Với cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Thiếu tướng Võ Bẩm, nguyên Đoàn trưởng đầu tiên Đoàn 559 là một trong những lãnh đạo, chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.
Trước khi nhập ngũ, tôi chưa biết nhiều về đường Trường Sơn mà chỉ nghe các bài hát về Trường Sơn và những câu chuyện của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... vượt Trường Sơn vào Nam đánh Mỹ. Khi hành quân vượt Trường Sơn, tôi càng biết thêm nhiều thông tin về Trường Sơn, về những người chỉ huy tài giỏi của Đoàn 559.
Khi về tham gia Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, được dự cuộc họp đề nghị lên trên xét truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Thiếu tướng Võ Bẩm, tôi rất ngưỡng mộ, tự hào về ông. Và vui hơn, Tiến sĩ (TS) Võ Kim Cương, nguyên giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự, thầy dạy tôi môn Sức bền vật liệu, là con trai cả của Thiếu tướng Võ Bẩm. Ngày 19-5-2017, tại buổi gặp mặt chúc mừng gia đình cố Thiếu tướng Võ Bẩm và gia đình cố Đại tá Lê Xy, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, tôi gặp lại TS Võ Kim Cương. Thầy trò nhận ra nhau, cùng kết nối mở ra mối quan hệ mới.
Năm 2018, nhân chuyến vào TP Hồ Chí Minh làm việc với một số đơn vị để vận động tài trợ cho Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn, chúng tôi gặp lại TS Võ Kim Cương. Anh rất nhiệt tình với các hoạt động của Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam. Cá nhân anh ủng hộ 100 triệu đồng cho Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn và tổ chức ra Hội Con em chiến sĩ Trường Sơn tại TP Hồ Chí Minh để hoạt động phát huy truyền thống của cha anh. Thật đáng trân trọng!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng hoa Thiếu tướng Võ Bẩm nhân kỷ niệm 40 năm Ngày mở đường Trường Sơn (19-5-1999). Ảnh tư liệu
Thiếu tướng Võ Bẩm sinh năm 1915, tại tỉnh Quảng Ngãi; trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Cha ông là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong Phong trào Duy Tân, bị thực dân Pháp bắt rồi tra tấn đến chết vào năm 1916. Anh trai của ông là Võ Khoa, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên từ rất sớm và là lớp đảng viên đầu tiên của Đảng ta. Năm 15 tuổi, chàng trai Võ Bẩm đã tham gia cách mạng. Tháng
8-1934, ông được kết nạp Đảng, rồi được phân công giữ các chức vụ Bí thư chi bộ. Sau đó, ông giữ chức Bí thư Huyện ủy Sơn Tịnh, Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Quảng Ngãi...
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ông được điều vào Quân đội và giữ nhiều chức vụ từ chính trị viên tiểu đoàn, chính ủy trung đoàn đến phân khu trưởng kiêm chính ủy, phụ trách Ủy ban Hành chính Phân khu Tây Nguyên, Bí thư Ban cán sự tỉnh Kon Tum. Cuối năm 1949, đồng chí Nguyễn Duy Trinh trực tiếp chỉ đạo nhiệm vụ tổ chức một đoàn thuyền vượt biển sang Trung Quốc nhận viện trợ cho Liên khu 5. Đồng chí Nguyễn Duy Trinh hỏi: “Chuyến này 99% là lọt vào tay giặc hoặc gặp bão, còn 1% là thắng lợi. Như thế anh có nhận nhiệm vụ không?”. Đồng chí Võ Bẩm nói: “Từ khi vào Đảng đến giờ, tôi chưa thoái thác bất cứ việc gì mà Đảng giao cho tôi”. Thế là ông nhận nhiệm vụ.
Tháng 8-1950, đoàn thuyền 6 chiếc của Liên khu 5 vượt biển hướng lên phía Bắc. Ba chiếc bị địch bắt, ba chiếc vượt qua sự canh phòng cẩn mật của kẻ thù và vượt qua bão tố đến được đảo Hải Nam (Trung Quốc). Sau đó, ông tham gia Ban cán sự nước ngoài của Trung ương trên cương vị Ủy viên. Ông được giao nhiệm vụ tiếp nhận viện trợ của Trung Quốc và tổ chức chuyển về Chiến khu Việt Bắc. Tại đây, lần đầu tiên ông được báo cáo với Bác Hồ...
Ngày 5-5-1959, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh thay mặt Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Thượng tá Võ Bẩm làm Đoàn trưởng Đoàn công tác quân sự đặc biệt, có nhiệm vụ nghiên cứu, xoi đường để mở con đường vận chuyển đặc biệt trên dãy Trường Sơn. Tiếp đó, ngày 19-5-1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho đoàn (lấy phiên hiệu là Đoàn 559), mở đường Trường Sơn chi viện cho cách mạng miền Nam. Nhiệm vụ mới, đặc biệt, vô cùng quan trọng đối với ông được mở ra từ đây. Được giao trọng trách này là một vinh dự lớn lao, thể hiện niềm tin của Trung ương Đảng, Bác Hồ, Thường trực Tổng Quân ủy đối với Thượng tá Võ Bẩm.
Vạn sự khởi đầu nan, với vai trò “thuyền trưởng”, ông cùng cán bộ, chiến sĩ Đoàn 559 vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh trong điều kiện hoạt động tuyệt đối bí mật; đưa đón cán bộ, bộ đội, vận chuyển tài liệu, vũ khí, hậu cần, thuốc men... từ Bắc vào Nam và ngược lại. Khi tuyến giao liên phía Đông bị lộ, gặp rất nhiều khó khăn do địch lùng sục, càn quét, ngăn chặn, ông nhanh chóng xoi đường tìm cách chuyển hướng sang Tây Trường Sơn và đã thành công.
Năm 1962, nhiệm vụ vận chuyển thuận lợi, ông đã đề nghị đưa vận tải cơ giới vào theo đường 129 để chi viện cho chiến trường. Đây là một bước tiến quan trọng đánh dấu sự phát triển của tuyến vận tải quân sự chiến lược Trường Sơn. Tháng 4-1965, Quân ủy Trung ương quyết định tăng cường tổ chức và nhiệm vụ cho Đoàn 559, phát triển tương đương cấp quân khu. Cũng thời điểm đó, ông được bổ nhiệm chức vụ Phó tư lệnh 559.
Những năm tháng lăn lộn với núi rừng Trường Sơn, cơm nắm muối vừng, trèo đèo lội suối, sốt rét rừng, nắng mưa gian khổ mà hơn cả là sự đối mặt với vô vàn hiểm nguy. Sau 7 năm hoạt động, sức khỏe của ông suy giảm. Năm 1966, ông được đưa ra Hà Nội để chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh, ông được Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng bổ nhiệm chức Chính ủy Đoàn 959, chuyên gia quân sự Trung-Hạ Lào. Tháng 11-1967, ông được điều về làm Cục trưởng Cục Quản lý giáo dục, Bí thư Đảng ủy Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu kiêm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8-1971, ông làm Phó chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng, được phong quân hàm Thiếu tướng. Năm 1980, Thiếu tướng Võ Bẩm được nghỉ hưu. Năm 2008, Thiếu tướng Võ Bẩm qua đời ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thọ 93 tuổi.
Tiến sĩ Võ Kim Cương, con trai Thiếu tướng Võ Bẩm (bên phải) thay mặt gia đình nhận danh hiệu truy tặng Anh hùng LLVT nhân dân của cha mình. Ảnh: MẠNH HƯNG
Ông đã có nhiều đóng góp cho cách mạng nói chung, cho nền quân sự Việt Nam nói riêng, mà đặc biệt là vai trò “kiến trúc sư” đường Trường Sơn huyền thoại. Ở đâu ông cũng giữ tác phong nhanh nhẹn, bản lĩnh trung kiên, liêm khiết, tận tụy, mẫu mực và là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo. Ông được tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu và công tác, ngày 18-12-2017, Thiếu tướng Võ Bẩm vinh dự được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Quê hương và gia đình rất vinh dự, tự hào đón nhận và trịnh trọng đặt bằng vinh danh danh hiệu đó tại nhà lưu niệm Thiếu tướng Võ Bẩm ở quê hương ông.
Thiếu tướng HOÀNG KIỀN
Nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh,
Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh Việt Nam
Theo QĐND
|