Đúng ngày 3 tháng 3 Tân mão (5/4/2011) - ngày mở đầu tiết Thanh minh, họ Võ Tá Hà Hoàng, huyện Thạch Hà (cũ), tỉnh Hà Tĩnh làm lễ tế Tổ theo nghi thức lễ truyền thống của dòng họ vào ngày Thanh minh.
Năm nay, họ Võ Tá Hà Hoàng tế Tổ tại từ đường đã được tu bổ khang trang, rộng rãi hơn với sự đóng góp công đức của các hậu duệ. Hàng trăm bà con đồng tộc đại diện chi họ nhiều địa phương trong tỉnh tề tựu về đây theo tinh thần của những vần thơ vàng sáng trước từ đường:
Chim nhớ tổ tìm về quê tổ
Nén hương thơm bày tỏ lòng thành
Mỗi năm một tiết Thanh minh
Võ tông sum họp thắm tình anh em
Tham dự lễ tế tổ còn có Hội đồng dòng dòng họ Vũ (Võ) tỉnh Hà Tĩnh, đại diện Hội đồng dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam, gồm các ông phó Chủ tịch: Vũ Hữu Sâm, Võ Văn Hồng, Vũ Mạnh Hà; các uỷ viên thường vụ Hội đồng dòng họ: Vũ Anh Tuấn, Vũ Văn Quang; ông Vũ Quốc Ái đại diện Ban quản lý di tích Mộ Trạch; cụ Võ Văn Xứng đại diện họ Võ Phong Thịnh, Thanh Chương, Nghệ An gốc từ Võ Tá Thạch Hà.
Sau lễ tế, dâng hương, đại diện Ban tộc biểu đã đọc Diễn ca Võ tộc ôn lại truyền thống lập nghiệp, mưu sinh đầy gian khổ của tổ tiên, ôn lại truyền thống đánh giặc vẻ vang của các bậc tiền bối, công lao những vị anh tài làm rạng danh dòng họ và kêu gọi hậu duệ phát huy truyền thống quý báu của tổ tiên, đoàn kết xây dựng cơ sở vật chất thờ phụng, xây dựng dòng họ ngày càng thịnh vượng.
Đoàn dòng họ Vũ (Võ) tỉnh Hà Tĩnh với hơn 100 thành viên dâng hương tại Khuôn viên Khu lăng mộ Vũ Công Thần Tổ và phu nhân ngày mùng 8 tháng Giêng năm Tân Mão (2011) (ảnh: Vũ Xuân Kiên)
Họ Võ Tá Hà Hoàng, tính từ cụ khởi tổ Võ Kỹ đến nay lập nghiệp trên đất Thạch Hà, Hà Tĩnh đã 22 đời.
Tại nhà thờ họ còn đôi câu đối:
Phát tự Bắc phương Hà Hoàng thuỷ thiên thu bất tận
Hành ư Nam hướng Mộ Trạch nguyên vạn kỷ trường lưu
Tạm dịch:
Phát từ phương Bắc, Hà Hoàng như nguồn nước bất tận
Hướng về Nam nguồn Mộ Trạch mãi dồi dào.
Với 500 năm tồn tại, phát triển, họ Võ Tá Hà Hoàng đã để lại những dấu ấn lịch sử đặc sắc:
Đó là, một dòng họ cuối thế kỷ 17 - 18 có 15 tiến sĩ võ, và 18 quận công (tước vị nhà vua phong cho các thân thần và công thần) còn truyền lại trong câu:
“Thập ngũ tạo sĩ, thập bát quận công, cung kiếm gia thanh quang giám sách
Đồng triều phụ tử, đồng khoa huynh đệ, thi thư thế nghiệp thọ sơn hà”
(Tạm dịch: Mười lăm tiến sĩ võ, mười tám quận công, nghiệp cung kiếm rạng sử sách. Cha con cùng triều, anh em cùng khoa, văn chương sự nghiệp mãi với non sông).
Nhà nghiên cứu gia phả Vũ Hiệp đánh giá: “Theo lời truyền tụng và gia phả, họ Võ Tá ở xã Hà Hoàng đã sản sinh hơn 36 võ tướng và có công hiển hách, trong đó có 20 vị quận công thời hậu Lê”
Ghi lại Những Võ quan có tên trong sử sách, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch (1757 - 1828) viết ở Nghệ An ký (thời đó gồm cả Hà Tĩnh) đã liệt kê năm vị:
Võ Tá Liễn, Võ Tá Sắt, Võ Tá Quán, Võ Tá Đoan, Võ Tá Lý người xã Hà Hoàng, huyện Thạch Hà.
Chiến công các võ quan này rất hiển hách. Đại việt sử ký (tục biên) chép: đời Lê Ỷ Tông, năm Vĩnh Hựu thứ 6 (1740) “giặc” chiếm Đông Yên (thuộc Khoái Châu ngày nay) (triều đình) sai Đốc trấn Võ Tá Liễn đem quân đánh dẹp. Chinh tây đại tướng quân Thể quận công Võ Tá Lý cùng “giặc” Tế đánh nhau ở An Lạc bắt được Tế, (Tế) nổi lên làm giặc cùng với “giặc” Bồng ở Bình Ngô nổi tiềng là kiệt liệt...”
Năm 1772, Đốc lĩnh Võ Tá Liễn đời Lê Hiển Tông cùng các cánh quân khác đánh giặc. Năm 1744, phân làm 5 đạo, Võ Tá Liễn đi trước tiến đánh bên phải luỹ sau...
Bùi Dương Lịch ghi: “Gia phả chép: Tổ tiên là Cường Lộc Hầu sinh ra Tá Hà. Tá Hà theo đánh giặc có công, được lĩnh chức Đề lĩnh từ thành quân vụ và được phong tước Hà quận công. Tá Lý, Tá Liễn, Tá Sắt, Tá Quán và Tá Đoan đều là dòng dõi Tá Hà và đều được cầm quân coi trấn. Khi Tá Sắt coi trấn Sơn Nam, đánh nhau bị một viên đạn bắn vào mắt làm bật con ngươi ra ngoài. Tá Sắt rứt con ngươi ấy bỏ vào mồm nuốt chửng rồi lại thúc quân đánh hăng, người thời ấy đều phục là dũng cảm. Có câu ngạn ngữ "Người Nghệ An gan Thạch Hà ". Lại có Tá Miễn nhiều lần vâng mệnh đánh dẹp giặc các đạo ở Hải Dương và Sơn Tây có công, được nhận chức Đô đốc là Thao quận công. Tá Miễn có bảy người con trai đều giỏi võ nghệ và tinh thông binh pháp”.
Bùi Dương Lịch viết về các kỳ thi chọn và bổ dụng tạo sĩ như sau:
"Năm Bảo Thái thứ 4 (1723) bắt đầu đặt khoa võ cử. Trước tiên hỏi vũ kinh, sau nhiều lần thi đua võ nghệ, cuối cùng thi một bài văn sách. Thi Sở cử : người trúng cách gọi là sinh viên. Quan viên tử, quan viên tôn trúng cách gọi là biền sinh. Thi văn sách nhập cách gọi là học sinh. Quan viên tử, quan viên tôn hợp cách gọi là biền sinh hợp thức. Thi bác cử cuối cùng trúng cách thì gọi là tạo sĩ và được hưởng ân từ hiển hồi như Tiến sĩ vinh quy vậy. Người nào kỳ đệ tam mà được dự vào hạng toát chủ (hạng trội nhất) thì được bổ sung như tạo sĩ”
Bùi Dương Lịch ghi tiếp:
"Con Tá Miễn là Tá Cơ đỗ tạo sĩ đầu tiên, rồi Tá Kiêm, Tá Bật, Tá Thìn. Kế tiếp tạo sĩ là Tá Mỹ, Tá Lệ, Tá Đồng...” Và cuối cùng ông viết : “Con cháu nhà họ đông đúc, phát cả văn lẫn võ, đều nho nhã mưu lược. Nhà làm sử gọi họ ấy là "Thạch Hà thế tướng" (đời đời nối tiếp nghiệp tướng).
Võ Tá Hà Hoàng, quả là một dòng họ sáng chói về võ nghiệp. Ra đi từ Mộ Trạch, đã làm rạng danh tổ tiên. Nếu Mộ Trạch nơi phát tích dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam xứng danh “Tiến sĩ sào” (ổ tiến sĩ về văn chương, với 36 tiến sĩ), thì họ Võ Tá Hà Hoàng đáng được ghi danh “Tạo sĩ sào” (ổ tiến sĩ võ) như so sánh của nhà sử học GS. Hà Văn Tấn.
Để tướng nhớ công ơn của nhiều bậc võ tướng, nhiều vị được phong tước quận công, trước đây họ Võ Tá Hà Hoàng có Miếu thờ Quan Quận. Trải qua biến thiên thời thế, nay chỉ còn lại nền miếu cũ và một giếng nước mạch nguồn không bao giờ cạn, giống như giếng nước cổ Diên Phúc ở Mộ Trạch.
Trước tiết thanh minh, họ Võ Tá Hà Hoàng đã làm lễ động thổ xây dựng lại Miếu Quan Quận trên nền di tích cũ, nay mở rộng ngót 13.000m2 với quy mô tương xứng với kỳ tích tổ tiên để lại. Theo quy hoạch, Miếu mới sẽ là nhà thờ Đại tôn của Võ Tá Hà Hoàng thờ từ vị khởi tổ và 18 vị quận công, có thể với tên gọi: Võ Tá Từ Đường Hà Hoàng Thế Tướng.
Cùng với các nhà công đức trong dòng họ, nhà doanh nghiệp Tiến sĩ Võ Văn Hồng gốc tổ từ Võ Tá 200 năm trước, bước đầu đã phát tâm công đức 5 tỷ đồng góp phần vào công trình xây dựng từ đường Võ Tá Hà Hoàng. Với chi phí dự toán đầu tư ước 15 tỷ đồng, vào đúng tiết Thanh minh vài năm tới, họ Võ Tá Hà Hoàng và bà con họ Võ Hà Tĩnh sẽ làm lễ trọng thể Đại tế thanh minh tại nhà thờ mới uy nghi, hoành tráng trên nền miếu cũ linh thiêng.
Một số hình ảnh buổi Đại tế thanh minh trên nền miếu cũ linh thiêng:
Đoàn Đại biểu HĐDH Vũ (Võ) Việt Nam, làng Mộ Trạch, ông Võ Kim Cự - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh (đứng giữa) cùng đông đảo bà con họ Vũ (Võ) tỉnh Hà Tĩnh dự Đại tế thanh minh ngay trên nền miếu cũ (ảnh: Võ Nhân).
Đoàn đại biểu HĐDH Vũ (Võ) Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại từ đường Vũ tộc Đại tông (Hà Tĩnh) (ảnh: Võ Nhân)
Phối cảnh Võ tộc từ đường - Thạch Hà Thế Tướng - Hà Tĩnh
Võ Văn Liên
|