Tôi được biết đến ông không chỉ là một nhà nghiên cứu có nhiều công trình khoa học được áp dụng vào sản xuất mà còn là một người thầy mẫu mực, một nhà giáo Ưu tú, luôn tận tâm với các thế hệ sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh. Ông còn là chủ tịch Hội nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam trong hơn 16 năm qua. Giáo sư nguyên là Trưởng bộ môn, Phó Chủ nhiệm khoa, nguyên Giám đốc Trung tâm bệnh cây nhiệt đới, giảng viên cao cấp Học viện Nông nghiệp Việt Nam; nguyên Phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ Đông Á, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Phát huy truyền thống gia đình
GS.TS Vũ Triệu Mân sinh tại Hà Nội trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Cha ông là nhà văn Vũ Ngọc Phan và mẹ là nhà thơ Hằng Phương - những người nổi tiếng trong giới văn học lúc bấy giờ. Năm 1946, cụ Vũ Ngọc Phan lúc ấy là Chủ tịch Ủy ban vận động Hội nghị văn hóa toàn quốc và kiêm chức Chủ tịch Ủy ban kháng chiến khu Đống Đa (nay là Quận Đống Đa) Hà Nội. Kháng chiến chống Pháp bùng nổ gia đình ông phải tản cư vào làng Quần Tín, xã Thọ Ngọc, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Ít lâu sau khi gia đình chuyển lên chiến khu Việt Bắc. Ông cùng chị theo học tiểu học ở trường cấp 1,2,3 Tân Trào, ngày nào cũng đi bộ gần 4 km để tới trường. Ở gần trường Mỹ thuật Việt Nam và thường đi học qua nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân đã khiến ông say mê nghệ thuật hội họa, từ đó ông luôn vẽ trên từng mảnh giấy nhỏ rồi vẽ trên báo tường của lớp.
Tốt nghiệp phổ thông, ông nộp đơn thi vào Khoa Kiến trúc, Đại học Bách khoa Hà Nội, nhưng tổ chức đã đề nghị ông chuyển sang những ngành khác vì ông là cán bộ Đoàn, là cảm tình Đảng phải gương mẫu chọn những nghề khó khăn hơn lúc ấy. Nghe lời khuyên của người anh,ông quyết định chọn ngành Cơ khí của Học viện Nông lâm. Vào học Cơ khí trong lúc các bạn đi lao động xa, ông và một bạn miền Nam tập kết vì không đủ cân nặng phải ở lại trường làm thợ nguội,cả ngày lúi húi trong xưởng.Rồi nhà trường buộc ông đổi lại ngành học và cuối cùng ông đã vào học ngành hóa học hóa nông nghiệp (NH). Khu ký túc xá lúc ấy rất nghiêm túc, ông học lớp NH nhưng hết chỗ ngủ phải ngủ đêm ở lớp Bảo vệ thực vật (BVTV).rồi, ông quen biết bạn B học ở lớp BVTV nhưng khi nhập học thiếu chỗ phải ngủ ở lớp NH.,cùng hoàn cảnh, hai người liền lên văn phòng khoa xin đổi thẻ giường ngủ. Ông cán bộ văn phòng xem đơn rồi bảo với hai người: “Cậu nào ngủ ở lớp nào thì vào lớp ấy không phải đổi gì cả ”. Sau câu nói bất ngờ ấy, ông đột nhiên trở thành sinh viên lớp Bảo vệ thực vật. Đến với ngành thật không ngờ,tuy ngỡ ngàng nhưng ông luôn phấn đấu và trở thành một sinh viên ưu tú, một bí thư chi đoàn thanh niên,tất cả đoàn viên chi đoàn BVTV 7 đã nỗ lực phấn đấu đưa chi đoàn thành đơn vị xuất sắc của trung ương đoàn, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng CSVN) trước khi thi tốt nghiệp.
GS.TS Vũ Triệu Mân chủ trì Đại hội và Hội thảo Quốc gia bệnh hại thực vật Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam tại Hà Nội ngày 20/10/2006
Đồng hành cùng ngành Bảo vệ thực vật
Sau khi tốt nghiệp đại học ông được bố trí về làm cụm trưởng một nhóm gần 10 kỹ sư các nghành nghề khác nhau trong đoàn chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của Bộ. Sau hai năm chỉ đạo sản xuất, lao động và bám sát đồng ruộng, ông được điều về giảng dạy ở Bộ môn Bảo vệ thực vật, Học viện Nông lâm.
Đến với nghề giáo cũng thật tình cờ, để rồi ông gắn trọn đời, say mê và cống hiến hết mình. Trong quá trình giảng dạy, ông đặc biệt quan tâm đến tính chủ động của sinh viên. Ông quan niệm rằng: “Người thầy dạy ở đại học chỉ là người dẫn đường, người gợi mở phương pháp và vạch ra hướng đi cho từng môn học, những sinh viên phải chủ động, linh hoạt sẽ hiểu vấn đề,bám sát thực tế sản xuất. Áp dụng được phương pháp học ấy thì sau này các em sẽ trưởng thành nhanh”.
Ông đã hướng đẫn hàng trăm sinh viên làm luận án tốt nghiệp với chất lượng tốt. 35 nghiên cứu sinh Tiến sĩ và Học viên cao học bảo vệ uận án thành công ở mức giỏi và xuất sắc .Ông yêu cầu học trò của mình phải trực tiếp làm thí nghiệm và thu số liệu, phải hoàn thành luận án bằng sức lao động của chính mình.Ông tận tình chỉ bảo từ chi tiết cần thiết để nghiên cứu sinh và học viên có thể vượt qua bỡ ngỡ lúc ban đầu,chủ động thực hiện đề tài. Cả quá trình hướng dẫn ông luôn quan tâm tới đời sống của học trò và luôn nhắc nhở họ tiết kiệm chi phí không cần thiết mà vẫn hoàn thành công việc có kết quả tốt.Điều duy nhất ông đòi hỏi ở học trò trả cho ông là luận án đạt chất lượng cao cả về giá trị khoa học và thực tiễn,góp phần thiết thực cho sản xuất. Ông làm việc không mệt mỏi trong suốt những năm qua trong tình cảm quí trọng của các học trò giành cho ông.
Năm 1978, ông được cử đi thực tập khoa học tại phòng thí nghiệm virus thực vật của Viện KH nông nghiệp quốc gia (INRA) ở Versailles, Pháp.Ở đây, ông được thầy D.Spire hướng dẫn tận tình trong nghiên cứu virus thực vật ,ông tích lũy được nhiều kỹ thuật mới và biến thực tập thành phần chính của luận án tiến sĩ sau này.Năm 1980, ông bảo vệ thành công đề tài và trở về nước mang theo một phòng thí nghiệm do Viện INRA tặng . Về nước ông được giáo sư Lê Duy Thước Hiệu trưởng rất ủng hộ,Ông vô cùng cảm động khi giáo sư nhường cả 1/2 chỗ làm việc của Hiệu trưởng cho phòng virus thực vật. Khi ấy, nhà trường còn gặp rất nghèo.Không chờ đợi ,ông đã lên xe lửa một mình vào các tỉnh phía Nam để tìm kiếm đề tài rồi tập huấn cho các học trò cũ ở các tỉnh thực hiện đề tài. Từ cách này một mình ông vừa làm trưởng phòng vừa là nhân viên ,ông đã giúp phòng virus thực vật đầu tiên ở Việt Nam có vốn nhỏ để đi vào hoạt động và đồng thời ông có thể đến nhiều địa phương trong nước giúp đào tạo cán bộ tại chỗ và trực tiếp giúp chẩn đoán bệnh hại.Nhiều năm sau ,ông luôn chú ý hợp tác nghiên cứu với các nước như Nhật bản,Hà Lan và nhiều nước khác sau này đã giúp ông tích lũy nhiều kinh nghiệm phát hiện nhiều thiếu sót cần bù đắp trong nghề.
Với uy tín của mình, năm 1991 ông được giao làm chủ nhiệm dự án hợp tác Việt Nam - Pháp về bệnh hại khoai tây. Năm 1997 chủ nhiệm dự án Việt Nam - Australia về bệnh hại thực vật. Đây là dự án lớn nhất trong nghiên cứu nông nghiệp của Australia ở Việt Nam với kinh phí lên tới hơn 1,7 triệu Australia dola. Nhờ dự án này phòng virus thực vật đã thành một phòng trang bị hiện đại và đã thực hiện thành công trong nhiều kết quả nghiên cứu virus thực vật phục vụ sản xuất ở Việt Nam và hợp tác quốc tế nâng cao uy tín của ngành.
GS.TS Vũ Triệu Mân và GS S.Mayama - Chủ tịch Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Nhật Bản tại Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật Nhật Bản (Nhật Bản tháng 5/2008)
Những công trình nghiên cứu được áp dụng vào thực tiễn
Với phòng thí nghiệm ELISA đầu tiên ở Việt Nam,Kỹ thuật ELISA lần đầu đã được thực hiện ở Việt Nam,đây cũng là nơi kỹ thuật sản xuất Kit ELISA lần đầu thành công ở nước ta, đồng thời cũng là nơi dùng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) chẩn đoán bệnh virus trên thực vật rất sớm ở Việt Nam. Ông là người góp phần đào tạo nhiều nhà nghiên cứu về virus và bệnh hại thực vật cho đất nước.
Trong suốt hơn 40 năm qua, với sự cố gắng không ngừng nghỉ trong nghiên cứu virus thưc vật NGƯT. GS.TS Vũ Triệu Mân đã công bố hơn 20 công trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh và thành phố và hai dự án hợp tác quốc tế ,đã được nghiệm thu và được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả như: Nghiên cứu bệnh virus hại thực vật và phòng chống bệnh bằng chọn lọc giống sạch bệnh; Sản xuất Kit chẩn đoán bệnh hại cây trồng; Sử dụng giải pháp CNSH .Nghiên cứu một số bệnh tác hại lớn cho cây trồng và biện pháp phòng trừ; Sử dụng giải pháp CNSH trong sản xuất và thử nghiệm Kít ELISA chẩn đoán bệnh hại thực vật… Cùng với đó ông đã chủ trì 15 cuộc Hội thảo quốc gia về bệnh hại thực vật. Ông tham gia nhiều Hội đồng khoa học, Hội đồng tư vấn cấp nhà nước, cấp bộ, Hội đồng nhà nước chấm luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ..Là chủ tịch hội đồng tư vấn phòng trừ đại dịch lúa lùn xoăn lá ,vàng lùn lúa cỏ ở đồng bằng sông Cửu Long tập hợp hơn 100 nhà khoa học của Hội nghiên cứu bệnh hại thực vật và 15 tỉnh miền tây và miền đông Nam Bộ .
GS.TS Vũ Triệu Mân còn được biết đến là tác giả của nhiều cuốn sách: Bệnh virus hại khoai tây; Bệnh virus hại lúa; Chẩn đoán nhanh bệnh hại thực vật ;chủ biên và viết cuốn Bệnh virus hại thực vật ở Việt Nam (tập 1,2) dài hơn 500 trang; Là chủ trì và trưởng ban biên tập của 15 tập Hội thảo quốc gia bệnh hại thực vật Việt Nam; Chủ biên cuốn Năm mươi năm nghiên cứu bệnh hại thực vật Việt Nam 1955-2005; Chủ biên và viết 4 giáo trình bệnh cây đại cương, bệnh cây chuyên khoa và hai giáo trình bệnh cây nông nghiệp và năm 2016-2017 chủ biên cuốn Bệnh hại cây trồng Việt Nam dài gần 600 trang v.v… Ngoài ra, ông có gần 100 bài báo trong nước và cá nhân hay cùng các học trò có nhiều bài báo đăng trên các báo, tạp chí nổi tiếng của Mỹ, Nhật Bản, Australia, Pháp… Thành công của ông ngày hôm nay đã khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của một trí thức khoa học . Theo ông là đã vào nghề thì phải tận tâm theo nghề,vượt mọi khó khăn để vươn lên.
Theo ông, việc nghiên cứu virus thực vật rất khó khăn,vì thế cần phải tìm mọi cách để phát triển phòng thí nghiệm với trang thiết bị hiện đại. Đồng thời phải tạo nhóm làm việc tốt, phải liên kết với nhiều cơ quan để tận dụng trang thiết bị và học tập kiến thức ở mọi nơi, mọi lúc. Mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên môn. Quan trọng hơn là phải tích cực công bố kết quả nghiên cứu trong và ngoài nước, tích cực tham gia hội nghị, hội thảo, tham quan thực tế, học tập suốt đời như lời dạy của Bác Hồ… Luôn gần với sản xuất, phục vụ sát nhu cầu của xã hội. NGƯT.GS Vũ Triệu Mân luôn khắc cốt ghi tâm lời dạy của cha ông: “Không bao giờ được tự mãn với bằng cấp, chức vụ, chỉ có thể tự tin với chính mình khi biết việc mình làm đúng,từ đó có niềm tin để tiếp tục học tập, tiến bộ”. Đây cũng là những tâm niệm mà ông muốn gửi gắm vào thế hệ trẻ ngày nay.
Khi đã tuổi đã cao ông vẫn say mê học tập nghiên cứu và hết lòng với nghề. Với những đóng góp không ngừng của ông cho ngành, ông đã vinh dự được nhận hơn 10 giải thưởng khoa học và dược tặng nhiều Bằng khen, huy chương và giải thưởng cao quý.Ông còn say mê vẽ tranh sơn dầu và đã tham gia với các họa sĩ trong 7 cuộc triển lãm Mỹ thuật ở Hà Nội. Chia tay ông nhưng tôi luôn dành cho ông sự kính trọng và ngưỡng mộ. Chúc ông có nhiều sức khỏe để tiếp tục đóng góp tâm sức, trí tuệ của mình cho khoa học, cho sự phát triển của đất nước.
Vũ Kim Nguyên
|