Huyện Hoành Bồ, Quảng Ninh tôn tạo, xây dựng đền thờ người đầu tiên của địa phương đăng khoa tiến sĩ. Công trình xây dựng theo phương châm xã hội hóa, với kinh phí đầu tư 24 tỷ 500 triệu đồng. Dự kiến, ngày 19/12 tới đây khánh thành giai đoạn I.
Đền xây kiểu truyền thống, chữ đinh, hồi bít đốc, hai tầng mái, rộng 223,6m, cao 8,72m
Tiến sĩ Vũ Phi Hổ (người làng Dư Xá (cũ), nay là xã Lê Lợi) chưa rõ năm sinh năm mất do lịch sử ghi chép không đầy đủ. Sự tích để lại, cụ là một trong số 82 vị tiến sĩ được khắc bia đá còn lưu giữ tại Văn Miếu - Quốc tử giám (Hà Nội), lưu danh các hiền tài của dân tộc thời Lê - Mạc. Bia đá số 11, dựng ngày 15/3 niên hiệu Hồng Thuận thứ 5 (năm 1513) ghi: Khoa thi năm Tân Mùi, niên hiệu Hồng Thuận thứ 3 năm 1511, thời vua Lê Tương Dực, ngày 17/4, nhà vua trực tiếp ra bài văn sách hỏi về “đạo trị nước xưa nay”. Vua đích thân xem xét, định thứ bậc cao thấp: Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ 3 người, đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân 9 người, đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân 35 người. Trong số 35 người đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân có cụ Vũ Phi Hổ, người làng Dư Xá, huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông. Thời Lê Trung Hưng, cụ được triều đình giao chức Phó đô Ngự sử.
Cụ là một vị quan thanh liêm, được triều đình đương thời và triều sau tôn vinh.
Cụ thể, khi Nguyễn Ánh xưng vương, vị vua Nhà Nguyễn này cho xét công lao các quan đại thần triều trước. Phó đô Ngự sử - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ là người đức độ, được vinh danh có công với dân, với vương triều. Sắc phong ngày 18/9 năm Gia Long thứ nhất (1802). Nguyên bản bằng chữ Hán, tạm phiên âm Hán Việt và dịch nghĩa có nội dung: Vũ Phi Hổ, đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân thời Lê, nguyên là chính thần, được triều trước sắc phong thờ phụng. Nay thống nhất đất nước, lễ có nâng bậc, đáng gia tặng mỹ tự nhất tự: Anh nghị Đại vương.
Tiếp đó, Khải Định vị vua thứ 12 của triều Nguyễn, năm thứ II (1917), sắc phong cụ là Dực bảo Trung hưng, linh phù tôn thần. Như vậy là sau 115 năm, Nhà Nguyễn lại tôn vinh Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, người của triều Lê cách đấy 400 năm, là vị quan trung quân - ái quốc.
Nhiều văn tự cổ lưu danh Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, vị quan có tâm - có tài.
Như sách “Thiên Nam lịch triều liệt huyện đăng khoa bị khảo” thời Nhà Nguyễn, hiện lưu dữ ở Viện Hán Nôm có ghi: Ở tỉnh Quảng Yên có một người đỗ tiến sĩ triều Lê, cụ là Vũ Phi Hổ, người làng Từ Xá, huyện Hoành Bồ, phủ Hải Đông, đỗ đồng tiến sĩ khoa Tân Mùi, năm Hồng Thuận thứ 3 đời vua Lê Tương Dực (1511). Ông làm quan đến chức Phó đô Ngự sử.
Còn sách “Lịch đại đăng khoa lục” cùng thời Nhà Nguyễn, cùng lưu giữ ở Viện Hán Nôm cũng ghi: Vũ Phi Hổ, người làng Từ Xá, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Yên, tiết nghĩa (Anh nghị Đại vương).
Phó đô Ngự sử - Anh nghị Đại vương - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ về già, cáo ấn từ quan, ở ẩn tại huyện Hoành Bồ. Khi qua đời, cụ được dân địa phương tôn Thành Hoàng làng. Triều đình thì xức tri huyện lập đền, tiến cúng, thờ phụng năm nhất kỳ, chính kỵ Rằm tháng Ba.
Đền thờ Phó đô Ngự sử - Anh nghị Đại vương - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ xây dựng vào cuối thời Hậu Lê. Thời gian mỏi mòn và những biến cố của lịch sử, ngôi đền bị hư hỏng. Đầu thập kỷ 60, vợ chồng ông Lê Văn Hiệp và bà Nguyễn Thị Đào cư trú ở thổ đất này, tự tâm dựng một am nhỏ, thờ 5 vị thần theo phả tích, văn tế xưa để lại.
Ngày 03/01/2012, UBND tỉnh Quảng Ninh có Quyết định số 734/QĐ-UB bổ sung đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ, vào danh mục di tích lịch sử văn hóa và thắng cảnh của tỉnh.
Nay huyện Hoành Bồ chủ động thực hiện phương châm xã hội hóa, nòng cốt là Hội đồng dòng họ Vũ Võ Quảng Ninh đầu tư tôn tạo, xây dựng trên diện tích 10.830m2. Gồm 13 hạng mục, sân đường 3.122,1m2, đất trồng cây xanh 2.116,1m2, đền thờ 223,6m2. Ngôi đền kiến trúc truyền thống, hình chữ Đinh, tường hồi bít đốc, 2 tầng mái, cao 8,720m. Thế đất “Tựa sơn, đạp thủy”, mặt tiền hướng Nam là vịnh Cửa Lục, đường sá giao thông thuận lợi.
Huyện Hoành Bồ thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức trù bị cho lễ khánh thành đền thờ vị tiến sĩ đầu tiên của huyện vào ngày 19/12/2015.
Hoành Bồ xây dựng đền thờ Phó đô Ngự sử - Anh nghị Đại vương - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ nhằm bảo tồn các di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn chứng tích khoa cử, tôn vinh hiền tài, giáo dục truyền thống hiếu học ở địa phương. Đây còn là công trình văn hóa tâm linh, đi vào lòng dân ở địa phương.
Đền thờ Phó đô Ngự sử - Anh nghị Đại vương - Tiến sĩ Vũ Phi Hổ xếp hạng di tích lịch sử văn hóa.
Bia đá lưu niệm đặt ở nền móng phế tích ngôi đề cổ.
Đền thờ Tiến sĩ Vũ Phi Hổ chứng tích khoa cử, giáo dục truyền thống hiếu học ở địa phương.
Nhiều lưu bút cổ, tạc vào đá núi quanh đền.
Thảm cây xanh tạo cảnh quan môi trường, giao thông nội bộ thoáng rộng.
Bài và ảnh: Vũ Phong Cầm
|