Ngày 12/1/2018 (tức 26 tháng 11 năm Đinh Dậu), UBND xã Du Lễ cùng Hội đồng dòng họ Vũ - Võ TP Hải Phòng và CLB Doanh nhân dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Khu lăng mộ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải tại Thôn 4, xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng.
Thần tượng Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải
Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải (1252-1288) người trang Du Lễ thời Trần (nay là xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), là danh tướng của nhà Trần, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288).
Vũ Hải sinh ra và lớn lên trên miền đất Nghi Dương xưa (nay là huyện Kiến Thụy) là vùng đất địa linh nhân kiệt, nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam là nơi sản sinh ra những võ tướng nổi tiếng dưới thời phong kiến. Trước Vũ Hải từng có Thái vương Trương Nữu đại tướng quân (cùng trang Du Lễ) là người có công phò tá Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng chống ách đô hộ của nhà Đường. Sau Vũ Hải có Mạc Đăng Dung là danh tướng dẹp loạn cuối thời Lê sơ đồng thời là vị vua sáng lập triều Mạc và Vũ Hộ là tướng nhà Lê sơ đồng thời là công thần khai quốc nhà Mạc. Đặc biệt, là Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn bậc “Mẫu nghi thiên hạ” - chính thất Hoàng hậu của Thái tổ Mạc Đăng Dung triều Mạc.
Vũ Hải nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn, có sức khỏe hơn người và giỏi võ nghệ. Năm 1282, dưới thời vua Trần Nhân Tông, triều đình có chiếu tuyển nhân tài chống giặc, ông đã khăn gói về kinh tham gia ứng tuyển. Khi bộc lộ tài năng, nhà vua mến mộ tài đức nên thu nhận, giữ lại bên mình và ông cũng được chọn đứng trong hàng ngũ các tướng sĩ nhà Trần sẵn sàng nghênh chiến với quân giặc.
Theo thần phả, trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông xâm lược lần thứ 2 (1285), Vũ Hải được vua Trần phong chức “Phó Đô trung lang tướng” được giao cầm quân dưới quyền chỉ huy của Thái sư Trần Quang Khải. Đội quân bản bộ của ông trực tiếp tham gia chặn đường tiến quân của Toa Đô từ Chăm Pa đánh vào Nghệ An. Sau đó, ông theo Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật đánh tan quân Nguyên - Mông trong trận Chương Dương - Hàm Tử ở sông Nhị Hà. Đặc biệt, trong trận Tây Kết, dưới sự chỉ huy trực tiếp của vua Trần, ông đã cùng các tướng sĩ giết chết và bắt sống nhiều quân giặc, chém được đầu tướng giặc là Toa Đô. Lập chiến công lớn, sau khi thắng trận ông được phong chức “Phó Đô Ngự Sử” và miễn trừ thuế cho trang Du Lễ. Tương truyền, ở quê ông có 26 mẫu ruộng thuộc đồng Trải, khi chị gái của vua Trần Nhân Tông là Quỳnh Trân công chúa từ bỏ lầu son gác tía về đây xuất gia tu hành, ông đã hiến toàn bộ số ruộng đất cho nhà chùa.
Năm 1288, quân Nguyên - Mông kéo sang xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Vũ Hải được vua Trần phong làm “Bạt Hải hữu tướng quân” đem hơn 5.000 quân thuỷ ra trấn giữ ở bến Bình Than. Đồng thời, ông cũng tuyển thêm 40 trai tráng tại quê nhà ở trang Du Lễ giỏi nghề bơi lội tham gia đội quân đánh thủy chống quân xâm lược. Trong một trận hỗn chiến, ông bị trúng tên và được binh lính dưới quyền đưa về ải Phú Lương chữa trị. Tuy nhiên, khi tướng giặc là A Thai kéo binh đến khiêu chiến, ông nén đau mặc áo giáp dẫn binh lính đánh cho quân giặc đại bại. Khi vết thương lành, ông theo lệnh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đuổi đánh địch qua cửa biển Đại Bàng (ở giữa cửa Văn Úc và cửa Họng).
Vào ngày 8 tháng 1 năm Mậu Tý (1288), trong trận thủy chiến tại cửa biển Đại Bàng tướng quân Vũ Hải đem quân bản hộ phối hợp với quân chủ lực của nhà Trần mở cuộc tập kích đoàn thuyền chiến của quân Nguyên - Mông, hơn 300 chiến thuyền do Ô Mã Nhi chỉ huy bị đánh tan tác, quân giặc chết đuối rất nhiều. Tại trận giao tranh ác liệt này, quân đội hai bên đều bị thiệt hại nặng. Nhưng quân Đại Việt cũng chịu tổn thất lớn khi tướng quân Vũ Hải đã anh dũng hy sinh trên vùng cửa biển Đại Bàng.
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ 3, cũng là thắng lợi toàn diện và sau cùng trước quân xâm lược. Tướng quân Vũ Hải được vua Trần Nhân Tông truy phong tước “Bạt Hải Đại Vương” và lệnh cho dân làng trang Du Lễ quê nhà dựng miếu thờ, quanh năm hương khói. Nhận được lệnh vua, gia thần của ông cùng nhân dân thống nhất dựng miếu tại xứ Long Đầu, nơi có ngôi nhà cũ do cha ông để lại và lấy phiến đá nổi trên mặt nước do thân phụ ông rước về chế thành thần vị. Miếu xây dựng ở xóm Đông trang Du Lễ nên được gọi là Miếu Đông để phân biệt với Miếu Đoài thờ tướng quân Trương Nữu.
Trải qua nhiều triều đại, vì miếu thiêng linh ứng cũng như các đấng quân vương đều cảm phục trước tấm lòng trung quân, ái quốc mà có nhiều sắc phong. Vì thế, Miếu Đông luôn được dân làng quan tâm, chăm sóc và trường tồn cùng với thời gian, quanh năm hương khói. Hằng năm, vào ngày sinh và ngày mất của tướng quân Vũ Hải, người dân Du Lễ đều mở lễ hội. Theo thần phả lưu giữ đến ngày nay, ngày sinh của Bạt Hải Đại Vương vào mồng 6 tháng Giêng, theo lệ trước một ngày thì lễ dùng cỗ chay, đúng ngày lễ dùng bò và ca hát trong 5 hôm. Còn ngày hóa của tướng quân vào mồng 10 tháng 3.
Năm 1994, Miếu Đông thờ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải thời Trần cùng với Miếu Đoài thờ Thái vương Trương Nữu đại tướng quân dưới thời Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng được Nhà nước công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia, ghi nhận và tôn vinh công lao của bậc tiền nhân với đất nước.
Miếu Đông nơi thờ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải ở xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng
Từ xưa đến nay, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc ta. Để tưởng nhớ, tri ân, thể hiện lòng thành kính biết ơn những danh nhân, người có công với quê hương, đất nước. Thường trực Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng và CLB Doanh nhân dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng đã tổ chức đoàn về đất Nghi Dương xưa (nay là huyện Kiến Thụy) là vùng đất địa linh nhân kiệt, là nơi sản sinh ra những võ tướng nổi tiếng lịch sử trong đó có Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải (một danh tướng họ Vũ thời Trần, người có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ hai (1285) và lần thứ ba (1287-1288) của dân tộc ở thế kỷ XIII).
Hiện nay, ở xã Du Lễ, huyện Kiến Thụy có 2 di tích liên quan đến Bạt Hải Đại Vương là Miếu Đông và Khu gò mộ tướng quân Vũ Hải (Gò Đống Giếng). Trong đó, Miếu Đông nơi thờ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải đã được công nhận là Di tích Lịch sử - Văn hoá cấp Quốc gia và được nhân dân địa phương trùng tu khang trang, bề thế. Còn lại Khu gò mộ tướng quân Vũ Hải vẫn hoang sơ, cỏ mọc um tùm nằm giữa cánh đồng xã Du Lễ chưa được xây dựng để xứng tầm với vị thế và công lao to lớn của Ngài với quê hương, đất nước.
Thường trực Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng và CLB Doanh nhân dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng đã làm việc với Đảng ủy, UBND, HĐND, UBMTTQ xã Du Lễ thống nhất là Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng và CLB Doanh nhân dòng họ Vũ - Võ Hải Phòng được đầu tư xây dựng Khu lăng mộ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải.
Ngày 12/1/2018 (tức 26 tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu), công trình Khu lăng mộ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải đã chính thức được khởi công xây dựng.
Tham dự buổi lễ, có đại diện lãnh đạo: Sở Văn hóa và Thể thao TP Hải Phòng, Phòng Văn hóa và Thể thao huyện Kiến Thụy, chính quyền xã Du Lễ, HĐDH Vũ – Võ TP Hải Phòng, CLB Doanh nhân dòng họ Vũ – Võ Hải Phòng, HĐDH Vũ – Võ huyện Kiến Thụy; các đại biểu đại diện: làng văn hóa, trường học và 14 dòng họ trên địa bàn xã Du Lễ cùng đông đảo con cháu, hậu duệ dòng họ Vũ – Võ.
Tại buổi lễ, ông Vũ Nguyên Thái - Ủy viên Thường vụ HĐDH Vũ – Võ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐDH Vũ – Võ TP Hải Phòng, Chủ tịch CLB Doanh nhân dòng họ Vũ – Võ Hải Phòng đã báo cáo về quá trình kêu gọi xây dựng và nhấn mạnh ý nghĩa của công trình Khu lăng mộ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải.
Tiếp đó, Ban tổ chức đã công bố quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng Khu lăng mộ Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hải. Dự kiến, công trình Khu lăng mộ được xây dựng bằng đá, với tổng kinh phí 700 triệu đồng, trong thời gian 3,5 tháng; sẽ hoàn thiện và khánh thành vào ngày 10 tháng 3 âm lịch, đúng dịp kỷ niệm 730 (1288 – 2018) ngày mất của tướng quân Vũ Hải.
Qua phát động, Ban tổ chức đã nhận được hơn 500 triệu tiền công đức của các cá nhân, tổ chức đóng góp để xây dựng Khu lăng mộ; trong đó có nhiều cá nhân công đức với số tiền trên 50 triệu, đặc biệt gia đình ông Vũ Duy Thanh công đức 300 triệu.
Cuối cùng, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ khởi công xây dựng Khu lăng mộ trong không khí vui mừng, phấn khởi và xúc động.
Trước đó, chiều ngày 11/1/2018 (tức 25 tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu), Ban tổ chức đã làm Lễ Cáo: Thành Hoàng làng, Miếu Đoài, Miếu Đông, Chùa Trúc Am, Đền Đồng Mục, Đức Thánh Đền Mõ. Và sáng ngày 12/1/2018 (tức 26 tháng 11 âm lịch năm Đinh Dậu) trước lúc khai mạc buổi lễ, Ban tổ chức đã làm Lễ cúng Phật và các thỉnh thánh: Bạt Hải Đại Vương - Vũ Hả, Thái vương Trương Nữu đại tướng quân, Ả nương Quỳnh Trân công chúa, Thái hoàng Thái hậu triều Mạc - Vũ Thị Ngọc Toàn, Công thần khai quốc triều Mạc - Vũ Hộ; cũng như cúng khao chúng sinh, cầu quốc thái dân an.
Buổi lễ đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí vui mừng và phấn khởi của các đại biểu, khách mời cũng như con cháu, hậu duệ dòng họ về tham dự. Qua đây đã tập hợp được sức mạnh to lớn và tấm lòng nhiệt huyết với dòng họ trong việc xây dựng công trình ý nghĩa để tưởng nhớ, tri ân, thể hiện lòng thành kính biết ơn tổ tiên, danh nhân trong dòng họ là người có công với quê hương, đất nước. Đây cũng là công trình để con cháu, hậu duệ tự hào và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, của dòng họ.
Một số hình ảnh tại buổi lễ:
HĐDH Vũ – Võ TP Hải Phòng và CLB Doanh nhân dòng họ Vũ – Võ Hải Phòng tặng lẵng hoa chúc mừng
Chính quyền xã Du Lễ tặng lẵng hoa chúc mừng
Phạm Duy Kiên – Phó Chủ tịch UBND xã Du Lễ kiêm Trưởng Ban QLDT phát biểu
Ông Vũ Nguyên Thái - Ủy viên Thường vụ HĐDH Vũ – Võ Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực HĐDH Vũ – Võ TP Hải Phòng, Chủ tịch CLB Doanh nhân dòng họ Vũ – Võ Hải Phòng phát biểu
Ông Vũ Đức Dục - đại diện đội thầu xây dựng phát biểu
Ông Vũ Duy Độ - đại diện gia đình ông Vũ Duy Thanh (nhà công đức chính) phát biểu
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công xây dựng Khu lăng mộ
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm
Bài và ảnh: Vũ Thọ Đạt
|