Nhớ lại thời kì bao cấp, sau khi đất nước được giải phóng và thống nhất, nhiều người còn hãi hùng mỗi khi có việc phải đi xe, đi tàu.
Nhu cầu đi lại rất lớn trong khi phương tiện vừa thiếu, vừa xấu là hệ quả tất yếu gây ra cảnh chen lấn xô đẩy khi xếp hàng mua vé, cũng như khi lên tàu xe.
Mặc dù nói như nguyên thứ trưởng Bộ giao thông vận tải Bùi Văn Sướng, xã hội đã huy động tổng lực “nhà nhà làm vận tải, người người làm vận tải ” nhưng thực tế cho thấy, tình hình cũng không khả dĩ hơn được bao nhiêu.
Nhớ lại thời kì đó, những chiếc xe Ba Đình do các nhà máy sửa chữa ôtô Ngô Gia Tự, Hoà Bình đóng mới, những chiếc xe thời Mỹ - Nguỵ đã “quá đát” còn tiếp tục được sử dụng khai thác lèn chặt hành khách trong xe cũng như trên nóc ì ạch lăn bánh trên những con đường cơ khổ mà chột dạ.
Thế rồi, trong lúc Bộ Giao thông vận tải chưa đề xuất và chưa được chính phủ thông qua một chính sách gì mới về vận tải ngõ hầu phục vụ sự nghiệp khôi phục và phát triển kinh tế cũng như đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân thì trên tuyến đường Hà Nội - Hải Phòng xuất hiện một loại xe chở khách mới toanh mang thương hiệu Hoàng Long.
Đó là loại xe 16 đến 24 chỗ ngồi nhập từ Hàn Quốc còn rất mới. Đặc biệt của loại xe này là xe máy lạnh không giống như xe Ba Đình, ba bề bốn bên đón gió trời, hứng bụi và hứng cả cái nóng nung người mỗi khi hè về. Hành khách lúc đầu ngỡ ngàng leo lên chiếc xe sang trọng, cảm thấy mình thực sự là thượng đế khi được các nhân viên nhà xe niềm nở trao cho một chiếc khăn lạnh để lau mặt cho mát mẻ, một chai nước lạnh để đỡ cơn khát khi chờ đợi. Vì thế người ta đặt tên cho xe Hoàng Long là xe “ba lạnh”.
Bước đi của Hoàng Long là đột phá. Biết Hoàng Long hút khách nhưng chưa có sự chuẩn bị nên các hãng xe khác, đặc biệt là các công ty của nhà nước không kịp phản ứng, vì thế có thể nói Hoàng Long “một mình một chợ”. Trên tuyến Hà Nội - Hải Phòng, cứ 15 phút có một chuyến xe Hoàng Long xuất bến Yên Phụ và Tam Bạc. Còn ông chủ Vũ Văn Tuyến không giấu giếm khi tự hào khoe “mỗi tháng Hoàng Long lãi một con xe!”.
Nhưng rồi cơ chế thị trường, mà bản chất của nó là cạnh tranh đã thổi tới cơn gió nóng bỏng sau lưng Hoàng Long.
Các Công ty xe khách nhanh chóng học tập Hoàng Long, đổi mới đội xe. Cũng máy lạnh, cũng nước mát, cũng khăn lạnh. Nhưng cái khó bây giờ không phải là do cạnh tranh giữa các nhà xe với nhau mà là ở cơ chế xin - cho.
Cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều tiết, phân bổ các nhà xe theo từng tuyến và từng bến bãi. Các nhà xe phải chia thị phần, phân “lốt” chờ đến lượt xe của mình được phép rời bến. Mặc dù chất lượng các xe đã gần như nhau nhưng hành khách vẫn thích đi xe Hoàng Long không chỉ vì người ta đã thân quen nhà xe này mà là ở cung cách phục vụ mang đậm tính chuyên nghiệp, thực sự coi khách hàng là thượng đế.
Vũ Văn Tuyến không thể bằng lòng với việc bình quân số xe xuất bến của các hãng xe, anh quyết định thuê nhà trên đường Trần Nhật Duật làm bến xe trong nhà. Cứ 30 phút, xe Hoàng Long rời bến nhà nước vào “bến xe riêng” trong nhà ở Trần Nhật Duật đón khách. Khách chờ xe được ở trong nhà lạnh, có sách báo để đọc, chỉ 30 phút là có xe đến đón thì còn gì sung sướng bằng!
Tuy nhiên, điều này không kéo dài lâu. Vì theo yêu cầu của Sở Giao thông Công chính Hà Nội, Hoàng Long cũng phải vào bến bình đẳng như các hãng xe khác.
Bên cạnh đó là một số “biện pháp” để chắc chắn rằng Hoàng Long sẽ không “xé rào”. Bởi thế, Vũ Văn Tuyến có lúc chán nản không muốn kinh doanh vận tải nữa. Anh không cho phát triển đội xe, kinh doanh cầm chừng để giữ thương hiệu rồi bỏ vốn đi nuôi trồng thuỷ sản. Nhưng đó không phải là sở trường của anh. Trong cuộc đời làm kinh tế của anh, đó là thời kì buồn tẻ nhất! Bao nhiêu ý tưởng tốt đẹp không thực hiện được. Đi nuôi tôm, nuôi cua coi như đi ở ẩn.
Điều đó trái với bản chất con người ưa hoạt động, dám nghĩ, dám làm ở anh nên chỉ ít lâu sau anh bỏ các đìa tôm, các ao cua để trở về với nghề vận tải hành khách mà anh yêu quý. Việc đầu tiên, anh xin phát triển tuyến Hà Nội - Thái Bình. Khi có chủ trương mở tuyến này, có mười hãng xe lao vào cuộc cạnh tranh. Tại một cuộc họp do Sở Giao thông Công chính Hà Nội tổ chức, các chủ xe trong đó có Vũ Văn Tuyến, tranh luận nảy lửa chẳng anh nào chịu anh nào. Cuối cùng, hãng nào cũng được chạy tuyến, đồng nghĩa với việc thị phần nhỏ bé mỗi anh hưởng một tí. Điều này rất có thể dẫn đến một sự cạnh tranh không lành mạnh.
Trong khi đó, Vũ Văn Tuyến âm thầm chuẩn bị dàn xe xịn nhất và các độc chiêu khuyến mãi. Trước ngày khai tuyến một hôm, người dân thành phố Thái Bình ngỡ ngàng thấy mấy chục chiếc xe ca mới toanh treo biển Hoàng Long, cờ rong trống mở diễu hành trên các đường phố. Xe mới là một chuyện, quan trọng là ở cung cách phục vụ.
Người dân đã quá quen với cách nhà xe Hoàng Long hết lòng với khách hàng nên cứ chọn xe Hoàng Long mà đi. Thời gian đầu, theo lệnh của Vũ Văn Tuyến, nếu đến bến Thái Bình mà hành khách muốn đi tiếp về nhà ở gần đó, lái xe sẵn sàng phục vụ mà không lấy thêm tiền. Điều này làm cánh xe ôm ngơ ngác nhưng khách đi xe thì rất biết ơn nhà xe.
Với cách phục vụ hết mình như thế, chỉ sau một năm tuyến xe Hà Nội - Thái Bình nay chỉ còn ba hãng trụ lại. Trong đó, Hoàng Long chiếm thị phần lớn nhất như một lẽ đương nhiên. Sau tuyến Thái Bình, Hoàng Long lại tham gia thành công trên tuyến Hà Nội - Lạng Sơn, một tuyến rất đông khách khi bang giao kinh tế Việt Nam - Trung Quốc phát triển.
Để mở tuyến này, từ lâu Vũ Văn Tuyến đã canh cánh việc xe phải đỗ và xuất phát ở bến xe Gia Lâm rất bất tiện cho khách ở bên này Cầu Chương Dương. Mỗi lần xe đỗ, thấy đám xe ôm bao vây hành khách, Tuyến thấy cần phải nhanh chóng mở bến mới. Anh ôm ấp mở bến tư nhân, nhưng nội thành Hà Nội quá bé nhỏ không tìm đâu ra mảnh đất đủ lớn theo tiêu chuẩn của Cục Đường bộ Việt Nam.
Nhưng Vũ Văn Tuyến không chịu lùi bước. Có lần anh tâm sự về cái bãi bỏ không của nhà máy nước Lương Yên, anh có ý định hợp tác với họ. Một bên có đất, một bên bỏ vốn đầu tư….
Rồi sau đó thành phố Hà Nội đứng ra mở bến Lương Yên. Vậy là xe của Hoàng Long bây giờ không phải vào bến Kim Mã, cũng không phải vào bến Gia Lâm mà đã tiếp cận được với trung tâm thành phố. Dẫu sao, thế cũng là đạt được một phần nguyện vọng rồi. Còn nếu nhà nước cho phép liên doanh mở bến xe tư nhân thì chắc chắn bến xe sẽ văn minh lịch sự hơn so với hiện nay. Những tưởng Vũ Văn Tuyến bằng lòng với đội xe hơn một trăm chiếc chạy các tuyến Hà Nội, Hải Phòng, Lạng Sơn, Thái Bình thì một hôm, anh gọi điện mời tôi xuống đại bản doanh của Hoang Long ở Hải Phòng xem xưởng đóng tàu. Vũ Văn Tuyến đã đóng thành công tàu du lịch cao tốc chạy tuýên Hải Phòng - Cát Bà.
Nghĩ rằng đường bộ đến một lúc nào đó sẽ bão hoà, anh sang Trung Quốc học và mua công nghệ đóng tàu thuỷ cao tốc. Học và đóng ngay tại xưởng của Hoàng Long tại Hải Phòng. Những chiếc tàu Composit đầu tiên được đóng tại Việt nam, được đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận chất lượng đã chạy êm ru trên tuyến du lịch Hải Phòng - Cát Bà những khi hè về. Từ Hà Nội, khách lên xe Hoàng Long đến thẳng bến tàu riêng của Hoàng Long ở Đình Vũ, rồi lên tàu thuỷ cũng của Hoàng Long sang Cát Bà, rồi lại lên ôtô của Hoàng Long đưa đến trung tâm của đảo.
Khép kín và rất thuận tiện! chỉ có điều là khi anh thành công thì có “anh” khác lại buồn và anh lại phải đương đầu với những khó khăn khách quan mới xuất hiện. biết làm sao được, cơ chế thị trường là như vậy đó! Bẵng đi một thời gian, một hôm Vũ Văn Tuyến lại mời tôi đến Hải Phòng. Trong sân của Công ty là mấy chiếc xe Kinglong khổng lồ, bên trong mỗi chiếc có 39 chiếc giường nằm hai tầng. Vũ Văn Tuyến cho biết đã chuẩn bị đầu tư 100 chiếc xe như thế để chạy tuyến Bắc - Nam.
hì ra con người này là như vậy! Trước đây, tôi cứ có ý nghĩ “anh này chỉ chạy được đường ngắn thôi ” là một ý nghĩ sai lầm! Vũ Văn Tuyến sang thành phố Hạ Môn giáp với Đài Loan, đến nhà máy Kinglong học tập. Ở đây người ta sản xuất rất nhiều xe giường nằm phục vụ trên các tuyến đường thiên lý của đất nước rộng lớn có cả tỉ dân. Vậy tại sao chúng ta có con đường Hà Nội - Sài Gòn dài ngót hai ngàn cây số lại không có xe giường nằm phục vụ?!
Nhưng liệu người Việt nam có ưa xe Trung Quốc mà họ vẫn cho là chất lượng không tốt, tính an toàn không cao?! Vũ Văn Tuyến bàn với phái đối tác Trung Quốc thay đổi máy Trung Quốc bằng máy Nhật Bản khoẻ hơn, bền hơn tốn ít nhiên liệu hơn. Thay hệ thống treo dùng nhíp bằng hệ thống bóng hơi của Mỹ để cho khi xe vào cua, hành khách không có cảm giác xe bị nghiêng, giấc ngủ trên xe không bị ảnh hưởng. Ngoài hệ thống phanh thông thường, hệ thống ABS chống bó cứng khi phanh gấp, xe còn được lắp thêm phanh điện từ, chỉ cần khẽ gạt cần phanh, chiếc xe lập tức dừng lại ngay mà hành khách không bị quán tính làm cho chúi đầu về phái trước. Trên xe có toilet lắp thiết bị của Đức, máy lạnh cũng của Đức.
Đặc biệt có cả hộp đen như trên máy bay. Như vậy, tuy chiếc xe mang nhãn hiệu của Kinglong của Trung Quốc nhưng đã là xe “hợp chủng quốc” rồi! Số tiền đầu tư rất lớn. Về nước Hoàng Long rủ Mai Linh - một đại gia khác trong lĩnh vực vận tải khách của thành phố Hồ Chí Minh - cùng hợp tác, nhưng lúc đó Mai Linh đang tập trung vào kinh doanh địa ốc, xe buýt và trạm dừng xe. Thế là Hoàng Long làm một mình! Vũ Vă Tuyến chọn nhà máy ôtô Chu Lai của Trường Hải là nơi để đặt hàng. Một hợp đồng tay ba giữa King long - Trường Hải, cùng nhân vật chính là Hoàng Long đã được ký kết và những chiếc xe đầu tiên trong số 100 xe đầu tư với tổng số vốn 250 tỉ đã kịp xuất hiện phục vụ bà con làm việc ở miền Nam về quê Bắc ăn Tết đúng lúc “cháy tàu cháy xe”.
Một giải pháp kinh tế đúng lúc vừa mang lại lợi ích cho người kinh doanh, vừa phục vụ nhiệm vụ chính trị của ngành Giao thông vận tải chứng tỏ Vũ Văn Tuyến là người có tầm nhìn chiến lược. Tầm nhìn này đã được thể hiện ở tư duy quản lý rất năng động và sáng tạo. Một Công ty Trách nhiệm hữu hạn thực chất là Công ty gia đình trong đó vai trò “tay hòm chìa khoá” của người vợ - chị Nguyễn Bích Hằng là vô cùng quan trọng. Làm sao quản lý được hàng trăm chiếc xe hoạt động trên nhiều tuyến đường của đất nước.
Trên tuyến Hải Phòng, Vũ Văn Tuyến đã nhờ các bác hưu trí cùng đi xe, xe bắt khách dọc đường, gọi về công ty là lái xe mất việc và mất tiền đặt cọc ngay. Trên tuyến Bắc - Nam cũng vậy, nếu hành khách thấy lái xe bắt khách dọc đường gọi điện thoại báo về công ty(Mỗi xe có một điện thoại di động trùng với biển số của xe) thì cả chuyến xe được miễn phí. Bằng cách làm khôn khéo này, chả cần người đi theo giám sát, công ty Hoàng Long có thể bảo đảm doanh thu, tránh được thất thoát đồng thời bảo đảm luật lệ giao thông trên đường.
Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Long ra đời đúng lúc đất nước có nhiều chuyển biến. Luật doanh nghiệp ra đời, bao nhiêu giấy phép con bị bãi bỏ. Vũ Văn Tuyến và Hoàng Long đã được nhiều cán bộ của Tổ Công tác Luật Doanh nghiệp đến làm việc.
Những việc làm của Hoàng Long đã gợi mở cho các chuyên gia cao cấp của nhà nước nhiều ý tưởng để đề xuất các chính sách mới có lợi cho doanh nghiệp, giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp. Tiếc rằng không phải ý kiến nào của Vũ Văn Tuyến cũng được tiếp thu và biến thành những chủ trương chính sách có lợi cho doanh nghiệp, cũng như cho người dân. Và đó là nỗi buồn của một doanh nhân muốn làm nhiều việc có ích cho xã hội mà không chịu luồn cúi. Vũ Văn Tuyến còn rất trẻ. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyến thống làm nghề cơ khí. Bản thân Vũ Văn Tuyến đã làm nghề lái xe, rất thành thạo về xe cộ.
Điều đó chưa đủ làm nên ông chủ doanh nghiệp vận tải danh tiếng. Vậy đó là cái gì? Là lòng say mê, là đức tính chịu khó, luôn tìm tòi, luôn sáng tạo. Vũ Văn Tuyến chưa chịu lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. Thua keo này anh bày keo khác, không làm được hướng này anh chuyển sang hướng khác.
Đó là bản chất cần có của một doanh nhân, chịu chơi và mạo hiểm. Rất may, anh có được một hậu phương vững chắc là người vợ hiền dịu xinh đẹp nhưng cũng rất tháo vát và hai đứa con trai ngoan ngoãn: một đứa tên Hoàng, một đứa tên Long làm nên thương hiệu Hoàng Long nổi tiếng. Bản thân Vũ Văn Tuyến không có điều kiện học hành tới nơi tới chốn, anh dành tất cả cho các con. Cháu lớn hiện theo học ở Anh quốc, cháu nhỏ theo học trường quốc tế ở Hà Nội. Anh mơ ước các con mình có kiến thức để nối nghiệp bố mẹ một cách thuận lợi khi đất nước hoàn toàn mở cửa thời kì hậu WTO.
Vũ Văn Tuyến là con người trực tính. Tại các hội nghị, anh phát biểu bốp chát không sợ mất lòng các quan chức. Thậm chí có người cho anh là thiếu văn hoá! Nhưng anh dũng cảm đấu tranh cho doanh nghiệp, cho lẽ phải. Và những việc làm của anh thể hiện đúng những điều anh nói. Chỉ biết rằng người dân rất hoan nghênh xe Hoàng Long. Mười năm qua, Hoàng Long đã trở thành một thương hiệu quen thuộc và nổi tiếng trong nước. Đó là phần thưởng to lớn nhất mà Vũ Văn Tuyến đã phấn đấu và giành được. Nhận xét về Vũ Văn Tuyến, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục đường bộ Việt Nam, nguyên giám đốc một công ty vận tải nói: Điều tôi đánh giá cao Vũ Văn Tuyến là khả năng tổ chức sản xuất, đặc biệt là việc quản lý đội ngũ lái xe - việc luôn làm đau đầu các nhà quản lý. Vũ Văn Tuyến là người luôn luôn tiên phong tìm tòi cái mới, dám lao vào các khó khăn trong sản xuất kinh doanh, vì thế có thể nói “xe chất lượng cao” là công dân của Hoàng Long. Nhưng do cá tính, tôi cảm thấy Vũ Văn Tuyến luôn cô đơn. Người Việt Nam có câu “buôn có bạn, bán có phường” mà….. Xuất thân từ người lái xe, hơn ai hết Vũ Văn Tuyến hiểu nỗi nhọc nhằn, những phẩm chất tốt đẹp, cũng như thuộc lòng từng thói hư tật xấu của người lái xe. Làm gì để người lái xe gắn bó với doanh nghiệp? mà có ít ỏi gì! Riêng lái xe giường nằm Bắc - Nam chạy theo chặng đã cần đến 500 lái xe bằng E.
Ngoài biện pháp ràng buộc về kinh tế như đã nói ở trên, Vũ Văn Tuyến đã dùng đến Công ty Đào tạo kỹ năng con người Việt Nam Tâm Việt để đưa đội ngũ lái xe vào kỉ cương, nề nếp.Hàng tháng lương của lái xe khoảng 5 triệu được trả bằng thẻ tín dụng ATM cho vợ ở nhà, hàng ngày công ty nuôi ăn. Vậy là giảm bớt rất nhiều tiêu cực, hạn chế tối đa những thói hư tật xấu thường gặp ở cánh lái xe. Nghề kinh doanh vận tải rủi ro mỗi khi xảy ra tai nạn. Không ai biết trước được điều gì đã xảy ra trên đường. Để đối phó, Vũ Văn Tuyến mua bảo hiểm xe và người cao hơn mệnh giá thông thường nhiều lần, vì thế khi có sự cố , rủi ro đã được bảo hiểm gánh dùm. Riêng tôi, tôi hiểu nguyên nhân sự cô đơn của Vũ Văn Tuyến. Có thể đó là do sự bươn chải vất vả cả một thời trai trẻ. Mười lăm tuổi, Vũ Văn Tuyến đã đi xe thùng lên miền núi mua sa nhân về bán cho các hiệu thuốc bắc. Thời đó sa nhân bị cấm mua bán, Tuyến đã “lừa” phòng thuế mua sa nhận tươi như lá cây rừng về rồi phơi sấy khô trước đi rải ở phố Thuốc Bắc. Thế mà buôn thất nghiệp, lãi quan viên. Tích luỹ được hai chục lạng vàng , Vũ Văn Tuyến thu mua các loại xe máy cổ từ Hà Nội mang về Hải Phòng bán. Làm quen với thuỷ thủ tàu biển Vosco, Tuyến mua được ôtô cũ tân trang rồi mang vào Sài Gòn bán. Lãi mẹ đẻ lãi con, vợ chồng Tuyến tích cóp được đủ vốn để mua lô xe Hàn Quốc máy lạnh đầu tiên nhập cảng Hải Phòng, từ đó mơ ước kinh doanh vận tải được thực hiện. Không phải Tuyến không thuộc lòng câu phong giao”buôn có bạn, bán có phường”. Khi đầu tư xe King long mở đầu tuyến Bắc - Nam, Tuyến đã làm việc với ông Hồ Huy - Tổng giám đốc Mai Linh. Tuy nhiên cuộc hợp tác không thành vì những lý do riêng của mỗi bên. Nhưng quy luật của thị trường thì Tuyến rấ thấm thía. Trong cạnh tranh, anh nào mạnh anh ấy thắng. Tôi đã chứng kiến cảnh Giám đốc một công ty vận tải nhà nước đến xin Vũ Văn Tuyến cho gia nhập Hoàng Long. Nói trắng ra là Hoàng Long mua gần hết cổ phần của công ty này. Như vậy, Vũ Văn Tuyến xứng danh vai trò của một ông chủ.
Cơ chế thị trường là như thế. Có thể hôm nay anh là ông chủ nhưng ngày mai anh trở thành người làm thuê cho kẻ khác, bị kẻ khác chi phối, thậm chí bị ông chủ quát mắng. Đó cũng là điều hợp quy luật. Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến thái độ ngạo mạn của nhà tài phiệt Abramovic, ông chủ của câu lạc bộ bóng đá Chelsea. Ngay cả huấn luyện viên tài ba Mourinho cũng có thể bị sa thải bất cứ lúc nào. Cái cô đơn của Vũ Văn Tuyến cũng có thể hiểu là sự cô đơn trong giai đoạn quán độ, khi những rào cản của chế độ bao cấp chưa bị xáo bỏ hoàn toàn. Nhà doanh nghiệp còn bị “kiềm toả” bởi cơ chế xin - cho và những công chức nhà nước làm công ăn lương vô cảm. Vũ Văn Tuyến hiểu tất cả những điều đó. may sao, bộ máy Hoàng Long vẫn vận hành một cách trơn tru và ngày càng phát triển. Trong trụ sở chính của công ty tại Số 5 Phạm Ngũ Lão - Hải Phòng. Hàng chữ điện tử luôn nhấp nháy thông báo từng giờ xuất bến của các tuyến tàu xe.
Hoàng Long và ông chủ của nó không một ngày được nghỉ ngơi chọn vẹn. Để làm ra đồng tiền, để có được một thương hiệu tin yêu trong lòng khách hàng, bao nhiêu mồ hôi và công sức đã đổ xuống, bao nhiêu cay đắng đã trải qua, kể cả khi bị vu oan trên báo chí rằng “ông chủ Hoàng Long đánh bạc”. Điều này chỉ mình Vũ Văn Tuyến biết mà thôi. Cho nên lúc ngồi rỗi rãi với anh bên tách cà phê, người viết mới cảm nhận rõ sự nhanh nhạy và quyết tâm làm giàu cao độ của Vũ Văn Tuyến. Tôi hỏi Tuyến rằng tại sao không kinh doanh địa ốc hoặc chứng khoán có phải nhàn nhã hơn không? Vũ Văn Tuyến cười mà rằng: Tuyến không quen “đánh bạc”. Tuyến là người lao độngvà xác định làm giàu từ lao động. Thời gian đã và sẽ chứng minh điều đó là đúng đắn…
(theo:nhanhieuviet)
|