Trong lịch sử bộ đội biên phòng, tư lệnh Võ Trọng Việt – người đầu tiên của lực lượng biên phòng là ủy viên Trung ương Đảng, người đầu tiên được bổ nhiệm Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và cũng là người đầu tiên được phong hàm Thượng tướng.
Ông nguyên là Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh Quốc hội khóa XIV. Câu chuyện về ông là hành trình của một nghị lực phi thường, được những người lính biên phòng nhắc đến với sự trân trọng và ngưỡng mộ.
Chân dung thượng tướng Võ Trọng Việt
3 lần thoát chết
Tháng 3-1975, 17 tuổi, từ bỏ ước mơ làm thầy giáo, chàng trai trẻ Võ Trọng Việt nhập ngũ, là lính của tiểu đoàn 22 – Quân khu 4.
Năm 1979, Việt là một trong hai người của khóa học tốt nghiệp Trường sĩ quan Công an vũ trang (nay là Học viện Biên phòng) với hàm thiếu úy. Anh được phân công về Quân khu 5 nhận nhiệm vụ biệt phái lên Tây Nguyên chống Fulro.
Trong thời gian này, chàng sĩ quan trẻ hai lần suýt chết vì đạn của Fulro. Năm 1985, anh lại thoát chết lần thứ ba khi chiếc xe chở đoàn công tác lao xuống vực ở đèo An Khê.
“Xe có 21 người thì hi sinh 16 người, còn lại 5 người, trong đó có tôi” – thượng tướng Võ Trọng Việt kể.
Năm 1986, được điều về Biên phòng tỉnh Nghệ Tĩnh công tác, đại úy Việt tạo nên dấu ấn mạnh mẽ khi phá hàng loạt chuyên án lớn lúc bấy giờ như chuyên án tội phạm làm giấy tờ giả, dấu giả; chuyên án nội phỉ xưng vua ở Kỳ Sơn (Nghệ An)…
Khi Nghệ Tĩnh tách tỉnh, thiếu tá Võ Trọng Việt là trưởng phòng trinh sát của Biên phòng Hà Tĩnh. Anh tiếp tục phá thành công nhiều chuyên án lớn như: buôn bán hài cốt phi công Mỹ, buôn bán người, buôn bán vận chuyển ma túy …
Năm 2000, anh đảm nhận cương vị chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Tĩnh. Dấu ấn không thể không nhắc đến của đại tá Võ Trọng Việt lúc này là bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt – một trong năm dân tộc ít người nhất của Việt Nam, được phát hiện trong rừng sâu, lúc đó chỉ còn vài chục người, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Tỉnh không cấp kinh phí. Bằng quyết tâm, sự kiên trì, tình thương và cả… chịu đựng không thể tưởng tượng được, đại tá Việt đã cùng anh em bộ đội biên phòng mấy năm liền trích tiền lương, bỏ công sức giúp người Chứt sống được và thoát khỏi nạn tuyệt chủng. Từ chỗ chỉ còn vài chục người nay đã lên hơn 500 người.
Năm năm đại tá Võ Trọng Việt làm chỉ huy trưởng Biên phòng Hà Tĩnh, cả 5 năm liên tục (từ năm 2000-2005) đơn vị đều đạt cờ thi đua của Chính phủ. Đó là nỗ lực khủng khiếp của Biên phòng Hà Tĩnh khi toàn lực lượng biên phòng cả nước mỗi năm chỉ có một cờ thi đua của Chính phủ.
Gia đình thiếu úy Nguyễn Hữu Thưởng (đồn biên phòng Huổi Luông, Lai Châu) bên căn nhà được xây từ Quỹ Mái ấm biên cương - Ảnh: M.Lăng
“Di sản” của vị tư lệnh
Năm 2005, đại tá Việt được điều ra Hà Nội làm chính ủy Biên phòng Việt Nam, thăng hàm thiếu tướng. Cũng năm này, ông được phong Anh hùng Lực lượng vũ trang.
“Khi làm chính ủy biên phòng, lần đầu tiên đi đến các đồn khắp cả nước tôi mới thấy nhiều nơi người dân khổ quá, khổ hơn người Chứt, nhất là vùng Tây Bắc” – thượng tướng Việt nói.
Sau đó ông bàn với Đảng ủy Bộ Tư lệnh Biên phòng phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và báo Quân Đội Nhân Dân làm chương trình “Mái ấm biên cương”. Khi báo cáo để đề xuất làm, có người gạt đi, thậm chí còn bảo ông “đừng mang cái kinh nghiệm rách ở Hà Tĩnh ra, không làm được cái gì đâu”.
Cuối cùng, đề xuất đó cũng được thông qua nhưng với điều kiện: chỉ được làm 1.000 căn nhà, không được vận động doanh nghiệp quân đội. Năm đầu tiên ông xây được tới 3.000 căn nhà “Mái ấm biên cương” trên cả nước. Sau 3 năm là 7.900 căn nhà và gần 300 công trình dân sinh.
Tướng Việt nhớ lại: “Lúc mình đề xuất thì có người gạt đi. Nhưng khi làm thành công thì ai cũng vỗ tay. Bà con thì hân hoan. Sau đó, tôi đi khảo sát tiếp, thấy đời sống anh em bộ đội mình nhiều người khổ quá. Giúp dân rồi, phải giúp mình nữa chứ.
Tôi đề xuất mô hình Mái ấm biên cương cho đồng đội. Anh em trích tiền lương, rồi tôi giao chỉ tiêu cho những đồn biên phòng ở cửa khẩu (có điều kiện tốt hơn) lo cho các đồn khó khăn. Sau gần 4 năm, đã có gần 3.000 căn nhà Mái ấm biên cương cho bộ đội biên phòng trên cả nước”.
Năm 2012, là tư lệnh Biên phòng Việt Nam, trong chuyến đi Hà Giang công tác, ông Việt thấy phần lớn bộ đội biên phòng đều lấy vợ làm giáo viên. Vợ chồng ở ngay trong lán, lều của giáo viên – là nhà tập thể ở các trường tiểu học, trung học. Thậm chí cứ 6m2 một cặp, ngăn nhau chỉ bằng tấm ván.
“Tôi cám cảnh nhớ thời mình lấy vợ, cũng ở trong căn phòng 9m2. Hỏi chuyện con cái, anh em nói chưa có. Hỏi lý do, người thì bảo ở xa nhà quá, lúc về phép thì không đúng kỳ của vợ, người thì bị sốt rét nhiều quá… Tôi cho tổng hợp các trường hợp bị hiếm muộn và giật mình với con số gần 1.000 cặp!” – thượng tướng Võ Trọng Việt kể.
Vị tư lệnh liền tổ chức ngay một buổi gặp các cặp bị hiếm muộn, mời Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Nhi sản Hà Nội đến tư vấn và bàn cách tạo quỹ để giúp anh em bộ đội có cơ hội có con. Quỹ hiếm muộn của biên phòng ra đời ngay sau đó.
Chỉ hai năm, quỹ đã có 14 tỉ đồng, được trích từ tiền lương hằng tháng của mỗi sĩ quan, chiến sĩ trong toàn lực lượng biên phòng!
Tướng Việt tuyên bố: “Bộ Tư lệnh sẽ hỗ trợ tối đa cho đến khi nào các đồng chí có con thì thôi! Có con cũng là một nhiệm vụ của các đồng chí”. Nhờ ông mà bây giờ có gần 700 cặp hiếm muộn đã có con.
Tướng Võ Trọng Việt (thứ hai từ phải qua) trong lễ công bố quyết định thăng quân hàm từ trung tướng lên thượng tướng ngày 11-12-2015
Từ chối làm tư lệnh
Xuất phát từ gia đình nghèo khổ, tướng Việt dễ có sự đồng cảm, luôn để ý quan tâm đến cái khổ, cái khó của người lính biên phòng.
Ông bảo: “Tôi không quỵ lụy ai, không xin xỏ cấp trên bao giờ. Chỉ có một lần tôi xin cấp trê
Đó là năm 2007, chính ủy biên phòng Võ Trọng Việt được bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất làm tư lệnh biên phòng nhưng ông… từ chối và đề xuất người khác.
Mãi đến năm 2012, khi tư lệnh tiền nhiệm sắp nghỉ hưu, trọng trách người đứng đầu lực lượng biên phòng cả nước lại một lần nữa đặt vào ông.
|
Theo Tuổi trẻ
|