Dòng họ Vũ xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ tập trung chủ yếu ở thôn Phú Hậu, ngày xưa gọi là Làng Trại Cá, bởi người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề đánh cá ở Đồng Gò. Tính đến nay, dòng họ Vũ đã có 250 hộ gia đình, thuộc 3 ngánh, 9 chi, đây là dòng họ lớn nhất trong làng. Đến nay 94 % các gia đình có con em là cán bộ, công nhân, viên chức; dòng họ có 09 Tiến sỹ, 10 Thạc sỹ và cao học; 01 Nhà giáo nhân dân, 02 Nhà giáo ưu tú, hàng trăm người có trình độ đại học.
I. Sơ lược về dòng họ Vũ xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ
Dòng họ Vũ xã Thụy Vân tập trung chủ yếu ở thôn Phú Hậu, ngày xưa gọi là Làng Trại Cá, bởi người dân trong làng sống chủ yếu bằng nghề đánh cá ở Đồng Gò. Trước đây dân cư thưa thớt, chỉ có vài chục gia đình chủ yếu là người họ Vũ và họ Tạ. Trải qua hàng trăm năm, số gia đình ngày một tăng lên. Tính đến nay, dòng họ Vũ đã có 250 hộ gia đình, thuộc 3 ngánh, 9 chi, đây là dòng họ lớn nhất trong làng. Thời kỳ bao cấp, nhiều gia đình trong làng rất nghèo, nhất là những gia đình đông con nên nhiều học sinh bỏ học, nhưng trong họ Vũ không có tình trạng đó. Hầu hết các gia đình dù bữa rau, bữa cháo, cơm độn ba phần sắn, nhưng vẫn cố gắng nuôi con ăn học thành đạt. Đến nay 94 % các gia đình có con em là cán bộ, công nhân, viên chức; dòng họ có 09 Tiến sỹ, 10 Thạc sỹ và cao học; 01 Nhà giáo nhân dân, 02 Nhà giáo ưu tú, hàng trăm người có trình độ đại học.
Từ nhận thức sâu sắc dòng họ muốn hưng thịnh, trường tồn, gia đình muốn thoát nghèo và phát triển phải nhờ có học. Tại Chương V Tộc ước của dòng họ quy định “Về xây dựng con người và công tác khuyến học” có ghi “Mỗi người trong dòng họ phải có bổn phận rèn luyện và tự giác học tập thường xuyên, học tập suốt đời… Học để nâng cao đời sống của gia đình và góp phần phát triển quê hương, đất nước”.
Năm 2005 Hội đồng Gia Tộc đã quyết định thành lập Ban Khuyến học dòng họ. Cả 250 gia đình trong họ đều là hội viên khuyến học. Công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ đã dần dần đi vào nền nếp và hiệu quả thiết thực Tại Đại hội thi đua khuyến học tỉnh Phú Thọ năm 2013, Dòng họ được cấp Bằng công nhận “Dòng họ hiếu học xuất sắc”, UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen “Dòng họ hiếu học tiêu biểu” giai đoạn 2009- 2013. Những kết quả đó là yếu tố rất quan trọng và là tiền đề để dòng họ phấn đấu thành “Dòng họ học tập”.
Trao phần thưởng khuyến học - khuyến tài
II. Các giải pháp xây dựng Dòng họ học tập:
1. Triển khai xây dựng Dòng họ học tập
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 281/QGĐ-TTg, ngày 20/02/2014, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2577/KH-UBND, ngày 23/6/2014 về triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh, Ban Khuyến học dòng họ coi đây là cơ hội để đẩy mạnh phong trào học tập trong các gia đình và dòng họ. Ban đã bàn bạc, xin ý kiến và được Hội đồng gia tộc nhất trí xây dựng Dòng họ Vũ thành Dòng họ học tập.
Tháng 1/2016 UBND tỉnh Phú Thọ có Quyết định số 14/QĐ-UBND về việc ban hành Tiêu chí đánh giá, công nhận “Gia đình học tập”, “ Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” và “Đơn vị học tập” giai đoạn 2016-2020. Sau khi nghiên cứu, dòng họ Vũ xã Thụy Vân nhận thấy bộ tiêu chí là công cụ đánh giá với những nội dung rất rõ ràng, cụ thể, dễ thực hiện. Từ đó Ban Khuyến học của dòng họ đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện. Kế hoạch đã nhận được sự đồng tình cao của các chi, ngánh và đông đảo các gia đình trong Họ.
Từ xây dựng Dòng họ hiếu học chuyển sang Dòng họ học tập, họ Vũ gặp không ít khó khăn, đặc biệt phải đảm bảo tiêu chí về học tập của các gia đình trong dòng họ, trong đó tiêu chí học tập của người lớn sẽ khó thực hiện. Bởi lẽ một số gia đình còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời. Họ quan niệm rằng học là phải đến trường, đến lớp; người lớn cao tuổi rồi cần gì phải học, học để làm gì vv…Mặt khác xã Thụy Vân có khu công nghiệp, có nhiều ngành nghề (nhất là xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng…) thu hút đông đảo lực lượng lao động của các khu dân cư nói chung và dòng họ nói riêng vào làm việc, thời gian dành cho việc học tập của người lớn rất hạn chế.
2. Các giải pháp thực hiện
2.1. Làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về chủ trương xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời, cùng với các tiêu chí đánh giá, công nhận Gia đình học tập, Dòng họ học tập.
Để tuyên truyền, quán triệt các nội dung Quyết định số 14/QĐ – UBND, Kế hoạch 242/KH-UBND, Kế hoạch số 325/KH-UBND của UBND thành phố Việt Trì về Triển khai nhân rộng, đánh giá, công nhận các mô hình học tập giai đoạn 2016-2020; sao in phiếu đăng ký kèm theo 4 tiêu chí Gia đình học tập phát cho các gia đình nghiên cứu, đồng thời giải thích rõ nội dung từng tiêu chí và cách chấm điểm đánh giá Gia đình học tập, Dòng họ học tập theo Hướng dẫn số 06/HD-HKH của Hội Khuyến học tỉnh, từ đó vận động các gia đình đăng ký phấn đấu thực hiện. Đến tháng 4/2016, 250/250 gia đình trong dòng họ đã đăng ký xây dựng Gia đình học tập, Dòng họ đã đăng ký thành Dòng họ học tập.
2.2. Động viên, khích lệ, đôn đốc thực hiện 3 tiêu chí Dòng họ học tập
Tiêu chí 1: Học tập của các gia đình trong dòng họ:
- Học tập của trẻ em: Họ Vũ hiện có 154 cháu đang theo học các trường phổ thông. Ngoài sự giáo dục của nhà trường, Ban Khuyến học vận động các gia đình chăm lo cho việc học tập của các cháu. Đối với gia đình có hoàn cảnh khó khăn, dòng họ đã giúp đỡ xây dựng kinh tế như: Vận động bà con cho vay vốn, tạo công ăn việc làm để có tiền nuôi con ăn học. Ban Khuyến học dòng họ đã tổ chức tốt việc vận động các gia đình và con cháu thành đạt hỗ trợ xây dựng quỹ khuyến học trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập, rèn luyện tốt và thi đỗ đại học, tặng quà cho các cháu gia đình khó khăn. Một số thầy, cô giáo của dòng họ đã nghỉ hưu tự nguyện kèm cặp, bồi dưỡng thêm kiến thức cho các cháu, nhất là các cháu học cuối cấp. Vì vậy các cháu trong Họ đã đạt kết quả cao trong học tập và rèn luyện. Cấp Tiểu học có 43/96 cháu đạt xuất sắc về năng lực, phẩm chất (chiếm 45%), còn lại là hoàn thành tốt. THCS có 12/54 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi (chiếm 22%); 26/54 cháu đạt học sinh tiên tiến (chiếm 48%) còn lại đạt trung bình, không có cháu nào xếp yếu, kém. Cấp THPT có 4/9 cháu đạt học sinh giỏi (chiếm 44%); 3/9 cháu đạt học sinh tiên tiến (chiếm 33,3%); còn lại đạt trung bình. Có 5/5 cháu học sinh lớp 12 thi đỗ vào các trường đại học.
- Học tập của người lớn: Để tháo gỡ vướng mắc trong nhận thức về việc học của người lớn, Ban Khuyến học dòng họ đã giải thích rõ việc học tập của người lớn là hết sức đa dạng và linh hoạt, không nhất thiết phải học ở trường lớp, phải ghi chép, có sách vở (điều mà người lớn ở nông thôn khó thực hiện) mà học theo yêu cầu của mỗi người, học ở mọi nơi, mọi lúc, từ đó động viên mọi người tranh thủ thời gian thích hợp để học. Qua 01 năm triển khai cho thấy hầu hết các gia đình trong Họ đều quan tâm học kiến thức qua chương trình “Chào buổi sáng bông lúa”, chương trình thời sự, chương trình chăm sóc sức khỏe của Đài Truyền hình VTV1, VTV2... Nhiều người tích cực tham gia sinh hoạt câu lạc bộ hát Xoan, câu lạc bộ thơ, câu lạc bộ đánh bóng chuyền hơi; tham gia sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, các hoạt động tại nhà văn hóa và theo học ở Trung tâm học tập cộng đồng của xã.
Tiêu chí 2: Điều kiện học tập trong dòng họ:
Dòng họ đã vận động các gia đình tạo điều kiện cho con em học tập tốt. 100% các cháu có góc học tập riêng. 100% các gia đình có ti vi, nhiều gia đình đã nối mạng và biết truy cập thông tin trên internet.
Quỹ khuyến học của dòng họ hàng năm có số dư trên 30 triệu đồng (năm 2016 có 35 triệu đồng). Nguồn quỹ chủ yếu do các gia đình trong Họ tự nguyện đóng góp và sự hỗ trợ từ con cháu thành đạt.
Ban Khuyến học Dòng họ đã tham mưu cho Hội đồng gia tộc sử dụng hiệu quả nguồn quỹ bằng cách trao thưởng cho các cháu có thành tích học tập, rèn luyện tốt và thi đỗ đại học; hỗ trợ các cháu gia đình có hoàn cảnh khó khăn; khen thưởng các gia đình, các chi, ngành họ hiếu học và khuyến học tốt. Năm 2016, Quỹ đã khen thưởng cho 62 cháu học giỏi và 05 cháu đỗ đại học với số tiên gần 15 triệu đồng.
Tiêu chí 3. Tác động, hiệu quả học tập của dòng họ:
Phát huy truyền thống hiếu học của dòng họ, với sự quan tâm đầu tư cho con cái học hành nên nhiều gia đình trong Họ có kinh tế khá giả, Dòng họ không có hộ nghèo. Các gia đình trong Họ đã tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư. Trung bình hàng năm có trên 90% gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá. các gia đình trong Họ đã đóng góp tích cực xây dựng Thuỵ Vân thành xã đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của tỉnh.
2.3. Đẩy mạnh hoạt động của Ban Khuyến học, phát huy vai trò Hội đồng gia tộc:
Ban Khuyến học Dòng họ Vũ gồm 5 thành viên, trong đó có 4 người là cán bộ giáo viên đã nghỉ hưu. Ban đã phân công mỗi thành viên phụ trách một hoặc hai chi, ngánh họ. Cứ 3 tháng/lần, Ban tổ chức họp với Hội đồng gia tộc tại nhà Trưởng họ để để bàn bạc, triển khai các công việc của Họ, nhắc nhở các chi, ngánh đôn đốc việc học tập trong các gia đình và thực hiện Tộc ước. Nhờ duy trì hoạt động của Ban Khuyến học và phát huy vai trò Hội đồng gia tộc, qua 12 năm thành lập, hoạt động khuyến học của Dòng họ luôn duy trì và phát triển mạnh. Dòng họ Vũ trở thành Dòng họ có phong trào khuyến học tốt, dẫn đầu các dòng họ trong xã.
3. Kết quả đạt được:
Tiêu chí 1. Theo quy trình thực hiện, tháng 11/2016 các gia đình tự đánh giá chấm điểm, chi hội Khuyến học các khu dân cư đã kiểm tra và thẩm định, Kết quả đạt được như sau: Dòng họ có 232/250 hộ gia đình đạt tiêu chí Gia đình học tập (chiếm tỷ lệ 93%), đạt 60 điểm.
Tiêu chí 2: Điều kiện học tập của Dòng họ: đạt 20 điểm.
Tiêu chí 3: Tác động, hiệu quả của học tập trong dòng họ: Đạt 20 điểm.
Tổng số điểm do Ban Khuyến học Dòng họ chấm và do đoàn kiểm tra của Hội Khuyến học xã Thuỵ Vân chấm đạt 100 điểm.
Căn cứ kết quả đạt được, Dòng họ Vũ đạt danh hiệu Dòng họ học tập và được xếp loại Xuất sắc.
III. Bài học kinh nghiệm
- Đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức phong phú, giúp cho mọi người hiểu và quán triệt sâu sắc các văn bản, các tiêu chí để các gia đình tự giác phấn đấu thực hiện.
- Có sự phân công trách nhiệm cụ thể từng thành viên trong Ban Khuyến học của dòng họ phụ trách từng chi, ngánh họ để trực tiếp tuyên truyền, vận động, tháo gỡ các vướng mắc, hướng dẫn các gia đình trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí.
- Dòng họ gồm những người cùng huyết thống, gắn bó máu thịt với nhau nên việc phát huy vai trò của Hội đồng gia tộc nhất là Trưởng họ, Trưởng các chi, ngánh, các cụ cao tuổi trong dòng tộc để nêu gương và bảo ban, khích lệ con cháu noi gương các thế hệ đi trước, đồng thời tranh thủ ý kiến của các cụ nhằm tạo sự thống nhất cao trong dòng họ khi triển khai thực hiện.
- Tranh thủ sự lãnh đạo của Hội Khuyến học xã, bí thư chi bộ, trưởng khu dân cư; phối hợp chặt chẽ với chi hội khuyến học ở khu dân cư nhất là việc tổ chức cho các gia đình đăng ký, chấm điểm, bình xét danh hiệu Gia đình học tập - điều kiện quyết định để đạt Dòng họ học tập.
- Phải xây dựng được nguồn quỹ khuyến học của dòng họ vững chắc mới có điều kiện để giải quyết mọi công việc trong quá trình thực hiện.
Vũ Văn Hiển - Trưởng Ban Khuyến học
dòng họ Vũ xã Thụy Vân
www.hovuvovietnam.com
|