Tết - một từ ngữ thiêng liêng vì nội hàm ý nghĩa của nó trong đời sống cư dân Việt 5000 năm qua bởi một ý nghĩa hoàn toàn rất Việt, rất lớn lao chính là TRỞ VỀ.
Lễ Giao thừa: Cách bày Lễ và Văn sớ Khấn nguyện
Tết trong tâm thức người Việt là vô cùng thiêng liêng, vì sao?
Tết không đơn thuần là do từ việc chuyển giao mùa màng, hay chuyển giao năm.
Tết cũng không đơn thuần là dịp vui chơi với đủ các lễ hội dân gian.
Tết đối với người Việt không phải đơn thuần được hiểu là dịp nghỉ ngơi như nhiều người vẫn nghĩ.
Tết - một từ ngữ thiêng liêng vì nội hàm ý nghĩa của nó trong đời sống cư dân Việt 5000 năm qua bởi một ý nghĩa hoàn toàn rất Việt, rất lớn lao chính là TRỞ VỀ.
TẾT - LÀ BIỂU TƯỢNG ĐẸP NHẤT CỦA SỰ TRỞ VỀ, CỦA ĐOÀN VIÊN
Sinh ra thì phải đi lập nghiệp, đi kiếm kế sinh nhai, đi làm để sống. Đó là lẽ tất yếu. Nhưng sinh ra mà phải mang gươm đi mở nước, đi khai hoang lập ấp, đi mở đất là buộc con người phải ly hương. Đi như vậy là đi vì trọng trách với nhà với nước mà đi, đi nhưng lòng thì luôn quặn thắt đau đáu về quê nhà, về đất tổ.
Ngày trở về - là ước vọng, là hoài bão, là niềm tin, là sức mạnh. Nhìn trời đất xoay vần, hết ngày rồi đến tháng, hết tháng lại đến năm, đếm từng bước chân khai khẩn, nhìn ruộng đồng cây trái xanh tươi, là nổi ngóng trông chờ mong được thỏa mãn khát khao được trở về. Đoàn viên - sum họp là để hòa mình vào cảnh xưa, vào mộng củ, vào nơi chôn nhau cắt rốn, để thỏa mãn làm cân bằng lại những tháng ngày ly hương, để để tiếp thêm nguồn sống của máu huyết gióng nòi. Đó là quy luật, là cây có cội, là nước có nguồn, là chim có tổ, là người có tông tộc phải trở về để nhận ra mình và được kết nối với nòi giống. Cao hơn cả chính là được thừa nhận của giống nòi, của người anh cả, của người trưởng tộc, người đầu làng, người đứng đầu nước. Người thắng trận trở về có khúc khải hoàn, có án hương trước đài chiến thắng. Nhưng cao nhất là nên hương đoàn tụ thắp lên trước tổ tiên ngày trở về nguyên vẹn.
Gần 5000 năm qua là bao nhiêu người con của dân tộc đã ra đi. Ra đi vì gởi gắm của gióng nòi mong cho non sông đọc lập và ấm no, mong cho bờ cõi được yên hàn, mong cho hòa bình bền vững, mong cho giao hảo lân bang hai nước bền vững. Bao nhiêu thế hệ đã ra đi, đã ngã xuống mà chưa được “trở về” trong vòng tay của quê hương, của mẹ.
Mảnh đất ta đứng hôm nay để xây nhà dựng nghiệp, có người phụ nữ xinh đẹp cành vàng lá ngọc nơi cung cấm phải ra đi, ra đi vì giao hảo hòa bình như Huyền Trân Công chúa. Bao lớp cha anh ngã xuống vì rừng thiêng nước độc nơi đất mới Thuận Hóa thủa ấy vừa đem về cho Đại Việt. Bao người đã ngã xuống trên mãnh đất Quảng Trị mà không thấy ngày đất nước thống nhất…nhiều và quá nhiều những người con của dan tộc đã ra đi như thế mà không hẹn được ngày trở về với quê hương.
Tiếng vọng ngàn đời của giống nòi - LY HƯƠNG BẤT LY TỔ. Khi trở về là VỀ VỚI TỔ ẤM - VỀ VỚI TỔ TIÊN.
Ngày Tết, từ vạn dặm người con xa quê được trở về nhà, nhà là nơi tổ ấm - nhà là nơi có tổ tiên. Thắp một nén hương trong ngày trở về là tạ ơn che chở của tổ tiên để biết mình còn sống, còn may mắn. Có tổ ấm để trở về, chính là nhờ “phúc ấm” của tổ tiên mà bao đời các thế hệ đi trước tạo dựng.
Vì thế, người Việt dù đi đâu (LY HƯƠNG) cũng vọng lên trong máu huyết mình tiếng dân tộc ngàn đời - BẤT LY TỔ.
Không khí ngày Tết (ảnh minh họa)
TẾT THIÊNG là vì vậy. Người Việt khi tết đến là dịp được tỏ lòng với tổ tiên, là cơ hội tạ ơn. Trong mâm cỗ ngày tết, cái quan trọng không phải là thức ăn mà là sự đoàn tụ, là hình ảnh trọn vẹn của một tổ ấm - trên có tổ tiên, dưới có cháu con đoàn viên. Chiến tranh, dịch bịnh và đói nghèo, và còn vô số điều không may khác trong cuộc sống, luôn rình rập để tước đi cơ hội đoàn viên. Nên, TẾT ĐOÀN VIÊN là hình ảnh thiêng liêng nhất.
Phải hiểu cái nghiệt ngã của đất nước non sông này, mới thấy tết đoàn viên là may mắn nhường nào. Và khi đoàn viên thì mừng vui, ca hát, reo hò, và từ đó mở ra các lễ, các hội, các phường hát ca.v.v. Thăm viếng, hỏi han, mời chào rôm rả ngày tết chúc tụng chính là vậy. Có người trở về để đoàn viên mới có người xông đất. Tục xông đất là xuất phát từ ý hướng mong muốn có sự trở về từ người con xa quê ra đi từ tháng năm nào đang biệt tích.
Nơi nếp nhà ở vườn quê người vợ vò võ ngóng trông chồng trở về…cành đào đã sẵn, mâm cổ đã dâng, cây nêu đã dựng, tràng pháo đã treo…nhưng bóng chàng chưa thấy xuất hiện. Ngồi lặng yên trước khói hương, trước phút giây chuyển giao…người vợ hình dung bước chân chàng đang bước rất gần về đầu làng.. để kịp đoàn viên giây phút thiêng liêng. Dân tộc này đã hình thành nên tục xông đất chính là từ sự ngóng trông thiêng liêng ấy của sự trở về của người con, người chồng, người thân mừng vui trong tổ ấm.
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp
Tôi nhớ năm 2005 khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh trở về quê hương. Năm đó là năm con Gà. Sau 40 năm xa quê, là sau bao nhiêu khó khăn và gian nan của vận nước tưởng như không có ngày trở về. Nhưng rồi đến nay, Ngài đã không ở đây với chúng ta…và bao nhiêu người con của dân tộc này nữa, họ muốn trở về đoàn viên lắm chứ.
Tết đến gần bên bạn rồi đó, nhưng những người xa quê ngàn trùng chưa kịp trở về, chưa được trở về, họ có muốn nhìn thấy quê hương không? Bạn có nghĩ bao nhiêu người đang ngồi trong tù giờ này? Với họ, theo bạn đoàn viên là giá trị cao nhất chưa khi dịp xuân về?
Tết, lễ tết hay ăn tết chính là đề cao giá trị của sự sum họp và tri ân.
Trên dòng thời gian cho tiếng vọng trở về, trở về sau một ngày làm, trở về sau những tháng ngày đi xa, sau những nhiệm vụ của tổ quốc giao phó…là trách nhiệm đã hoàn thành, là lòng thấy thanh thản và xứng đáng. Và trở về sau cùng của đời người là cái ra đi khi đã hoàn thành hiếu với cha mẹ, tình với vợ chồng, trung với tổ quốc. Chết là trở về với tổ tiên. Người Việt quan niệm chết là được trở về với tổ tiên, được hòa nhập vào nguồn cội.
Có chăng là chỉ sợ không xứng đáng trong ngày trở về. Sợ đứng trước tổ tiên, thắp một nén hương mà lòng thấp thỏm vì thấy lòng chưa xứng đáng với kỳ vọng của tiền nhân, của giống nòi. Cây hương là cầu nối mà cũng là đèn soi vào lương tâm mỗi ngày của người Việt trước tổ tiên gióng nòi để nguyện sống tốt hơn, đẹp hơn, xứng đáng hơn để không thẹn lòng khi trở về.
Thượng tọa Thích Tâm Hiệp
www.hovuvovietnam.com
|