đến hậu điện của một học giả người Pháp tên là G. Dumoutier làm ở Sở Địa chính Đông Dương viết năm 1887 cũng chưa nói có Long môn, Hổ bảng. Tấm ảnh chụp đền Ngọc Sơn cho thấy: chúng chỉ xuất hiện trong những bức ảnh sau năm 1887 - trước năm 1902.
Các câu Ngọc ư tư / Sơn ngưỡng chỉ và hai chữ Phúc, Lộc ở cổng ngoài cũng sau năm 1902 mới có, tức đều do người đời sau đề. Vì thế, những lý giải về câu đối của tác giả PĐH để gán ghép cho Nguyễn Văn Siêu “nhắn gửi” đời sau chỉ là những suy đoán chủ quan, vô căn cứ. Ngoài ra còn nhiều chỗ nữa mà tôi không thể kể hết ở đây.
Ông có thể chia sẻ một chút những kinh nghiệm, hay phương pháp nghiên cứu của ông với độc giả?
Khoảng cuối năm 1992, sau khi nghe tôi trình bày về việc căn cứ thơ văn chữ Hán của các tiến sĩ Phạm Quý Thích, Vũ Tông Phan, Nguyễn Văn Siêu, Lê Đình Diên…; việc tôi phát hiện lại đền thờ Lê Thái Tổ và Trần Hưng Đạo bên Hồ Gươm mà các nhà nghiên cứu Hà Nội tiền bối và đời nay chưa hề nhắc đến, nhà Hà Nội học lão thành, cụ Hoàng Đạo Thuý bảo tôi: “Ông Khôi có cái phương pháp văn bản học ghê gớm của các thầy người Nga”.
Quả thật là hồi ở Nga, tôi đã học được phương pháp nghiên cứu đối chiếu và hệ thống. Từ chỗ nghiên cứu về Vũ Tông Phan, một nhà văn hoá lớn, ông tổ 5 đời dòng họ VŨ làng Lương Ngọc (Hải Dương), tôi đã nghiên cứu về Hội Hướng Thiện - một tổ chức xã hội – văn hoá của sĩ phu Hà Nội với những tư tưởng canh tân, theo đuổi lý tưởng chấn hưng giáo dục ở Thăng Long – mà Vũ Tông Phan là người khai sáng, làm Trưởng Hội đầu tiên. Từ đó, tôi nghiên cứu tất cả các thành viên chủ chốt của Hội, cả về thân thế và sự nghiệp của họ. Nghiên cứu đền Ngọc Sơn - trụ sở hoạt động của Hội Hướng Thiện, tôi đối chiếu với các đền miếu liên quan đương thời, với các giai đoạn lịch sử trước và sau, đọc các bi ký, đọc các trước tác của các sĩ phu trong Hội… Cuối cùng, hệ thống tất cả lại, tôi phát hiện ra nhiều điều mới mà những người khác chưa biết.
Có vẻ như Ông đã “xới tung” cả đền Ngọc Sơn và đất quanh Hồ Gươm rồi, vậy ông đã thấy tạm đủ chưa?
Tôi đang tiếp tục nghiên cứu về lớp sĩ phu Thăng Long thế kỉ XIX. Vẫn còn rất nhiều điều thú vị về họ mà chưa sách vở nào nói tới.
Cảm ơn ông. Chúc ông sớm hoàn thành công trình để người đọc có thêm được những tư liệu, kiến thức quý báu!
(Bản tin Đại học Quốc Gia Hà Nội)
|