Võ Duy Dương (1827 - 1866), còn gọi là Thiên Hộ Dương (do giữ chức Thiên hộ), là lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862 - 1866) ở Đồng Tháp Mười, Việt Nam.
Sáng ngày thứ ba 23-10-2007, ông Vũ Hữu Chính và tôi đi thăm anh em mấy ông họ Võ, gốc quê ở Quảng Ngãi đang sống ở Thành phố Hồ Chí Minh (gia đình này tự nhận là một hậu duệ của Thiên Hộ Dương và có nhiều nghi vấn trong gia phả?). Ông Chính ngỏ lời rủ tôi đi Đồng Tháp tham quan Đền Thờ Ông Thiên Hộ họ Võ từng đã chống Pháp cướp Nam Kỳ cách đây 140 năm trước (1866). Tôi hỏi đi Đồng Tháp Mười xa lắm và đi bằng xe gì ? Đến đền thờ ông Thiên Hộ có mục đích gì ? Ông Chính trả lời rằng : “Hai ông Vũ Hữu Sâm và Võ Văn Liên (Phó Chủ Tịch Hội Đồng Dòng họ Vũ – Võ) ở Hà Nội gọi điện vào ngỏ ý muốn có vài hình ảnh về đền thờ Ngài Võ Duy Dương là anh hùng chống Pháp ở Đồng Tháp Mười thuở xưa ... để đưa vào sách ảnh của họ Vũ - Võ Việt Nam” sắp xuất bản. Ông Chính mời tôi cùng đi cho vui và đi bằng xe máy để chủ động về phương tiện hơn là đi xe đò. Hoặc nếu có bia đá, bài vị chữ Nho thì nhờ tôi đọc, chép, dịch hộ. Tôi đang bị thoái hóa ở khớp gối chân trái, cũng ngại đi xe bằng xe gắn máy. Nhưng là một người nghiên cứu nên dù đã gần 70 tuổi (cũng ngỡ là đường tốt và không xa lắm?) mà đi một chuyến để nhớ đời !!!
Khoảng 6g30, ông Chính đi xe tới nhà tôi cách xa nhà ông ấy ước chừng 4km rưỡi (từ Quận Bình Thạnh qua Quận I). Đúng 6h45’, ông Chính đèo (chở) tôi lên đường vào phía Tây thành phố, trực chỉ tỉnh Long An. Vào khoảng 8 giờ15 đến thị xã Tân An dưới bầu trời u ám với cơn mưa nhỏ vì áp thấp nhiệt đới ở miền Trung như bản tin thời tiết loan báo. Hôm đó là 25-10-2007, tức ngày Rằm tháng 9 âm lịch, hai chúng tôi ngồi nghỉ uống cà-phê trong 15 phút, để ông Chính mở bản đồ hành chính 2 tỉnh Long An, Đồng Tháp mượn của tôi, xem đường đi nào cho gần. Thật ra, ông Chính và tôi hoàn toàn chưa biết đường đi Đồng Tháp Mười, và thị trấn gần ngôi đền ông Thiên Hộ Dương nay có tên Mỹ An như trên bản đồ ghi rõ thế. Tôi không có ý kiến gì, vì đã đi vào phía Bắc tỉnh Đồng Tháp bao giờ đâu ? Tôi chỉ đi nhiều lần xuống Sa Đéc, Cao Lãnh ở phía Nam tỉnh này để du lịch, thăm Mộ cụ Phó Bảng Sắc (thân sinh Bác Hồ). Rồi đi chơi Long Xuyên, Châu Đốc vài lần và đường xá tương đối tốt. Nay tò mò đi cùng ông Chính một chuyến cho biết huyện Tháp Mười và căn cứ địa chống Pháp của 2 ông Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều xưa ra sao ? Và di tích đền thờ 2 anh hùng này như thế nào ?
Lúc đó là 8 giờ 30’, trời âm u và có giọt mưa nhỏ bắt đầu. Hai anh em ngồi xe đi trong mưa gió, trên một đường liên tỉnh (tỉnh lộ) có các đoạn rất xấu. Loay hoay bị lạc lối, nhầm đường đi vào rồi hỏi thăm, biết sai đường, lại quay xe ra. Phải khen ông Chính lái xe rất vững tay, chịu khó và kiên trì. Thú thật, lúc đi lạc đường và đường xấu, hẹp, hoang vắng; tôi muốn quay về vì hoang mang ! Nhưng nể ô. Chính đành nhắm mắt để ông ấy đèo đi đâu cũng được. Sau khi chọn đúng con “đường tỉnh 865” để đi, là đường đất trải đá và nhựa thô sơ, đoạn đầu khá bằng phẳng. Hai bên đường là hàng cây và lũy tre mọc xanh ngắt. Con đường chỉ hẹp chừng 4 mét, chạy thẳng tắp, song song với 1 con kinh đào rộng chừng 50- 60m (có chỗ hẹp độ 30m), rất dài có tên là Kinh Nguyễn Văn Tiếp và Kinh Tháp Mười (sau xem bản đồ mới rõ tên), nối từ sông Vàm Cỏ ở Long An qua Tiền Giang đến tận thị trấn Mỹ An của huyện Tháp Mười, nối với nhiều kinh đào nhỏ khác từ Đồng Tháp Mười đổ nước ra, chằng chịt. Không ngờ càng đi sâu vào đường liên tỉnh 865 đừơng càng xấu. Đường đá củ đậu lổn nhổn, mấp mô, xóc tung cả người và đau hông, đau mông người ngồi xe máy, xe đạp, dài 20 - 30km. Rồi tiếp đến đoạn đường trải cát trên bùn lầy, nhão nhoét, rất khó đi và tôi phải leo lên bờ lề đi bộ chừng 100m, để ông Chính lái xe một mình mới đi qua được vũng bùn lầy rất nguy hiểm. Sau đó, tôi mới lên xe cho ô. Chính đèo đi tiếp trong “gian nan, nản lòng”. Vì có thể nói ở nước Việt Nam hiện nay : “Con đường xấu, tệ hại nhất là đường 865 lối vào thị trấn Mỹ An, từ thị trấn Mỹ Phước đến xã Hậu Mỹ Bắc A, B là khủng khiếp nhất !!!”. Tôi hoảng hồn về con đường xấu ấy, ấn tượng mãi mãi. Dù biết, người ta đang và sẽ trải nhựa đẹp phẳng vào Mỹ An trong một vài năm nữa! Tính ra, từ Thị xã Tân An đến Mỹ An dài khoảng 80 km, mà chúng tôi ì-ạch phải mất 4 tiếng đồng hồ. Nghĩa là 20km trong 1 giờ, do đường xấu lắm ! Có 1 quãng chừng 20km đường đá gấp ghềnh, xe chỉ chạy độ 15km/giờ, còn hơn 1 km đường lầy lội bùn đi 8km/giờ.
Phải khen ông Chính là người rất nhiệt tâm, hiếm có và đúng là : “Cơm nhà, vác tù và hàng tổng” và “cơm nhà, việc Người”. Tuy ông gầy yếu, ở tuổi 58, lại phải đèo người gần 70 tuổi cao to nặng hơn 95kg. Vậy mà ông Chính vững tay lái, không cằn nhằn, cứ mím môi, gồng mình, nín thở đi ngả nghiêng xe qua các đoạn “sạn đạo” gập ghềnh. Cũng khen “con xe Đờ-Dim” của ông tốt quá, máy khỏe thật. May mà hôm trước, tôi khuyến cáo ông Chính thay cả lốp và xăm (vỏ ruột xe) sau bánh xe mới toanh, không thì không an tâm ở giữa đường thôn ấp vắng vẻ, lấy đâu chỗ vá xăm!
Ông Vũ Hiệp tại cổng Tam quan Khu đền thờ Thiên hộ Dương
Đến hơn 12 giờ trưa, chúng tôi đến thị trấn Mỹ An thì bắt đầu có đường nhựa phẳng lì, đen nhánh. Trời đổ mưa to, bụng đói, sau 5 giờ lái xe trong tình trạng đường rất xấu, đầy ổ gà, ổ voi, khắp đường, xấp nước bùn, luôn phải lái tránh vòng vèo, thấy có quán cháo cá lóc miền Tây (tức cá chuối) chúng tôi ghé xe vào ăn, vừa trú mưa tầm tã của khu Đồng Tháp rộng, giữa mùa nước nổi quanh con đường và thị trấn Mỹ An (như 1 chợ huyện miền Bắc) là nước mênh mông.
Ông Vũ Hữu Chính đền thờ Thiên hộ Dương
Ăn xong, hơn 1 tiếng đồng hồ, trời vẫn mưa to không ngớt ! Ông Chính nóng ruột bảo tôi cứ lên xe đi dưới mưa cho xong, còn về vì đã gần 2 giờ chiều. Chúng tôi đi theo đường nhựa đẹp, mà bảng hướng dẫn ở Mỹ An, cho biết là còn 11km nữa mới đến di tích đền thờ anh hùng Võ Duy Dương và Nguyễn Tấn Kiều. Sau 15 phút chạy xe thì đến khu rừng phòng hộ quốc gia, toàn cây đước và cây tràm um tùm ở phía trước. Hai bên đường là đồng lầy Tháp Mười rộng đến vài ngàn hectares, mênh mông, bát ngát là nước nổi và cây đước. Không thấy một bóng chim trời, kể cả vịt trời. Thậm chí không có cả chim rừng, chim sáo, quạ ... Có lẽ không phải đất sống của loài thủy cầm hoang dã? Nghe nói phải đi vào Tam Nông cách đó 50km nữa mới đến Tràm Chim và nơi hàng năm có đàn sếu đầu đỏ cao một mét tập trung ăn củ năn và tôm tép, cá nhỏ, ếch nhái ở giữa cánh rừng hoang sơ um tùm, có đồng cỏ ngập nước ... được Hội bảo vệ chim hoang dã quốc tế bảo trợ.
Chúng tôi đi qua cổng lưỡi thép và là “cổng rừng phòng hộ” có người canh gác. Đi thêm 800 mét đường nhựa thì thấy có 1 ngôi chùa, cạnh chùa phía trong là di tích đền thờ hai ông Thiên Hộ và Đốc Binh ở 1 khuôn viên chừng 5.000 m2, có sân gạch tráng xi măng. Ngoài là 1 cổng Tam quan đơn giản, có tường gạch bao bọc mặt trước, lớn bằng ngôi chùa liền bên cạnh đó. Cũng có mái ngói cong.
Giữa sân có 1 tượng đài đúc bêtông hình 2 ông chỉ tay, vung gươm ra phía trước biểu lộ chống quân cướp nước. Tượng 2 anh hùng này gắn ở trên bệ cao độ 50cm. Hai tượng sơn màu trắng, phía sau là hình tầu lá dừa nước, ý nói 2 ông chiến đấu trong vùng có cây dừa nước. Nhưng người thiết kế tượng không để ý, cây dừa nước chỉ mọc ở vùng ven sông, rạch gần cửa sông khu vực gần biển, chứ Đồng Tháp chỉ có cây tràm, cây đước thôi! Làm gì có dừa nước? Hơn nữa, tượng 2 ông tướng đúc bêtông cao 1m80, có tính chất ước lệ không phải là tượng chân dung, có góc cạnh như lối ấn tượng điêu khắc. Rõ ràng không mỹ thuật. Hơn nữa tượng hai ông quá nhỏ so với khuôn viên sân đền thờ quá lớn, nên không cân đối. Chỉ có đền thờ là đẹp, mộc mạc. Theo ông Phó ban quản lý ở đó cho biết : phần hậu cung (nơi thờ chính) là do chế độ cũ xây kiên cố bằng gạch, gỗ, mái ngói. rộng chừng 6m x 10m. Còn nhà bái đường to hơn rộng đều 4 cạnh 12 x 12m là chính quyền cách mạng xây thêm sau. Có cửa gỗ chạm khắc đẹp, màu nâu đen.
Trong hậu cung có bàn thờ bày biện trang nghiêm, đơn giản, không sơn son thiếp vàng, toàn màu nâu, sơn vàng. Trong cùng và trên kệ cao, có bài vị tên hai ông, chữ quốc - ngữ nét viết kiểu chữ “giả triện”. Dưới là đồ thờ “tam sự) và tượng bán thân 2 anh hùng chống giặc Tây, kích thước chừng 60 x 70cm, màu nâu. Không rõ là đúc đồng hay thạch cao đúc khuôn, hoặc là bêtông đá? Tất nhiên là “tiếu tượng” (tượng mô phỏng người) theo óc sáng tạo của người điêu khắc, chứ ai biết mặt hai ông sống cách nay trên 140 năm trước ? Tượng bán thân (chỉ có từ ngực vai trở lên), bên trái người đứng lễ nhìn vào là tượng ông Thiên Hộ Dương và bên phải là ông Đốc Binh Kiều. Có một bát nhang lớn và 1 cái lư hương. Lại có cái chuông, ai vào làm lễ thì người thủ từ đánh chuông từng tiếng như lối chuông chùa. Chúng tôi đứng lễ dâng hương như nhiều du khách và góp chút tiền vào “thùng công đức” ở trước bàn thờ ngoài bằng gỗ (cao 1m5). Hai bên gian Đại Bái phía ngoài thông thoáng rộng có nhiều cột gỗ tròn to (đường kính trên 33cm) sơn nâu đen thẫm. Mặt tiền gian nhà Đại Bái có 3 cửa lớn, gỗ, bông sắt khá mỹ thuật. Phía cuối gian nhà này, 2 bên tường nhìn ra ngoài (giữa là lối vào Hậu cung rộng 4 - 5cm) có 2 bàn thờ, cũng có bát nhang, mỗi bên thờ 1 ông. Và đặc biệt trên vách sơn nâu có 2 bài thơ Đường luật (8 câu, 7 chữ) ca ngợi công lao và sự nghiệp 2 ông chết vì tổ quốc mà oanh liệt. Nét chữ quốc ngữ rõ ràng to chừng 5 - 7 cm mỗi chữ và sơn màu “vàng nhũ”. Đền thờ có nhiều câu đối chữ quốc ngữ, nội dung tôn vinh 2 vị anh hùng này. Không hề có 1 chữ hán nào vì 50 năm qua và 20 năm gần đây, còn mấy ai biết chữ Hán mà treo. Đúng là văn hóa Đình, Chùa, Đền, Miếu Nam Bộ đã cách tân theo thời mới toàn chữ quốc ngữ, viết giả chữ Nho cũng kiểu cách. Giống như ở Văn Miếu Trấn Biên ở Biên Hòa to đẹp theo lối cung điện Tàu nhà Minh và Thanh, cũng toàn câu đối quốc ngữ. Sau khi lễ và tham quan, chúng tôi ngồi hỏi chuyện ông Phó Ban di tích, có hiểu biết, tuổi 70, để biết thêm về nơi tưởng niệm này. Ông cho biết, một 2 năm nữa, chính quyền tỉnh Đồng Tháp sẽ cho xây phía ngoài chùa, cách chừng 200m, một cái Tháp 10 tầng, để phục chế “tháp mười xưa”. Nơi 2 anh hùng chống Pháp một thời. Đặc điểm, ở sân sau tượng 2 ông có 1 bàn thờ lộ thiên nhỏ ghi 2 chữ quốc ngữ : “THẦN NÔNG”. Theo ông phó ban di tích, nơi đây từ xưa còn thờ thần nông nghiệp theo phong tục dân gian địa phương. Ở phía sau ngôi đền, có ngôi mộ ông Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều đã oanh liệt tử trận chống Pháp năm 1866. Được binh sĩ dưới quyền chôn ông ở đó. Không có mộ ông Võ Duy Dương, vì ông đã chạy thoát vòng vây Pháp. Theo truyền ngôn, ông trốn ra cửa biển, đi thuyền về Bình Thuận và sau đó mất tích ? Ngày sau, nhiều kẻ lợi dụng oai danh ông, mạo nhận là con cháu và hư cấu, bịa đặt về đời tư của ông! Nơi đây, người ta chỉ có công nhận quê hương ông Thiên Hộ Võ Duy Dương ở tỉnh Bình Định. Hậu vệ của Ngài Võ Duy Dương đã cung tiến một số câu đối thờ chữ quốc ngữ va xin được liên lạc tâm linh thờ phụng ông. Ban di tích Đền thờ ở Gò Tháp nơi đây, không công nhận một số người ở Quảng Ngãi là hậu duệ Ngài Thiên Hộ. Chúng tôi đã ra Phú Vinh, thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành khảo sát (theo cụ Vũ Khiêu yêu cầu). Không có một chứng cớ nào liên quan giữa anh hùng Võ Duy Dương với ông cố Võ Quá, Võ Sắc của gia tộc này. Thậm chí, không giây mơ rễ má “huyết thống gì với cụ Hộ Đốc Cử Nhân Võ Duy Ninh (1804 - 1859). Người tử tiết với thành Gia Định-SàiGòn, khi Tây đánh đồn Chí Hòa năm 1859, quê ở Quảng Ngãi vì chúng tôi ở ngay tại gia đình họ Võ tự nhận là dòng dõi cụ Thiên Hộ Dương một tuần lễ đi khảo sát nhiều làng xã có họ Võ tại 6 huyện của Quảng Ngãi. Nơi có vài chục chi phái họ Võ từ 6 đến 18, 19 đời có gia phả, từ đường chứng minh. Đã có bài báo cáo du khảo Quảng Ngãi đọc ở buổi họp Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ TP/HCM mở rộng tháng 8/2007 tại Sài Gòn khá đầy đủ rồi.
Nhân đây, xin thưa lại với cụ Vũ Khiêu, việc cụ nhờ chúng tôi ra Quảng Ngãi đã khảo sát xong từ lâu. Chuyện đó hoàn hảo là tưởng tượng và hư cấu tình tiết phả hệ! Dù người ta đón tiếp nhóm chúng tôi nồng hậu, ân cần, tình cảm, khi đi khảo sát. Nhưng sự thật là sự thật, không thể ngụy tạo được! Nhất là tiểu sử, sự nghiệp anh hùng Võ Duy Dương, mà hôm nay chúng tôi đi Đồng Tháp Mười. Càng thấy rõ ông Thiên Hộ Dương được nơi đây ghi nhận gốc người Bình Định (đã có một vị họ Võ hứa sẽ tài trợ nhóm nghiên cứu gia phả chúng tôi đi ra Bình Định và Thừa Thiên Huế du khảo vào năm tới).
Thiên Hộ là một chức tước danh dự do Vua ban cho ai có công đóng góp công lao với triều đình. Nghĩa là trên danh nghĩa được thu thuế, ăn lộc Nước trong một ngàn nhà. Cũng giống triều đình xưa ban cho thường dân góp quỹ cứu đói, thiên tai, hạn hán, được tước “Bá Hộ” (trăm nhà) như Cửu phẩm, Bát phẩm Bá Hộ. Thật ra là hư danh, có tính chất tưởng thưởng bằng sắc Vua phong. Còn theo Quốc Sử ông Võ Duy Dương chiêu mộ được hơn một ngàn nghĩa quân đánh Pháp xâm lược, bằng tiền bạc của ông bỏ ra, cùng xương máu. Vua Tự Đức cảm kích nghĩa cử của ông Võ là hào kiệt, đã phong cho ông chức tước “Thiên Hộ” để khích lệ ông? Bởi ông là dân quân khởi nghĩa, không theo lệnh triều đình và không thuộc binh lực chính quy của Bộ Binh. Nên không hề có chức danh: Đại Soái hay Đức ông và Nguyên Soái nào để gọi ông.
- Tháng 4/1866, quân Pháp tấn công căn cứ Tháp Mười ác liệt. Quân của ông đã rút lui về Cai Lậy, chạy qua Cao Lãnh, rút về Vàm Cỏ Tây. Tại đây, ông Võ Duy Dương bị bệnh thương hàn do gian khổ và qua đời ở đó! Dân địa phương đã thương tiếc Ông có câu ca rằng :
“Chiều chiều mây giục gió vần” NXB.VHTT/1993
“Cảm thương Thiên Hộ xã thân cứu đời” (trang 381 - 382)
(xem sách Những nhân vật nổi tiếng trong LSVN)
Nhiều tư liệu viết về Thiên Hộ Dương trước đây cho biết : Ông họ Võ quê ở Bình Định, theo ông Trương Định (1820 - 1864) đánh pháp năm 1859 - 1864. Võ Duy Dương sinh năm 1827, là người có chí khí yêu nước và có sức khỏe võ nghệ hơn nhiều người. Năm 1861, Trương Định phất cờ khởi nghĩa ở Gò Công, ông theo thủ lãnh họ Trương tham gia đánh Pháp. Năm 1864, Trương Định hi sinh vì nước, ông Thiên Hộ đứng ra lập căn cứ ở vùng Bằng Lăng, Mỹ An, lấy vùng đầm lầy Đồng Tháp Mười làm Tổng hành dinh. Tại đây, ông áp dụng nhiều chiến thuật du kích và mưu mẹo dân gian độc đáo giết được nhiều giặc Pháp và tay sai. Nổi tiếng oai hùng là 2 trận đánh đồn Tây ở Mỹ Trà, Mỹ Quý (Sa Đéc và Tiền Giang). Cuối cùng, lực lượng không cân xứng, ông thất bại, rút lui và mất vì bệnh nặng. Thọ có 40 tuổi (1827 - 1866).
Như thế, không có huyền hoại như một số người gần đây bịa đặt ra rằng : “Ông bỏ chạy ra Bình Thuận, rồi về Bình Định, trốn ra Quảng Ngãi, lấy thêm vợ, sinh con trai, gửi ra Nghệ An nhờ người nuôi ... Và sống thọ đến 97 tuổi, mất năm Quí Hợi 1923? Đó là câu chuyện hoang tưởng. Mà ngành khoa học lịch sử xác định : Võ Duy Dương là một anh hùng chống Pháp, là thủ lĩnh nông dân, mộ được ngàn quân theo Trương Định đánh Tây ở Mỹ An - Đồng Tháp Mười, cùng Đốc Binh Nguyễn Tấn Kiều. Vì thế được ông Trương Định phong cho chức THIÊN HỘ. Ông mất vì bệnh trong rừng vùng Vàm Cỏ Tây năm 1866, như nhiều người đã khảo cứu trước đây từng nghiên cứu và viết sách báo rồi. Một trong các tư liệu đáng tin của cố học giả Nguyễn Hiến Lê (đọc tư liệu : “Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười”, trang 47 - 67) làm cho độc giả đời nay khâm phục Võ Duy Dương là một thủ lãnh anh hùng nông dân có tài đánh du kích. Vì Nguyễn Hiến Lê tham khảo cả sách Pháp viết về chiến công của Thiên Hộ Dương, cùng sách sử Việt và tư liệu dân gian vùng Đồng Tháp cách đây gần 60 năm. Ông Nguyễn Hiến Lê kết luận: “Ông Thiên Hộ sau trận đánh cuối cùng ở Đồng Tháp Mười, có lẽ Võ Duy Dương đã ngã bệnh và chết”.
Khoảng gần 15 giờ chiều, trời vẫn đầy mây đen, còn mưa lất phất. Ông Chính đã chụp được cả ngoài lẫn trong đền thờ khoảng 20 kiểu ảnh di tích này. Ông và tôi chào từ biệt ông Phó ban quản lý lên xe chở nhau về Sài Gòn trong mưa gió. Sau nhiều chặng nghỉ cho bớt mệt vì ngồi xe trên đường xấu suốt 14 tiếng đồng hồ. Mãi đến 20 giờ 30 mới về đến thành phố tổng cộng 300km. Chúng tôi nhớ mãi chuyến đi này.
Bài::Vũ Hiệp ghi lại
Ảnh: Vũ Hữu Chính