Đình Mạc Xá (Trạch Xá), xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương thờ Thành hoàng Vũ Hồn là một trong 22 di tích của tỉnh Hải Dương được xếp hạng quốc gia ngày 19/01/ 2001 theo quyết định số 04/ 2001/QĐ- BVHTT của Bộ Văn hoá Thông tin.
Liền kề với thôn Mộ Trạch “Lò tiến sĩ xứ Đông”, Mạc Xá là mảnh đất được hình thành khá sớm trong lịch sử. Đầu thế kỷ XIX Mạc Xá có tên gọi là Trạch Xá, một trong bốn thôn của xã Thì Cử, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương. Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Trạch Xá đổi thành Mạc Xá, là một trong ba thôn của xã Tân Hồng, do vậy đình Mạc Xá còn có tên gọi là đình Trạch Xá. Xã Tân Hồng hiện có bốn thôn là: Mộ Trạch, Trạch Xá, Tuyển Cử và My Cầu, với 6 di tích còn được bảo lưu là: Đình, chùa, miếu Mộ Trạch, đình Mạc Xá, nghè Mạc Xá và đình Tuyển Cử. Lịch sử khoa bảng Hải Dương đã ghi nhận xã Tân Hồng là nơi có số tiến sĩ đỗ đạt nhiều nhất tính theo đơn vị xã, riêng làng Mộ Trạch được gọi là “Làng tiến sĩ” có tới 39 vị tiến sĩ nho học.
Ngược dòng lịch sử, Mạc Xá vốn là vùng đất văn hiến của xứ Hồng Châu xưa, thời Trần đổi thành Hồng Lộ, sau là Hải Đông, thời Lê Sơ đổi thành Đông Đạo, năm 1469 gọi là Hải Dương Thừa Tuyên, đến năm 1491 là xứ Hải Dương, rồi trấn Hải Dương. Làng Mạc Xá có 4 dòng họ cư trú: Họ Dương, họ Lê, họ Vũ, họ Lưu, trong đó họ Dương được xác định là dòng họ cư trú lâu đời nhất (18 đời). Nhân dân làng Mạc Xá làm ruộng là chính, phong tục thuần hậu, tại đây còn dấu vết của vùng nước ngập mặn và từng phát hiện mộ hợp chất song táng tại cánh đồng Cổ Cò, tiếp giáp với thôn Tuyển Cử nơi có đình thờ Thiện Nhân, Thiện Khánh, nữ tướng thời Hai Bà Trưng.
Đình Mạc Xá được xây dựng ở trung tâm thôn, vị trí thoáng mát, đình thờ Cụ Vũ Hồn một nhân vật lịch sử thời nhà Đường (thế kỷ VIII) người Trung Quốc có quan hệ chặt chẽ với lịch sử Việt Nam. Theo thần tích, gia phả còn lưu giữ về nhân vật Vũ Hồn ta có thể hiểu như sau:
Cụ Vũ Hồn là con trai của Cụ Vũ Công Huy, một viên quan nhà Đường, quê ở huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Nhân chuyến đi du ngoạn tại nước ta, ông đến trang Mạn Nhuế, phủ Nam Sách và kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đức người địa phương và sinh ra Cụ Vũ Hồn vào ngày mùng 8 tháng Giêng.
Vốn là người thông minh, chăm chỉ, năm 17 tuổi Vũ Hồn dự thi và trúng tuyển vào năm 820, vua Đường Nguyên Hoà phong cho chức Lễ Bộ Thị Lang, sau thăng lên An Nam đô hộ phủ. Trong những năm làm quan tại An Nam, ông thường về Mạn Nhuế thăm viếng tổ tiên, khi về Đường An thấy ở đây có khu đất tốt liền cắm đất lập ấp đặt tên là Khả Mộ (nay là thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang) và thường xuyên về đây ở. Ngày mùng 3 tháng Chạp năm Quý Dậu (853) Cụ Vũ Hồn qua đời, con cháu và dân làng an táng tại cánh đồng phía bắc làng, sau gọi là Mả Thần. Nơi Cụ Vũ Hồn dậy học được dựng thành nghè, chính là nghè làng Mạc Xá. Sau khi Cụ qua đời dân làng Mộ Trạch và các vùng phụ cận suy tôn Cụ là Thành hoàng, gọi là Thần Tổ.
Cụ Vũ Hồn còn được coi là ông Tổ họ Vũ làng Mộ Trạch và nhiều Chi họ Vũ có gốc làng Mộ Trạch - một dòng họ nổi tiếng từng sản sinh nhiều nhân tài cho đất nước. Tên tuổi Cụ Vũ Hồn gắn liền với làng Mộ Trạch “Lò tiến sĩ xứ Đông” có 39 tiến sĩ thời phong kiến, đứng đầu khoa bảng trong các làng Việt Nam. Hiện trong đình Mạc Xá còn đôi câu đối khắc vào năm 1942, ca ngợi đức Thành hoàng:
“Đào quả trình tường xuất thí niên đế trọng toàn tài tầm mệnh An Nam Đô hộ sứ
Liên hoa giảng học một thế dân tư hậu đức năng cao Trạch Xá tối linh từ”
Có nghĩa là:
“Đào quả tỏ rõ điều lành, đi thi trúng, vua trọng toàn tài tìm người làm An Nam Đô hộ sứ
Hoa sen tiếng thơm giảng học, tạ thế dân đời đời ghi nhớ ơn sâu, đức lớn dựng đền Trạch Xá tối linh thiêng”
Ban đầu Cụ Vũ Hồn được thờ tại nghè Mạc Xá và miếu Mộ Trạch, nghè Mạc Xá thuộc cánh đồng Chua, cách đình Mạc Xá khoảng 200m về phía Tây, miếu Mộ Trạch thuộc thôn Mộ Trạch, là nơi Cụ Vũ Hồn lập ấp Khả Mộ. Khoảng cuối thế kỷ XVIII dân làng Mạc Xá xây dựng đình và đến đầu thế kỷ XIX tạc tượng Cụ Vũ Hồn thờ tại đình. Đây là sự kiện lịch sử đặc biệt trong đời sống văn hoá tâm linh của địa phương.
Thời kỳ tiền khởi nghĩa và kháng chiến chống Pháp, đình Mạc Xá là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử tiêu biểu của địa phương. Đầu năm 1945 lực lượng Việt minh huyện Bình Giang về đình Mạc Xá cùng với đồng chí Hoàng Tâm (tức Vũ Dương Ái) bàn kế hoạch tổ chức vũ trang giành chính quyền huyện Bình Giang. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, đồng chí Hoàng Tâm được cử làm Chủ tịch Ủy ban hành chính lâm thời huyện Bình Giang.
Trong kháng chiến chống Pháp, đình là nơi tập kết của đơn vị 126 Bộ đội chủ lực tỉnh Hải Dương để tham gia phản công chiến trường tả ngạn. Từ năm 1968 đến 1971, đình là trụ sở của phân hiệu III - Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương sơ tán và làm vịêc...
Đoàn khảo cứu điền dã họ Vũ - Võ và lãnh đạo địa phương, Ban quản lý di tích Đình Mạc Xá dâng hương và tìm hiểu các hiện vật tại đình
Lễ hội đình trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 được mở vào dịp ngày sinh Thành hoàng (từ ngày 8 đến ngày 16 tháng Giêng), nhân dân hai làng Mạc Xá và Mộ Trạch có lễ rước giao lưu long trọng. Ngày 7 tháng Giêng làm lễ “Mộc dục”, nghĩa là dân làng rước kiệu long đình ra lấy nước thiêng ở giếng làng về để tại hậu cung, buổi tối thủ nhang hoà nước thơm ngũ vị bao sái cho tượng Thành hoàng và đồ thờ chuẩn bị cho ngày hội hôm sau.
Sáng ngày mùng 8 tháng Giêng, làm lễ tế thần, sau đó bố trí đoàn rước kiệu long đình (rước ông), kiệu bát cống (rước bà). Sau hồi trống lệnh đoàn rước xuất phát từ đình Mạc Xá đi đến miếu Xứ Thần thuộc Mộ Trạch làm lễ tại đó, đi tiếp về hướng nam đến nghè Mạc Xá làm lễ tế thần. Đoàn rước của hai làng đi trong nhịp phách, nhạc “Lưu thuỷ hành vân” tạo không khí tưng bừng, vui nhộn và đoàn kết. Tế thần tại nghè xong hai làng chia tay nhau để rước về làng mình trong niềm vui đoàn kết. Ngày 13 tháng Giêng, dân làng làm 7 mâm cỗ yến để ăn mừng và ngày 16 tháng Giêng làm lễ an vị và đóng cửa đình. Sau này do một số nguyên nhân khách quan nên hai làng bỏ lệ rước giao lưu.
Như đã nói ở phần trên, đình Mạc Xá được khởi dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVIII), các đời sau đều có trùng tu, tôn tạo, tạc tượng và sắm đồ thờ tự. Xưa đình làm kiểu chữ Nhị (= ) gồm 5gian đại bái và hậu cung. Toà hậu cung chồng diêm 8 mái, cổng có cột đồng trụ, giải vũ hai bên, sau nhiều lần trùng tu hiện đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh (J) gồm 5 gian đại bái và 3 gian hậu cung xây bít đốc bổ trụ. Toà đại bái kiến trúc kiểu “Giá chiêng”, lòng mái mở rộng theo “Thượng tứ hạ ngũ”, các đầu dư chạm khắc rồng cách điệu, thân ẩn trong cột, bức cốn chạm “Tứ linh” hình rồng uốn trong mây tản, rùa ẩn dưới lá sen, long mã vươn mình đội xà nách chạm lá lật. Trên cao là hình chim phượng đang từ từ hạ cánh... Những nét chạm sắc, mềm mại sinh động lạ thường, đặc biệt tại 3 gian 4 vì giữa còn lưu giữ 8 chân tảng hoa sen thời Trần, đó là chân tảng của chùa Khánh Lâm được mang về đình trong dịp trùng tu 1907. Hậu cung có kiến trúc kiểu giá chiêng, kẻ chuyền pha kèo cầu, lòng mái mở rộng theo thức cài chín thượng tứ, hạ ngũ gồm 30 đôi hoành, 6 xà dọc và 6 xà đai. Nghè Mạc Xá hiện còn có diện tích 145m2, xây gạch kiểu cuốn vòm.
Đình Mạc Xá hiện lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, tiêu biểu là:
- Tượng Thành hoàng Vũ Hồn được tạc vào đầu thế kỷ XIX, tư thế tượng ngồi trên bệ giật cấp, phong thái ung dung, mặc quần áo triều phục có khắc rồng mã, độc long, diềm áo trang trí sóng nước thuỷ ba. Đây là một trong những pho tượng Thành hoàng quý còn được thờ tại đình của tỉnh Hải Dương.
- 8 chân tảng đá hoa sen thời Trần (thế kỷ XIV) diềm tạo 16 cánh hoa sen cách điệu, nét chạm nổi mang tính đặc thù.
- Bệ đá chim thần Garuda thời Trần (thế kỷ XIV), khắc bệ hoa sen, đây là hiện vật mang phong cách của văn hoá Chăm pa.
Ngoài ra di tích còn nhiều hiện vật thời Nguyễn khác như : Cỗ kiệu mui luyện, hệ thống câu đối, đại tự sơn son, bia ký, sắc phong (6 đạo), chuông đồng, sập gỗ... Đó là những di vật đồng hành cùng ngôi đình có giá trị chứng minh tầm vóc của ngôi đình trong lịch sử.
Nghè Mạc Xá - nơi Thần Tổ Vũ Hồn dạy học
Tên tuổi Cụ Vũ Hồn không những được gắn liền với làng Mộ Trạch, nơi có số tiến sĩ nho học thời phong kiến đứng vào hàng thứ nhất, trong cả nước mà còn có ảnh hưởng tới nhiều nơi trong đó có làng Mạc Xá - nơi ông từng dậy học truyền bá kiến thức cho người dân nơi đây, chính vì thế dân làng Mạc Xá đã suy tôn ông làm Thành hoàng. Nghiên cứu về Cụ Vũ Hồn và những di tích có liên quan tới ông là việc làm rất cần thiết góp phần làm sáng tỏ lịch sử Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là văn hoá và giáo dục. Mặc dù trải qua nhiều lần tu sửa nhưng về cơ bản đình Mạc Xá vẫn bảo lưu kiến trúc cổ thời Lê- Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). Ban quản lý di tích do xã cử ra rất tích cực trong việc bảo vệ và phát huy giá trị của di tích. Là một trong 22 di tích của tỉnh Hải Dương được xếp hạng quốc gia ngày 19/01/ 2001 theo quyết định số 04/ 2001/QĐ- BVHTT của Bộ Văn hoá Thông tin. Di tích đình Mạc Xá được Sở Văn hoá - Thông tin đầu tư chống xuống cấp năm 2006 đáp ứng nguyện vọng của nhân dân địa phương.
Hải Dương - di tích và danh thắng
www.hovuvovietnam.com
|