Hải Ninh (Đời sống Pháp luật)
Đất thiêng nuôi dưỡng anh tài
Đến Hải Dương để tìm hiểu về làng tiến sĩ, làng khoa bảng không thể không đến làng Mộ Trạch. Ngôi làng nhỏ này từ lâu đã được vua Tự Đức dành những lời hoa lệ để nói về làng tiến sĩ này "Làng Mộ Trạch thì nặng bằng nửa thiên hạ".
Bí thư Đảng uỷ xã Vũ Xuân Đoàn hồ hởi khoe, kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi cả làng đỗ 100%, thậm chí nhiều em đạt được kết quả rất cao. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm đình, thăm miếu trong làng, ông Đoàn vừa kể cho chúng tôi truyền thống về sự học ở làng.
Theo lời ông Đoàn, trong 13 dòng họ có truyền thống hiếu học trong làng thì dòng họ Vũ thành đạt nhất với nhiều tiến sĩ. Cách đây hơn 1000 năm cụ tổ Vũ Hồn khẩn hoang lập làng, lập xóm. Sử sách còn ghi lại thuỷ tổ họ Đặng Vũ ở làng Hành Thiện, Nam Định là Đặng Vũ Thiên Thế do làm con nuôi họ Đặng mà được mang họ như vậy. Và khi Vũ Hồn được vua Đường cử sang làm Đô hộ xứ Giao Châu, ông cũng để lại một chi ở vùng Phúc Kiến, Trung Quốc. Ông Đặng Quốc Kiều con cháu họ Đặng Vũ, Nam Định tham gia Việt Nam Quang Phục hội theo tìm cụ Phan Bội Châu ở Nhật Bản đúng lúc Chính phủ Nhật trục xuất sinh viên Việt Nam. Ông Kiều chạy sang Trung Quốc và đến Phúc Kiến tìm lai lịch con cháu Vũ Hồn tại nơi đâỵ. Bà con họ Vũ đã tiếp đón ông vô cùng niềm nở, vui mừng vì đã trên ngàn năm, con cháu dòng tộc họ Vũ ở hai chi, một chi Trung Quốc, một chi Việt Nam, mới gặp lại nhau. Biết ông còn tiếp tục sang Xiêm La (Thái Lan) hoạt động Cách mạng họ đã giúp ông khoản tiền lớn để đi đường và bố trí giúp ông vào làm bồi cho một gia đình người Âu tại Vọng Các (Băng Cốc).
Theo Ngọc phả của làng để lại, làng có tới 36 vị tiến sĩ, chưa kể đến cử nhân, tú tài, đứng vào bậc nhất cả nước về trình độ học vấn. Trên bia số 18 tại Văn Miếu - Hà Nội còn ghi rõ khoa thi năm Bính Thân, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ tư (1656) dưới thời Lê Thần Tôn và Trịnh Tráng có tới 3000 người dự mà chỉ được chọn đỗ sáu thì đệ tam giáp làng Mộ Trạch là Vũ Trác Lạc, Vũ Đăng Long, và Vũ Công Lượng, nghĩa là chiếm tới một nửa những con người thành đạt của cả thiên hạ. Tiếp đến là khoa thi Kỷ Hợi năm 1659 Mộ Trạch lại có tới bốn người đỗ tiến sĩ là Vũ Cầu Hối, Vũ Công Đạo, Vũ Duy Hải và Lê Công Triều. Ngày nay cũng có không ít bậc anh tài trên vùng đất địa linh nhân kiệt này như tiến sĩ Vật lý nguyên tử ở Nhật Bản Vũ Khắc Thịnh, Giáo sư tiến sĩ Vũ Tuyên Hoàng, nhà giáo Vũ Đình Liên, cụ Vũ Đình Hoè từng làm Bộ trưởng Bộ Tư pháp dưới thời Cụ Hồ. Tiến sĩ Đặng Vũ Phương Nghi ở Pháp gửi thư về có đoạn viết: "Có thể nói, nhờ lòng tự hào về làng Mộ Trạch mà tôi đã phấn đấu vươn lên mọi khó khăn để đạt bằng tiến sĩ văn học ở Paris".
Khi chúng tôi đến làng Mộ Trạch, các cụ cao tuổi trong làng đều tự hào cho biết: Từ đời cụ Tổ họ sinh cơ lập nghiệp trên đất Mộ Trạch cho đến các đời con cháu sau này đều là những bậc quan thanh liêm, văn võ song toàn và có lòng yêu nước sâu sắc. Từ cổ chí kim, con cháu trong dòng tộc làm quan triều nào thì tuyệt đối trung thành với triều ấy. Đối với việc nước họ là các bậc "trung thần", đối với gia tộc thì anh em chú cháu luôn dạy dỗ, giúp đỡ nhau giữ vững đức độ để trở thành các bậc quan tốt.
Đặc biệt, họ Vũ ở Mộ Trạch xưa và nay đều chiếm đầu bảng về học hành đỗ đạt. Họ Vũ có nhiều nhà thờ. Nhưng chỉ có một nhà thờ được lấy tên là Thế Khoa Đường do vua Lê phong tặng vì có ba người nối dõi liên tiếp đều là con trưởng thi đỗ tiến sĩ.
Tính đến nay, con cháu dòng họ Vũ đã duy trì tốt truyền thống hiếu học của ông cha. Ông Vũ Văn Đoàn rất tự hào khi nói đến dòng họ: "Truyền thống học vấn vẫn được con cháu thừa hưởng và tiếp nối đến tận bây giờ. Nếu đến làng Mộ Trạch tìm hiểu thì những gia đình có 3- 4 người con cùng thi đỗ vào trường đại học không phải là hiếm. Còn những gia đình có hai con vào đại học thì nhiều vô kể. Đó là niềm tự hào của chúng tôi".
Mãi giữ truyền thống hiếu học
Đây là bí quyết được truyền từ đời này sang đời khác của làng cử nhân Linh Khê (Xã Thanh Quanh - Nam Sách - Hải Dương). Làng Linh Khê nằm cách làng Mộ Trạch khoảng hơn 20 km. Xét về số lượng đỗ tiến sĩ, cử nhân làng Linh Khê có thể không bằng được so với Mộ Trạch nhưng nếu xét về ý chí vươn lên khổ luyện thành tài trong sự học thì làng Linh Khê cũng không hề kém.
Tâm sự với chúng tôi, thầy giáo Đỗ Minh Hoàng người được coi là cuốn gia phả sống của làng cho biết, thôn Linh Khê có 312 hộ gia đình với 1.278 nhân khẩu mà có tới 150 cử nhân các ngành, 7 thạc sĩ, hơn 90 giáo viên các cấp, 70 sinh viên đại học, 1 tiến sĩ và rất nhiều thạc sĩ. Cứ đến kỳ thi đại học, trong làng lại vui như mở hội vì tỷ lệ các em trong làng đỗ đại học còn đông hơn rất nhiều tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp của cả nước, đạt khoảng hơn 90%.
Mặc dù là làng quê nghèo nhưng Linh Khê luôn dành tất cả cho sự học. Dòng họ nào trong làng cũng đều có quỹ khuyến học. Đây là cách mà làng Linh Khê khuyến khích con em ăn học thành người.
Nói đến làng tiến sĩ, ngoài Mộ Trạch và Linh Khê nhưng càng không thể không nhắc đến làng Rồng (Cao Dụê, Nhật Tân, Gia Lộc, Hải Dương). Khi nhắc đến làng Rồng người ta không chỉ nghĩ đây là làng cử nhân hay làng tiến sĩ mà còn nghĩ đến một biệt hiệu khác đã là niềm tự hào của nhân dân Cao Duệ: Làng giáo viên. Bởi ở đây có quá đông người làm nhà giáo. "Giáo viên làng Rồng nhiều như cua đồng ngoài ruộng".
Từ những năm ba mươi của thế kỉ XIX, làng đã được biết đến với sự hiếu học, hiếu tài. Nhiều thầy đồ trong làng và từ nơi khác được mời về giảng dạy như thầy Trì, thầy San, thầy Trước, thầy Lang...
Cụ Từ Thảo, người trông coi di tích đình Rồng tâm sự, sở dĩ làng Rồng có tên như vậy bởi xưa làng thờ một con rồng đá đặt trước văn chỉ của làng. Hàng năm cứ đến ngày giỗ Khổng Tử, dân làng lại mang xôi gà ra thắp hương để cầu tài, và tôn vinh thầy đồ, thầy nho..., sau đó bình luận thơ ca. Truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa của làng có từ ngày đó.
Sự học của làng Rồng có từ rất lâu. Những năm 1933, làng đã mở trường Hương Sư, năm 1945 trường cấp 1 được xây dựng do thầy Tố Đức Sinh làm Tổng sư. Thầy giáo Nguyễn Văn Trạch khi nói về truyền thống hiếu học đã bồi hồi nhớ lại "Những năm 1951-1952, giặc Mỹ ném bom phía trên, thầy trò tôi học phía dưới, có khi phải đưa bàn ghế xuống ao nhưng em nào cũng hiếu học. Bởi con chữ với người dân làng Rồng như máu nuôi sống cơ thể".
Người làng Rồng luôn ý thức: Thời nào cũng chuộng người tài, muốn thành tài thì cần phải học. Họ còn cho rằng: "Muốn thoát nghèo con đường duy nhất là phải học”. Vì thế, từ thời phong kiến, không chỉ con nhà giàu mới được đi học mà một số nhà nghèo nhưng chuộng chữ của làng Rồng cũng chắt chiu cho con đến với thầy. Ngay thời ấy, làng Rồng mới có khoảng trên dưới 200 người nhưng đã có tới gần chục ông thầy dạy học.
Anh Vũ Trung Kiên - Phó chủ tịch Hội Khuyến học của xã Nhật Tân - cho biết: Năm ngoái, làng Rồng có tới 23 cháu trúng tuyển cao đẳng, đại học, 20 cháu đạt giải học sinh giỏi các cấp. Chúng tôi có thể chịu nghèo về mọi thứ, nhưng nhất định không chịu nghèo về trí tuệ. Mỗi mùa tuyển sinh cao đẳng, đại học là một mùa hội của làng Rồng.
Thời gian có thể xoá nhoà đi tất cả, có thể là thay đổi nhiều thứ nhưng truyền thống hiếu học của các làng tiến sĩ nổi danh xứ Đông là bất diệt.
|