Tuổi thọ của ông, sự ra đi của ông và lễ tang ông thật hiếm có. Đời người hữu hạn, 50 tuổi là lão, 60 tuổi là thọ, 70 tuổi là thượng thọ, từ 80 tuổi là đại thọ. Đại thọ không phải ai muốn cũng được. Đó là Thiên mệnh. Đạo lý truyền thống của người Việt Nam là kính già, yêu trẻ, coi tuổi cao hơn "ghế" cao.
Có lần quan đại triều nhà Nguyễn - cụ Tam nguyên Yên Đổ cũng chính là nhà thơ Nguyễn Khuyến nổi tiếng - về quê, đến dự lễ mừng thọ một ông nhiêu trong làng 80 tuổi.
Nhà thơ tới, cung kính cúi đầu vái chào.
Thấy vậy có người hỏi: "Thưa cụ là Tam nguyên, bậc đại quan triều đình, còn người được mừng thọ hôm nay chỉ là chức "nhiêu mua" ở làng...?".
Đoán ra điều người ấy muốn nói, nhà thơ giảng giải rằng: từ 80 tuổi là đại thọ, đó là thiên tước Trời ban. Còn dù có là Trạng nguyên, Tiến sĩ, hay quan chức đại triều thì cũng chỉ là thứ vua ban. Vua ban thì so sao được với Trời ban.
Thấm thía lời nhà thơ nói ai cũng tâm đắc gật đầu.
Thọ 103 tuổi như Đại tướng Võ Nguyên Giáp thế gian này rất hiếm. Kỳ tích ấy thuộc về người đại hồng phúc.
Đại thọ đến 103 tuổi, mà trong cơ thể không đeo ủ trọng bệnh, chỉ như ngọn đèn leo lét cạn dầu rồi qua đời theo quy luật. Minh mẫn tỉnh táo đến ngày cuối cùng. Đại tướng ra đi thanh thản nhẹ nhàng trong sự hiện diện, lưu luyến tiếc thương của tất cả con cháu và những người thân.
Đó là sự viên mãn hoàn hảo.
Theo tập quán của người Việt Nam từ xa xưa, ai đạt tuổi từ đại thọ là "Thiên phước", thì khi qua đời sẽ không bị chi phối bởi giờ xấu, điềm gở và được coi là "Hồng tang", luôn đem phúc lộc cùng mọi may mắn cho con cháu nơi trần thế.
Lễ Quốc tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lễ tang Đại tướng là "Hồng tang". Chúng ta mong rằng (điều này cũng đúng với tâm nguyện của ông) là ông sẽ phù hộ độ trì, đem hồng phúc không chỉ cho con cháu mà cho cả đất nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam, giúp cho quốc gia xã tắc tránh xa hoạn nạn, tự lực, tự cường, tự do dân chủ, công bằng bác ái, trên dưới một lòng đoàn kết, bảo vệ xây dựng cho dân giàu nước mạnh.
Đảng và Nhà nước quyết định tổ chức nghi thức Quốc tang rất trọng thể, Ban Lễ tang gồm các nhân vật giữ cương vị cao trong hàng ngũ lãnh đạo đất nước; nội dung Văn điếu sâu sắc, súc tích, trân trọng, thể hiện sự đánh giá đúng mức công lao to lớn của Đại tướng trong sự nghiệp cách mạng giữ nước và dựng nước cùng những phẩm giá cao quý về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ của ông. Điều đó rất đúng đạo lý và hợp lòng dân. Ngoài ra các địa phương, các cấp, các ngành, các đơn vị quân đội, công an, các đoàn thể, đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, Văn phòng Đại tướng và gia đình tổ chức, tạo thuận lợi để hàng triệu người được đến dự lễ viếng, lễ truy điệu, lễ hành táng, lễ an táng, lễ tưởng niệm ông tại Hà Nội, Quảng Bình, thành phố Hồ Chí Minh và cư gia số 30 phố Hoàng Diệu (Hà Nội) cùng nhiều nơi khác, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của đồng bào trong nước, Việt kiều ở nước ngoài cùng bầu bạn quốc tế được tỏ lòng tôn kính, biết ơn, thương tiếc đối với Đại tướng. Không ít nguyên thủ quốc gia, đại diện nhiều nước, cá nhân, tổ chức quốc tế tới viếng hoặc gửi điện chia buồn tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ ta và gia đình Đại tướng càng chứng tỏ uy tín, ảnh hưởng tốt đẹp của ông không chỉ trong nước mà cả thế giới.
Lễ tang Đại tướng, làm rung động mạnh mẽ, tạo ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống tinh thần của hầu hết người Việt Nam. Lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, thành kính tiếc thương vô hạn của mọi tầng lớp nhân dân đối với ông là minh chứng hùng hồn rằng, quyền lực, tiền bạc, không phải là thước đo nhân phẩm giá trị con người. Lòng yêu nước, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc và cuộc sống ấm no hạnh phúc của nhân dân; luôn đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết; lấy Dĩ công vi thượng là phương châm xử thế, nhân cách cao thượng, đạo đức trong sáng, bình dị trong lối sống mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hình mẫu tiêu biểu. Đó mới là căn cứ để khẳng định ý nghĩa và giá trị con người.
Lễ tang Đại tướng, khiến mọi người phải suy ngẫm, xem xét lại mình, tự lục vấn bằng những câu hỏi: những điều ta đã, đang, nghĩ, nói và làm đúng hay sai? Những mục đích mà lâu nay ta khát khao đạt được, giành được bằng mọi cách tốt hay xấu? Ta là người trung hay kẻ gian? Chính hay tà? Thiện hay ác? Cao thượng hay thấp hèn? Quân tử đàng hoàng hay tiểu nhân ti tiện? Vị tha hay ích kỷ? Ta đang sống hay chỉ là tồn tại?
Lễ tang Đại tướng, làm chúng ta giật mình, nhất là những ai đã trót làm điều sai trái, bất nhân, thất đức mà cứ tưởng vẫn trong vòng bí mật, thì bây giờ nhận ra rằng, bất kể nghĩ điều gì, nói lời gì, làm việc gì đều có Đất biết, Trời biết, lương tâm họ biết và đặc biệt lịch sử và nhân dân biết. Giấy không gói được lửa. Quả báo sẽ nhãn tiền, hoặc phải trả giá bằng sự thể hiện của lòng người qua đám tang, từ đó mà sám hối, ăn năn tu chỉnh, tích thiện, loại ác thì may ra một phần nhân phẩm được cứu vớt.
Lễ tang Đại tướng, giúp cho những người lâu nay hoài nghi, hoang mang trước sự đảo lộn đạo lý: tà át chính, gian thắng trung, giả dối thay thật thà, tiểu nhân vênh váo coi thường quân tử, người thiện sợ kẻ ác... thì nay tin tưởng chắc chắn rằng, đạo lý mãi mãi vẫn là đạo lý với tất cả chân giá trị cao đẹp. Dù nhất thời có bị những yếu tố phi đạo lý tấn công hủy hoại, nhưng cuối cùng vẫn ngời sáng, vẫn là thước đo phẩm giá con người. Từ đó chúng ta lạc quan hơn, vững vàng hơn, bản lĩnh hơn, quyết tâm theo đuổi, bảo vệ chân lý và lẽ sống tốt đẹp.
Lễ tang Đại tướng, góp phần quy tụ, nối liền, tạo mối liên kết chặt chẽ cho tất cả những người luôn trăn trở về đạo đức truyền thống, về vận nước, để từ đó quyết sát cánh cùng nhau, lấy tấm gương của Đại tướng, một điển hình phẩm chất người Việt Nam chân chính, noi theo.
Lễ tang Đại tướng, làm cho người Việt Nam hiểu nhau hơn, xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn, trách nhiệm với giang sơn đất nước hơn, cảnh giác với kẻ thù cả giặc ngoại xâm lẫn giặc nội xâm hơn, để đấu tranh đến cùng, bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và cuộc sống của mình.
Lễ tang Đại tướng, giúp ta nhìn nhận đánh giá thế hệ trẻ Việt Nam đúng hơn. Họ không thờ ơ với lý tưởng cao đẹp, yêu nước nồng nàn, sẵn sàng xả thân cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vì Tổ quốc, vì nhân dân, lấy Dĩ công vi thượng làm phương châm xử thế, giữ gìn nhân cách tu rèn đạo đức. Việc họ coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là thần tượng, tiếc thương vô hạn với lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ đã nói lên điều ấy. Bởi thế, chúng ta có thể đặt trọn niềm tin vào thế hệ trẻ.
Lễ tang Đại tướng chứng minh uy tín của ông chính là lòng dân.
Lễ tang Đại tướng thật đặc biệt. Suốt hành trình 100 cây số đường bộ (40 km từ Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội đi sân bay Nội Bài và 60 km từ sân bay Đồng Hới đi Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Bình), đoàn xe hộ tống linh cữu đưa thi hài ông hòa trong biển người dân ngưỡng mộ, thương tiếc, tôn kính và biết ơn. Bay trên không trung hơn 300 km trong khoảng khắc thời tiết đẹp hiếm có giữa lúc bão lớn đang đe dọa (từ sân bay Nội Bài đến sân bay Đồng Hới), để Đại tướng ngắm nhìn đất trời, núi non, sông ngòi, ruộng đồng, biển cả của Tổ quốc mà cả đời ông đã chiến đấu hy sinh, cống hiến để thu giang sơn về một dải trước khi vào cõi trường sinh.
Lễ tang Đại tướng, theo quy chế "Quốc tang". Nhưng điều đặc biệt rất hiếm có, là "Quốc tang trong lòng dân".
Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp khắp nơi nhân dân, cơ quan, đơn vị vũ trang (từ cấp tiểu đoàn) Đại sứ quán Việt Nam tại các nước trên thế giới lập Bàn thờ. Sau đó có nơi tổ chức xây Đền thờ ông.
Đó là truyền thống tốt đẹp đầy ý nghĩa thiêng liêng của nhân dân ta.
Đã từ bao đời cha ông, tổ tiên chúng ta coi các bậc vua hiền, tướng giỏi hết lòng vì giang sơn xã tắc, lập nhiều công lớn, cứu nước, thương dân được lập đền thờ. Lòng dân đã chọn ai thì không nhầm. Như đền thờ các vua Hùng, Thục phán An Dương Vương, Hai Bà Trưng, các vua triều Lý, triều Trần, triều Lê, Bác Hồ... Đền thờ các Danh tướng như Cao Lỗ, Bà Triệu, Lê Chân, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Thủ Độ, Quang Trung, Trần Khát Chân, Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương... để tỏ lòng biết ơn, tôn kính và giáo dục con cháu mình và hậu thế noi theo.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vui cùng cháu
Trong tâm niệm của nhiều người dân Việt Nam, anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp vô cùng thiêng liêng và cùng nhau lập đền thờ. Đó là việc làm tốt đẹp, kế thừa truyền thống uống nước nhớ nguồn đạo lý không thể thiếu và phù hợp với tín ngưỡng vốn tồn tại lâu đời trong cuộc sống tinh thần dân tộc ta.
Từ nay, vào tháng Tám âm lịch hàng năm đã và sẽ có: Lễ hội ở đền thờ Đức Thánh Trần (20.8), tại Bảo Lộc, Tức Mặc, Nam Định và Kiếp Bạc, Hải Dương. Mười ngày sau (30.8) Lễ hội ở đền thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến, Quảng Trạch và An Xá, Lệ Thủy, Quảng Bình. Nhân dân khắp thập phương sẽ tìm về cùng với các cấp chính quyền tổ chức trọng thể để tỏ lòng thành kính biết ơn hai bậc Danh tướng quân sự đã có công lớn với đất nước và cầu mong các Ngài ban cho sức mạnh vượt qua mọi thử thách khó khăn, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam luôn phồn thịnh.
Bởi vậy, không chỉ có vĩnh hằng và bất tử, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã về cõi trường sinh.
Vĩnh hằng là mãi mãi còn.
Bất tử là không chết.
Trường sinh là sức sống vô tận và không ngừng góp phần tạo ra môi sinh cho hậu thế, đặc biệt bằng những phẩm giá cao quý của nhân cách lớn và đạo đức trong sáng...
Danh tướng quân sự - Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn sống mãi trong tâm linh người Việt Nam!
Nhà văn Đắc Trung
|