Thủ đô Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến với những con đường, ngõ phố đã đi vào thơ ca, huyền thoại. Tên đường phố không chỉ mang một đặc trưng văn hóa, văn minh đô thị mà còn rất quan trọng trong việc quản lý hành chính, quản lý đô thị và công tác địa chí. Ở Hà Nội có rất nhiều đường phố được đặt theo tên các danh nhân, những người anh hùng có công lớn trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước và Thủ đô. Thật tự hào có rất nhiều danh nhân mang họ Vũ (Võ) được đặt tên cho các đường phố tại Thủ đô Hà Nội.
1. ĐƯỜNG VÕ CHÍ CÔNG
Ngày 9/7/2014, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã Quyết định đặt tên đường Võ Chí Công cho đoạn từ cầu Nhật Tân đi qua phường Phú Thượng, Xuân La (Quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt. Dài 4,5 km, rộng 57,5 đến 64,5m
Võ Chí Công tên thật là Võ Toàn, sinh ngày 7 tháng 8 năm 1912, tại làng Tam Mỹ, tổng Phú Quý, phủ Tam Kỳ, nay là thôn Khương Mỹ, xã Tam Xuân I, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Cha ông là cụ Võ Nghiệm, một nhà nho yêu nước, về sau cũng là một đảng viên Cộng sản trong chi bộ do con trai mình làm bí thư, được nhà nước Việt Nam truy tặng là Liệt sĩ. Mẹ ông là Nguyễn Thị Thân, về sau được nhà nước Việt Nam truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Sinh trưởng trong một gia đình nhà nho yêu nước và cách mạng, từ nhỏ, ông được giáo dục về tinh thần dân tộc yêu nước và chịu ảnh hưởng của nhiều chí sĩ đất Quảng như Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng... và các phong trào đấu tranh chống thuế, đòi dân sinh, dân chủ của dân chúng vùng Nam Trung Kỳ. Năm 1935, ông gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương và từ năm 1936 đến năm 1943, ông được cử làm các chức vụ: Bí thư chi bộ, Bí thư Huyện ủy Tam Kỳ, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam, xứ uỷ viên xứ uỷ Trung kỳ. Tháng 10 năm 1943, ông bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tù chung thân, sau đó giảm xuống 25 năm tù giam Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp tại Đông Dương., ông được trả tự do, ông trở về Quảng Nam và được phân công vào Ban Cứu quốc của Tỉnh bộ Việt Minh Quảng Nam, làm Trưởng ban khởi nghĩa, chuẩn bị cướp chính quyền. Ngày 17 tháng 8 năm 1945 khởi nghĩa nổ ra ở Hội An và Quảng Nam trở thành một trong 4 tỉnh giành được chính quyền sớm nhất cả nước.
Cách mạng tháng 8 thành công, ông được cử làm Trưởng ty Tư pháp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Khi Pháp tái chiếm Đông Dương, ông được cử làm Chính trị viên Trung đoàn 93. Đầu năm 1946, ông làm Phó ban Tổ chức cán bộ và Thanh tra Quân khu V.
Năm 1951, ông làm Bí thư Ban cán sự Đông - Bắc Miên, Khu ủy viên Liên khu V. Tháng 3 năm 1952, ông được cử về lại làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ 3. Đầu năm 1954, ông dẫn một đoàn cán bộ lãnh đạo Liên khu 5 ra Bắc học tập kinh nghiệm về cải cách ruộng đất, sau đó được phân công làm Đoàn ủy viên cải cách ruộng đất ở Việt Bắc.
Sau Hiệp định Genève, 1954, ông được phân công trở lại Khu V, hoạt động bí mật thay vì tập kết ra Bắc, giữ chức Phó Bí thư Khu ủy. Năm 1960, ông ra Bắc và là một trong những người ủng hộ chủ trương chuyển hướng đấu tranh và tham gia xây dựng Nghị quyết 15. Tháng 9 năm 1960, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, ông được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Khu ủy Khu V.
Ngày 23 tháng 1 năm 1961, thành lập Trung ương Cục miền Nam, với bí danh Võ Chí Công, hoặc Năm Công, ông được phân công đảm nhiệm các chức vụ như Phó bí thư Trung ương Cục, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương, đại diện của đảng tại Mặt trận, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, phụ trách Bí thư Khu ủy Khu V, Chính ủy Quân khu V.
Sau khi nước Việt Nam thống nhất, ông được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Hải sản, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Trưởng ban Cải tạo nông nghiệp miền Nam, Thường trực Ban Bí thư và từ tháng 4/1987 đến năm 1991 ông là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch hội đồng Quốc phòng. Ông là Đại biểu Quốc hội các khoá VI, VII, VIII.
Từ tháng 6 năm 1991 đến tháng 12 năm 1997: là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Ông qua đời ngày 8 tháng 9 năm 2011 tại thành phố Hồ Chí Minh, không lâu sau lễ mừng thọ 100 tuổi. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lễ gắn biển mang tên Danh nhân Võ Chí Công
2. PHỐ VÕ VĂN DŨNG
Dài 300m, từ lô 8B số 11 Hoàng Cầu đến tổ 9 Ô Chợ Dừa. Đất thôn Hoàng Cầu, trại Thịnh Hào xưa. Nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Tên phố được đặt tháng 8-2005.
Võ Văn Dũng (?-1802), Danh tướng thời Tây Sơn. Quê ở làng Phú Mỹ, xã Bình Phú, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Tham gia khởi nghĩa Tây Sơn từ đầu. Ông được Nguyễn Huệ coi làm Tâm Phúc, phong chức Chiêu viễn hầu, lo chiêu tập bổ sung nghĩa quân. Ông theo lệnh Nguyễn Huệ ra Bắc từ năm 1788 diệt Vũ Văn Nhậm rồi ở lại cùng Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm ổn định tình hình Đàng Ngoài.
Sau Đại thắng quân Thanh ở Ngọc Hồi, Đống Đa đầu xuân Kỷ Dậu (1789) ông giữ chức Hải Dương chiêu viễn đại đô đốc đại tướng quân tước Quận công. Đến triều vua Quang Toán (1802) Nguyễn Ánh đánh ra Bắc, ông bị bắt và bị giết ở Thanh Hóa.
3. ĐƯỜNG VÕ NGUYÊN GIÁP
Ngày 9/7/2014, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã Quyết định đặt tên đường Võ Nguyên Giáp cho đoạn từ đầu cầu phía Bắc cầu Nhật Tân (đi qua các huyện Đông Anh, Sóc Sơn) đến điểm giao cắt giữa đường dẫn nút giao phía Nam quốc lộ 18 với đường Võ Nguyên Giáp. Dài 10,5 km, rộng 70 đến 100m.
Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/08/1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một gia đình nhà nho, con của ông Võ Quang Nghiêm (Võ Nguyên Thân), một nhà nho đức độ và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiên.
Về họ ngoại, ông ngoại Võ Nguyên Giáp quê ở thôn Mỹ Đức xã Sơn Thủy huyện Lệ Thủy, đầu nguồn sông Cẩm Ly, một vùng sơn cước, dưới dãy Trường Sơn; từng tham gia Phong trào Văn thân-Cần Vương, làm đến chức Đề đốc coi đại đồn tiền vệ, sau bị quân Pháp bắt, tra tấn dã man, nhưng một mực trung thành, không một lời khai báo.
Về họ nội, Võ Nguyên Giáp sinh trưởng trong một dòng họ lớn, có tiếng tăm tại làng An Xá. Ông nội ông cũng từng tham gia phò tá vua Hàm Nghi trong Phong trào Cần Vương. Thân phụ ông, Võ Quang Nghiêm, là một nho sinh thi cử bất thành về nhà làm hương sư và thầy thuốc Đông y trong làng. Khi Chiến tranh Đông Dương bùng nổ, cụ Võ Quang Nghiêm bị người Pháp bắt, đưa về giam ở Huế và mất trong tù (Sau này, con cháu đã tìm thấy và bốc mộ ông đưa về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Lệ Thủy).
Võ Nguyên Giáp còn được gọi là tướng Giáp hoặc anh Văn, là một nhà quân sự và chính trị gia Việt Nam. Ông là Đại tướng đầu tiên, Tổng tư lệnh và là người chỉ huy đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là một trong những người góp công thành lập nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, được Chính phủ Việt Nam đánh giá là "người học trò xuất sắc và gần gũi của Chủ tịch Hồ Chí Minh", là chỉ huy chính trong các chiến dịch và chiến thắng chính trong Chiến tranh Đông Dương (1946–1954) đánh bại Thực dân Pháp, Chiến tranh Việt Nam(1960–1975) chống Mỹ, thống nhất đất nước và chống quân Trung Quốc tấn công biên giới phía Bắc.
Xuất thân là một giáo viên dạy sử, ông trở thành người được đánh giá là một trong những nhà lãnh đạo quân sự kiệt xuất nhất trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng được đánh giá là một trong những vị tướng kiệt xuất trên thế giới. Ông được tôn sùng là anh hùng của nhân dân Việt Nam. Đại tướng của nhân dân
Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất ngày 04/10/1013 tại Hà Nội hưởng thọ 103 tuổi. Phần mộ Đại tướng được đặt tại Vũng Chùa, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Lễ gắn biển mang tên Danh nhân Võ Nguyên Giáp
4. PHỐ VÕ QUÝ HUÂN
Phố Võ Quý Huân được đặt cho đoạn từ đường Hồ Tùng Mậu đến ngã ba đường vào khu công nghiệp Nam Thăng Long, quận Bắc Từ Liêm. Tên đường được đặt từ tháng 11/2011
Kỹ sư Võ Quý Huân (1912-1967), quê gốc ở huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An nhưng ông sinh ra tại Đà Nẵng. Ham học và học xuất sắc, ông đỗ ba bằng Kỹ sư Cơ điện-Đúc, luyện kim và Kỹ nghệ chuyên nghiệp. Sang Pháp học tập và sinh sống, hoạt động trong cộng đồng Việt Kiều và trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Pháp năm 1939.
Kỹ sư Võ Quý Huân là một trong 4 vị trí thức được Bác Hồ lựa chọn đưa về nước cùng Người sau chuyến thăm Pháp năm 1946. Cùng với bác sĩ Trần Hữu Tước, các kỹ sư Trần Đại Nghĩa, Võ Đình Quỳnh, Võ Quý Huân là những nhà chuyên môn được đào tạo rất cơ bản thuộc các ngành luyện kim và cơ khí với hy vọng đặt nền móng cho ngành công nghiệp phục vụ thời chiến và xây dựng đất nước ở thời bình. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết trong bốn nhà trí thức theo Bác Hồ về nước ấy chỉ có Võ Quý Huân là “nan giải nhất” bởi ông đã có gia đình, vợ con ở Pháp. Vì nặng tình đất nước ông đã để lại gia đình nhỏ của mình ở Paris để dấn thân vào sự nghiệp kháng chiến và xây dựng Tổ quốc.
Người Kỹ sư nặng tình đất nước ấy đã sống suốt đời vì sự nghiệp của dân tộc. Ông là người nghiên cứu sản xuất những mẻ thép đầu tiên phục vụ kháng chiến. Cũng chính ông đã đặt nền móng cho sự nghiệp đào tạo ngành đúc- luyện kim và công nghiệp Việt Nam. Ông là một trong những nhân vật tiêu biểu cho thế hệ vàng những trí thức gắn liền với cách mạng giải phóng dân tộc ở thế kỷ XX. Nhiều thế hệ học sinh ở trường Đại học Công nghiệp mãi nhắc đến ông, vị Hiệu trưởng đầu tiên, người thầy uyên bác và tận tụy. Ông đã được truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
5. PHỐ VŨ PHẠM HÀM
Phố Vũ Phạm Hàm được đặt tên cho đoạn từ ngã tư cạnh trường KT số 2 (lối ra cầu 361) đến phố Trung Kính, quận Cầu Giấy. Dài 700m, rộng 30 m
Đường rải nhựa, hè rộng, hạ tầng cơ sở tốt, dân cư ổn định. Dân tự đặt là đường Trung Yên 1 (có logo của công ty UDIC). Đường đi qua khu Đô thị mới Trung Hòa, Yên Hòa và một số ngân hàng.
Vũ Phạm Hàm (1864-1906) tự Mộng Hải, hiệu là Thư Trì quê ở làng Đôn Thư, xã Kim Thư, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội. Năm 1892 ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ, cập đệ tam danh (Thám hoa). Sau khi thi đỗ ông được bổ làm Đốc học tại các tỉnh Phù Lỗ, Hưng Hóa, Ninh Bình, sau đó được bổ làm Đốc học Hà Nội kiêm sung quán Đồng Văn hàm Quang lộc tự Thiếu khanh . Đương thời giới tri thức rất hâm mộ về tài học và đức độ của ông. Ông mất năm 1906, thọ 42 tuổi.
Một số tác phẩm tiêu biểu của Vũ Phạm Hàm như: Kinh sử thi tập, Đường Thập hoài Thám hoa văn tập, các bài phú như: Hưng hòa phú, Tuyên Quang tỉnh phú. Tác phẩm Cầu Đơ tính nhận đình phong tục tổng, sách nói về duyên cách, dân số, phong tục, nghề nghiệp, cổ tích,…của tỉnh Hà Đông cũ. Thơ văn ông còn được truyền tụng vì nhiều nội dung, nghệ thuật sâu sắc, có nhiều hình tượng nghệ thuật mà giới yêu thơ thán phục.
6. PHỐ VŨ HỮU
Dài 1,1km, từ đường Khuất Duy Tiến đến đường Lương Thế Vinh. Đất xã Nhân Chính và xã Trung Văn trước đây. Nay thuộc phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân và phường Trung Văn quận Nam Từ Liêm. Trước có tên là ngõ 245 đường Bê Tông (sau này đường Bê Tông đổi thành đường Khuất Duy Tiến). Tên mới chính thức được đặt từ tháng 1-2002.
Vũ Hữu: (1437-1530) người làng Mộ Trạch huyện Đường An (nay là Bình Giang) tỉnh Hải Dương. Ông đỗ Hoàng Giáp khoa Quý Mùi , Quang Thuận năm thứ 4 (1463) Làm quan đến Thượng thư Bộ hộ dưới triều Lê. Ông là nhà chính trị, nhà toán học nổi tiếng, là tác giả các cuốn sách: Lập thành toán pháp, Điền mẫu tân thuật thư (chỉ dẫn cách đo đạc, tính ruộng đất, xây dựng thành lũy, nhà cửa…), là kiến trúc sư sửa chữa, tôn tạo thành Thành Thăng Long đầu tiên.
7. ĐƯỜNG VÕ VĂN KIỆT
Ngày 9/7/2014, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã Quyết định đặt tên đường Võ Văn Kiệt cho đoạn từ đầu cầu phía Bắc cầu Thăng Long (đi qua các huyện Đông Anh, Sóc Sơn) đến sân bay Nội Bài (trước đây gọi đường Bắc Thăng Long). Dài 12 km, rộng 23m
Võ Văn Kiệt tên thật là Phan Văn Hòa sinh năm 1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Mẹ là người họ Võ nên ông lấy tên là Võ Văn Kiệt.
Tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi trong phong trào Thanh niên phản đế (1938), ông Kiệt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 11 năm 1939. Trong thời gian Khởi nghĩa Nam Kỳ ông là Huyện ủy viên, Bí thư chi bộ tại huyện Vũng Liêm. Sau Cách mạng tháng Tám, khi quân đội Pháp tái chiếm Nam Kỳ, ông là Ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam Bộ. Từ năm 1946 đến năm 1954, ông là Tỉnh ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Rạch Giá, sau đó là Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu.
Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông được bầu làm Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ và Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Từ năm 1959 đến cuối năm 1970, ông được giao trọng trách là Bí thư Khu ủy T.4, tức khu Sài Gòn - Gia Định. Ông được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam từ Đại hội III (năm 1960). Từ năm1973 đến năm 1975 ông được điều về làm Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh ông được Trung ương Cục phân công giữ chức Bí thư Đảng uỷ đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn. Từ năm 1976 ông là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông cũng được bầu vào Quốc hội Việt Nam khóa VI. Từ sau Đại hội IV của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1976), ông được bầu làm Ủy viên Dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 1982.
Từ tháng 4 năm 1982 ông được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Phó Chủ tịch và Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Từ tháng 3 đến tháng 6 năm 1988, ông giữ vị trí Quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá VIII (tháng 8 năm 1991), ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX (1992-1997), ông được bầu làm Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Từ tháng 12 năm 1997 đến tháng 4 năm 2001,làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ông Võ Văn Kiệt mất ngày 11 tháng 6 năm 2008. Ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Lễ gắn biển mang tên Danh nhân Võ Văn Kiệt
8. PHỐ VŨ HỮU LỢI
Phố dài 100m từ đường Yết Kiếu ra phố Lê Duẩn. Đất thôn Cung Tiến tổng Tiền Nghiêm huyện Thọ Xương cũ nay thuộc phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. Thời Pháp đường này gọi là đường 98, rồi đổi thành đường Hà Văn Kỷ. Sau Cách mạng Tháng Tám đổi thành phố Đỗ Quyên, thời tạm chiếm gọi là Vũ Lợi, hòa bình lập lại gọi Vũ Hữu Lợi cho đúng tên họ.
Vũ Hữu Lợi (1836-1884) người làng Dao Cù huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, đỗ Tiến sĩ năm 1875, làm Đốc học Nam định. Pháp chiếm Nam Định (1883) ông bỏ quan về nhà cùng Hoàng giáp Đỗ Huy Liệu mưu chống Pháp. Cuộc binh biến bại lộ ông bị bắt và bị giết tại chợ Rồng (Nam Định) vào ngày 30 tết.
9. PHỐ VŨ NGỌC PHAN
Phố dài 300m, từ Láng Hạ đến cuối đường Nguyên Hồng.. Đất trại Yên Lãng, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ. Nay thuộc phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Tên đường được đặt từ tháng 1-1998.
Vũ Ngọc Phan (1902-1987): Nhà văn, Nhà nghiên cứu văn học dân gian, nhà phê bình dịch thuật. Sinh tại Hà Nội. Quê gốc Đông Cao, Gia Bình, Bắc Ninh. Đỗ tú tài, làm báo, viết ký, dịch, phê bình văn học. Tham gia Văn hóa cứu quốc (1945), Ban nghiên cứu Văn-Sử-Địa (1953-1960) Viện Văn học. Sáng lập viên và là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam (1967). Tác giả bộ sách Nhà văn hiện đại (1943) Truyện cổ Việt Nam (1955), Tục ngữ-Ca dao- Dân ca Việt Nam (1956), Truyện dân gian Việt Nam (1975). Ông mất tại Hà Nội ngày 14-6-1987. Được Truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (1996)
10. PHỐ VŨ TÔNG PHAN
Phố dài 2.000 mét, rộng 11 mét (đoạn từ nhà số 1, ngõ 2 phố Khương Trung đến ngã tư giao với ngõ 1 phố Định Công Thượng và cầu Lủ).
Vũ Tông Phan (1800 - 1851), tự là Hoán Phủ, hiệu là Đường Xuyên và Lỗ Am, tục gọi là ông Nghè Tự Tháp. Nguyên quán ở làng Hoa Đường, huyện Đường An (nay là làng Lương Ngọc, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, Hải Dương), sau chuyển ra định cư ở thôn Tự Tháp, huyện Thọ Xương. Năm 1825, ông đỗ Cử nhân khoa Ất Dậu. Năm 1826, ông đỗ Tiến sĩ, được nhận chức ở Viện Hàn lâm. Năm 1827, ông được thăng làm Lang trung Bộ Binh và được cử duyệt quyển kỳ thi Đình và làm Đốc học Bắc Ninh. Năm 1841, ông lập Hội Hướng thiện nhằm mục đích chấn hưng văn hóa Thăng Long, được bầu làm Hội trưởng. Hội mua lại chùa Ngọc Sơn, tu sửa thành đền thờ Văn Xương đế quân (nay là đền Ngọc Sơn). Năm 1849, ông rời bỏ Trường Tự Tháp về dạy trẻ và soạn sách tại làng Kim Giang, huyện Sơn Minh (nay là huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ông không chỉ là một nhà chính trị, một nhà giáo mà còn là một nhà văn hoá của thế kỷ XIX. Sự nghiệp sáng tác của ông đã để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị.
11. ĐƯỜNG VŨ TRỌNG PHỤNG
Dài 530m, từ đường Nguyễn Trãi qua chạc ba với đường Quan Nhân đến ngã ba với phố Nguyễn Huy Tưởng, thuộc đất xã Nhân Chính huyện Từ Liêm cũ. Nay thuộc phường Thanh Xuân Trung, quân Thanh Xuân. Tên đường được đặt từ tháng 1-1996.
Vũ Trọng Phụng (1912-1939) người làng Hào, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, sống gắn bó với Hà Nội từ nhỏ. Mồ côi cha mẹ từ bé, 16 tuổi ông đã phải đi làm đánh máy. Viết báo, viết văn từ năm 1930. Ông đã viết cho nhiều báo: Nhật Tân, Ngọ Báo, Công Dân, Hà Nội Báo, Tiểu thuyết thứ Ba, Động Dương Tạp chí, Tiểu thuyết thứ Bảy…Cây bút hiện thực phê phán nổi tiếng với các phóng sự lột tả trần trụi cuộc sống của các tầng lớp dưới đáy xã hội: Cạm bẫy (1933), Kỹ nghệ lấy tây (1934) Cơm thầy cơm cô (1936) và hàng loạt tiểu thuyết: Dứt tình (1934), Giông tố (1936) Vỡ đê (1936) Làm đĩ (1936). 28 tuổi đời, 10 tuổi văn Vũ Trọng Phụng đã để lại một gia tài sáng tác đồ sộ. Ông mất ngày 13-10-1939 tại Ngã Tư Sở.
12. PHỐ VŨ QUỲNH
Dài: 300m; rộng: 30m, từ ngã tư giao cắt với đường Mễ Trì đến điểm giao cắt với đường Yên Hòa - Đại Mỗ (cạnh tòa nhà CT1 Sudico khu đô thị Mỹ Đình - Mễ Trì- quận Nam Từ Liêm).
Vũ Quỳnh sinh năm 1452 tại làng Mộ Trạch thuộc huyện Bình Giang, Hải Dương. Năm 1478, ông đỗ tiến sĩ dưới triều vua Lê Thánh Tông. Trong sự nghiệp làm quan của mình, ông từng giữ các chức vụ Thượng thư các bộ: bộ Công, bộ Binh, bộ Lễ. Tư nghiệp Quốc tử giám và Sử quan đô tổng tài. Ông mất năm 1516 thời Lê Chiêu Tông, thọ 65 tuổi.
Năm 1511, dưới thời vua Lê Tương Dực với cương vị Sử quan đô tổng tài soạn xong bộ Đại Việt thông giám thông khảo thường được gọi tắt là Đại Việt thông giám, chép từ thời Hồng Bàng đến năm đầu Lê Thái Tổ, gồm 26 quyển.
Về nội dung và thời gian thì bộ Đại Việt thông giám của Vũ Quỳnh cũng tương tự bộ Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên soạn trước đó, tuy nhiên về mặt phân kỳ lịch sử, phân ranh giới giữa Ngoại kỷ và Bản kỷ thì Vũ Quỳnh có quan điểm khác với Ngô Sĩ Liên. Theo ghi chép của Phạm Công Trứ sau này cho biết, bộ sử của Vũ Quỳnh chép từ thời Hồng Bàng đến đến thời 12 sứ quân là ngoại kỷ và từ thời Đinh Tiên Hoàng đến đầu thời Lê Thái Tổ là Bản kỷ và sau này Phạm Công Trứ cũng đã ảnh hưởng quan điểm này của Vũ Quỳnh và chép mở đầu phần Bản kỷ cũng từ triều Đinh
Trên cơ sở của bộ Đại Việt thông giám thông khảo, năm 1514 vua Lê Tương Dực sai Lê Tung soạn bài Đại Việt thông giám tổng luận. Bài tổng luận của Lê Tung được các soạn giả bộ Đại Việt sử ký toàn thư đưa toàn bộ vào phần đầu của bộ quốc sử Việt Nam.
13. PHỐ VÕ THỊ SÁU
Phố dài 650 m, từ đường Trần Khát Chân chạy qua Công viên Tuổi Trẻ đến phố Thanh Nhàn, nay thuộc phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng. Tên đường được đặt từ 1-1999.
Võ Thị Sáu có tên là Nguyễn Thị Sáu (1933-1952) Anh hùng lực lượng Vũ trang Nhân dân. Chị quê ở xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu. Mười bốn tuổi đã tham gia kháng chiến chống Pháp, từng dùng lựu đạn giết chết một tên quan ba Pháp. Năm 1950, chị về làng định xử tội một tên Việt gian sừng sỏ không may sa vào tay địch. Suốt gần ba năm bị giam cầm, tra tấn dã man, dụ dỗ ngon ngọt, đẩy chị ra Côn Đảo mà chúng không moi được một lời khai. Pháp đã xử bắn chị tại Côn Đảo ngày 23-1-1952.
14. ĐƯỜNG NGUYỄN SƠN
Bắt đầu từ giao cắt với đường Ngọc Lâm, đi qua đường Nguyễn Văn Cừ đến cổng gác của đơn vị Không quân ở sân bay Gia Lâm thuộc quận Long Biên, có chiều dài khoảng 2km.
Nguyễn Sơn tên thật là Vũ Nguyên Bác, sinh tại làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ông là con cụ Vũ Danh Xương, một nhà đại tư sản ở Hà Nội. Khi mới lên 5 tuổi ông đã bắt đầu học tiếng Pháp tại một trường Dòng ở Hà Nội. Mười bốn tuổi ông thi đậu vào trường trường Sư phạm Hà Nội. Vốn sẵn máu phiêu lưu, ông giả vờ uống rượu say, gây sự với bố vợ để lấy cớ bỏ người vợ trẻ (vợ đầu tiên) cùng cô con gái mới 6 tháng tuổi là Nguyễn Thanh Các và ra đi. Năm 1923 ông sang Pháp một thời gian ngắn và ở đấy ông đã làm quen với Nguyễn Ái Quốc, tiếp xúc với chủ nghĩa Mác. Qua một số lần trò chuyện ông đã thấy cảm phục và lôi cuốn bởi tư tưởng yêu nước, thương dân của Nguyễn ái Quốc. Về nước được ít lâu ông quyết định bí mật theo người liên lạc của Nguyễn Ái Quốc trèo đèo, lội suối đến Quảng Châu - Trung tâm cách mạng của Trung Quốc, bắt đầu sự nghiệp cách mạng và đổi tên là Hồng Tú.Ông đã tham gia hoạt động cách mạng ở Việt Nam. Năm 1948, ông được Nhà nước Việt Nam phong quân hàm Thiếu tướng. Ông đã cộng tác với Trung Quốc, làm Phó Cục trưởng Cục điều lệnh Tổng giám bộ huấn luyện Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc. Được xem là một trong 72 đại công thần Trung Quốc, ngay trong đợt phong quân hàm đầu vào ngày 27 tháng 9 năm 1955, ông được nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phong quân hàm Thiếu tướng.Ông được mệnh danh là "Lưỡng quốc tướng quân", là người Việt Nam duy nhất được phong quân hàm tướng của hai quốc gia, và đều ngay trong đợt phong quân hàm đầu tiên
15. PHỐ VŨ THẠNH
Phố dài 400m, từ phố Giảng Võ (chỗ giao cắt với phố Núi Trúc) chạy đến phố Hào Nam. Đất trại Thịnh Hào, tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận cũ nay thuộc phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa. Đường phố được đặt tên từ tháng 1-2002
Vũ Thạnh (1663-?) người làng Mộ Trạch huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, ngụ tại phường Bảo Thiên huyện Thọ Xương thành Thăng Long thời Lê –Trịnh. Ông đỗ đình Thám hoa khoa Ất Sửu, năm Chính Hòa thứ 6 (1685) làm bồi tụng ở phủ Chúa. Vì can chúa ham nữ sắc không được, ông cáo quan về mở trường dạy học ở làng Hào Nam, học trò đông hàng nghìn người, nhiều người đỗ đạt làm quan trong triều. Ông nổi tiếng khí tiết cao thượng, nhà giáo mẫu mực của kinh thành.
16. PHỐ VŨ XUÂN THIỀU
Dài 675m, từ quốc lộ 5 đến Công ty Công nghiệp Thực phẩm Ngọc Lâm. Đất làng Sài Đồng, huyện Gia Lâm cũ, sau thuộc Thị trấn Sài Đồng, huyện Gia Lâm. Nay thuộc phường Sài Đồng, quận Long Biên. Tên phố được đặt từ tháng 7-1999.
Vũ Xuân Thiều (1945-1972). Quê gốc: huyện Hải Hậu, Nam Định. Năm 1965, khi đang học năm thứ 3 khoa Vô tuyến điện trường Đại học Bách khoa Hà Nội thì tình nguyện nhập ngũ và được tuyển đi học lái máy bay ở Liên Xô. Năm 1968 về nước phiên chế vào Đoàn bay 921 rồi chuyển sang Đoàn 927 Không quân Việt Nam. Đêm ngày 28-12-1972 anh cất cánh từ sân bay quân sự Cẩm Thủy (Thanh Hóa), bay đến vùng trời Sơn La thì gặp máy bay B52 của Mỹ đang vào đánh Hà Nội. Vũ Xuân Thiều tấn công, B52 bốc cháy, vì ở cự ly quá gần anh đã hy sinh cùng lúc lập chiến công. Năm 1994 anh được truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Nhà báo Vũ Văn Cảnh
Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội
|