Con người Việt Nam - con người trí tuệ, thông minh và giàu lòng yêu nước, đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.
Việt Nam - mảnh đất tự nhiên tươi đẹp, vị trí địa lý chiến lược quan trọng
Việt Nam là một quốc gia nằm trên bán đảo Đông Dương, khu vực Đông Nam Á, ven biển Thái Bình Dương. Theo nhiều nghiên cứu, mảnh đất này được hình thành từ hàng chục nghìn năm trước gắn liền với những biến động địa chất của cả khu vực Đông Nam Á. Việt Nam hiện nay có đường biên giới trên đất liền dài 4.550 km tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, với Lào và Căm-pu-chia ở phía Tây; phía Đông giáp biển Đông. Trên bản đồ, dải đất liền Việt Nam mang hình chữ S, kéo dài từ vĩ độ 23o23’ Bắc đến 8o27’ Bắc, dài 1.650 km theo hướng Bắc - Nam, phần rộng nhất trên đất liền khoảng 500 km; nơi hẹp nhất gần 50 km.
Việt Nam có khí hậu thuận lợi, hài hòa. Nhiệt độ trung bình dao động từ 21oC đến 27oC và tăng dần từ Bắc vào Nam. Việt Nam có lượng bức xạ mặt trời rất lớn với số giờ nắng tự 1.400 - 3.000 giờ/năm. Lượng mưa trung bình hàng năm từ 1.500 đến 2.000 mm. Độ ẩm không khí trên dưới 80%. Việt Nam nằm trong vành đai nội chí tuyến, quanh năm có nhiệt độ cao và độ ẩm lớn, hình thành hai đới khí hậu lớn là: Khí mùa Đông Bắc (từ lục địa châu Á tới) và gió mùa đông Nam, có đọ ẩm cao (Miền Bắc - từ đèo Hải Vân trở ra) và khí hậu nhiệt đới khá điều hòa, nóng quanh năm và chia làm hai mùa rõ rệt - mùa khô và mùa mưa (Miền Nam - từ đèo Hải Vân trở vào). Bên cạnh đó, do cấu tạo của địa hình, Việt Nam còn có những vùng tiểu khí hậu. Có nơi có khí hậu ôn đới như Sa Pa, tỉnh Lào Cai; Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; có nơi thuộc khí hậu lục địa như Lai Châu, Sơn La.
Địa hình Việt Nam đa dạng: đồi núi, đồng bằng, bờ biển và thềm lục địa, phản ánh lịch sử phát triển địa chất, địa hình lâu dài trong môi trường gió mùa, nóng ẩm, phong hóa mạnh mẽ. Địa hình thấp dần theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, được thể hiện rõ qua hướng chảy của các dòng sông lớn. Đồi núi chiếm tới 3/4 diện tích lãnh thổ nhưng chủ yếu là đồi núi thấp. Địa hình thấp dưới 1.000 m chiếm tới 85% lãnh thổ. Núi cao trên 2.000 m chỉ chiếm 1%. Đồi núi Việt Nam tạo thành một cánh cung hướng ra Biển Đông, chạy dài 1400 km, từ Tây Bắc tới Đông Nam Bộ. Những dãy núi đồ sộ nhất đều nằm ở phía Tây và Tây Bắc với đỉnh Phan-xi-phăng cao nhất bán đảo Đông Dương (3.143m). Càng ra phía đông, các dãy núi thấy dần và thường kết thúc bằng một dải đất thấp ven biển. Từ đèo Hải Vân vào Nam, địa hình đơn giản hơn. Ở đây không có những dãy núi đá vôi dài mà có những khối đá hoa cương rộng lớn, thỉnh thoảng nhô lên thành đỉnh cao; còn lại là những cao nguyên liên tiếp hợp thành Tây Nguyên, rìa phía đông được nâng lên thành dãy Trường Sơn.
Đồng bằng chỉ chiếm 1/4 diện tích trên đất liền và bị đồi núi ngăn cách thành nhiều khu vực. Ở hai đầu đất nước có hai đồng bằng rộng lớn, phì nhiêu là đồng bằng Bắc Bộ (lưu vực sông Hồng, rộng 16.700 km2) và đồng bằng Nam Bộ (lưu vực sông Mê Công, rộng 40.000 km2). Nằm giữa hai châu thổ lớn đó là một chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, phân bố dọc theo duyên hải miền Trung, từ đồng bằng thuộc lưu vực sông Mã (Thanh Hóa) đến Phan Thiết với tổng diện tích 15.000 km2.
Việt Nam có ba mặt Đông, Nam và Tây - Nam trông ra biển với bờ biển dài 3.260 km, từ Móng Cái ở phía Bắc đến Hà Tiên ở phía Tây Nam. Phần Biển Đông thuộc chủ quyền Việt Nam mở rộng về phía đông và đông nam, có thềm lục địa với diện tích gấp hơn 3 lần đất liền, với nhiều các đảo và quần đảo lớn nhỏ bao bọc. Chỉ riêng Vịnh Bắc Bộ đã tập trung một quần thể gần 3.000 hòn đảo trong khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, các đảo Cát Hải, Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ… Xa hơn là quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Phía Tây Nam và Nam có các nhóm đảo Côn Sơn, Phú Quốc và Thổ Chu.
Việt Nam có một mạng lưới sông ngòi dày đặc (có 2.360 con sông dài trên 10 km), chảy theo hai hướng chính là Tây Bắc - Đông Nam và vòng cung. Hai sông lớn nhất là sông Hồng và sông Mê Công tạo nên hai vùng đồng bằng rộng lớn và phì nhiêu. Hệ thống các sông suối hàng năm được bổ sung tới 310 tỷ m3 nước và chia thành mùa lũ và mùa cạn. Mùa lũ chiếm tới 70-80% lượng nước cả năm. Đây là nguồn tài nguyên về nước và thủy điện vô cùng to lớn.
Đất đai ở Việt Nam rất đa dạng, có độ phì cao, thuận lợi cho phát triển nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, Việt Nam có hệ thực vật phong phú, đa dạng (khoảng 14.600 loài thực vật). Thảm thực vật chủ yếu là rừng rậm nhiệt đới, gồm các loại cây ưa ánh sáng, nhiệt độ lớn và độ ẩm cao. Quần thể động vật ở Việt Nam cũng phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài thú quý hiếm được ghi vào Sách Đỏ của thế giới. Hiện nay, đã liệt kê được 275 loài thú có vú, 800 loài chim, 180 loài bò sát, 80 loài lưỡng thể, 2.400 loài cá, 5.000 loài sâu bọ.
Việt Nam đã giữ gìn và bảo tồn một số vườn quốc gia đa dạng sinh học quý hiếm như Vườn quốc gia Hoàng Liên Sơn (khu vực núi Phan-xi-phăng, Lào Cai), Vườn quốc gia Cát Bà (Quảng Ninh), vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), vườn quốc gia Côn Đảo (đảo Côn Sơn, Bà Rịa-Vũng Tàu), vườn quốc gia Cát Tiên (Đồng Nai)….các vườn quốc gia này là nơi cho các nhà sinh học Việt Nam và thế giới nghiên cứu khoa học, đồng thời là những nơi du lịch sinh thái hấp dẫn. Ngoài ra, UNESCO công nhận 8 khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam là khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cần Giờ, Cát Tiên, Cát Bà, Châu thổ sông Hồng, Cù Lao Chàm, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau…
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của Việt Nam còn phải kể đến nguồn khoáng sản đa dạng, phong phú với trữ lượng lớn: như than, sắt, đồng, bô-xít, a-pa-tít…
Tất cả những điều kiện được ưu đãi về vị trí địa lý, tự nhiên, xã hội ấy là những tiềm năng vô cùng to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước hôm nay.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Vũ Oanh
Con người Việt Nam - con người trí tuệ, thông minh và giàu lòng yêu nước, đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.
Việt Nam là một trong những cái nôi con người ra đời. Dân tộc Việt được hình thành từ rất sớm đã hòa quện cùng với thiên nhiên phong phú làm nên một nền văn hóa Việt Nam lâu đời, đặc sắc. Nền văn hóa đặc sắc, lâu đời đó luôn gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc.
Việt Nam có một cộng đồng văn hóa khá rộng lớn được hình thành vào khoảng nửa đầu thiên niên kỉ thứ nhất trước Công nguyên và phát triển rực rỡ vào giữa thiên niên kỉ này. Đó là cộng đồng văn hóa Đông Sơn. Cộng đồng văn hóa ấy phát triển cao so với các nền văn hóa khác đương thời trong khu vực, có những nét độc đáo riêng nhưng vẫn mang nhiều điểm đặc trưng của văn hóa vùng Đông Nam Á, vì có chung chủng gốc Nam Á (Mongoloid phương Nam) và nền văn minh lúa nước. Những con đường phát triển khác nhau của văn hóa bản địa tại các khu vực khác nhau (lưu vực sông Hồng, sông Mã, sông Cả v.v…) đã hội tụ với nhau, hợp thành văn hóa Đông Sơn. Đây cũng là thời kỳ ra đời nhà nước ‘‘phôi thai’’ đầu tiên của Việt Nam dưới hình thức cộng đồng liên làng và siêu làng (để chống giặc và đắp giữ đê trồng lúa), từ đó các bộ lạc nguyên thủy phát triển thành dân tộc.
Giai đoạn văn hóa Văn Lang - Âu Lạc (gần năm 3000 đến cuối thiên niên kỷ 1 trước CN) vào thời đại đồ đồng sơ khai, trải 18 đời vua Hùng, được coi là đỉnh cao thứ nhất của lịch sử văn hóa Việt Nam, với sáng tạo tiêu biểu là trống đồng Đông Sơn và kỹ thuật trồng lúa nước ổn định.
Sau giai đoạn chống Bắc thuộc có đặc trưng chủ yếu là song song tồn tại hai xu hướng Hán hóa và chống Hán hóa, giai đoạn Đại Việt (từ thế kỉ 10 đến 15) là đỉnh cao thứ hai của văn hóa Việt Nam. Qua các triều đại nhà nước phong kiến độc lập, nhất là với hai cột mốc các triều Lý - Trần và Lê, văn hóa Việt Nam được gây dựng lại toàn diện và thăng hoa nhanh chóng có sự tiếp thu ảnh hưởng to lớn của Phật giáo và Nho giáo.
Sau thời kì hỗn độn Lê - Mạc và Trịnh - Nguyễn chia cắt đất nước, rồi từ tiền đề Tây Sơn thống nhất đất nước và lãnh thổ, nhà Nguyễn tìm cách phục hưng văn hóa dựa vào Nho giáo, nhưng lúc ấy Nho giáo đã suy tàn và văn hóa phương Tây bắt đầu xâm nhập nước ta. Kéo dài cho tới khi kết thúc chế độ Pháp thuộc là sự xen cài về văn hóa giữa hai xu hướng Âu hóa và chống Âu hóa, là sự đấu tranh giữa văn hóa yêu nước với văn hóa thực dân.
Giai đoạn văn hóa Việt Nam hiện đại được hình thành kể từ những năm 20-30 của thế kỷ XX, dưới ngọn cờ của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa Mác - Lênin. Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền văn minh thế giới hiện đại, đồng thời giữ gìn, phát huy bản sắc dân tộc, văn hóa Việt Nam hứa hẹn một đỉnh cao lịch sử mới.
Có thể nói xuyên suốt toàn bộ lịch sử Việt Nam, đã có ba lớp văn hóa chồng lên nhau: lớp văn hóa bản địa, lớp văn hóa giao lưu với Trung Quốc và khu vực, lớp văn hóa giao lưu với phương Tây. Nhưng đặc điểm chính của Việt Nam là nhờ gốc văn hóa bản địa vững chắc nên đã không bị ảnh hưởng văn hóa ngoại lai đồng hóa, trái lại còn biết sử dụng và Việt hóa các ảnh hưởng đó làm giầu cho nền văn hóa dân tộc.
Văn hóa dân tộc Việt Nam nảy sinh từ một môi trường sống cụ thể: xứ nóng, nhiều sông nước, nơi gặp gỡ của nhiều nền văn minh lớn. Điều kiện tự nhiên (nhiệt, ẩm, gió mùa, sông nước, nông nghiệp trồng lúa nước…) đã tác động không nhỏ đến đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của dân tộc, đến tính cách, tâm lý con người Việt Nam. Tuy nhiên điều kiện xã hội và lịch sử lại là những yếu tố chi phối rất lớn đến văn hóa và tâm lý dân tộc. Cho nên cùng là cư dân vùng trồng lúa nước, vẫn có những điểm khác biệt về văn hóa Hán, nền văn hóa Việt Nam đã biến đổi theo hướng tiếp thu có chọn lọc thêm các đặc điểm của văn hóa Đông Á, làm cho văn hóa dân tộc càng thêm đa dạng phong phú mà vẫn giữ được cốt cách bản sắc của mình.
Dân tộc Việt Nam hình thành sớm và luôn luôn phải tiến hành các cuộc chiến tranh giữ nước, từ đó tạo nên một đặc trưng văn hóa nổi bật là tư tưởng yêu nước thấm sâu và bao trùm mọi lĩnh vực. Các yếu tố cộng đồng có nguồn gốc nguyên thủy đã sớm được cố kết lại, trở thành cơ sở phát triển chủ nghĩa yêu nước và ý thức dân tộc. Chiến tranh liên miên, đó cũng là lý do chủ yếu khiến cho lịch sử phát triển xã hội Việt Nam có tính bất thường, tất cả các kết cấu kinh tế - xã hội thường bị chiến tranh làm gián đoạn, khó đạt đến điểm đỉnh của sự phát triển chín muồi. Cũng vì chiến tranh phá hoại, Việt Nam ít có được những công trình văn hóa-nghệ thuật đồ sộ, hoặc nếu có cũng không bảo tồn được nguyên vẹn. Tuy vậy, những công trình văn hóa phi vật thể thì vẫn được bảo tồn một cách vững chắc và ngày càng được bổ sung nâng cao thêm phong phú đa dạng.
Nền văn hóa đặc sắc, lâu đời gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Việt Nam được phát triển phong phú đa dạng với những cốt cách bản sắc riêng của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực: Triết học và tư tưởng, Phong tục tập quán, tín ngưỡng tôn giáo, ngôn ngữ, văn học, nghệ thuật…
Tổ quốc Việt Nam ngày nay của chúng ta có 54 dân tộc. Các dân tộc cùng là con cháu của Lạc Long Quân - Âu Cơ, nở ra từ trăm trứng, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển, cùng mở mang xây dựng non sông ‘‘Tam sơn, tứ hải, nhất phần điền’’, với rừng núi trùng điệp, đồng bằng sải cánh cò bay và biển Đông bốn mùa sóng vỗ; bờ cõi liền một dải từ chỏm Lũng Cú (Bắc) đến xóm Rạch Tàu (Nam), từ đỉnh Trường Sơn (Tây) đến quần đảo Trường Sa (Đông). 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ, mỗi dân tộc một sắc thái văn hóa riêng, cho nên văn hóa Việt Nam là một sự thống nhất trong đa dạng. Ngoài văn hóa Việt - Mường mang tính tiêu biểu, còn có các nhóm văn hóa đặc sắc khác như Tày - Nùng, Thái, Chàm, Hoa - Ngái, Mon - Khơme, H’Mông - Dao, nhất là văn hóa các dân tộc Tây Nguyên giữ được những truyền thống khá phong phú và toàn diện của một xã hội thuần nông nghiệp gắn bó với các điều kiện tự nhiên tươi đẹp và phong phú.
Dân số Việt Nam chúng ta thật đáng tự hào không chỉ có một lịch sử lâu đời, trải qua hàng nghìn năm chuân chuyên vất vả sóng gió đau thương, chúng ta vẫn đứng vững vàng trên mảnh đất thiêng liêng của mình. Thực tế lịch sử đã chứng minh, không một kẻ thù nào dù có mạnh đến đâu đi nữa, với những âm mưu hết sức thâm độc như muốn ‘‘xóa sổ’’ đất nước này hay ‘‘đồng hóa’’ dân tộc chúng ta, hoặc ‘‘đưa đất nước ta trở về thời kỳ đồ đá’’…đều bị thất bại. Đất nước và dân tộc Việt Nam ta vẫn vững vàng tồn tại và liên tục phát triển mạnh mẽ, hiên ngang sánh vai cùng với mọi quốc gia lớn nhỏ trên thế giới.
Năm 179 trước Công nguyên, nước Âu Lạc bị đô hộ mở đầu cho thời kỳ lịch sử đen tối, đau thương, đầy uất hận dài đằng đẵng hơn 1000 năm của dân tộc Việt. Trong thời gian này, tuy bị cai trị, bóc lột tàn nhẫn, hà khắc, nhưng dân tộc ta vẫn không chịu khuất phục mà còn liên tục vùng lên đấu tranh nhằm giành lại độc lập tự chủ, chống bị Hán hóa. Tiêu biểu là: Khởi nghĩa hai Bà Trưng năm 40, khởi nghĩa Bà Triệu năm 248, Lý Bí năm 542 lập ra nước Vạn Xuân, Mai Thúc Loan năm 722, Khúc Thừa Dụ năm 905, Dương Đình Nghệ năm 931, đặc biệt là chiến công đánh bại quân xâm lược Nam Hán của Ngô Quyền năm 938 trên sông Bạch Đằng, mở ra thời kỳ độc lập tự chủ hoàn toàn cho nước ta sau hơn 1000 năm đô hộ bởi phong kiến phương Bắc.
Trong thời kỳ các nhà nước phong kiến Việt Nam, đất nước ta cũng liên tục bị kẻ thù phong kiến phương Bắc mang quân sang xâm lược và chúng liên tục bị thất bại thảm hại. Tiêu biểu là: Chiến thắng quân xâm lược nhà Tống năm 981 của quân dân Đại Cồ Việt dưới sự chỉ huy mưu lược của Lê Hoàn; cuộc kháng chiến chống xâm lược Tống lần thứ hai (1072-1077) của quân dân Nhà Lý dưới sự chỉ huy của Lý Thường Kiệt với những chiến công vang dội ở Ung Châu và Khâm Châu, Liêm Châu (1075) và trên phòng tuyến Như Nguyệt (1077) ; Cuộc kháng chiến 30 năm (1258-1288) với 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông (Trung Quốc) của quan quân và dân nhà Trần dưới sự chỉ huy tài tình của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn ; cuộc khởi nghĩa 10 năm của nghĩa quân Lam Sơn đánh bại quân xâm lược Minh (1418-1438) dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi, Nguyễn Trãi ; Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn dưới sự lãnh đạo tài ba của anh hùng áo vải Nguyễn Huệ - Quang Trung đã thống nhất được non sông và đánh tan quân xâm lược nhà Thanh (1771-1789). Và gần đây nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã tiến hành tháng 8/1945 thắng lợi, lật đổ chính quyền của Pháp, Nhật và chế độ quân chủ phong kiến của nhà Nguyễn để lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, rồi tiếp theo, nhân dân ta đã phải chiến đấu suốt 30 năm không nghỉ (1945-1975), đánh bại thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất non sông, cả nước bước vào hòa bình xây dựng đất nước.
Dân tộc Việt Nam luôn sẵn có trong mình truyền thống yêu nước, yêu hòa bình, nhưng trước họa xâm lược của ngoại bang thì tinh thần đoàn kết, kiên cường bất khuất đấu tranh chống xâm lược được dâng lên hết sức mạnh mẽ như sóng dậy trào dâng, quét sạch mọi kẻ thù xâm lược khỏi bờ cõi non sông, giữ vững chủ quyền quốc gia và độc lập dân tộc. Cùng với ý nghĩa đó, dân tộc Việt Nam chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào là đã có những đóng góp xứng đáng cho nhân loại trong lịch sử đấu tranh chống xâm lược và ách áp bức của các dân tộc trên thế giới. Tiêu biểu là :
- Cuộc kháng chiến thần thánh 30 năm với 3 lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông của quân dân Nhà Trần (1258-1288), giải cứu cho nhân dân thế giới khỏi họa xâm lăng và đô hộ của quân Nguyên Mông, bởi khi ấy, Mông Cổ là một đại đế quốc lớn nhất thế giới trong lịch sử, có lãnh thổ bao gồm khoảng 40 nước trải dài từ bờ Thái Bình Dương cho tới Trung Đông, Đông Âu và vẫn tiếp tục bành trướng. ‘‘Vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu, nơi ấy cỏ cây không mọc được’’.
- Cuộc khánh chiến 30 năm đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975), mở đầu cho sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới, cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa trên khắp thế giới.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975 với trận kết là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Tổ quốc ta lần đầu tiên được độc lập, thống nhất hoàn toàn, cả nước bước vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Công cuộc xây dựng và phát triển đất nước như Di chúc của Bác Hồ ‘‘là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân’’.
Nếu tính từ ngày miền Bắc được giải phóng (ngày 10-10-1954 - ngày giải phóng Thủ đô) đến nay nước ta sắp tròn 60 năm, từ ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, chúng ta sắp tròn 40 năm. Thời gian so với lịch sử dân tộc thật quá ngắn ngủi. Nhưng so với thời đại, thời đại xây dựng và phát triển của một đất nước thì cũng không phải là quá ngắn.
Nhìn ra các nước trong khu vực, chúng ta thấy rất rõ, cũng trong những khoảng thời gian như thế và gần như thế, nhiều nước có nhiều điều kiện giống chúng ta, nhưng họ đã có được một nền kinh tế phát triển đáng kinh ngạc: Singapore với 4,5 triệu dân, 2,47 triệu lao động, năm 2011, GDP đạt 280 tỷ USD, GDP đầu người đạt 56.000 USD; Indonesia có 180 triệu dân với 105,7 triệu lao động, năm 2005 đạt GDP là 899 tỉ USD và GDP đầu người là 3.700 USD ; Malaysia có 10,26 triệu người, năm 2005 GDP đạt 290 tỷ USD và GDP bình quân đầu người là 11.160 USD ; Thailan có 36,41 triệu lao động và GDP bình quân đầu người đạt 9.100 USD (ước tính năm 2006) ; ngay như Trung Quốc, một nước đông dân nhất thế giới, tiến hành cải cách trước chúng ta 8 năm, GDP năm 2008 đạt 4,42 nghìn tỷ USD (thứ 3 trên thế giới), GDP bình quân đầu người năm 2007 là 5.300 USD (đứng thứ 105) ; còn đối với Hàn Quốc, cuối thế kỷ 20 được coi là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại, GDP bình quân đầu người của đất nước này đã nhẩy vọt từ 100 USD vào năm 1963 lên mức kỉ lục 10.000 USD vào năm 1995 và 25.000 USD vào năm 2007…
Còn Việt Nam chúng ta, với hơn 80 triệu dân; 51,39 triệu lao động (đứng thứ hai Đông Nam Á), Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 6 ở Đông Nam Á và lớn thứ 57 trên thế giới xét theo quy mô tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa năm 2011 và đứng thứ 128 xét theo tổng sản phẩm nội địa danh nghĩa bình quân đầu người. Tổng Thu nhập nội địa GDP năm 2011 là 124 tỷ USD. Kinh tế nước ta là một nền kinh tế hỗn hợp, phụ thuộc cao vào xuất khẩu thô và đầu tư trực tiếp nước ngoài GDP.
GDP (PPP) : 320.879 tỷ USD (ước tính 2012), (DN) 135.411 tỷ USD (ước tính 2012)
GDP đầu người: (PPP): 3,549 USD (ước tính 2012), (DN): 1,546 USD (ước tính 2012) 3,549 USD
Vậy là ‘‘trí’’ mà cụ Lê Quý Đôn nói đến có liên hệ khăng khít với cả nông, công, thương ! Một khi mà chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam ngày càng giảm thì khó mà nói đến sự phát triển bền vững. Thế mà theo thống kê của Bộ lao động - thương binh - xã hội, năm 2010 trong số 20,1 triệu lao động đang làm việc, thì chỉ có 8,4 triệu người có chứng chỉ đã được đào tạo trong và ngoài nước. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11 trên 12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB, trong khi Hàn Quốc là 6,91 ; Ấn Độ là 5,76 ; Malaysia là 4,91 ; Thái Lan là 4,94 (mặc dù vậy, hiện nay hình như chưa có sản phẩm nông nghiệp nào của ta cạnh tranh được với Thái Lan). Có đến 44% các doanh nghiệp FDI phải tổ chức đào tạo lại cho người lao động được tuyển dụng, vì thế hàng năm các doanh nghiệp FDI phải tiêu tốn khoảng 8% tổng chi phí kinh doanh.
Nhưng rồi sao ? Theo thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có tới 63% số cử nhân, kỹ sư sau khi tốt nghiệp ra trường bị thất nghiệp. Một chuyện thật mà cứ như đùa, sinh viên ra trường không có việc làm đã mang tấm bằng đại học của mình ra hiệu cầm đồ để lấy 1,5 triệu đồng. Dù sao thì câu chuyện ‘‘cười ra nước mắt’’ này cũng chỉ là một nét chấm phá trên toàn cảnh bức tranh. Sẽ thấu đáo hơn về điều này khi hiểu rằng, sinh viên với bản lĩnh, tri thức và nhân cách của mình chính là lực lượng hùng hậu bổ sung vào đội ngũ tri thức của đất nước.
Đương thời, Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nhắc lại luận điểm của Nguyễn Trãi ‘‘Nước ta là một nước văn hiến’’ để khẳng định lại cái chân lý bất biến : ‘‘Điều đó có nghĩa là trọng học vấn, trọng nhân tài, vì đó là những của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó thì sẽ có tất cả, thiếu nó thì cái còn lại còn có gì đáng giá’’. Đây là, một sự nhắc nhở. Trong trí thức là hằng số xuyên lịch sử. Mọi biến cố khác đều lấy cái ‘‘bất biến’’ đó làm cái trục quy chiếu để đoán định về mọi giá trị của cuộc sống con người. Nắm chắc cái ‘‘bất biến’’ đó để ứng xử với bao nhiêu ‘‘vạn biến’’ khó lường của cuộc sống….(còn tiếp).
Vũ Oanh
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị
Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh
Chủ tịch danh dự HĐDH Vũ - Võ Việt Nam
----------------------------------------------------------------------------
Cụ Vũ Oanh từng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa V, VI, VII, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch đầu tiên Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam. Cụ cũng từng là Trưởng đoàn đại biểu cách mạng Hà Nội đi dự Quốc dân Đại hội tại Tân Trào và Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu năm 1945.
Về thân thế của Cụ:
Cụ tên thật là Vũ Duy Trương, sinh ngày 16/9/1924, quê tại xã Vĩnh Tuy, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương trong một gia đình có truyền thống cách mạng.
Cha mất sớm khi cụ mới 3 tuổi, các anh em cụ đều được tay mẹ nuôi nấng. Thuở nhỏ, cụ được học bậc tiểu học tại quê nhà. Chịu ảnh hưởng của thầy giáo, vốn là một đảng viên Cộng sản, và sau đó là của người anh cả và anh hai, cụ sớm có nhận thức và định hình con đường hoạt động của mình sau này.
Từ năm 1941, cụ tham gia Việt Minh, hoạt động trong Đoàn Thanh niên Cứu quốc. Tháng 3 năm 1945, khi Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương, cụ là Bí thư chi bộ thanh niên cứu quốc của Thành ủy Hà Nội. Cuối tháng 7 năm 1945, cụ được Xứ ủy Bắc Kỳ chỉ định làm trưởng đoàn đại biểu Hà Nội đi dự Đại hội Quốc dân Tân Trào.
Tổng khởi nghĩa nổ ra, cụ được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh thành Hoàng Diệu, phụ trách khối tự vệ thanh niên Hà Nội. Sau ngày Toàn quốc kháng chiến, cụ được chỉ định làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông (1946), sau đó đổi sang làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1947). Năm 1948, cụ được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Quân ủy Trung ương khi mới 24 tuổi.
Sau đó, cụ lần lượt giữ các chức vụ Ủy viên Liên khu ủy Khu 3, Phó chính ủy Đại đoàn Đồng bằng, Cục trưởng Cục Địch vận, Phó trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương. Từ năm 1979 đến năm 1981, cụ lần lượt giữ chức Phó ban Công tác giúp bạn Campuchia, sau đó là Phó trưởng ban Thứ nhất Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế.
Cụ được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV và trở thành Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa V, VI, VII; được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI, VII và Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, giữ các chức vụ Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban Nông nghiệp, Trưởng Ban Kinh tế. Cụ cũng là Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội (1987-1989).
Khi nghỉ hưu, cụ được cử làm Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam, Chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam.
Về gia đình Cụ:
Cả 7 anh chị em cụ đều tham gia hoạt động cách mạng, hầu hết đều giữ các chức vụ quan trọng trong chính quyền Việt Nam như:
1. Ông Vũ Duy Cương, thầy giáo dạy tiểu học, tham gia cách mạng từ trước 1930, đã từng bị Pháp bắt giam, mất năm 36 tuổi.
2. Vũ Duy Hiệu tham gia cách mạng trước 1930, từng làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên.
3. Ông Vũ Duy Kiểm (Vũ Hạnh) tham gia cách mạng trước 1945, là Giám đốc Nhà máy in tiền đầu tiên của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, từng là Giám đốc Nhà máy điện Yên Phụ, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Thái.
4. Ông Vũ Duy Lực (Vũ Thanh Giang) là một trong 4 tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn cao xạ pháo đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, tham gia trực tiếp Chiến dịch Điện Biên Phủ, là Phó tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, Sư đoàn trưởng Pháo binh, Cục trưởng Cục thanh tra quân đội.
5. Bà Vũ Thị Diệu tham gia cách mạng trước 1945, một cửa hàng trưởng mậu dịch quốc doanh đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tổng giám đốc Tổng công ty bách hóa Trung ương.
6. Ông Vũ Duy Quất (Vũ Thu) làm Bí thư Huyện ủy Ninh Giang, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Cạn, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái và Vụ trưởng Vụ tổ chức của Tòa án Nhân dân Tối cao.
Đảng và Nhà nước tôn vinh:
Cụ được nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh
www.hovuvovietnam.com
|