Người nông dân chưa được hưởng lợi nhiều
Mỗi lần nghe tiếng chị hàng xáo hỏi có thóc bán hay không, anh Vũ Huy Hùng, nông dân đội 3, thôn Mộ Trạch, xã Tân Hồng (Bình Giang, Hải Dương) như cảm thấy mất một thứ gì. Nhà còn vài tạ thóc dù giá bán hiện khá cao nhưng anh không dám bán vì lo các con đói. Nhà anh cấy gần 1,4 mẫu ruộng, trong đó có bảy sào cấy đợ. Vụ mùa năm 2007, nhờ được chăm sóc tốt, năng suất lúa của nhà anh rất cao, bình quân đạt 2,5 tạ/sào. Anh Hùng kể: "Hơn ba tấn thóc thu hoạch về, phơi xong, cân đối lương thực đủ ăn cho cả nhà và dành cho chăn nuôi sáu tháng, tôi bán 1,5 tấn thóc cho hàng xáo, với giá 3.500 đồng/kg thóc tẻ thường (Q5, Khang Dân), 4.500 đồng/kg thóc tẻ thơm (Hương thơm số 1, Bắc thơm số 7).
- Sao anh không giữ thóc đến lúc giá cao mới bán?
- Giữ làm sao được khi mà nhu cầu cuộc sống với bao khoản chi phí cho sản xuất đến lúc mình cần có tiền để trang trải. Vì vậy, thu hoạch lúa xong, cân đối đủ lương thực cho gia đình, hầu như nhà ai cũng bán hết thóc dư thừa.
- Vừa rồi giá thóc, gạo tăng, anh có thấy tiếc không?
- Tiếc chứ, nhưng trong nhà làm gì còn thóc để bán.
Cũng với tâm trạng như anh Hùng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Mộ Trạch Vũ Ðình Tam (Tân Hồng, Bình Giang) kể: "Cái thời nhà nhà xây bịch, dựng cót chồng để trữ thóc đã qua rồi. Bây giờ, nông dân chỉ giữ đủ lượng thóc ăn cho một vụ, còn dư thừa đều bán hết cho người thu mua. Vừa rồi giá thóc, gạo tăng nhưng thực chất nông dân chúng tôi chẳng được là bao. Giá lương thực tăng nhưng so với giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng hằng ngày thì giá lương thực tăng cũng chẳng thấm tháp gì".
Ðể làm rõ hiệu quả từ trồng lúa, chúng tôi cùng hơn chục nông dân thôn Mộ Trạch ngồi tính toán chi phí trồng lúa. Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp thôn Mộ Trạch hạch toán: Vụ chiêm năm 2007, giá phân bón NPK 2.000 đồng/kg, đạm 5.000 đồng/kg, Ka-li 5.500 đồng/kg, giá lúa giống 8.000 đồng/kg. Tổng chi phí cho một sào lúa (không tính ngày công, vì chủ yếu nông dân lấy công làm lãi) hết 270.500 đồng, bao gồm: 2,5 kg lúa giống (tương đương 20 nghìn đồng), 20 kg phân NPK (40.000 đồng), 7 kg đạm (35.000 đồng), 5 kg Ka-li (27.500 đồng), thuốc sâu và công bơm nước (38.000 đồng), làm đất (50.000 đồng), thủy lợi phí và dịch vụ khác (25.000 đồng), thuê vận chuyển (15.000 đồng), thuê tuốt lúa (20.000 đồng). Năng suất lúa trung bình vụ chiêm xuân năm 2007 đạt 2 tạ/sào, với giá bình quân 4.000 đồng/kg, tổng thu được 800 nghìn đồng, trừ chi phí, còn lãi 529.500 đồng. Nếu tính 12 công/vụ/sào cho gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa, với giá bình quân 40.000 đồng/công, thì mức lãi giảm xuống còn 49.500 đồng/sào/vụ. Như thế thì nếu trồng lúa giỏi mới có lãi chút ít, ngược lại thì bị lỗ. Với mức thu nhập này trong bốn, năm tháng/vụ lúa thì cuộc sống nông dân làm sao bảo đảm. Nhưng nông dân không trồng lúa thì biết chuyển nghề gì để sống?"
Anh Ðặng Ðình Tịnh, nông dân trồng lúa giỏi của xã Minh Ðức (Tứ Kỳ, Hải Dương) lo lắng: Giá phân bón hiện tăng 50 - 100% so giá bán vào vụ chiêm xuân năm trước. Mặc dù giá thóc có tăng, hiện giá thóc tẻ thường bán 6.500 đồng/kg, thóc tẻ thơm 7.500 đồng/kg, tăng bình quân 3.000 đồng/kg so giá bán vụ chiêm xuân trước, trừ các khoản chi phí (vẫn không tính ngày công lao động) thì trồng lúa lãi khoảng 250 nghìn đồng/sào. Tuy nhiên, hiện nay bà con rất lo lắng nếu giá phân bón tiếp tục tăng thì trồng lúa không có lãi.
Ông Nguyễn Hữu Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh (NN và PTNT) Hải Dương cho rằng: "Mặc dù cách tính của nông dân mỗi nơi có khác nhau, hoặc có thể chưa tính hết, nhưng thực tế là trồng lúa cơ bản vẫn có lãi, nhưng mức lãi rất thấp. Ðối với nông dân, phần lớn họ lấy công làm lãi. Thu hoạch lúa về, nhiều gia đình bán hết thóc dư thừa cho hàng xáo để trang trải nợ nần và đầu tư sản xuất. Trên thực tế, có khoảng 5 - 7% số hộ nông dân phải ăn đong gạo, sẽ chịu ảnh hưởng của giá lương thực tăng. Theo tôi, việc tăng giá lương thực trên địa bàn tỉnh như vừa qua cũng nằm trong xu hướng tăng giá chung của các mặt hàng thiết yếu. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy, nếu nông dân trồng lúa giỏi thì cũng chỉ lãi 18 - 20%, đa số ở mức lãi khoảng 10%, nếu không chăm sóc tốt thì trồng lúa sẽ lỗ. Với mức giá lương thực, vật tư nông nghiệp ổn định như hiện nay thì người trồng lúa giỏi có thể lãi 10%, còn phần lớn lãi 3 - 4%".
Vấn đề lớn đặt ra đối với tỉnh Hải Dương là làm thế nào để người trồng lúa tăng thêm thu nhập? Trả lời câu hỏi này, đồng chí Nguyễn Hữu Dương cho biết: Cần phải tiếp tục đổi mới cơ cấu giống lúa, theo hướng tăng tỷ trọng giống lúa lai, lúa chất lượng cao vào sản xuất. Vụ chiêm xuân này, diện tích lúa lai và lúa chất lượng cao chiếm gần 30% diện tích. Thực tế khẳng định trồng lúa chất lượng cao vừa dễ làm, dễ bán, giá trị cao. Vì vậy, UBND tỉnh mới phê duyệt đề án phát triển vùng lúa hàng hóa giai đoạn 2008-2010. Theo đó, tỉnh phấn đấu đến năm 2010, diện tích lúa chất lượng cao đạt 21.000 ha, bao gồm 15.000 ha lúa tẻ thơm và 6.000 ha lúa nếp đặc sản; với tổng sản lượng 112.500 tấn, trong đó có 56.000 tấn lúa hàng hóa. Tỉnh sẽ ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân đưa các giống lúa này vào sản xuất.
Chưa bao giờ trên địa bàn tỉnh Nam Ðịnh giá gạo tăng cao bất thường như những ngày vừa qua. Người tiêu dùng có ít nhiều lo lắng dù mức chi phí mua gạo sinh hoạt có lên cao, nhưng nhiều người thì lại cho đó là điều mừng vì có lẽ nông dân sẽ bớt khó khăn trong sản xuất.
Ông Trương Trọng Châu, Kế toán trưởng HTX nông nghiệp Tam Thanh, huyện Vụ Bản cho biết: Giá gạo hiện nay có tăng nhưng trong dân làm gì còn gạo để bán, chủ yếu là gạo tích trữ từ vụ mùa năm ngoái của tư thương và doanh nghiệp. Ông Châu đưa ra hoạch toán chi phí sản xuất cho một sào lúa trong vụ xuân năm nay của nông dân trong HTX là 458.500 đồng, bao gồm chi phí mua giống lúa, công cày bừa đầu vụ, phân bón NPK, đạm, ka-li rồi thuốc trừ sâu, ngoài ra còn công cấy, chăm bón và công gặt. Hàng vụ HTX thu một sào lúa 10.000 đồng để thực hiện việc kiên cố hóa kênh mương trong vùng. Nếu năng suất lúa đạt khoảng 210 kg/sào và giá thu mua cho nông dân ổn định ở mức 6.000 đồng như hiện nay thì trừ chi phí một nông dân thu được 802.000 đồng trong một vụ sản xuất kéo dài bốn tháng trời.
Hỏi chuyện nhiều nông dân trong thôn Dư Duệ, thôn Phú Thú, xã Tam Thanh bà con cho biết, chi phí cho sản xuất vụ xuân năm nay tăng lên 30% so với vụ năm ngoái. Như vậy mặc dù giá thu mua 1 kg thóc có thể cao hơn vụ trước 2.000 đồng nhưng vật tư, phân bón, xăng, dầu đều tăng giá như năm nay thì lợi nhuận người nông dân thu được cũng không đáng bao nhiêu.
Chủ nhiệm HTX Tam Thanh Phùng Thế Hăng cho rằng: Tư thương và doanh nghiệp thu mua mới là người hưởng lợi nhiều nhất! Trên địa bàn xã có khoảng 20 hộ chuyên thu mua lúa gạo của nông dân. Vụ xuân năm ngoái, họ mua với giá 4.500 đồng/kg nhưng bán ra cho các đại lý lớn khác trên địa bàn và Hà Nội, Hải Phòng với giá 5.400 đồng/kg.
Liên quan vấn đề giá gạo tăng cao như hiện nay, đồng chí Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Trực Ninh nhận định, giá gạo tư thương mua từ người nông dân rất thấp nhưng khi ra tới thị trường tiêu dùng lại tiếp tục trải qua nhiều cung cầu làm cho giá càng được đẩy cao đến khó tin. Tất nhiên nông dân là người phải chịu thiệt thòi, còn tư thương và doanh nghiệp kinh doanh thóc gạo mới là người thu lợi nhuận lớn!
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nam Ðịnh Hoàng Duy Khánh cho biết: Sở NN và PTNT đang phối hợp Sở Tài chính kiểm tra về giá thành sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh trong vụ xuân năm nay để dự báo cho các năm sau nhưng nhìn chung nông dân vẫn là người không được hưởng lợi nhiều từ việc tăng giá lúa, gạo hiện nay. Ðồng chí khẳng định, cứ 10 năm bình quân đất nông nghiệp trên đầu người của tỉnh lại bị thu hẹp khoảng 50 m2 do xây dựng khu công nghiệp, các khu đô thị.Thời điểm này chỉ còn khoảng 500 m2/đầu người, với diện tích như vậy thì nông dân Nam Ðịnh chỉ đủ ăn chứ không đủ sản xuất lúa hàng hóa.
Tại các tỉnh phía nam - vùng cung cấp lúa gạo chủ yếu xuất khẩu trong cả nước, việc giá gạo xuất khẩu tăng cao trong thời gian qua đã có tác động không nhỏ đến sản xuất. Kết thúc vụ đông xuân năm 2007 - 2008, nông dân Ðồng Tháp thu hoạch dứt điểm 208.000 ha lúa, với tổng sản lượng đạt hơn 1.455.000 tấn, tăng hơn 40.000 tấn so cùng kỳ năm trước, đồng thời đã xuống giống hơn 193 nghìn ha lúa hè thu. Giá phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tăng cao đang là nỗi lo lắng của bà con nông dân. Tại huyện Thanh Bình và huyện Tam Nông, đạm u-rê dao động ở mức 450.000 - 540.000 đồng/bao 50 kg (tăng gần 100.000 đồng/bao, so với nửa tháng trước). Còn phân DAP bán lẻ cho nông dân mua bằng tiền mặt là 1.280.000 đồng/bao 50 kg, nếu bán chịu đến khi thu hoạch thì giá bán đến 1,4 triệu đồng/bao (tăng 450.000 đồng/bao so với nửa tháng trước). Theo chị Phan Thị Mẫn - Chủ Ðại lý nông dược ở thị trấn Tràm Chim cho biết: "Không chỉ có giá phân bón tăng mà giá thuốc trừ sâu, trừ cỏ, trị bệnh cho lúa cũng tăng từ 5 đến 15% như: thuốc trị bệnh đạo ôn lúa hiệu Dovil 5SC 1000 ml có giá 130.000 đồng/chai, thuốc trừ sâu hiệu Drgon 50EC giá bán dao động từ 67.000 đồng - 77.000 đồng/chai. Ðiều đáng nói là dù giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng, người nông dân cũng phải bóp bụng bỏ tiền ra để mua đầu tư cho lúa!
Anh Nguyễn Văn Ðẹp ở xã Phú Cường, huyện Tam Nông vừa thu hoạch xong bốn ha lúa, với năng suất trung bình đạt hơn 40 giạ/công cho biết : "Tôi thu 30 tấn lúa, thu được hơn 150 triệu đồng, trừ các chi phí đầu tư và giá thuê nhân công, chỉ còn lãi 10 triệu đồng. Tuy trúng mùa, nhưng do giá phân bón - thuốc trừ sâu tăng cao nên mức lãi không nhiều. Theo tính toán của các hộ nông dân ở đây, với giá phân bón, thuốc trừ sâu, thuê nhân công thu hoạch lúa tăng cao mà giá thu mua lúa như hiện nay khoảng 7.200 đồng/kg lúa thương phẩm thì nông dân vẫn có lãi, nhưng mức lãi giảm từ 3 đến 5 triệu đồng/ha so với vụ đông xuân trước.
Ðồng Tháp mỗi năm sản xuất được hơn 2,5 triệu tấn gạo hàng hóa. Trong đó, có khoảng 1,4 triệu tấn gạo xuất khẩu, còn hơn 1,1 triệu tấn gạo tiêu thụ nội địa. Vào thời điểm này, giá bán gạo trên địa bàn tỉnh đã bình ổn trở lại, nhưng vẫn còn ở mức cao. Tại Siêu thị Ðồng Tháp, gạo được đóng gói trong bao có trọng lượng từ 5 đến 30 kg, giá bán được niêm yết 11.000 đồng/kg.
Anh Hùng - nhân viên siêu thị cho biết: "Sức mua gạo của người dân đã giảm nhiều so với hồi cuối tháng 4-2008. Người mua chỉ chọn bao gạo loại 5 - 10 kg, còn loại bao gạo 30 kg ít ai hỏi mua". Dạo quanh các điểm bán gạo ở thành phố Cao Lãnh, huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông... chúng tôi chứng kiến không khí thật vắng lặng, ít ai đến hỏi mua gạo. Chị Nguyễn Thị Mẫu (Ba Mẫu), chủ bán gạo tại chợ thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông cho biết: "Từ đầu tháng 5-2008 đến nay, giá bán gạo ở đây dao động ở mức từ 10.500 đồng đến 12.000 đồng/kg gạo thường và khoảng 15.000 đồng/kg gạo thơm. Chị em tôi mua vào và bán ra chênh lệch chỉ có 500 đồng/kg. Vậy mà vẫn có rất ít người tới mua vì người ta cho rằng giá gạo còn ở mức cao...". Còn chủ sạp bán gạo Ngọc ở phường 2, thành phố Cao Lãnh nói: "Tuy giá gạo đã giảm, nhưng lượng người đến mua chỉ bằng phân nửa so với trước khi cơn sốt giá gạo xảy ra. Một số khách hàng không dám mua nhiều, chỉ mua đủ ăn trong gia đình để chờ gạo giảm giá bằng với giá bán trước đây...".
Tại tỉnh Bến Tre, đến ngày 1-5, giá lúa gạo đã ổn định trở lại. Theo bà Dương Thị Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Công thương tỉnh, sở dĩ giá gạo tăng ở thị trường Bến Tre là do tác động của thị trường thế giới; tâm lý lo ngại ở người tiêu dùng trong nước; nông dân không bán lúa; điện cúp liên tục làm ảnh hưởng việc xay xát lúa, gạo.
Theo anh Trần Văn Rai Em, một nông dân xã Mỹ Hòa (Ba Tri) làm 1,9 ha đất cho biết: "Làm vụ đông xuân vừa rồi thu về 13 tấn lúa, tổng chi phí gần 30 triệu đồng. Hiện thời chưa bán nhưng giá lúa như hiện nay là 6.000/kg thì anh Trần Văn Rai Em thu về 78 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 48 triệu đồng. Ðó là vụ đông xuân, còn vụ hè thu và vụ mùa thì lãi ít vì chi phí cao và năng suất thấp nên phổ biến lời từ 10 đến 15 triệu đồng/vụ". Anh cho rằng, lời lúc đó là phản ảnh chưa đúng thực tế vì công chăm sóc là công nhà anh không tính.
Ðến nhà ông Nguyễn Văn Bi gần chợ Bờ Bàu xã Mỹ Chánh. Ông trực tiếp làm 1,5 công đất nhưng đồng thời nhà ông có tiệm bán vật tư nông nghiệp. Cho nên việc tính toán khá chi li hơn là anh Rai Em. Theo ông Bi: "Giá lúa thường hiện tại từ 5.800 đến 6.000/kg, lúa thơm từ 7.200 đến 7.300 đồng/kg so với trước khi giá gạo tăng đột biến thì giá lúa hiện nay tăng từ 800 đến 1.200 đồng/kg, trong khi đó giá phân tăng bình quân 40%, giá nhân công tăng từ 50.000 lên 80.000 đồng/ngày. Người nông dân thiệt ít vì các loại đều lên thì lúa cũng lên, nhưng trong đó người làm thuê là thiệt nhất, vì trước đây 50.000 đồng mua được gần một giạ lúa, còn hiện nay là 80.000 đồng nhưng chỉ mua hơn nửa giạ là cùng". Một chủ bán gạo ở chợ phường 3, thị xã Bến Tre, cũng "than thở": "Thật ra, giá gạo tăng trong thời gian qua, chúng tôi cũng đâu có lãi nhiều vì phải mua gạo với giá cao".
Lấy gạo để bình ổn giá gạo là nhiệm vụ chính của Xí nghiệp lương thực Bến Tre. Trong mấy ngày qua, Xí nghiệp tổ chức bán lẻ ở ba đơn vị Ba Tri, Giồng Trôm và thị xã. Mỗi đơn vị một cửa hàng. Số lượng bán ra không nhiều, trong ba ngày chưa tới năm tấn gạo. Trong khi thị trường Bến Tre gồm tám huyện, thị xã với hơn 1,3 triệu dân, mà chỉ có ba điểm bán gạo với số lượng như trên, thì rõ ràng không phải do lượng gạo bán ra mà làm giá gạo giảm xuống. Giám đốc Xí nghiệp lương thực Bến Tre Trần Khánh Ðang, cho biết: "Chúng ta đã buông bỏ trận địa. Nếu như trước đây công ty lương thực có ở cấp tỉnh và khắp huyện, thị xã trong tỉnh, nhưng kể từ năm 1991, công ty chỉ còn ở hai huyện Ba Tri và Giồng Trôm. Ðến năm 1995, Công ty lương thực Bến Tre giao về Tổng Công ty lương thực miền nam, và đến năm 2004, trên mảnh đất Bến Tre không còn tên công ty lương thực, mà là Xí nghiệp lương thực Bến Tre - một bộ phận của Công ty lương thực Tiền Giang. Xí nghiệp gồm hai nhà máy xay xát ở Ba Tri, một cửa hàng ở Giồng Trôm bán phân bón, một cửa hàng bán vật liệu xây dựng (xi-măng, sắt) ở phường 7 (thị xã), một trung tâm ô-tô bán các loại xe cũng ở phường 7 và một cửa hàng bán gạo lẻ ở phường 2 mua vào bán ra với số lượng không đáng kể, mấy ngày nay, mỗi ngày bán được 300 - 500 kg".
Gạo ở Bến Tre tăng giá đột biến là do tin đồn thất thiệt và hệ thống phân phối không hợp lý, hoàn toàn do tư thương chi phối, chứ lúa ở tỉnh này vừa trúng vụ, đủ ăn và có xuất khẩu. Thiệt hại nhiều nhất là người làm công ăn lương. Kế đến là nông dân. Nhà nước cần tính lại hệ thống phân phối này, nhất là khâu bán buôn và một phần bán lẻ.
Ðể tăng hiệu quả, lợi nhuận cho nông dân trên cùng một đơn vị sản xuất lúa, tỉnh Tiền Giang chủ trương hình thành nhiều vùng lúa chất lượng cao với tổng diện tích 60 nghìn ha; diện tích còn lại đã bố trí luân canh hợp lý (lúa - màu, lúa - cá) và đã có nhiều mô hình đạt giá trị sản xuất đạt 50 triệu đồng/ha/năm; đồng thời áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sạ lúa theo hàng, bón phân theo bảng so mầu lá lúa và quản lý dịch hại trên lúa thông thoáng, ít sâu bệnh, giảm số lần phun thuốc bảo vệ thực vật (chương trình ba giảm, ba tăng) được áp dụng và nhân ra diện rộng, chính vì vậy mà giá đầu vào của sản xuất luôn biến động tăng nhưng nông dân sản xuất vẫn thu được lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, vụ đông xuân năm 2007 - 2008, nông dân Tiền Giang trúng mùa, trúng giá. Theo Sở NN và PTNT tỉnh, vụ đông xuân này, tỉnh đạt năng suất 65 tạ/ha, tăng gần một tạ/ha so với vụ đông xuân 2006 - 2007. Chi phí sản xuất vụ này tính bình quân là 1.700 đồng/kg lúa, giá thương lái mua tại thời điểm này tính bình quân là 4.300 đồng đến 4.500 đồng/kg lúa. Như vậy, người trồng lúa thực lãi bình quân gần 20 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, trước áp lực tăng giá như hiện nay người trồng lúa buộc phải lo lắng cho vụ hè thu sớm vừa gieo sạ sẽ không được thuận lợi vì đây là vụ mùa khó khăn nhất trong năm, vả lại nguồn nước hiện nay trên các sông bắt đầu cạn kiệt, dịch hại trên cây lúa rất bất thường... sẽ đẩy chi phí sản xuất tăng cao, lợi nhuận sẽ không có. Nhiều nông dân cho biết, sau khi giá xăng, dầu tăng vào cuối tháng 2, đồng loạt các mặt hàng vật tư nông nghiệp đều có mức giá mới, trong đó có nhiều loại phân tại thời điểm này đã tăng gấp hai lần so vụ đông xuân vừa qua. Ông Lê Văn Hùng, ấp Thới, xã Ðiềm Hy (Châu Thành) ngao ngán: "Phân vừa mới tăng một đợt mới mà lại là đợt tăng giá quá cao: phân U-rê 8 nghìn đồng/kg, DAP 20 nghìn đồng/kg... Mỗi mùa vụ chi phí sản xuất lại tăng thêm, tôi thật sự lo lắng".
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hải, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cai Lậy, nếu ứng dụng tốt chương trình ba giảm, ba tăng, IPM thì vụ hè thu sớm năm nay nông dân vẫn phải chịu tổng chi phí đầu vào như giống, phân, thuốc, công lao động là hơn 13 triệu đồng/ha, tăng 5 triệu đồng/ha so vụ hè thu năm trước. Nếu năng suất vụ này đạt bình quân 5 tấn/ha, giá lúa 5.500 đồng/kg thì nông dân vẫn lãi 14 triệu đồng/ha, tăng hơn 7 triệu đồng/ha. Ðó là mức lợi nhuận của vùng lúa cao sản ở tỉnh được ngành nông nghiệp Cai Lậy chiết tính cho vụ hè thu sớm năm nay.
Mặc dù giá lúa gạo tăng cao nhưng người trồng lúa chưa thật sự phấn khởi, vì giá vật tư, giá hàng tiêu dùng đều tăng cao, dẫn đến kết quả lợi nhuận từ trồng lúa rất thấp. Ai được hưởng lợi từ giá lúa, gạo tăng? Vẫn là các doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân và các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân. Một thực tế tồn tại mà nhiều năm nay chúng tôi đã ghi nhận. Ðó là không chỉ ở những nơi nông thôn có điều kiện thuận lợi cho việc kinh doanh vật tư nông nghiệp mà ngay cả các vùng nông thôn sâu thì các đại lý cung ứng vật tư nông nghiệp vẫn khá giàu lên nhanh chóng. Trong khi đó, một bộ phận nông dân ngày càng nghèo, nợ nần chồng chất.
Theo Nhân Dân
|