CỘNG ĐỒNG HỌ VŨ - VÕ THỦ ĐÔ HÀ NỘI
BAN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ GIA PHẢ DÒNG HỌ
THÔNG BÁO
VỀ CUỘC ĐIỀN DÃ KHẢO SÁT ĐỢT 2 (24 - 26/5/2017)
Ở HAI HUYỆN TRỰC NINH - XUÂN TRƯỜNG - NAM ĐỊNH
Trong 3 ngày từ 24 đến 26 tháng 5 năm 2017, đoàn công tác của Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội đã về trung tâm họ Vũ ở các làng Trực Tuấn huyện Trực Ninh và Hành Thiện huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định tham quan và điền dã khảo sát các di tích họ Vũ và Thiền sư Không Lộ mà truyền thuyết và một số tư liệu địa phương ghi nhận mang họ Vũ với danh xưng là Vũ Hữu Khổng / Vũ Khổng Lộ.
Đoàn gồm:
1. Tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ tin học ứng dụng (UIA), Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội, Trưởng đoàn
2. Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, Trưởng ban lịch sử và gia phả dòng họ, Trưởng nhóm khảo sát.
3. Vũ Thị Xu, nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa - Thông tin Hà Tây, thành viên nhóm khảo sát.
4. Nguyễn Thị Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tây, thành viên nhóm khảo sát.
5. Vũ Đình Dậu, Chủ tich Cộng đồng Vũ - Võ quận Hoàng Mai - Hà Nội, thành viên, phụ trách ghi hình tư liệu.
Đoàn có mời một số chuyên gia tư vấn, là: Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, dịch giả - nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Đình Hiến, nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử Lý - Trần Hoàng Quốc Hải và chuyên viên UIA Đinh Văn Thái.
Trọng tâm điền dã khảo sát là từ đường Vũ Hữu Khổng và ngôi Mộ tổ họ Vũ.
Mục đích khảo sát là:
1. Xác định niên đại các di tích, đăc biệt là hai di tích trên
2. Tìm hiểu quan hệ giữa tổ tiên họ Vũ và thiền sư Không Lộ
Đoàn đã được lãnh đạo chính quyền và các vị quản lý các di tích địa phương chân tình đón tiếp và tạo điều thuận lợi cho công việc khảo sát các di tích.
Trong 3 ngày làm việc, đoàn đã:
1. Tham quan đền Lăng (trước thuộc Trực Truấn, nay thuộc xã Cát Thành), nơi thờ Trấn khẩu đại vương, tức vị thần thời Hùng Vương trấn giữ cửa biển Giao Thủy - Hải Thanh. Trước đây, mỗi lần mở hội, đều phải rước chân hương từ Đền Đại Phụ (tức đền thờ Cha Lớn), tiền bối của Thánh Không Lộ, về đền Lăng mới được mở hội.
2. Miếu hội đồng ở thôn Nam xã Trực Tuấn thờ 3 vị:
1) Triệu Việt Vương (bài vị chính giữa, hoành phi: Nam Đế cư, mới thay hoành phi cũ bị mất);
2) Quý Minh đại vương (bên tả, hoành phi: Tung cao giáng thần);
3) Nam Thiên Thánh tổ Không Lộ thiền sư (bên hữu, hoành phi: Hải Thanh chung tú).
3. Chùa Lều “Thiên Nam Vũ Khổng” - nền cũ của chùa Giao Thủy, và dấu tích dòng sông Giao Thủy xưa.
4. Miếu Đá và đền thờ Mẫu (nay là từ đường Vũ Hữu Khổng)
5. Khánh Linh tự và mộ tiên tổ họ Vũ (có mộ chí “Tị tổ Vũ lệnh công tự Huyền Pháp”, năm 1970 chuyển từ khu Cấm địa thuộc Cánh đồng Mộ Tổ)
6. Linh Quang tự và ngay cạnh là khu thời cận đại thành Văn chỉ của xã, nhưng đia danh dân gian vẫn là“Chợ Chùa cụ Khổng” hoặc “Chợ Bẩm”, từng có bia “Tam Bảo thị” (chữ “thị” với nghĩa là chợ)
7. Hoa Cựu/Cữu tự, cũng gọi Văn Lãng tự, tục gọi chùa Con Rùa, thờ Khổng Hữu Nghiệp (sư tổ đời 1/23 sư tổ mang phái Khổng) và phu nhân Phạm Thị Rằm, tương truyền có từ đời Lý.
8. Đại Phụ từ, tục gọi Chùa Quýt, tức Kim Quất tự.
9. Phúc Quang từ - Bảo Quang tự (tiền Thánh hậu Phật), thờ Thiên Nam thánh tổ Lý triều Quốc sư (trên đất Quần Lãng cũ, nay thuộc xã Việt Hùng), thờ hai pho tượng Không Lộ và Giác Hải.
10. Đĩnh Lan tự (chùa Keo ngoài), Vũ tổ mộ và một số bia cổ đời Lê Trung hưng ở Thần Quang tự (chùa Keo trong) làng Hành Thiện. Chụp toàn văn quyển “Lê triều Vũ tộc lập gia phả” (bốn chục trang chữa Hán) ở Đĩnh Lan tự (chùa keo ngoài).
Kết quả sơ bộ:
1. Về niên đại: Bia và hoa văn các kiến trúc, đồ thờ ở Hành Thiện, có niên đại thế kỷ 17 đời Lê trung hưng, cổ nhất thuộc đời Hoằng Định (1611); ở Vũ tổ mộ bằng đá khối hình tháp, trên đường viền mặt trước có dòng niên đại tu sửa “Thành Thái trùng tu”. Về niên đại các di tích ở Trực Tuấn cần có sự khảo sát tiếp.
2. Riêng Hoa Cựu tự / Văn Lãng tự , có bia đời Lê Chính Hòa - 13 (1692) nói về việc xây dựng gác chuông, cho biết chùa từng có quy mô lớn. Ở đây thấy nhiền ván khắc in kinh; theo lời kể của các cụ trong Ban Quản lý di tích, hai kho của hợp tác xã đã từng là hai kho mộc bản lớn, lâu năm mục nát, làm củi đun gần hết, số ván còn lại hiện thời không đến trăm rưởi, không thành bộ và tương đối mới (đầu thế kỷ XX), nhưng có giá trị chứng tích: Câu “Văn Lãng Lãng Uyển tự tàng bản” chứng tỏ ngôi chùa này từng là trung tâm Phật giáo lớn của vùng đất Sơn Nam Hạ.
3. Mối liên hoàn của các di tích thờ cúng dày đặc tại địa phương cho thấy Thiền sư Không Lộ vốn mang họ Vũ ở quê nội - 2 (đất Giao Thủy- Hải Thanh xưa, nay là vùng Trực Tuấn). Họ Dương của Thánh Tổ Không Lộ ghi trong các thư tịch cổ chính thống có thể là ghi theo tên quê nội - 1 Điềm Dương, hoặc phải chăng được ban họ của Dương Hoán - Lý Thần Tông do Thánh có công chữa khỏi bệnh cho vị vua này (?). Họ Nguyễn là “Thánh tự xưng”, như ghi trong bản phả chữ Hán lập triều Lê, chép lại trong 3/4 “Kệ Thánh tổ” là do chuyển đổi bởi những biến cố triều chính cuối đời Lý - đầu đời Trần.
4. Căn cứ phát hiện mộ chí bằng đá trắng, vốn được chôn ở khu Cấm địa trong cánh đồng Mộ Tổ trước Miếu Đá và bài vị trong từ đường Vũ Hữu Khổng đều ghi “Vũ Quý công tự Huyền Pháp” có thể sơ bộ kết luận Thánh tổ Vũ Không Lộ là hậu bối của Vũ quý công tự Huyền Pháp (tức thầy Hà Trạch thuộc phái Thông Huyền).
5. Miếu đá (“Miếu trình”) và từ đường Vũ Hữu Khổng hiện thời, nguyên xưa là miếu thờ Đức Thánh Mẫu sinh ra Không Lộ. Về sau thờ cả bài vị “Cao cao tổ Vũ quý công tự Huyền Pháp” là do chùa thờ ngài bị cơn lũ năm 1611 cuốn trôi. Đờì Minh Mạng, các hậu duệ họ Vũ tôn tạo thành từ đường Vũ Hữu Khổng (tương truyền cũng đọc: “Khổng Hữu Vũ”, với nghĩa: Khổng là Vũ); năm Kỷ hợi đời Thành Thái (1899), như khắc trên diềm đá mặt tiền, lại tu tạo. Niên đại của Miếu và Đền bằng đá khối này cần được tiếp tục khảo sát.
6. Theo bản phả lập thời “Lê triều” nói trên, Thiền sư Vũ Huệ Bản là con trưởng của tổ Vũ Huệ Trì, tức nguyên gốc từ Hành Cung trang cùng với thánh Không Lộ (Giao Thủy - Hải Thanh, nay là Trực Tuấn). Phả ghi ông “vi trưởng chi sinh nội ngoại tự nhân” (tức là chi trưởng sinh ra những người coi chùa cả trong lẫn ngoài, đời nối đời giữ chùa gia tộc), Cho đến nay, người trông giữ chùa Keo trong và Keo ngoài vẫn thuộc dòng trực hệ của Thiền sư Vũ Huệ Bản.
7. Người con thứ hai của Tổ Huệ Trì tên tự là Huệ Tiên, “vi thứ chi nghĩa tử Đặng tộc”(tức là chi thứ làm con nuôi họ Đặng); tr.4a bản phả nói trên (ở chùa thường gọi là Phó chí) ghi là “Đặng Vũ công tự Huệ Tiên, tên thụy Thiền tăng”.
8. Người con thứ 3 của Tổ Vũ Huệ Trì “sinh Vũ Hồn” (chữ “Hồn”, nghĩa linh hồn, không phải chữ “Hồn” là hồn hậu) thiên cư về Mộ Trạch - Hải Dương. Điều này sẽ được làm rõ khi điền dã khảo sát ở làng Trạch Xá, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang - Hải Dương.
9. Căn cứ vế đối tại mặt tiền tháp Vũ tổ mộ ở chùa Keo ngoài với cặp tiểu đối “Hương cốt” - “Danh kham” (“kham” tháp nhỏ thờ Phật), nhiều khả năng đây là tháp mộ các sư họ Vũ, bắt đầu từ Thiền sư Vũ Huệ Bản - đệ nhất “tự nhân” Keo ngoài và Keo trong.
10. Người được thờ trong khám thờ ở hậu cung chùa Đĩnh Lan là Thánh mẫu sinh Thánh Tổ Không Lộ:
- a) dung nhan tạc giống như tượng Mẫu ở Miếu Thánh Mẫu xưa, nay là từ đường Vũ Hữu Khổng;
- b) “đĩnh”: sinh ra, “lan”; loài hoa lan thơm thường để trên đĩa thờ.
Kiến nghị:
Để đi đến kết luận cuối cùng, cần nhiều cuộc điền dã khảo sát tiếp bằng những phương pháp khác nhau, và những cuộc hội thảo khoa học, tập hợp rộng rãi các nhà khoa học trong/ngoài tộc.
Hà Nội, ngày 01 tháng 06 năm 2017
Trưởng đoàn điền dã khảo sát Nhóm điền dã khảo sát
Tiến sĩ Vũ Thế khanh
|
Vũ Thế Khôi (Trưởng nhóm)
Vũ Thị Xu
Nguyễn Thị Giang
Vũ Đình Dậu
|
Đền thờ Mẫu (nay là từ đường Vũ Hữu Khổng)
Miếu Đá tại khu đền thờ Mẫu (nay là từ đường Vũ Hữu Khổng)
Đĩnh Lan tự (chùa Keo ngoài) làng Hành Thiện
Thần Quang tự (chùa Keo trong) làng Hành Thiện
Một số bia cổ đời Lê Trung hưng ở Thần Quang tự (chùa Keo trong) làng Hành Thiện
Mộ cụ Vũ Huệ Trì thời nhà Lý
Quyển “Lê triều Vũ tộc lập gia phả” (bốn chục trang chữa Hán) ở Đĩnh Lan tự (chùa keo ngoài)
BBT www.hovuvovietnam.com
|