An Thọ và An Thái là 2 làng cổ nằm phía Tây kinh thành Thăng Long, từ lâu mảnh đất này đã nổi tiếng bởi những kỳ tích gắn bó với sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Nơi đây có nghề giấy dó, một sản phẩm độc đáo truyền thống.
Nơi có phong cảnh tuyệt đẹp nhưng cũng đầy huyền bí :
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Ngược dòng thời gian, vào thế kỷ XI, nới đây là vùng đất hợp lưu của 2 con sông Tô Lịch và Thiên Phù, dân cư rất thưa thớt, chỉ có xóm vắng Tích Ma sống trên gò đống bên ngoài thành Đại La. Nơi mà ngày nay có 2 ngôi đình, đó là Đình An Thái và đình An Thọ. Theo sử sách, sắc phong, thần phả và truyền thuyết dân gian trong vùng đều khẳng định đình An Thái được xây dựng trước, An Thọ là đình xây dựng sau, hơn nữa An Thái là làng lớn, An Thọ là làng bé nên mọi người thường gọi đến An Thái là đền ông anh và An Thọ là đền ông em, nhưng cả hai đều thờ vị nhân thần sống dưới vương triều Lý do cố công tích gắn với vua nhà Lý và thành Thăng Long.
Chuyện kể rằng, dưới triều Lý Nhân Tông, có người họ Vũ tên Phục tự là Phúc Thiện, nguyên là người đất Phong Châu (nay là xã Thụ Ích, huyện Bạch hạc) đến sinh cơ lập nghiệp ở xã Minh Tảo huyện Từ Liêm và xây dựng gia đình với người con gái họ Đỗ ở ngõ Tháp của làng này, gia đình chuyên nghề bán dầu.
Khi đó, ở chỗ hợp lưu giữa sông Tô Lịch và sông Thiên Phù, nước xoáy vào chân thành Thăng Long, vua Lý đã nhiều lần đắp để ngăn nước nhưng đều không thành. Vua than rằng “Nay nhân lực đã hết, không biết làm thế nào để chế ngự được dòng nước”, bèn sai lập đàn cầu đảo bách thần, mong được sự phù trợ để đắp yên khúc sông đó. Vua sai quan Trung sứ đến ngã ba sông thắp hương cầu mộng, mà khấn rằng: “các bậc thổ địa, hà bá tiền quan ở đất này xin xét cho: Nay bóng mặt trời đất trong tấc gang mà sáng bỗng gặp đám mây che thành vàng ngàn dậm sẽ thành gò đống. Nay nhà vua định đô ở Thăng Long thì bị nạn nước phá ở phường Càn Tuất. Dựa vào lời bói, vua đã cho đắp đê chấn yểm, nhưng nước thì hung dữ, sức dân đã cạn, khó bề chế ngự, xin nhờ thần lực giúp đỡ nhanh chóng chở phù sa đắp đường để ngăn sóng vỗ, khiến cho thánh thể được yên, thành trì được vững, thần sống có linh thiêng xin hiển báo, đừng lo minh có bề cách trở, đừng ngại lòng này không tin” .
Đêm ấy quả nhiên sứ thần mộng thấy một vị thần hình dung khác tục, từ trên không đến trước sứ giả. Sứ giả gục đầu cúi lạy, hỏi cách đắp đê. Thần nói: “ Hãy nói lại với chúa người nếu như muốn đắp yên con đê này thì vào một buổi sáng, đón người đến bờ sông sớm nhất, chiều theo sở thích của người ta, rồi đẩy người ấy xuống dòng sông, sau đó phong làm Phúc thần, lập miếu thờ cúng thì đoạn đê này mới đắp được”. Nói xong thì biến mất. Sứ giả kinh sợ tỉnh giấc, tâm niệm trong lòng những điều thần nói, đợi sớm ra vào triều tâm bầy với vua. Vua lấy làm lạ muốn nghiệm sự thật, bèn sai sứ giả trực đợi ở bên sông để làm như lời thần bảo.
Một buổi sớm, sương chưa tan, mù còn dày đặc quả thấy có hai người đi tới ven sông, đó là vợ chồng Vũ Phục từ làng Minh Tảo (làng Cảo) gánh dầu đi chợ, quan quân liền chặn lại không cho đi. Ông Vũ Phục ngạc nhiên nói “Vợ chồng lão già này sớm đi tối về, chỉ biết nghề buôn bán, nay quan quân vô cớ chặn đường giữ lại – đây là phúc hay họa chăng?”. Sứ thần chỉ nói chung chung là không có việc gì rồi cho ngựa trạm cấp báo với vua rằng: “Thần phụng mệnh đón ở bờ sông, chỉ thấy vợ chồng ông già bán dầu đến bến sông, thần đã giữ lại, xin nhà vua phán xử”. Nhà Vua trầm tư suy nghĩ rồi nói “Nên đem lời của thần trong giấc mộng, lấy tình thực mà nói với người đó hiểu, không nên ép buộc”.
Sứ giả quay lại an ủi ông bà rằng: “Người đời sinh ra từ xưa ai mà không chết, nhưng để tiếng cho người đời sau mới là đáng quý. Ngày xưa vua Vũ Vương bị ốm, Chu Công lập đàn xin chết thay, lòng trung sáng tỏ giữa đất trời, đời sau không hết lời ca ngợi. Nay nếu ông bà không tham cuộc sống chật hẹp nơi ngõ hẻm, chết vì thánh cũng khiến lòng trung nghĩa không bị phai mờ, tiếng thơm muôn thủa, giữ gìn vững chắc thành trì để cùng trời đất dài lâu mãi mãi. Làm phúc thần nhằm giúp nhân gian, linh thiêng lẫy lừng, há chẳng tốt đẹp đó sao”.
Ông Vũ Phục đổi nét mặt nói rằng: “Cái chết là đáng ghét danh tiếng khó mua, huống chi người sinh ra ở trên đời này đâu phải là người lưng đeo ngai vàng, chân bước bệ ngọc mới biết lưu danh cho muôn đời. Ta há lại quẩn quanh với đời thường, sống lâu chết yểu mà tiếc thân”. Ông bà xin được quay về dặn dò em trai sắp xếp việc nhà rồi đến chịu mệnh. Sứ giả nói “Không được đâu, theo như thần mộng thì hôm nay chính là ngày tận số của người rồi”, nhân đấy Sứ hỏi ông bà bình sinh thích thứ gì?. Ông bà nói: “Mùa xuân ấm áp, có ca hát, có cỗ gà mái dẹ, cùng xôi trắng, bò thui đó là sở thích”. Sứ bèn giết gà làm cơm, đầy đủ các thứ mà ông bà thích ăn xong ông bà ngửa mặt lên trời mà cầu khấn rằng: “Vợ chồng tôi quên mình vì nước để giúp nhà Vua, trời có thấu hay chăng, xin đến chứng giám”. Nói xong ông bà tự nhảy xuống sông. Hôm đó là ngày cuối tháng trọng đông (ngày 30 tháng 11 âm lịch).
Từ đó dòng sông trở lại bình yên, đê được giữ vững, thành trì không bị sói lở, bệnh đau mắt của vua cũng khỏi, nhà Vua bèn lập đền thờ sắc phong ông bà làm Phúc thần:
- Chiêu ứng Phù vận Đại vương
- Thuận chính Phương dung Công chúa
Đền thờ ông bà được dựng tại huyện Quảng Đức (thời Gia Long đổi thành huyện Vĩnh Thuận), góc thành Thăng Long. Ngày nay Đình An Thọ ngự tại số nhà 528 và Đình An Thái ngự tại số nhà 596 cùng đều trên đường Thụy Khuê, thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Hàng năm, cứ đến 30 tháng 11 âm lịch ngày húy nhật của hai vị thần, dân hai làng sửa lễ quan hèm, vào tháng 2 hàng năm mở hội tế lễ.
Đây là hai ngôi đình đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, nơi thờ hai vị Thành Hoàng làng là vợ chồng ông bà Vũ Phục. Bởi là nơi thờ tự vợ chồng ông bà Vũ Phục nên lâu nay mọi người thường gọi đình An Thái và An Thọ là Đình họ Vũ.
Một số hình ảnh lễ dâng hương và lễ hội đình làng An Thái và đình An Thọ:
* Thông tin dựa theo Lý lịch di tích lịch sử đình An Thọ
Bài và ảnh: Vũ Kiến Tích
www.hovuvovietnam.com
|