Sáng 24/12, tại Trung tâm tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long), tỉnh Quảng Ninh long trọng tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) lần thứ hai cho LLVT tỉnh và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Khu mỏ Quảng Ninh.
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan; Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước; Phạm Minh Chính, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức TW; Bùi Văn Thạch, Phó Chánh Văn phòng TW Đảng và đại biểu các ban, bộ, ngành TW, các đồng chí tướng lĩnh của QĐND Việt Nam, của QK3.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, tỉnh Quảng Ninh và các đại biểu tham dự buổi lễ.
Về phía tỉnh, có đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng LLVTND và lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thuộc tỉnh.
Đoàn đại biểu quê hương liệt sỹ Vũ Văn Hiếu do đồng chí Trần Văn Chung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định làm trưởng đoàn và đại diện thân nhân gia đình liệt sỹ Vũ Văn Hiếu.
Đại diện LLVT tỉnh Quảng Ninh, LLVT các địa phương thuộc tỉnh và các tỉnh trong QK3 tham dự.
Buổi lễ đón nhận lẵng hoa chúc mừng của các đồng chí: Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an...
Đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo thành tích tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho LLVT tỉnh và liệt sỹ Vũ Văn Hiếu.
Báo cáo thành tích tại lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND cho LLVT tỉnh và liệt sỹ Vũ Văn Hiếu, do đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trình bày khẳng định: Chúng ta vô cùng tự hào về những chiến công, thành tích to lớn của nhân dân dân các dân tộc Quảng Ninh, LLVT tỉnh và những cống hiến lớn lao, sự hy sinh quên mình vì cách mạng của liệt sỹ Vũ Văn Hiếu.
Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh QK3; của Đảng bộ và chính quyền tỉnh Quảng Ninh; sự giúp đỡ của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể địa phương; sự thương yêu đùm bọc của nhân dân các dân tộc trong tỉnh; LLVT tỉnh không ngừng phát triển, trưởng thành, lớn mạnh.
Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân và dân Quảng Ninh đã lập lên những chiến công to lớn: Tham gia chiến đấu trên 10.000 trận lớn nhỏ, tiêu diệt và làm bị thương 22.100 tên địch, bắt sống 2.831 tên, bắn rơi 200 máy bay, thu trên 8.000 súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh khác, đồng thời, tích cực chi viện sức người, sức của cho chiến trường, góp phần cùng cả nước giành thắng lợi vẻ vang.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho LLVT tỉnh
Trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, LLVT tỉnh luôn đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Với những chiến công và thành tích đặc biệt xuất sắc, LLVT tỉnh được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND (tháng 12-1979), Huân chương Hồ Chí Minh (tháng 12-1984); đã có 80 tập thể, 20 cá nhân vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND; nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng nhiều huân, huy chương các loại.
Trong thời kỳ đổi mới, tỉnh Quảng Ninh đã vươn lên đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao, bền vững; các lĩnh vực văn hóa, xã hội có bước tiến bộ vượt bậc. Nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân được xây dựng vững chắc; hoạt động đối ngoại được tăng cường mở rộng.
Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp một phần hết sức quan trọng của CBCS LLVT tỉnh. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh thực hiện tốt việc tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương.
LLVT tỉnh thường xuyên được xây dựng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; xứng đáng là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; phòng chống có hiệu quả chiến lược "Diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo vùng Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc; đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Vũ Văn Hiếu, ông Vũ Hồng Hưng, cháu ruột của liệt sỹ Vũ Văn Hiếu đại diện gia đình đón nhận.
Báo cáo thành tích tại buổi lễ cũng đã thành kính và tự hào nhắc đến những cống hiến to lớn và sự hy sinh quên mình cho sự nghiệp của người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20-3-1907, ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng từ năm 1928, đến tháng 11-1929, đồng chí trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu, Núi Béo.
Đồng chí đã tuyên truyền, giáo dục cho thợ mỏ hiểu rõ kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc, thấy được vai trò lịch sử của giai cấp công nhân; từ đó dần đưa những người ưu tú vào tổ chức cách mạng.
Hội nghị TW Đảng lần thứ nhất quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Ban Chấp hành đặc khu gồm 3 đồng chí; đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư và đồng chí đã trở thành Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh.
Toàn bộ hoạt động của đồng chí Vũ Văn Hiếu và Đặc khu ủy mỏ lúc này là tập trung vào việc kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động khủng bố, phá hoại cách mạng của kẻ thù; đồng thời chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho toàn Đảng bộ ứng phó với tình hình ngày một gay gắt, phức tạp hơn.
Ngày 9-2-1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu cùng một số đồng chí khác bị địch bắt ngay tại cơ quan Đảng ủy Cẩm Phả - Cửa Ông.
Bọn mật thám Pháp dùng mọi ngón đòn hiểm ác, thâm độc nhất hòng moi lấy lời khai, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản.
Ngày 13-5-1931, thực dân Pháp đưa đồng chí Vũ Văn Hiếu ra xử cùng với hơn 40 cán bộ, đảng viên khác; không run sợ trước sự đe dọa của chính quyền thực dân, đồng chí cùng nhiều chiến sĩ cộng sản khác đã sử dụng ngay tòa án của đế quốc để vạch mặt kẻ thù và tuyên truyền cách mạng.
Trước kẻ thù, đồng chí tuyên bố đanh thép: “Tôi có chân trong Đảng Cộng sản vì tôi xét ra chỉ có Đảng Cộng sản là có thể cứu nhân loại khỏi vòng lầm than”.
Ngày 8-7-1931, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị đầy ra Côn Đảo và bị giam ở Banh 2, cùng các đồng chí: Nguyễn Văn Cừ, Hoàng Quốc Việt. Trong tù, đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn nêu cao được tinh thần kiên cường của người đảng viên cộng sản, lao vào cuộc đấu tranh mới.
Các tướng lĩnh của Quân đội tặng hoa cho LLVT tỉnh tại buổi lễ.
Tháng 11-1936, đồng chí Vũ Văn Hiếu được trả tự do cùng gần 200 anh em khác. Trước tình hình phong trào cách mạng ở miền Nam còn gặp khó khăn, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã điều đồng chí Vũ Văn Hiếu vào Nam công tác.
Tháng 9-1939, Tổng Bí thư Đảng Nguyễn Văn Cừ vào Nam trực tiếp làm việc; đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ chuẩn bị các văn bản cho đồng chí Tổng Bí thư và đi xuống các địa phương để nắm tình hình diễn biến cơ sở và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
Cuối năm 1939, cách mạng Việt Nam đang đi vào giai đoạn dự bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 vào tháng 11-1939, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng.
Đêm ngày 17 rạng ngày 18-1-1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn.
Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, bị giam cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh…
Tại Côn Đảo, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức khi bị địch đánh đập và hành hạ tàn nhẫn, bệnh tật dày vò, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình. Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, đồng chí đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn.
Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”. Đồng chí Lê Duẩn đã vô cùng xúc động nhận tấm áo từ tay đồng chí Vũ Văn Hiếu.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cộng sản đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi tại nhà tù Côn Đảo. Sự hy sinh ấy đã trở thành tài sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân Quảng Ninh. Lẽ sống và phẩm chất cách mạng của đồng chí mãi mãi trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng” để chúng ta học tập noi theo.
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan phát biểu tại buổi lễ.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho LLVT tỉnh và truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho liệt sỹ Vũ Văn Hiếu.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh: Quảng Ninh là trung tâm quan trọng về KT-XH của vùng kinh tế Bắc Bộ, là mảnh đất phên dậu Đông Bắc, là địa bàn chiến lược đặc biệt nằm trong thế trận phòng thủ của QK3 và cả nước.
Quảng Ninh đã có những đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Quảng Ninh còn là địa danh lịch sử, khơi nguồn cho phong trào đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ và của cả nước, với những tấm gương kiên trung, bất khuất, đã lập nhiều chiến công oanh liệt mà liệt sỹ Vũ Văn Hiếu là một điển hình cho những tấm gương đó.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Chủ tịch nước cảm ơn những đóng góp của đồng chí Vũ Văn Hiếu và LLVTND tỉnh Quảng Ninh vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng; chúc mừng LLVT tỉnh và gia đình liệt sỹ Vũ Văn Hiếu nhân sự kiện quan trọng này.
Phó Chủ tịch nước mong cấp ủy, chính quyền, LLVT cùng nhân dân Quảng Ninh phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, thấm nhuần chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và vận dụng sáng tạo và thực tiễn địa phương.
Đồng chí mong Quân ủy TW, Bộ Quốc phòng, QK3 và lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để LLVT tỉnh làm tròn nhiệm vụ trong tình hình mới.
Phó Chủ tịch nước mong LLVTND tỉnh phát huy truyền thống, thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao; đề nghị tỉnh tăng cường giáo dục truyền thống, tuyên truyền tấm gương đồng chí Vũ Văn Hiếu và thành tích của LLVT; phối hợp với tỉnh Nam Định quan tâm hơn nữa về chế độ, chính sách đối với Anh hùng liệt sỹ Vũ Văn Hiếu và thân nhân.
Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Tư lệnh QK3, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đại diện các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh phát biểu tại buổi lễ.
Tại buổi lễ, Thượng tướng Nguyễn Thế Trị, nguyên Uỷ viên TW Đảng, nguyên Tư lệnh QK3, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Ninh đại diện các thế hệ lãnh đạo, chỉ huy Bộ CHQS tỉnh; ông Vũ Hồng Hưng, cháu ruột của liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, đại diện cho gia đình Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu; Đại uý Vũ Đức Nam, trợ lý Thanh niên Bộ CHQS tỉnh, đại diện thế hệ trẻ LLVT tỉnh đã phát biểu cảm tưởng và hứa quyết tâm sẽ noi gương Anh hùng liệt sĩ Vũ Văn Hiếu và các chiến sỹ cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao để góp phần xây dựng quê hương giầu đẹp, văn minh.
Kết thúc buổi lễ, Đại tá Đỗ Phương Thuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cảm ơn sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, tỉnh Quảng Ninh và thay mặt CBCS LLVT tỉnh hứa sẽ tiếp tục nỗ lực phấn đấu, cùng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân góp phần xây dựng QĐND Việt Nam, xây dựng LLVT tỉnh ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng – an ninh.
Ngọc Hà - Khánh Giang (Báo Quảng Ninh)
|