Ngày tôi còn nhỏ, sống trên phố Hàng Đào, vốn rất ham đọc sách nhưng nhà nghèo (bố bộ đội ở Trường Sơn, mẹ làm công nhân ở xí nghiệp Dược phẩm 2, thực sự là lương ba cọc ba đồng), tôi thường tìm tới mấy cửa hàng sách cũ trên phố Lãn Ông (bây giờ thì ở đó chẳng còn cửa hàng nào như thế nữa) để lựa những cuốn hay mà giá bán vừa với số tiền nhịn ăn sáng tích cóp được. Và một lần thấy một tập kịch của Shakespeare (hình như là bản dịch của Bùi Ý hay Bùi Phụng gì đấy - lâu rồi tôi cũng không nhớ rõ nữa), tôi thích lắm muốn mua liền. Hiềm một nỗi, tập kịch đó lại được ông chủ cửa hàng đóng bìa cứng kèm theo tập Anh hùng và nghệ sĩ mà tác giả tôi thấy đề là Vũ Khiêu mà khi đó, do mới chỉ gần 10 tuổi nên tôi chưa biết ông là ai. Và vì thế giá sách tăng gấp rưỡi, tới gần hai đồng (ở thời bao cấp hay có chuyện “bán kèm” này lắm). Khi đó tôi buồn lắm vì lại phải nhịn ăn sáng thêm dăm buổi nữa mới đủ tiền mua tác phẩm mà mình thích (mỗi sáng tôi chỉ được mẹ cho một hào rưỡi, tức là chỉ đủ ăn một bát mì không người lái ở cửa hàng mậu dịch trên phố Lương Văn Can!). Tuy nhiên, khi mang sách về, đọc hết phần kịch của Shakespeare rồi, tôi đọc sang cả cuốn Anh hùng và nghệ sĩ và dù trí tuệ còn non nớt, tôi cũng đã thấy có không ít điều thích thú trong đó. Và đỡ cảm thấy buồn vì những lần phải nhịn ăn sáng để có tiền mua sách.
|
Chân dung Giáo sư Vũ Khiêu
|
Sau này, đi làm báo, tôi đã có dịp được hầu chuyện Giáo sư Vũ Khiêu. Hôm ấy, nhà GS, như thường lệ, rất đông khách. Ông bảo rằng mỗi ngày ông phải tiếp tới 15-16 khách. Và hôm ấy ông chỉ dành cho chúng tôi khoảng nửa giờ. May mà tôi cũng ghi lại được khá nhiều điều tâm huyết. Và rời nhà ông ra về, tôi cứ vân vi nghĩ, kẻ sĩ càng cao niên càng dễ cảm thấy buồn và thấm thía hơn sự chông chênh của kiếp người có chữ, có chí. Đến như Nguyễn Trãi khi tóc pha sương cũng phải mượn câu thơ của Tô Đông Pha “Nhân sinh thức tự đa ưu hoạn” (Người đời mà biết chữ thì nhiều lo lắng hoạn nạn) để hạ một câu tâm sự cháy gan ruột: “Pha lão tằng vân, ngã diệc vân” (Tô Đông Pha từng nói thế, ta cũng nói thế). Nhưng dù từng phải vận hạn thế nào thì một trí nhân đích thực khi đã vượt qua cái mốc “thất thập cổ lai hy” thì cũng nên nhìn xung quanh một cách vô thường, vẫn đắm đuối với những nỗi đời ấm lạnh, nhưng cũng đừng nên quá bi quan mà tổn “thọ lộc” trời cho. Không hài lòng với hiện tại nhưng nhìn tương lai với những hy vọng - đó có lẽ là cách hành xử duy nhất đúng của các bậc trưởng lão.
Hôm nay, sau lễ khánh thọ lần thứ 97 và 98 năm ngày sinh của GS Vũ Khiêu, đọc lại những dòng ghi chép cũ, tôi lại càng hiểu thêm rằng, làm kẻ sĩ cao niên thực khó, bởi như dân gian vẫn nói, càng “tuổi hạc” thì lại càng thơ trẻ, và việc làm sao giữ được sự minh triết đã đạt được ở đỉnh cao trí tuệ trong cuộc sống thường ngày càng là một nhiệm vụ khó khăn hơn. Là người đang ở vị trí cao nhân trong làng trí thức Việt Nam, lại vẫn giữ được trí tuệ minh mẫn để làm việc, GS Vũ Khiêu vẫn đang tiếp tục là nơi tìm về để thỉnh giáo của rất nhiều người. Tất nhiên, tôi cũng hiểu không phải ai tới với ông cũng mang theo một “lễ vật tinh thần” như nhau. Bách nhân bách tính! Và phải nói rằng, ông thường là rất “hỉ xả” với hậu nhân và luôn cố gắng để không ai phải cảm thấy mình bị thiệt thòi.
Có lẽ ở đỉnh cao tuổi tác như ông, ở đời này ai cũng là người đáng được thông cảm, thấu hiểu, vị tha, ở những mức độ khác nhau. Tôi còn nhớ, đầu xuân Nhâm Thìn này, tại buổi gặp gỡ với các nhân sĩ, trí thức, cựu quan chức, do tạp chí Tia sáng cùng Tập đoàn cà phê Trung Nguyên tổ chức tại Hội quán Sáng tạo chiều 31-1-2012, GS Vũ Khiêu đã nhấn mạnh rằng, đất nước này cần phải được duy trì theo pháp luật, chứ không phải bằng những lời nói suông, những lời đạo đức. Nhưng nói cho cùng, những lời đạo đức thật lòng không bao giờ là thừa đối với nhân thế. Nói được thì làm càng được hơn.
- Thưa Giáo sư, ông là người làng Hành Thiện, cái nôi nổi tiếng của rất nhiều tên tuổi sáng chói trong bầu trời chính trị, văn học, nghệ thuật, khoa học Việt Nam. Đất sỏi trạch vàng, các cụ ta ngày xưa từng nói vậy. Có điều gì duy tâm chăng nếu ta giải thích hiện tượng nhiều danh nhân tầm cỡ quốc gia lại tập trung ở một làng nhỏ, đất chật người đông như vậy của tỉnh Nam Định, là ở yếu tố “địa linh nhân kiệt”?
Giáo sư Vũ Khiêu: Các bạn nghĩ thế nào, có gì thần bí hay không thì tùy, tôi cũng không biết nữa. Tôi thì tôi chỉ nghĩ rằng, mọi sự đều có tác động từ những nhân tố kinh tế - xã hội.
- Đất Nam Định cũng là nơi có truyền thống hiếu học, một trong những cái nôi nhân sĩ trí thức lớn nhất của Bắc Bộ. Tuy nhiên, ở Nam Định cũng không nhiều làng lại tập trung được đông các “danh gia vọng tộc” và những tài năng về mọi mặt như Hành Thiện. Tôi cứ mường tượng tới một điều gì đó giống như vận may hay cơ duyên kỳ ngộ mà đất trời mang lại, chứ không chỉ thuần túy do những cố gắng của con người.
Giáo sư Vũ Khiêu: Mỗi một làng có một nghề riêng, có đặc sản riêng, hình thành theo các điều kiện khác nhau trong lịch sử. Thí dụ, nổi tiếng về đồ gốm sứ tốt thì là làng Bát Tràng... Hành Thiện là nơi người đông đất hẹp, nghề phụ chỉ có nghề đi học và nghề dệt vải. Ruộng đất rất ít cho nên nông dân ở làng so với tỉ lệ của những nhà trí thức cũng thấp hơn. Từ đấy nên xây dựng được truyền thống hiếu học, gia đình nào cũng thế, không có tiền đi học ở bên ngoài thì học tập dạy dỗ lẫn nhau, cha dạy con, anh dạy em, chú dạy cháu, cứ thế từ đời này sang đời khác...
- Tôi nhớ, Giáo sư từng viết về không khí học tập ở làng quê mình thời trước như sau: “Buổi sáng sớm trong vùng ấy đã vang lên tiếng đọc sách của con trai, tiếng đập vải của con gái xen lẫn tiếng sáo diều réo rắt suốt đêm. Con giai cố học giỏi thi đỗ, con gái gìn giữ nết na để phụng dưỡng cha mẹ, để giúp chồng ăn học, để dạy con cái nên người:
“Sáng trăng, trải chiếu hai hàng,
Để anh đọc sách, để nàng quay tơ...”
Thực thơ mộng! Lớn lên trong không khí ấy thì không thể không mê nghiệp đèn sách. Tôi muốn nhờ Giáo sư lý giải hộ điều này: Phải chăng là vì một làng mà có nhiều người hiếu học và học giỏi nên vừa tạo được phong trào học hỏi lẫn nhau cũng như thi đua với nhau học tập, dòng họ này với dòng họ khác, người này với người khác... “Con gà tức nhau tiếng gáy” cũng là một kiểu thi đua cổ truyền của Á Đông.
Giáo sư Vũ Khiêu: Không có điều kiện để làm những nghề khác nên người làng tôi tập trung vào việc học tập. Đi học và dạy học là một cái nghề phổ biến. Tôi nhớ, ông nội cố Tổng Bí thư Trường Chinh là cụ Nghè Đặng Xuân Bảng, chỉ theo học cha mình mà đỗ Tiến sĩ khoa Bính Thìn (năm 1856).
- Đó là dưới triều vua Tự Đức. Tôi cũng nghe nói thời ấy đỗ Tiến sĩ là khó khăn lắm, không nhiều người được vinh dự đó đâu.
Giáo sư Vũ Khiêu: Đúng. Bởi lẽ vua Tự Đức là người thông hiểu Nho học, giỏi thơ văn. Ông tự mình chấm Tiến sĩ, chứ không giao cho ai khác việc này. Khi cụ Đặng Xuân Bảng đậu ông Nghè, đã được vua Tự Đức ban cho biển đề: “Phụ giáo tử đăng khoa”, nghĩa là cha dạy con mà thành đạt! Vẻ vang thế đấy.
- Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như cụ Nghè Đặng Xuân Bảng về sau có làm tới chức Tuần phủ tỉnh Hải Dương, rồi lại chuyển sang làm Đốc học tỉnh nhà Nam Định nên người ta hay gọi là cụ Tuần Đốc.
Giáo sư Vũ Khiêu: Đúng thế. Cụ Tuần Đốc về sau cũng mở trường dạy học. Em ruột của cụ cũng từng làm giáo thụ ở phủ Kiến Xương bên Thái Bình. Bởi thế, học trò theo học các cụ rất đông. Con em trong nhà theo học cũng nhiều. Thân phụ của ông Trường Chinh cũng nổi tiếng về viết sách.
|
Giáo sư Vũ Khiêu, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới
|
Phúc đức tại mẫu
- Thế dòng họ Đặng Vũ của Giáo sư thì thế nào? Hình như một người bà con của Giáo sư, lương y Đặng Vũ Chương, có viết hai câu thơ nhắc tới truyền thống của gia đình dòng họ Đặng Vũ: “Một nét văn chương, một nét nhà,/ Một hồn thơ triết, một đời hoa...”.
Giáo sư Vũ Khiêu: Ông cụ trước tôi ba đời tới tuổi 40 mà chưa đỗ đạt gì cả. Về sau, ông cụ lấy một bà bên Trực Ninh làm vợ, tuổi lúc đó cũng gần 30. Xuất giá tòng phu, bà cụ về nhà chồng, chăm lo cho chồng ăn học. Hai cụ sinh được 6 người con, trong đó có hai con gái. Các cụ cũng bắt các con gái của mình phải chăm lo cho chồng ăn học. Hai người con rể của các cụ về sau đều đỗ cao, làm quan to lắm. Tôi được nghe kể lại, gia đình các cụ hồi đó rất nghèo, cơm chẳng đủ mà ăn, phải ăn độn cả cám, nhưng con cái trong nhà vẫn rất chí thú học hành. Tất cả 4 người con trai của các cụ về sau đều đỗ cử nhân hết, làng gọi là “tứ tử đăng khoa”. Trong chuyện này cần phải nói rằng, không chỉ nhờ cha dạy con mà còn ở phần rất lớn nhờ vai trò của bà mẹ dệt vải suốt ngày suốt đêm để nuôi chồng con ăn học. Phúc đức tại mẫu. Người đàn bà có vai trò rất quan trọng để tạo dựng nên truyền thống hiếu học của một làng quê. Các cô gái ở làng ngày xưa cũng thường chọn những người có chữ để lấy làm chồng.
- Mặc dù vẫn có thể nói đùa: “Ai ơi chớ lấy học trò,/ Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm...”.
Giáo sư Vũ Khiêu: (Cười hiền): Cái câu ca dao mà chúng ta đã nhắc tới “Sáng trăng trải chiếu đôi hàng,/ Cho anh đọc sách, cho nàng ngâm thơ” sinh ra là trong hoàn cảnh ấy.
Học chữ để làm người
- Thưa Giáo sư, người xưa đề cao việc học, có phải vì những ai có chữ thường dễ công thành danh toại, vinh thân phì gia hơn không? Hay người xưa trọng chữ vì có chữ tức là đã tiếp cận được gần hơn với thánh hiền, sống có đạo lý hơn, tình nghĩa hơn?
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi thấy rằng, cũng có rất nhiều nhà nho ngày xưa “một người làm quan cả họ được nhờ”. Nhưng các nhà nho Hành Thiện chủ yếu vẫn là đi “gõ đầu trẻ”. Thậm chí, nhiều người đỗ đạt rồi vẫn không ra làm quan mà lại đi dạy học, hoặc giả có làm quan thì cũng làm “học quan” như giáo thụ, đốc học, hoặc giả nửa chừng bỏ quan trường về nhà mở trường dạy học.
- Người xưa thường hiểu, có chữ tức là mình đã có tri thức để hiểu sâu hơn cuộc sống và dễ tìm ra phương thức sống hợp đạo lý hơn là đơn thuần kiếm tìm lợi lộc vật chất.
Giáo sư Vũ Khiêu: Ở làng tôi, giàu có chưa chắc đã được trọng bằng có chữ. Thậm chí, trọc phú thì dễ bị coi thường. Những gia đình khá giả có con gái ngoan cũng thường tìm gả cho các hàn sĩ, tiền ít nhưng chữ nhiều. Các cô gái đẹp cũng hay yêu những nhà nho, không phải chỉ vì hy vọng rồi chồng mình sẽ đỗ đạt, hiển danh. Thi đậu hay trượt thì là do may rủi, nhưng những người có học thường sống “nhân tình thế thái hơn”. Câu ca dao này có thể dễ bị xuyên tạc theo hướng không hay lắm, nhưng quả thực người xưa từng nói: “Một đêm quân tử nằm kề,/ Còn hơn thằng ngốc vỗ về trăm năm”. Người quân tử ở đây là người có học! Tất nhiên, nhà nho ngày xưa cũng gần với lao động chân tay lắm, nhiều nhà nho cũng cày ruộng cuốc vườn như ai, nhưng dù làm gì thì nhà nho vẫn được người đời trọng vọng vì họ tin rằng, đã là nhà nho thì có đạo làng nho, biết cách ăn ở đối xử đối với bố mẹ, vợ con, họ mạc, xóm giềng, đồng bào tốt.
- Tức là trong cách giáo dục ngày xưa, học chữ không chỉ đơn thuần là thu nhận kiến thức mà còn là học cách làm người đàng hoàng. Người có chữ phải là những người có đạo đức.
Giáo sư Vũ Khiêu: Các pho sách Tứ thư, Ngũ kinh... đều dạy người ta cách sống hợp với tư tưởng Khổng, Mạnh. Đó cũng là những pho đạo đức học.
Cái cũ cũng có nhân tố mới
- Có ý kiến cho rằng, tư tưởng Khổng Tử là lạc hậu, thậm chí ở một mức độ nào đó còn là phản động vì làm cản trở bước tiến tới tương lai. Giáo sư nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi đã viết nhiều về chuyện đó rồi. Tư tưởng Khổng Tử thực sự là một tư tưởng bảo thủ. Bác Hồ từng nói rằng, Bác coi ông Khổng Tử như là một người thầy về trách nhiệm tu thân và ý thức giữ gìn đạo đức. Nhưng tu thân như thế nào, giữ gìn đạo đức như thế nào cho hợp thời, hợp thế thì không phải cái gì cũng nhất nhất nên làm theo Khổng Tử.
Bác Hồ không phê phán một câu nào của Khổng Tử. Trong suốt cuộc đời của mình, Bác thường chỉ trích dẫn những câu hay của Khổng Tử. Những ý tưởng nào của Khổng Tử không còn hợp thời thế nữa thì Bác thường là làm ngược lại lời Khổng Tử đã nói. Đạo Khổng chỉ thích hợp với một xã hội bất biến, hàng nghìn năm không thay đổi. Xã hội phương Đông thời Trung cổ là một xã hội như thế. Đạo Khổng đã giúp duy trì sự ổn định cùng những rường mối căn bản của xã hội đó trong một thời gian dài. Nhưng khi nền văn hóa phương Đông buộc phải giao thoa với nền văn hóa phương Tây, khi giữa phương Đông và phương Tây xảy ra những sự va đập, trong hoàn cảnh này thì ai biết cách biến đổi phù hợp với các trào lưu mới thì sẽ có cơ hội tồn tại và phát triển. Những quốc gia nào cứ khư khư ôm lấy Khổng giáo thì tất yếu sẽ rơi vào thế bị động, thậm chí suy thoái. Nhưng ngay cả tới hôm nay không phải mọi ý tưởng của Khổng giáo đều đã lỗi thời. Vấn đề quan trọng là tiếp thu cái gì và tiếp thu như thế nào.
- Thực ra, ngay cả trong cái cũ cũng có những nhân tố mới. Trong mỗi một hệ tư tưởng tiến bộ của nhân loại, dù xuất hiện từ bao giờ, cũng đều có những hạt nhân tinh túy. Và các nhà tư tưởng lớn thường gặp nhau là ở những tinh túy ấy. Tôi nhớ, Bác Hồ đã có một nhận xét như sau: “Học thuyết Khổng Tử có ưu điểm ở sự tu dưỡng đạo đức cá nhân. Tôn giáo Giêsu có ưu điểm là lòng bác ái. Chủ nghĩa Mác có ưu điểm là phương pháp làm việc biện chứng. Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của chúng tôi. Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội. Nếu họ còn sống trên đời này và họp lại một chỗ, tôi tin rằng nhất định họ chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết. Tôi cố gắng làm vị học trò nhỏ của các vị ấy”... Thực tế cho thấy, một tư tưởng dù tiên tiến đến mấy nhưng nếu không được áp dụng đúng đắn, hợp “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” thì thường không mang lại những hoa thơm trái ngọt mong đợi. Ngược lại, những gì gặt hái được chỉ là các kết quả đầy bất cập.
Giáo sư Vũ Khiêu: Bất cứ tư tưởng lớn nào của nhân loại đều có mặt hạn chế về thời gian và không gian. Đúng với thời đại này không hẳn đã hoàn toàn đúng với thời đại khác trong xã hội đã có nhiều biến đổi. Khi chúng ta đề cao một học thuyết nào đó thì không có nghĩa là chúng ta bệ nguyên xi mọi luận điểm từ thời trước sang thời nay. Trên thế giới cũng vậy, khi người ta nhắc tới một trào lưu tư tưởng phương Đông hoặc phương Tây nào đó là người nhấn mạnh tới những điểm tích cực đã góp được vào cho tư tưởng chung của nhân loại.
Thực tế cho thấy, chủ nghĩa Mác-Lênin là một hệ tư tưởng có sức sống lâu dài, đã tồn tại và phát triển được hơn hai trăm năm nay. Nhưng đó không phải là một hệ tư tưởng bất biến. Chính Các Mác và Ăngghen sau khi viết Tuyên ngôn Đảng Cộng sản mới 2-3 năm thôi cũng đã bắt tay vào sửa những gì trở nên không còn thích ứng với thời cuộc nữa. Tư tưởng Mác đã có sự phát triển thêm với V.I. Lênin. Ở nước ta, chủ nghĩa Mác-Lênin đã được phát triển thêm cùng với tư tưởng Hồ Chí Minh. Bây giờ Đảng ta cũng tiếp tục phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin và tinh thần ấy được tất cả chúng ta đều hoan nghênh. Biết bao nhiêu trí tuệ mới của thời đại đang dồn vào củng cố chủ nghĩa Mác cho thích hợp với thế kỷ XXI! Và cứ như thế, chủ nghĩa Mác sẽ sống mãi và ngày càng đóng góp vào sự phát triển. Nếu xã hội chỉ khư khư ôm lấy những câu chữ cũ thì vô hình trung sẽ làm tê liệt một hệ tư tưởng triết học cách mạng và làm trái với bản chất đích thực của chủ nghĩa Mác là luôn luôn vận động.
- Áp dụng sáng tạo và sát với thực tiễn cụ thể thì mới có cơ hội thành công. Chủ nghĩa Mác-Lênin đã mang lại cho chúng ta một cuộc cách mạng thành công là vì đã được Đảng và Bác Hồ áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh cụ thể và đặc thù của Việt Nam.
Giáo sư Vũ Khiêu: Ngay từ năm 1924, Bác Hồ đã nói rằng, chủ nghĩa Mác ra đời ở châu Âu và mang nhiều đặc điểm của châu Âu, nhưng nếu áp dụng ở châu Á, thì cần bổ sung thêm những nội dung của châu Á nữa. Bác Hồ của chúng ta không chỉ đơn thuần vận dụng chủ nghĩa Mác ở Việt Nam một cách sáng tạo mà Bác đã sáng tạo thêm những luận điểm mới bổ sung vào chủ nghĩa Mác thích hợp cho với đặc điểm cụ thể của cách mạng Việt Nam.
Quá khứ không trở lại
- Thực ra chúng ta mới bước chân vào tiến trình toàn cầu hóa thôi và nền văn minh phương Tây du nhập và Việt Nam chưa nhiều. Tuy vậy, ngay bây giờ chúng ta đã hiểu rằng, mọi thành tựu khoa học kỹ thuật, mọi của cải, phúc lộc vật chất không mặc nhiên mang lại sự giải thoát tốt nhất cho con người cũng như hạnh phúc cho kiếp sống trần gian. Muốn cảm thấy hạnh phúc và hài lòng với cuộc sống, con người trước hết cần phải biết tu thân. Tu thân rồi mới tề gia, tề gia rồi mới trị quốc và bình thiên hạ được. Và hoàn toàn không ngẫu nhiên mà ngay ở những quốc gia công nghiệp phát triển nhất cũng đang ngày càng có nhiều người muốn tìm về cội nguồn văn hóa phương Đông, với mong muốn tìm được sự giải thoát khỏi ách đè nặng của một xã hội tiêu dùng, duy lợi và ham hố vật chất nhưng lại không giúp con người cảm thấy được sự toàn vẹn của đời sống. Oái oăm thay, chính ở phương Đông lại có không ít người từ bỏ những giá trị văn hóa truyền thống đó. Tại sao vậy, thưa Giáo sư?
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi nghĩ rằng, quá khứ sẽ không bao giờ quay trở lại. Cái gì đã lỗi thời rồi thì cứ để cho nó mất đi. Việc cần làm là chúng ta nên khai thác những giá trị tích cực trong vốn cổ còn đang tồn tại. Nói chung, làm gì thì làm cũng phải quan tâm tới yếu tố tinh thần, tới chuyện nhân nghĩa. Nguyễn Trãi trước kia đã lý giải, chúng ta chiến thắng được quân Minh là bởi chúng ta đã biết “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”!
- Giáo sư đã sống đến cái tuổi cửu thập rồi! Người ta bảo, ở tuổi này, con người chỉ có thể nói ra sự thật và chỉ sự thật mà thôi. Xin phép được hỏi, Giáo sư có bao giờ thất vọng về những người trí thức cùng thời với mình không? Và theo Giáo sư, có thể hy vọng gì những người có chữ ở đất nước Việt Nam này?
Giáo sư Vũ Khiêu: Tôi chưa bao giờ thất vọng cả, chưa bao giờ tôi thấy bi quan cả. Bây giờ, tôi 90 tuổi rồi, sắp đi qua thế giới này rồi, tôi vẫn có niềm tin rằng, chân lý bao giờ cũng chiến thắng, chính nghĩa bao giờ cũng chiến thắng, con người phải vươn lên mọi sự tốt đẹp hơn, tốt đẹp là bản chất của con người. Cho nên, cái gì đã là chân chính thì dù có thể bị mờ đi trong một thời gian nhưng rồi thể nào cũng sẽ lại sáng.
- Trăng đến rằm, trăng tỏ! Điều này thực đúng. Tuy nhiên, tôi cứ trộm nghĩ rằng, Giáo sư luôn lạc quan vì Giáo sư là một trí thức tài năng, ưu thời mẫn thế, sức lao động lại phi thường, lại gặp nhiều may mắn. Chứ còn không ít những trí thức “cùng một lứa bên giời lận đận” nên hay trở thành bi quan hoặc đôi khi yếm thế.
Giáo sư Vũ Khiêu: Trong cuộc đời tôi cũng có nhiều trắc trở, nhưng không bao giờ tôi nản lòng cả. Tôi luôn lấy công việc, lấy lao động làm niềm vui. Từ lâu rồi, tôi đã coi danh lợi ở cuộc đời này chỉ là hư vô mà thôi...
Giáo sư Vũ Khiêu
Tên khai sinh: Đặng Vũ Khiêu. Sinh ngày 19-9-1916 tại làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1957.
Ông tốt nghiệp tú tài Trường Bonnal (Ngô Quyền, Hải Phòng). Năm 1935, ông về Hà Nội, ở trọ và làm lao công cho Bệnh viện Pháp ở khu vực Bệnh viện Hữu Nghị và Bệnh viện 108 hiện nay. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lên chiến khu, ông từng làm Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc, rồi Tây Bắc (1947 - 1954). Sau ngày giải phóng Hà Nội tháng 10-1954, ông được cử sang Bắc Kinh học Trường Đảng cao cấp tới năm 1956 rồi trở về giữ chức Phó Tổng giám đốc TTXVN. Năm 1959, ông tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở Việt Nam rồi được đưa sang Hungary học. Khi về, ông vào dạy ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ông là Viện trưởng đầu tiên của Viện Xã hội học, là người đặt nền móng cho sự phát triển của ngành xã hội học ở Việt Nam.
Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có Đẹp (1903), Cao Bá Quát (1970), Ngô Thì Nhậm (1976), Nguyễn Trãi (1980), Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam (1980), Bàn về văn hiến Việt Nam (3 tập, năm 1997)... Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996).
Theo ANTG