Từng là một Chính ủy can trường, lăn lộn nhiều năm ở chiến trường trên con đường mang tên Bác nhưng không ít lần ông đã phải rơi lệ. Ấy là những khi ông chứng kiến sự hy sinh cao cả và tình nghĩa thiêng liêng của đồng đội và lúc ông gặp lại mẹ sau 20 năm trời xa biền biệt… Trong câu chuyện với tôi, nhắc nhớ một thời “bom rơi đạn nổ”, Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Binh đoàn 12, hiện nay là Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam vẫn rưng rưng xúc động…
Chân dung Thiếu tướng Võ Sở
Sốt rét và đói
Trong 47 năm quân ngũ thì có hơn 10 năm Thiếu tướng Võ Sở sống và chiến đấu trên đường Trường Sơn, 17 năm công tác tại Binh đoàn 12. Ông tâm sự rằng, hơn 10 năm ở chiến trường, trên cương vị là Trưởng phòng Tổ chức, Chính ủy Binh trạm, rồi Phó chủ nhiệm chính trị Đoàn 559 là những ký ức sâu đậm, đã thành máu thịt, một phần sống của cuộc đời ông. Để đến hôm nay, những năm tháng ấy vẫn ám ảnh khôn nguôi. Ông tâm sự: “Cái ác liệt của bom đạn quân thù thì nhiều người đã biết nhưng với người lính Trường Sơn, ở nhiều khu vực còn có điều đáng sợ nữa, đó là sốt rét và đói. Mùa mưa năm 1966, trong một lần xuống nắm tình hình ở Binh trạm 6, tôi chứng kiến gần như 100% quân số binh trạm bị sốt rét. Ban chỉ huy binh trạm cùng quân y ở đây đã vét cạn những viên ký ninh cuối cùng, quân nhu tập trung nuôi dưỡng, đồng thời cấp báo lên Bộ tư lệnh 559. Nhưng vì binh trạm ở tuyến cuối, mùa lũ đang hồi cao điểm, vận chuyển vô cùng khó khăn. Gần hết mùa mưa, thuốc mới vào đến nơi. Thật đau lòng, đói thuốc, đói gạo, sốt rét hoành hành đã cướp đi của Binh trạm 6 gần 50 cán bộ, chiến sĩ”.
Nói đến đây, cổ vị tướng như nghẹn lại. Tôi ngây ngô hỏi ông:
- Tuyến 559 là nơi chuyển gạo, lương khô, thuốc… vào chiến trường thì anh em trên đường dây tưởng phải được đảm bảo đầy đủ, chứ sao lại có chuyện thiếu đói được?
Trầm ngâm một lát, Thiếu tướng Võ Sở nói:
- Nguyên tắc nhất quán của Bộ đội Trường Sơn là: Tất cả vì chiến trường, ưu tiên chiến trường, hàng của chiến trường quyết không tơ hào. Bởi vậy, không chỉ mùa mưa, mà lắm lúc trong mùa khô, từ cán chí quân chúng tôi cũng đói quay đói quắt.
|
Chính ủy Võ Sở kiểm tra tại trọng điểm Phu Dơ Tuya năm 1973. Ảnh do nhân vật cung cấp.
|
Theo dòng hồi ức của ông thì một trong các giai đoạn khó khăn nhất về lương thực, thuốc men của Bộ đội Trường Sơn là thời kỳ “hậu Mậu Thân 1968”. Lúc này, do mất bàn đạp đứng chân ở vùng ven, vùng đồng bằng, nông thôn; một số đơn vị chủ lực của ta phải lùi lên vùng rừng núi. Tuyến 559 trở thành nơi để các chiến trường tập kết củng cố lực lượng, là nơi thu dung điều trị nuôi dưỡng thương, bệnh binh của các mặt trận. Lượng lương thực, thuốc quân y dự trữ trên tuyến rất mỏng. Tình hình rất căng thẳng. Bộ tư lệnh 559 quyết định thử nghiệm tổ chức vận tải cơ giới trong mùa mưa, hy vọng khắc phục một phần khó khăn. Mặc dù chỉ chạy đội hình tiểu đoàn xe, về sau hạ cấp xuống đại đội, nhưng không kết quả, thậm chí còn tổn thất… Giặc đánh, trời không thuận nên vận chuyển gần như tê liệt. Người dồn về trên tuyến. Lương thực, thuốc men đã thiếu lại càng thiếu hơn. Cảãnh bộ đội, thanh niên xung phong chia nhau mỗi ngày chưa nổi lưng cơm, từng củ sắn, măng rừng… là phổ biến trên toàn tuyến. “Những ai, ngày qua ngày ăn măng củ luộc trừ bữa, họa chăng mới thấm cái gọi là “đói quay đói quắt” của những người lính Trường Sơn mùa mưa Mậu Thân 1968” – Thiếu tướng Võ Sở khẳng định.
Nước mắt Chính ủy
10 năm ở chiến trường, chứng kiến bao tấm gương chiến đấu và hy sinh của đồng đội, để đến hôm nay hồi tưởng lại, ông vẫn rưng rưng. Một trong số đó là trường hợp hy sinh của Đại tá Đặng Tính, Chính ủy Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Đầu năm 1973, lúc đó ông Sở đang làm Chính ủy Sư đoàn 471 thì nhận được lệnh chuẩn bị đón đoàn của Chính ủy Đặng Tính đi khảo sát phía Tây Trường Sơn. Sau khi làm việc với Bộ tư lệnh Sư đoàn, đoàn hành quân đi kiểm tra Mặt trận Pắc Xoòng, sau đó dự định sẽ làm việc với Tỉnh ủy của bạn ở Bô Lô Ven. Để bảo đảm an toàn, Sư đoàn 471 đã bố trí hai xe Zin157 có đầu tời đi trước, xe con của Chính ủy Tính và các đồng chí trong đoàn chạy sau. Bố trí vậy để đề phòng nếu có mìn thì Zin157 sẽ gây nổ trước. Kế hoạch hành quân tưởng chừng được tính toán kỹ càng nhưng không ai ngờ…
Chiều 3-4, đoàn của Chính ủy Đặng Tính lên thăm chốt Pắc Xoòng. Đây là đoạn đường địch rất hay gài mìn đánh xe nên để đảm bảo an toàn cho Chính ủy, mọi người đề nghị xe ông phải chạy sau và bánh xe sau phải ke đúng bánh xe đi trước. Ở quãng đường bằng, xe sau bám vết bánh xe đi trước, bình an vô sự. Nhưng, đến một chiếc cầu nhỏ, xe của Chính ủy Đặng Tính láng khẽ sang một bên và bánh sau đè phải mìn chống tăng. Mìn nổ, xe bị hất tung một quãng chừng 20 mét. Chính ủy Đặng Tính và các thành viên trên xe đều hy sinh. Nén xúc động, Thiếu tướng Võ Sở kể: “Theo chỉ đạo của Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên, chúng tôi huy động tất cả cơ quan quân y, bệnh xá sư đoàn tập trung khâm liệm cho Chính ủy Đặng Tính và các đồng chí hy sinh. Anh Tính hy sinh nhưng thi thể anh còn nguyên vẹn. Dù đã chứng kiến biết bao sự hy sinh của đồng chí, đồng đội nhưng trực tiếp lo “nghĩa tử, nghĩa tận” với các thủ trưởng, đồng đội của chúng tôi khi đó, không ai cầm lòng được. Chúng tôi khóc vì một nỗi đau oan nghiệt, phũ phàng; khóc để nước mắt tuôn rơi và khóc để nước mắt chảy vào trong. Quả là một nỗi đau không thể nói bằng lời”.
Những ngày tháng 4-1975 lịch sử, ông Võ Sở được Bộ tư lệnh Bộ đội Trường Sơn giao bám đốc chiến Sư đoàn 471 chuyển nhanh hơn 6 nghìn tấn đạn pháo lớn và khí tài vật tư bảo đảm cho chiến trường. Trên đường hành tiến vào Sài Gòn, ông được phép về Ninh Hòa thăm mẹ, thăm quê. Ngày 15-4, ông về tới thôn Lạc Ninh, huyện Ninh Hòa, nơi mẹ và chị từng nương náu nhưng lại được tin, mẹ và chị đã về Quảng Ngãi từ hơn một năm trước, nay không biết còn hay mất. Rời Lạc Ninh, ông ngược xe ra Quảng Ngãi. Sốt ruột muốn sớm được gặp mẹ, ông liên tục giục lái xe tăng tốc. “Cuối cùng, điều mong mỏi đến cháy lòng của tôi cũng đã thỏa nguyện. Trưa đó tôi gặp lại mẹ già và người chị thân thương sau 20 năm trời xa cách tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Xuống xe, lao vội về nhà, tôi kêu như lạc giọng: “Mẹ ơi! Con đã về đây với mẹ!”. Sau giây phút bàng hoàng như mơ, mẹ và chị ôm riết lấy tôi với vòng tay run lẩy bẩy, rồi mẹ nói: “Thế là mẹ còn sống đến ngày đất nước thống nhất để được gặp con. Tưởng là 2 năm mà đã 20 năm…!”. Nghe lời mẹ, nước mắt tôi trào ra. Nước mắt của niềm vui, hạnh phúc được gặp lại mẹ và chị”- ông Võ Sở nhớ lại.
Thiếu tướng Võ Sở phát biểu tham luận tại Tọa đàm "Chùa Giao Thủy xưa - Trung tâm Phật giáo Mật tông thời Lý" do Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội tổ chức ngày 22/10/2018
Nghĩa tình đồng đội
Rời quân ngũ, về với đời thường, theo nguyện vọng của các thế hệ bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã từng sống, chiến đấu trên Đường Trường Sơn, Thiếu tướng Võ Sở cùng đồng đội đứng ra thành lập Ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sơn. Bắt đầu từ khu vực Hà Nội, sau đó được tổ chức với quy mô toàn quốc, Ban liên lạc đã khởi xướng nhiều hoạt động được đông đảo các cựu chiến binh Trường Sơn hoan nghênh, hưởng ứng như xuất bản hàng trăm đầu sách truyền thống, thơ ca, nhạc họa ca ngợi con đường huyền thoại và chiến sĩ Trường Sơn anh hùng, tổ chức các buổi giao lưu, tuyên truyền, trao quà, giúp đỡ hàng nghìn đồng đội gặp khó khăn, khám bệnh và tặng nhà tình nghĩa, trị giá hàng tỷ đồng…
Ngày 13-5-2011, Thiếu tướng Võ Sở cùng hàng vạn cựu chiến binh Trường Sơn rất phấn khởi đón nhận quyết định của Bộ Nội vụ cho phép thành lập Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Hai tháng sau, Đại hội Hội truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội. Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Trưởng ban liên lạc được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội. “Trước khi thành lập hội, toàn quốc đã có 44 tỉnh, thành phố và 84 đơn vị truyền thống từ cấp cục, sư đoàn, binh trạm, trung đoàn, ngành, bệnh viện, tiểu đoàn, các đội thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến hình thành ban liên lạc của mình và hoạt động đều đặn, hiệu quả. Sau khi Hội tổ chức Đại hội lần thứ nhất, đến nay đã có 8 tỉnh, thành phố đại hội, 6 tỉnh, thành phố khác đã có quyết định thành lập và đang chuẩn bị đại hội. Chúng tôi cũng đã nhận được trên 175 nghìn đơn xin vào hội. Năm 2012 này, Hội tập trung vào hai chương trình hoạt động lớn là “Truyền thống và tình nghĩa” với việc huy động các nguồn lực để xây dựng một số di tích lịch sử trên đường Hồ Chí Minh, cùng Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Báo Sài Gòn giải phóng lập quỹ “Nghĩa tình Trường Sơn” với dự kiến huy động khoảng 60 tỷ đồng để xây 400 nhà tình nghĩa cho các cựu chiến binh Trường Sơn gặp khó khăn…” – Thiếu tướng Võ Sở vui mừng cho biết.
Sài Tiến (Sự kiện và Nhân chứng - QĐND)
|