Từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 8 âm lịch hàng năm (20/8 là ngày chính hội), tại thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam diễn ra lễ hội tưởng niệm ngày mất của bà Vũ Thị Thiết, hiệu Hương Nương.
Truyền rằng, vào thế kỷ XV, ở trang Vũ Điện, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân có vợ chồng ông Vũ Thận và bà Nguyễn Thị Phiên ăn ở rất nhân từ. Ông bà có 4 người con, trong đó có cô con gái út đặt tên là Vũ Thị Thiết, hiệu là Nương Hương. Nương Hương là người học giỏi, thấu hiểu kinh sử, làm thơ rất hay.
Đến năm 19 tuổi, quê nhà bị mất mùa, nạn đói xảy ra khắp nơi, Nương Hương bàn với các anh đem của cải giúp người già yếu, được dân làng hết lời ca ngợi. Nương Hương lấy chồng tên là Trương Huyền, cưới nhau chưa được bao lâu thì Trương Huyền phải đi lính, để lại người vợ bụng mang dạ chửa. Một năm sau Vũ Thị Thiết sinh được một người con trai, nàng một mình nuôi con, phụng dưỡng bố mẹ chồng rất chu đáo.
Đêm đêm mẹ con ngồi bên bóng đèn, nhìn bóng mình in trên vách, Vũ Thị Thiết thường nói với con đấy là bổ đẻ để yên lòng con trẻ. Sau 3 năm, Trương Huyền hết hạn binh dịch trở về thì cha mẹ đều đã qua đời. Trương Huyền bế con nhưng đứa bé nhất định không chịu nói "Ông không phải bố tôi, bố tôi tối mới về." Nghe thấy thế, Trương Huyền hết mực ngờ vực và mắng nhiếc vợ mình. Vũ Thị Thiết khóc lóc phân trần nhưng chồng không tin, quá đau khổ nàng đã gieo mình xuống sông tự vẫn.
Nhân dân thương nhớ người con gái trung hậu mà cuộc đời chịu nhiều nỗi đắng cay nên đã dựng miếu thờ nàng bên sông để hương khói phụng thờ.
Thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông khi xa giá qua vùng này (nay là thôn Điện,Chân Lý , Lý Nhân , Hà Nam), nghe chuyện đã bày tỏ lòng thương cảm Vũ Nương qua bài thơ nổi tiếng giải nỗi oan của bà Vũ Thị Thiết:
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương,
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương.
Ngọn đèn dầu tắt đừng nghe trẻ,
Làn nước chi cho lụy đến nàng.
Chứng quả có đôi vầng nhật nguyệt,
Giảo oan chẳng lọ mấy đàn tràng.
Qua đây mới biết nguồn cơn ấy,
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.
Các nhà thơ như Nguyễn Dữ, Nguyễn Khuyến ...cũng đều có thơ ca ngợi bà Vũ Thị Thiết.
Đền bà Vũ Nương ở thôn Vũ Điện, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam - nơi thờ phụng nàng Vũ Thị Thiết, nguyên mẫu của "Người con gái Nam Xương" trong "Truyền kì mạn lục" của Nguyễn Dữ.
Người con gái đức hạnh bị oan khuất Vũ Thị Thiết và ngôi đền Bà Vũ là biểu tượng của sự trinh liệt - Công Dung Ngôn Hạnh của người phụ nữ Việt Nam.
Hai câu đối trước cổng chính của ngôi đền:
"Trải qua các triều đại đây là nơi danh lam thắng cảnh đất Nam Xang.
Mãi mãi với tháng năm không vẩn nhơ bụi bẩn nơi dòng sông Vũ Điện."
như một khúc tráng ca, như một lời căn dặn của cha ông. Rằng: Hãy yêu quê hương đất nước, hãy gìn giữ kiên cường phẩm chất, nhân cách của người Việt Nam muôn đời cao đẹp.
VĂN TRÌNH BÀ VŨ THỊ THIẾT:
Nhớ thuở xưa
Thế kỷ mười lăm
Triều Lê Thánh Tông, ở trang Vũ Điện
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Phiên và ông Vũ Thuận
Vốn dòng hào phú, tính nết nhân từ
Sinh một người con gái phong tư
Thùy mị nết na như cành vàng, lá ngọc
Hoàng giang mênh mang, sóng nước
Quê hương đầm ấm, yên vui
Nàng Thiết lớn lên, tư chất hơn người
Mới 8 tuổi, đã làu thông kinh, sử
Kiêm thi ca, đấng nam nhi cũng nể
Cha cho đến trường, việc hiếm xưa nay.
Hỡi ôi!
Mười ba tuổi đầu chưa hết thơ ngây
Cha mẹ đã giã từ nhân thế
Bốn anh em, ruột đau như xé
Vắng song thân, nương tựa, để mưu sinh
Thương cảnh ngộ, dân trang, an ủi chân tình
Thờ cha mẹ, nhắc nhau: nếp nhà vun đắp
Xảy năm mất mùa, dân trang tan tác
Nàng Thiết vừa mười chín tuổi xuân
Anh em liền đem của cải góp phần
Đỡ nạn đói, giúp dân qua vất vả
Trang Vũ Điện, bếp lại ngời than, đỏ lửa
Cùng trang khi ấy có một nhà
Thuần hậu, nhân từ, tiếng tốt bay xa
Vợ Lê Thị Quyên, chồng là Trương Nghị
Sinh được 5 trai, phong tư đẹp đẽ
Con thứ hai tên gọi Trương Huyền
Đến tuổi trưởng thành, cha mẹ định lương duyên
Với nàng Thiết, lập thành gia thất
Bảy ngày sum vầy, vợ chồng chưa quen tính nết
Biên thuỳ có biến, chàng Trương phải sung quân
Tiễn đưa chồng, nàng lệ đầm khăn
Nguyện Sớm hôm tảo tần, vẹn tròn chữ hiếu
Nâng giấc, chăm nom cha già, mẹ héo
Tròn năm tháng, nàng sinh được bé trai
Bú mớm, nâng niu, quấn quýt chẳng rời
Đặt tên khai sinh con là Trương Đản
Bốn vách gió lùa, sương sa, phòng lạnh
Ba tuổi bi bô con hỏi bố đâu?
Chỉ bóng mình trên vách, dưới đèn dầu
Nàng bảo bố đây, đêm về mới đến
Con nín khóc, nô đùa, lòng nàng vui sướng
Nén nỗi buồn, dù nói dối con thơ
Đất thẳm, trời cao, nhật nguyệt chẳng mờ
Chắc thấu hiểu tấm lòng nàng son sắt.
Chiến tranh qua, chàng Trương rời trận mạc
Trở về quê, cha mẹ đã quy tiên
Chồng buồn rầu, nàng luôn ở kề bên
Săn sóc, động viên mong chồng nguôi bớt
Con nhìn bố mà không thôi khóc
Chàng ôm con, con kinh sợ thét lên
Ông không phải bố tôi, bố chỉ đến lúc ban đêm
Mẹ đi cũng đi, mẹ đứng cũng đứng
Nghe con trẻ, lòng nghi ngờ nổi sóng
Căn vặn đủ điều, nàng cố sức thanh minh
Bỏ ngoài tai mọi lời lẽ chân thành
Chàng Trương chỉ một niềm vợ mình thất tiết
Họ hàng can ngăn, Trương Sinh vẫn đầy lòng ngờ vực
Cạn lời phân trần, nàng đau đớn ra đi
Đến bến sông, sóng nước thầm thì
Cây gạo già, bong trùm thiền viện
Bày tỏ với trời nỗi mình oan uổng
Vuông khăn hồng đề thơ gửi lại thế gian
Rồi nàng gieo mình xuống đáy Hoàng Giang.
Đó là tháng 8, ngày 20 âm lịch
Người chẳng hay, nhưng trời thấu hết
Oan khiên của nàng cảm động Long Vương
Cá chép đón nàng nhập chốn Thủy cung
Ở nơi ấy Ngọc Linh phi đang ở
Vốn là bạn cõi tiên khi nàng chưa giáng thế
Trương Huyền được tin thì sự lỡ rồi
Thương vợ mà lòng ngờ vực chưa nguôi
Một đêm bố con trong căn phòng quạnh quẽ
Con gọi mẹ, bỗng nhiên vui vẻ
Chỉ bóng trên tường: Bố đến rồi kia
Sao đêm nay nhiều bố thế ư?
Bởi thắp nhiều đèn và chàng chợt hiểu
Nàng dỗ con chỉ bóng mình và bảo
Bố đã về, ôi! Nàng đã bị oan
Chàng ân hận cùng với dân trang
Ra bãi sông ì ầm sóng vỗ
Lập đàn tràng giải oan cho vợ
Bỗng mặt sông thấp thoáng bóng nàng
Lẫn khói sương rồi mất hút đáy Hoàng Giang
Từ đó bà hiển linh bốn biển
Thành thần thiêng Hoàng Giang phò nguy, cứu nạn
Hóa rồng vàng nâng đỡ thuyền vua
Âm phù đại quân. Thắng trận trở về
Đức Lê Thánh Tông truyền trang Vũ Điện
Sửa đền miếu thờ Bà phụng niệm
Vua lại đề thơ bày tỏ nỗi niềm
Tiếc thương Bà tự vẫn bởi oan khiên
Nối tiếp đời sau tao nhân, mặc khách
Đề thơ vịnh Bà cùng đền thiêng trầm mặc
Bên Hoàng Giang xưa, nay gọi sông Hồng
Dân trong vùng kính cẩn đèn, nhang
Thờ tấm gương soi vào lịch sử
Người phụ nữ Việt Nam trọn đời chung thủy
Theo nếp từ xưa
Xã Chân Lý, thôn Vũ Điện bây giờ
Tháng tám 20 vào ngày chính hội
Tôn vinh Bà bậc trung trinh tiền bối
Nhắc cháu con tự hào, truyền thống phát huy
Cầu quốc thái, dân an, phúc lộc đề huề
Cầu hòa cốc, phong đăng, nhà nhà no đủ
Nén tâm nhang, trảy hội đền Bà Vũ
Kính viếng hồn linh
Bày tỏ tấm lòng thành
Cẩn cáo!
Cẩn cáo!
Cẩn cáo!
Một số hình ảnh đền thờ và Lễ hội bà Vũ:
Vũ Xuân Kiên / www.hovuvovietnam.com
|