Vũ Hồn là ai mà được con cháu nhắc nhở tới như một nhân vật thần thoại? Thủa nhỏ chúng tôi được nghe kể nhiều giai thoại huyền hoặc về Vũ Hồn, khi thì ông là một đứa trẻ mồ côi được một người tàu đem về dạy dỗ trở thành một người thông học, giỏi khoa địa lý, thấy đất Mộ Trạch đẹp nên đem chôn hài cốt cha mẹ ở đó, khi thì ông có một người mẹ khôn ngoan lựa được một thày địa lý Tàu tài giỏi chôn được hài cốt cha ông vào một huyệt tuyệt đẹp tại Mộ Trạch.
Một giả thuyết hay hay đã được ông bác chúng tôi là ông Đặng Vũ Tư Khiêm ghi lại kỹ càng, chúng tôi xin chép lại trong phần phụ lục ở dưới.
Giai thoại nào cũng nhắc tới làng Mộ Trạch và một người Tàu, Thật ra Vũ Hồn có cha là người Trung Hoa và mẹ là người VN, một nhân vật có tên trong sử sách cả Hoa lẫn Việt, đồng thời ông cũng là một người tinh thông địa lý. Sự phân đôi ông thành một nhà địa lý Tàu và một người Việt lanh lợi bởi chính con cháu ông thể hiện hiềm khích lớn lao trong quá khứ giữa hai nòi giống Hoa Việt. Vì mặc cảm đối kháng Trung Hoa các cụ xưa muốn phủ nhận cái gốc Tàu xa lắc của mình, nhưng khó chống lại sự kiện.
Sự tích Vũ Hồn được ghi trong truyền kỳ và gia phả họ Vũ làng Mộ Trạch còn lưu truyền tới ngày nay, hiện còn được lưu giữ tại thư viện Viện sử học Hà Nội. Thư viện trường Viễn Á của Pháp có giữ bản phim một số tập là:
Mộ Trạch Vũ tộc thế sự tích (mic. I. 409)
Mộ Trạch Vũ tộc tính thiên đường phả ký (mic. I.191)
Mộ Trạch Vũ thị thế trạch đường gia phả (mic. I.171)
Mộ Trạch Vũ tộc ngũ chi phả (mic. I.223)
Mộ Trạch Vũ tộc bát phái phả (mic. I.565)
Toàn bộ này do một số nho sĩ nhà họ Vũ (Vũ Phương Lan, Vũ Thế Nho, Vũ Tông Hải, Vũ Huy Đĩnh...) bắt đầu soạn từ năm 1767 đến năm 1769 mới hoàn thành, dựa theo tài liệu gia truyền và bi ký trong từ đường, và được chép tới thời Tự Đức.
Ngoài ra vì họ Vũ làng Mộ Trạch là một thế gia thời Lê, Vũ Hồn cũng được nhắc tới trong một số sách đề cập tới dòng họ ông: Công dư tiệp ký do hậu duệ ông là Vũ Phương Đề viết năm 1755 nhắc nhiều tới ông cũng dễ hiểu, nhưng Đăng khoa lục sưu giảng (cũng có bản nhan đề là Lịch đại danh hiên phổ) của Trần Tiên (sinh năm 1706) cũng dành cả trang cho gia tộc Vũ Hồn.
Các bộ chính sử đều đề cập đến ông tuy chỉ sơ qua. Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn năm 1479 (Hà Nội, Khoa học xã hội, 1967, tập 1, trang 134) chép theo Tân Đường thư ghi rằng:
“Tân Dậu (841) - Đường Vũ Tôn Viêm, Hội Xương năm thứ nhất – Nhà vua xuống chiếu lấy Vũ Hồn làm Kinh lược sứ thay Hàn Ước.
Trước đó Việt sử lược soạn khoảng sau 1377 chỉ ghi tên ông trong danh sách những quan cai trị Việt Nam thời Đường thuộc. Lê Tắc trong An Nam chí lược (viết xong năm 1335 – Huế, Viện đại học, 1961, trang 167) cũng trong danh sách quan Đường ghi có câu về Vũ Hồn: “Vũ Hồn: làm An Nam kinh lược, năm Hội Xương thứ 3 (843) ”.
Như vậy là theo lịch sử , Vũ Hồn là một vị quan do vua Đường cử sang cai trị Việt Nam năm 841 – 843. Theo từ điển Từ Hải, chức Kinh lược được nhà Đường đặt ra năm 628 tại các nơi biên thuỳ trọng yếu để lo việc phòng thủ quân sự, thường do một Tiết độ sứ (một chức tướng) đản nhiệm. Tại ba quận Giao Ái Hoan (An Nam), quyền cai trị thoạt đầu do một đô đốc nắm giữ; vào niên hiệu Thái Hoà (827-835) chức đô đốc bị bỏ hẳn và các châu (do Thứ sử quản trị) thuộc cả vào đô hộ phủ; người đầu tiên giữ chức Đô hộ phủ này chính là Hàn Ước.
Nếu Vũ Hồn được cử làm Kinh lược sứ thay thế Hàn Ước, có thể suy được rằng thời ông, Kinh lược sứ kiêm luôn chức đô hộ vì lúc bấy giờ Giao Chỉ cứng đầu nổi loạn thường xuyên, trọng trách của quan cai trị là việc binh bị do Kinh lược sứ đốc suất.
Theo gia phả họ Vũ làng Mộ Trạch thì Vũ Hồn có mặt tại Việt Nam trước 841; năm đầu Bửu Lịch Đường Kính Tông (825) ông đã làm thứ sử Giao Châu thay thế Hàn Thiều (?), đến năm Hội Xương thứ 3 Đường Văn Tông (843) ông mới được thăng Đô hộ sứ. Thuyết này không trái ngược sử liệu, tuy không nhắc tới sự năm 841 ông được thăng Kinh lược sứ. Được ít lâu ông cáo tuổi già bệnh tật xin về hưu, nhưng ông không về Trung Hoa mà ở lại Việt Nam với một người vợ Việt (rất tiếc tên bà không được chép lại), vì thích cảnh đẹp của phong thuỷ nước ta.
Tương truyền ông chia số con sinh được với bà vợ Việt Nam ra làm hai, một phần ở lại với cha mẹ, một phần cho đưa về Tàu để lập tông chi tại quê hương ông ở huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến . Và theo Vũ Phương Đề cũng như Trần Tiên thì dòng họ Vũ ở Phúc Kiến vẫn ghi nhớ danh tính ông, hễ có dịp là thăm hỏi bà con bên Việt Nam.
Vũ Hồn vốn là người tinh thông địa lý, sang Việt Nam trước Cao Biền (864-868) nên có dịp giao du sơn thuỷ xem xét huyết mạch quan trọng ở Việt Nam trước khi những huyệt ấy bị Cao Biền sau đến yểm trù trấn áp (theo dã sử). Ông đặc biệt để ý đến hai ngôi đất kỳ lạ tại một vùng có sông giáp bốn mặt ở địa phận Hải Dương bây giờ, và nảy ra ý định chiếm nơi đó làm cơ sở phúc ấm cho con cháu. Ông liền đến đây lập ấp, đặt tên ấp là Khả Mộ thôn tức thôn đáng mến, lại đặt vùng đất xung quanh làm huyện Đường An ý mong sự thái bình cho nhà Đường.
Khả Mộ sau đó được đổi tên là Mộ Trạch, do sự sát nhập với thôn Trầm Trạch hay Lạp Trạch (vì dân thôn này có nghề làm nón lá hay lạp) kề bên. Liên hệ giữa Vũ Hồn và huyện Đường An được các sử sách công nhận, duy có Phạm Đình Hổ, một tác giả thời đầu nhà Nguyễn (Vũ trung tuỳ bút, Paris, Đông Nam á, 1985, trang 123-124) dù không phủ nhận việc Vũ Hồn dựng làng Mộ Trạch, cho rằng tên huyện Đường An tuy có từ đời Đường, không chắc do Vũ Hồn đặt ra mà có thể được định trước thời ông ; ông Hổ vịn vào lý lẽ tên Đường An được ban cho một vị công chúa đời Đường Đức Tông (742-805) mà theo tục lệ nhà Đường tên công chúa phải là tên một phủ huyện, trong khi tại nội địa Trung Hoa không có phủ huyện nào có tên Đường An, tức Đường An phải là một phủ huyện ở thuộc địa, bên Giao Chỉ chăng.
Dưới đời Trần, huyện Đường An thuộc về đất Hồng Châu; đời Minh cho thuộc về phủ Lạng Giang trong Thượng Hồng châu; đời Lê đặt thừa tuyên Nam Sách sau đổi thành trấn Hải Dương trong đó huyện Đường An thuộc phủ Thượng Hồng; đời Nguyễn huyện Đường An bị đổi thành Năng An - được cho gồm 10 tổng, làng Mộ Trạch ở trong tổng Tuyển Cử , và phủ Thượng Hồng trở thành phủ Bình Giang thuộc về tỉnh Hải Dương.
Dinh cơ hay dương phần ông được xây trên một ngôi đất hình xoắn (loa tràng) có ngũ khí bao quanh là đất đời đời phát kẻ tài danh – sau này được mệnh danh là tiến sĩ sào (ổ tiến sĩ), theo ông quý hơn cả đất đế vương. Ngôi đất thứ hai được ông nhắm dùng làm âm phần hay mộ phần, là một cái gò lớn ở ngay bắc thôn Khả Mộ, hình kim tinh thuộc loại kỳ hình quái huyệt, đại phát nếu biết cách táng. Cho nên sau khi ông mất vào đầu nhà Tống (khoảng 860), ông đốc suất việc xây mộ cho mình đồng thời căn dặn con cháu cách thức mai táng: phải táng theo lối táng treo, “đào tung hình kim tinh ra chôn bốn cột sắt và có xích sắt treo quan tài ở trong đậy ván gỗ, rồi lấp đất lên trên”.
Con cháu Vũ Hồn bên Trung Hoa cũng được di chúc căn dặn về phép táng treo, vào thời Lê Trung Hưng họ có gửi thư nhờ sứ giả Việt Nam mang về cho người họ Vũ ở làng Mộ Trạch nhắc nhở việc tu sửa ngôi mộ đúng theo hoạ đồ đính kèm.
Ngôi mộ cổ sớm đổ nát và được xây lại nhiều lần; như thời Vũ Phương Đề ngôi mộ chỉ còn là nắm đất trơ trọi, nhưng theo gia phả thì ngôi mộ xưa rất uy nghi, có quan chầu phía trước, có quỷ chầu phía sau, bên phải có hai tráng sĩ dắt ngựa theo hầu, bên trái có bảy ngôi sao túc trực.
Ngày nay không biết tình trạng của ngôi mộ ra sao, chúng tôi được các cụ kể lại rằng ngôi mộ bị sụp đổ vào thời Thành Thái nhưng không được phép xây lại, và khoảng hơn 10 năm về trước chúng tôi có thấy trong một quyển sách (không nhớ tên – vị nào biết xin chỉ giáo dùm) một tấm hình mộ Vũ Hồn coi rất sơ sài tuy đồ sộ (do mối đùn lên, tức có “phát” thật theo tín ngưỡng về phong thuỷ).
Trong Vương Đức Huân địa lý chân truyền (Đài Bắc, Vũ Lăng, 1983, trang 112), Trần Phồn Phú khi bàn về huyệt kim tinh cũng có nói nếu táng phải đào đúng đầu mạch rồng, nông sâu không cần lắm nhưng phải chôn lưng chừng 4 thước dưới đất; ngoài ra muốn huyệt đại phát, mộ phải có kim ngư tức một gò hay tảng đá nằm bên suối nước án khí nếu không huyệt chỉ phát 23 đời thành đạt và không phát phúc.
Không hiểu mộ phần của Vũ Hồn có đúng kiểu đất Cửu thập bát tú triều dương (“98 ngôi sao chầu về mặt trời”) như các nhà địa lý sau này tán dương không, nhưng chắc chắn nó được coi là thần lăng vì Vũ Hồn sớm được các triều đại phong là phúc thần.
Không rõ những tước hiệu của ông thời Lê Trung Hưng ra sao, nhưng kể từ năm 1737, cứ cách khoảng 20,30 năm lại có sắc lệnh khen tặng ông như một vị thần rất linh hiển và tới năm Tự Đức thứ 12 (1860) thì ông được phong Vương, hiệu là Tối linh phù vân đại vương (“Đại vương giúp đỡ tối linh”). Vì tin ông linh thiêng nên dân Mộ Trạch lập đền thờ vợ chồng ông, trước tại đầu thôn, sau tại ngay giữa thôn, hàng năm tổ chức yến vũ linh đình.
Đền thờ ông được xây đi xây lại nhiều lần, đặc biệt một cách rất tráng lệ vào năm 1757 nhờ sự lạc quyên của bà Vũ Phương Đẩu, nhũ danh Nhữ Thị Nhuận. Trong từ đường họ Vũ làng Mộ Trạch còn ghi lại một số văn thơ biểu dương công đức của ông, đặc biệt có câu của cấp sự Văn Đức tử (?) được truyền tụng nhiều cho con cháu:
“Vị tử tôn lập vạn đại cơ,khanh tướng công hầu vô trị loạn.
Dữ thiên địa đồng nhất nguyên khí, hoàng vương đế bá hữu long ô”. Có nghĩa là:
“ Vì con cháu lập dinh cơ muôn thủa, (để con cháu) thời trị hay thời loạn vẫn là khanh tướng công hầu.
Với trời đất cùng một nguyên khí, những dòng đế hoàng vương bá khi thịnh khi suy (không vững bằng dòng họ ông)”.
Xét qua lối chọn đất của Vũ Hồn, mong cái bền bỉ trong sự cao sang hơn quyền lực tuyệt đối nhưng mỏng manh, đủ thấy ông là một hiền triết, không phải là một người chỉ biết háo danh.
Nhưng ông không phải là người nhu nhược như sự ông bỏ về Tàu khi loạn quân phá thành có thể chứng tỏ. Bởi, nếu ông bị dân ghét và bỏ trốn vì sợ hãi, khó hiểu sự định cư sau đó của ông tại Giao Chỉ. Thời ông, dân Việt Nam đã có tính độc lập dân tộc rất mạnh mẽ, giặc dã hay nghĩa quân nổi dậy khắp nơi, một viên tướng Tàu ở giữa người Việt khó thoát khỏi sự thích khách. Thái độ của ông chỉ có thể được giải thích bởi sự mến chuộng dân bản xứ, không muốn bắt buộc phải tàn sát dân nổi loạn như đô hộ sứ khác, cho nên cơn nguy qua ông vội xin từ chức để được sống yên bình với người Việt.
Và dân Việt chắc cũng cảm kích tình ông nên không những không động tới gia đình ông nhân các biến cố kháng Hoa (như năm 858) lại còn thờ phụng ông sau này. Ông muốn lưu lại Giao Chỉ cũng có phần vì ngao ngán cảnh tranh chấp nội bộ tại triều đình Đường lúc đó đang lâm vào thảm trạng suy vong. Thêm vào ông còn là một nhà đạo đức vì ông dậy bảo cho con cháu phải biết tôn trọng lễ nghĩa, khiến truyền thống của dòng họ Vũ rồi Đặng Vũ xưa nay vẫn hành thiện.
Cho nên năm 1712 trong thơ vịnh họ Vũ, tiến sĩ Vũ Thành nhập đề như sau: “Bát bách niên tiên đạo mạch trường” (“800 năm trường truyền nguồn đạo đức”). Trùng hợp thay, khi con cháu Vũ Hồn đi lập nghiệp, có người chọn đúng một nơi có tên là Hành Thiện./.
Đặng Vũ Phương Nghi
(Bà Đặng Vũ Phương Nghi là Nữ giáo sư tiến sỹ đầu tiên của Viêt Nam, tốt nghiệp Tiến sỹ quốc gia trường lớn Charles năm 21 tuổi (năm 1962) sau làm Giáo sư đại học Sorbonne nổi tiếng của Pháp)
www.hovuvovietnam.com
|