Sau khi trên mạng công bố việc thành lập Ban chấp hành lâm thời Cộng đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam vùng đất Tổ, Lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam, ông Chủ tịch Vũ Ngọc Thức đã gọi điện thoại hẹn cuộc gặp mặt và giao lưu với họ Vũ (Võ) vùng đất Tổ.
Theo lời hẹn ngày Chủ nhật 24/7/2016 đoàn lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ -Võ Việt Nam do ông Vũ Ngọc Thức - Chủ tịch HĐDH dẫn đầu Đoàn gồm 13 người từ Hà Nội lên TP Việt Trì, Phú Thọ. Thành phần đoàn có các ông Phó Chủ tịch: ông Võ Văn Liên - Trưởng Ban biên tập thông tin dòng họ, ông Vũ Duy Bổng, ông Vũ Hữu Sâm, ông Vũ Kim Tường... và Ban thường trực dòng họ cùng các thành viên khác trong Đoàn.
Đoàn lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam lên thăm vùng Kinh đô xưa thời Hùng Vương dựng nước đây là lần đầu tiên kể từ khi tìm ra Thành hoàng làng Mộ Trạch - cụ Vũ Hồn làm Thần tổ, “Thủy Tổ duy nhất” của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam. Đó phải chăng là 1 sự kiện xưa nay hiếm của Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam!
Đoàn Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam lên vùng đất Tổ lần này còn chuẩn bị mang theo cả đỗ lễ thắp hương các Đền thờ các tiền nhân dòng họ Vũ từ thời Hùng Vương, chấp tay kính vái các bậc Tiền nhân của dòng họ. Đây cũng là 1 sự kiện xưa nay hiếm!
Đoàn được ông Vũ Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ kiêm Phó Chủ tịch lâm thời Cộng đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam vùng đất Tổ đưa đến đặt lễ ở các đền, đình và tìm hiểu kỹ lưỡng về các di tích lịch sử lâu đời này thờ cúng các tiền nhân có công xây dựng đất nước Văn Lang xưa của dòng họ Vũ.
Đoàn đến thăm đền thờ Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương (17 - 43) bên bờ sông Lô nơi bà nhảy xuống sông trên con thuyền nhỏ với 2 cây Kiếm làm bơi chèo xuôi về đất Tiên La, Hưng Hà, Thái Bình. Đền thời Bà ở xã Phượng Lâu - thành phố Việt Trì bên cây Đa và cây Si cổ kính đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.
Đền thờ Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương tại TP Việt Trì
Cổng đền Tiên La (huyện Hưng Hà, Thái Bình) nơi thờ Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương
Tượng và mộ Đông Nhung Bát Nàn Đại tướng quân Vũ Thị Thục Nương trong Khu di tích đền Tiên La
Đoàn đến thăm đền Thiên Cổ Miếu. Đền thờ thầy Vũ Thê Lang và cô Nguyễn Thị Thục theo cha là cụ Vũ Công từ Mộ Trạch (Hải Dương) lên dạy học cho con em làng Hương Lan nay là xã Trưng Vương, thành phố Việt Trì. Dưới bàn thờ thầy cô là đôi ngôi mộ cổ được dân làng chăm sóc và bảo vệ hàng ngàn đời nay cùng 2 cây Táu ngàn năm tuổi đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam trong đó 1 cây cho hoa vàng, 1 cây cho hoa bạc về mỗi mùa xuân. Cây Táu hoa bạc đã có tuổi trên 2300 năm là cây di sản nhiều tuổi nhất Việt Nam. Hai cây Táu đã là những chứng nhân lịch sử cho sự lâu đời của Đền thờ Thiên Cổ Miếu gắn liền với công lao của thầy Vũ Thê Lang và cô Nguyễn Thị Thục với dân làng vùng kinh đô này. Đôi câu đối
“Hùng lĩnh trung chi thắng tích,
Nam sơn chính khí linh từ”
với nghĩa đây là ngôi đền thiêng của cả trời Nam ở vùng núi Hùng Lĩnh này. Tên thầy Vũ Thê Lang được thành phố Việt Trì và tỉnh Phú Thọ đặt tên cho con đường lớn từ Tỉnh ủy - UBND Tỉnh vào đến ngôi đền và tại nơi đây đã ra đời mái trường THPT mang tên thầy - Trường THPT Vũ Thê Lang do 2 vợ chồng NGƯT Vũ Văn Viết và NGND Cù Thị Kim Hợp sáng lập từ năm 2005, Trường đã đạt chuẩn Quốc gia năm 2014.
Thiên Cổ Miếu với 2 cây táu cổ thụ hoa màu bạc và hoa màu vàng
Ban thờ và ngôi mộ song táng thầy cô Vũ Thê Lang và cô Nguyễn Thị Thục trong Thiên Cổ Miếu (Hai người tạ thế cùng một ngày 2 tháng 2 năm Quý Dậu tức năm 228 trước Công nguyên)
Biểu tượng rùa trên lưng khắc chữ Việt cổ (chữ Khoa đẩu) tại Khuôn viên khu di tích Thiên Cổ Miếu
Trường THPT Vũ Thê Lang và biểu tượng Tháp bút trong khuôn viên trường
Từ Đền thờ Thiên Cổ Miếu đoàn đến nơi có ngôi mộ kép của ba anh em là Đô Sỹ cận vệ của Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), là ba ông con trai của thầy Vũ Thê Lang vì với nghĩa khí là người chí khí không thờ 2 chủ (2 Vua) nên không theo An Dương Vương về xây thành cổ loa nên đã buộc vào nhau nhảy xuống hồ tự vẫn. Ở trên ngôi mộ kép này có 1 cây Da Bò đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam, cây có tuổi gần 2.000 năm và là cây độc nhất vô nhị trên đất này.
Khu mộ ba anh em Đô Sỹ cận vệ của Hùng Vương thứ 18 (Hùng Duệ Vương), là ba con trai của thầy Vũ Thê Lang và cây da bò cạnh khu mộ
Đoàn lại được đưa tới dâng lễ tại Đình làng Hương Lan nơi thờ thành Hoàng làng là 3 ông Đô Sỹ con trai thầy Vũ Thê Lang. Đền thờ có sắc phong và là Di tích lịch sử được cấp bằng chứng nhận.
Đình Hương Lan thờ 3 đô sĩ là con của thầy giáo Vũ Thê Lang
Tiếp theo Đoàn lại được đưa đến thắp hương và dâng lễ Miếu Bà, một ngôi miếu cổ dân làng Quất Thượng bảo vệ và tôn tạo qua nhiều đời để thờ cúng bà con dâu thứ hai của Lạc Long Quân, bà Vũ Thị Hiền và chồng bà là Hoàng tử thứ hai Hùng Đại Nại. Ngôi miếu cổ này được dân làng thờ cúng từ trên 3.000 năm và tại đó có chiếc giếng nước cổ được bà Vũ Thị Hiền và dân làng đào lấy nước uống được Hùng Đại Nại đặt tên cho là Giếng Rùng (nước mát lạnh và trong vắt - xòa tay vào thường phải rùng mình vì nước mát lạnh) và nơi đây được đặt tên là làng Quất (làng trồng quýt thời cổ xưa).
Miếu Bà thờ cụ Vũ Thị Hiền
Kết thúc hành trình thăm viếng các đền, đình, di tích của dòng họ Vũ từ thời Hùng Vương, Đoàn trở về Trường THPT Vũ Thê Lang để cùng hội thảo với đoàn lãnh đạo của Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Vĩnh Phúc và Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ dưới sự Chủ trì của ông Chủ tịch Vũ Văn Viết và ông Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam Vũ Ngọc Thức.
Cuộc hội thảo diễn ra với tinh thần đoàn kết, thẳng thắn và hữu ích với nhiều đại biểu tham góp ý kiến. Ông Chủ tịch Vũ Ngọc Thức phát biểu ngay từ đầu rằng chúng ta là con cháu dòng họ cần phải "Vấn Tổ Tìm Tông" và tìm thêm nhiều di tích lịch sử lâu đời, thờ cúng những tiền nhân dòng họ Vũ càng tạo thêm niềm tin, niềm tự hào về tổ tiên lâu đời hàng mấy ngàn năm trên trước cả thời cụ Vũ Hồn ở Mộ Trạch, chúng ta càng tự hào và càng thấy hạnh phúc.
Với tinh thần đoàn kết, cởi mở, thân thiện và thẳng thắn ông Chủ tịch, NGƯT Vũ Văn Viết kết luận buổi làm việc.
Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ và Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Vĩnh Phúc rất xúc động và cám ơn Đoàn lãnh đạo và ông Chủ tịch Vũ Ngọc Thức của Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam đã đến với vùng Kinh đô Văn Lang xưa, vùng đất Tổ bây giờ.
Quang cảnh buổi làm việc
Qua cuộc đi thực tế thăm viếng các đền thờ của tổ tiên dòng họ Vũ có từ thời Hùng Vương trên đất Việt Trì (Kinh đô Văn Lang xưa) cùng với nhiều tập tài liệu cổ và các công trình nghiên cứu khoa học về thời đại Hùng Vương cùng các bản Ngọc phả, Thần phả ở các đền thờ, miếu thờ các bậc tiền nhân của dòng họ Vũ, qua đó đã cho thấy:
1. Thời kỳ Hùng Vương là có thật của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
2. Cuộc khởi nghĩa hai Bà Trưng là có thật trong lịch sử chống giặc phương Bắc xâm lược, là có thật trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
3. Thời kỳ Hùng Vương đã có chữ (chữ Khoa đẩu hình con nòng nọc) vẫn còn những chứng cứ xác thực của các công trình nghiên cứu ở Việt Nam và ở các nước vùng Đông Nam Á và có chữ là có thầy dạy học. Thầy Vũ Thê Lang dạy con dân và cả hai cô công chúa Hùng Vương là Tiên Dung và Ngọc Hoa. Thời Hùng Vương đã có tên nhiều thầy dạy học ở khắp nơi của nước Văn Lang xưa.
Vùng đất Tổ Việt Nam thời Hùng Vương bao gồm cả Việt Nam ngày nay cùng các tỉnh phía Nam Trung Quốc (Bờ nam sông Hoàng Hà trở xuống) và cả các nước Đông Nam Á như “Lào, Cămpuchia, Thái Lan, Inđônesia, và Malaisia” nơi đã tìm thấy di tích trống đồng Đông Sơn và chữ Khoa đẩu (nền văn minh Đông Sơn ở thời kỳ rực rỡ nhất của các triều đại Hùng Vương dựng nước).
4. Tổ tiên họ Vũ (Võ) Việt Nam có từ thời kỳ Hùng Vương và vì vậy chắc chắn rằng sau chuyến đi hữu ích này sẽ có sự thay đổi nhận thức về tổ tiên của dòng họ Vũ (Võ) Việt Nam và để xem xét lại trong việc Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam vội vàng thừa nhận cụ Thần tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng Mộ Trạch là “Thủy tổ duy nhất” của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam với thời gian lịch sử mới gần 1.300 năm.
5. Chuyến đi và cuộc giao lưu đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho cả hai bên và xóa bớt đi khoảng cách, những khúc mắc trong lòng do Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam còn thiếu quá nhiều thông tin về tổ tiên dòng họ có từ thời Hùng Vương và cũng cần xem xét lại vấn đề coi cụ Vũ Hồn là Thần tổ, “Thủy tổ duy nhất” của dòng họ Vũ - Võ Việt Nam từ trước đến nay.
Qua đây chúng tôi cũng xin chính thức thông báo rằng Hội đồng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ, Hội đồng họ Vũ - Võ tỉnh Vĩnh Phúc và Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội đã có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định tổ tiên lâu đời nhất của Cộng đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam với trên 4.000 năm lịch sử ở vùng kinh đô Văn Lang xưa (vùng đất Tổ Việt Nam). Vì vậy sẽ ra mắt “Cộng đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam vùng đất Tổ” và thờ cúng các bậc tiền nhân dòng họ Vũ có từ thời Hùng Vương với trên 4.000 năm lịch sử.
Xin trân trọng cám ơn!
Phú Thọ, ngày 25 tháng 7 năm 2016
Nơi nhận:
- Ông Vũ Ngọc Thức, ông Võ Văn Liên và Ban lãnh đạo Hội đồng dòng họ Vũ - Võ Việt Nam
- Hội đồng dòng họ Vũ - Võ các Tỉnh và thành phố của Việt Nam
- Trên các trang mạng trong và ngoài nước
|
NGƯT - Nhạc sỹ Vũ Văn Viết
- Chủ tịch Hội đồng dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ
- Chủ tịch lâm thời Cộng đồng họ Vũ (Võ) Việt Nam vùng đất Tổ
|
www.hovuvovietnam.com
|