BAN NGHIÊN CỨU LỊCH SỬ VÀ GIA PHẢ DÒNG HỌ
THÔNG BÁO
VỀ CUỘC ĐIỀN DÃ KHẢO SÁT ĐỢT 3 (16/06/2017)
Ở THÔN TRẠCH XÁ, XÃ TÂN HỒNG, HUYỆN BÌNH GIANG, - HẢI DƯƠNG
Ngày 16 tháng 6 năm 2017, đoàn công tác của Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội đã về làng Trạch Xá, xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương điền dã khảo sát các di tích và cổ thư tịch liên quan nhân vật Vũ Hồn (Hán tự “Hồn” 魂trong “linh hồn”, chứ không phải chữ “Hồn” 浑 trong tên Kinh lược sứ Vũ Hồn, có nghĩa khác: “hồn hậu”.
Đoàn gồm:
1. - Kỹ sư Vũ Mạnh Hà, Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội, Trưởng đoàn.
2. - Nhà giáo Vũ Thế Khôi, Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội kiêm Trưởng Ban Nghiên cứu lịch sử và gia phả dòng họ, Trưởng nhóm khảo sát.
3. - Ông Vũ Xuân Kiên, Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội, thành viên nhóm khảo sát, phụ trách ghi hình tư liệu.
4. - Bà Nguyễn Thị Giang, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hà Tây, thành viên nhóm khảo sát.
5. - Bà Vũ Thị Xu, nguyên Trưởng phòng Quản lý văn hóa Hà Tây, thành viên nhóm khảo sát.
6. - Ông Vũ Đình Dậu, Ủy viên Thường vụ Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội kiêm Chủ tịch Cộng đồng Vũ - Võ quận Hoàng Mai Hà Nội, thành viên nhóm khảo sát, phụ trách ghi hình tư liệu.
- Đoàn có mời Thượng tọa Thích Tâm Hiệp làm chuyên gia tư vấn.
- Đoàn đã được ông Dương Hữu Việt, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn và cụ Dương Hùng Phong, đại diện Chi hội người cao tuổi Trạch Xá đón tiếp và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công việc khảo sát.
Tiến trình công tác:
1. - Tại Thư viện thôn Trạch Xá, đoàn đã khảo sát kỹ lưỡng 06 đạo Sắc phong ban cấp cho Thành hoàng làng Trạch xá; sao chụp các Sắc phong ấy và Thần tích làm tư liệu để tiếp tục nghiên cứu.
2. - Tham quan và khảo sát đình Trạch Xá, thờ Thành hoàng Vũ Hồn, được xếp hạng Di tích Quốc gia ngày 19 - 01 - 2001.
3. - Tham quan và khảo sát Nghè Trạch Xá, tương truyền từng là nơi dạy học của đức Thành hoàng Vũ Hồn.
Kết quả sơ bộ:
1. Tại đình Trạch Xá, đoàn phát hiện một số cổ vật, như: chân cột bằng phiến đá tròn viền hoa văn cánh sen, chân bệ thờ bằng đá hình chim Garuda (motip mĩ thuật Chăm) quỳ đội bệ - chất liệu, hình dáng và hoa văn đặc trưng mỹ thuật đời Trần (TK XIII-XIV). Như vậy, niên đại của các cổ vật này kế cận thời điểm thiên cư Hải Dương của người con trai thứ 3 “sinh Vũ Hồn 魂” (thuộc dòng họ thiền sư Vũ Huệ Trì ở Hành Cung Trang, đồ đệ của Lý triều Quốc sư Không Lộ, TK XI-XII).
2. Theo các cụ cao niên làng Trạch Xá cho biết, mấy cổ vật này vốn từ chùa Chua (xứ đồng Chua) xưa kia, nơi có Nghè dạy học, chuyển về dựng đình vào TK XVIII, vì chùa đã hoang phế từ lâu. Tại vị trí này, nay còn một miếu thờ nhỏ xây bằng gạch, kiến trúc cuối TK XIX - đầu XX, vẫn gọi là Nghè, kỷ niệm nơi cụ Vũ Hồn 魂 ngồi dạy học; cạnh đó, trên nền chùa xưa đang dựng ngôi chùa mới, khá bề thế.
3. Sắc phong Sớm nhất ở Trạch Xá là Sắc phong Tự Đức năm thứ 8, tức năm 1853 (trong khi ở Mộ Trạch Sắc phong sớm nhất có niên đại Cảnh Hưng nguyên niên, tức 1740) không có duệ hiệu “Lâu Đài cư sĩ” thường trực trên các Sắc phong ban cho Vũ Hồn 浑 Thành hoàng làng Mộ Trạch. Sắc này cũng cho biết từ đây (1853) vị Thần thờ ở đình Trạch Xá mới được chính thức phong tặng làm “Bản cảnh Thành hoàng”. Kết hợp với mục 2. trên đây, Sắc phong này, một văn bản quốc gia chính thức, là căn cứ tin cậy cho phép có thể xác định rằng: vị Thần từ xưa dân Trạch Xá tôn thờ đến thời điểm 1853, là thiền sư - nhà giáo Vũ Hồn 魂, chứ không phải Kinh lược sứ Vũ Hồn 浑 .
4. Củng cố thêm kết luận này là chỉ ở đình Trạch Xá có vế đối dùng thuật ngữ nhà Phật “liên hoa” ám chỉ nghiệp gia truyền của vị Thành hoàng Trạch Xá là: “Liên hoa giảng học tại một thế” (Nhà sư dạy học suốt một đời), trong khi ở đình và miếu Mộ Trạch thờ Kinh lược sứ Vũ Hồn 浑 rất nhiều câu đối cổ, nhưng không có câu nào có ý đó.
5. Chỉ từ Sắc phong Tự Đức thứ 11 (1858) ban cấp cho vị Thành hoàng làng Trạch Xá về sau mới xuất hiện duệ hiệu “Lâu Đài cư sĩ” và các mĩ tự ban phong cho vị Thành hoàng làng Trạch Xá mới trùng khớp với các mĩ tự ban phong cho vị Lâu Đài cư sĩ Thành hoàng làng Mộ Trạch. Bản Thần tích Trạch Xá được biên soạn cùng thời gian này, bởi vì về tổng Thì Cử có lời chú “Kim Tuyển Cử”, tức là văn bản Thần tích này xuất hiện sau lệnh kỵ húy vua Tự Đức (một tên húy là Phúc Thì), sớm nhất sau 1848 (năm Phúc Thì lên ngôi) và muộn nhất trước 1853 (Sắc phong đầu tiên ban tặng vị Thần được dân Trạch Xá tôn thờ từ xưa, chính thức lên ngôi vị Bản cảnh Thành hoàng). Bản Thần tích muộn này đã đồng nhất vị Thành hoàng Trạch Xá với Thành hoàng Mộ Trạch An Nam Đô hộ sứ (theo sử Trung Quốc và Việt Nam chỉ là Kinh lược sứ) Vũ Hồn 浑 . Rất có thể, lí do đồng nhất là vào thời Tự Đức (trước 1859: trong văn bản tộc phả có nhắc tới sắc phong Tự Đức năm thứ 11, tức 1858, dẫu ghi nhầm thành Tự Đức năm thứ 12 = 1859) bản Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích, biên soạn xong từ năm 1769, được hợp biên mới, đầy đủ hơn, theo trào lưu “tập đại thành” dưới triều Tự Đức, trở nên nổi tiếng cùng sự hình thành cái “thuyết” An Nam Kinh lược sứ Vũ Hồn 浑 là Thủy tổ của mọi dòng họ Vũ Việt Nam.
6. Sự đồng nhất này còn thể hiện ở vế thứ nhất của câu đối đã nói ở mục 4. Toàn bộ câu đối này hiện treo ở đình Trạch Xá, như sau:
Đào quả trình tường xuất thí niên, Đế trọng toàn tài
tầm mệnh An Nam Đô hộ sứ;
Liên hoa giảng học tại một thế, dân tư hậu đức
tăng cao Trạch Xá tối linh từ.
(Là sĩ tử đi thi chỉ dự một năm, Vua trọng tài cao,
lệnh làm An Nam Đô hộ sứ;
Thành nhà sư dạy học suốt cả một đời, dân nhớ đức dày,
xây cao Trạch Xá tối linh từ.)
7. Có 2 điều cần lưu ý là: 1) niên đại Vũ Hồn 魂 làng Trạch Xá (khoảng TK XII) tiếp cận niên đại Thủy tổ Vũ Mâu của bà Vũ Thị Tất Giới, phu nhân của Vũ Nhữ Mai thuộc phả hệ họ Vũ làng Mộ Trạch: Quản giáp Vũ Mâu trên Tăng thống Vũ Nạp, Khởi tổ họ Vũ làng Mộ Trạch, 2 đời. Bản thân Tăng thống Vũ Nạp, tuy phả không ghi năm sinh, năm mất, nhưng có thể tính ra ông phải là nhân vật giữa TK XIII vì sinh ra Vũ Nghiêu Tá và Vũ Hán Bi, cùng đỗ đại khoa năm Giáp Thìn 1304 (TS Vũ Tông Phan: Đường An văn chỉ bi, 1844). Từ đó có thể suy ra Vũ Mâu thuộc thế hệ cuối TK XII - đầu TK XIII. 2) Vũ Nạp là nhà sư, do có 2 con Nghiêu Tá và Hán Bị đỗ cao quan lớn nên được ấm phong Tăng thống, vậy có liên quan gì với nhà sư Vũ Hồn 魂 Trạch Xá thuộc dòng thiền sư Vũ Huệ Trì ở Hành Cung trang (nay là Hành Thiện), Nam Định.
Kiến nghị:
Cần tiếp tục điền dã khảo sát các di tích và cổ thư tịch (kể cả) gia phả các dòng họ Vũ, Vũ - Dương và Dương - Vũ ở Trạch Xá, mối quan hệ của Trạch Xá với Mộ Trạch - Hải Dương và Hành Thiện - Nam Định. Để đi đến những kết luận cuối cùng, cần tổ chức những cuộc hội thảo tập hợp rộng rãi các nhà khoa học trong/ngoài tộc.
Hà Nội, ngày 15/08/2017
Trưởng đoàn điền dã khảo sát
Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội
Kỹ sư Vũ Mạnh Hà
Trưởng nhóm khảo sát
Phó Chủ tịch Cộng đồng họ Vũ - Võ Thủ đô Hà Nội
Kiêm Trưởng Ban nghiên cứu lịch sử dòng họ và gia phả
Nhà giáo Ưu tú Vũ Thế Khôi
Một số hình ảnh chuyến khảo sát điền dã:
Đại diện đoàn khảo sát điền dã phát biểu
Đại diện lãnh đạo thôn Trạch Xá phát biểu
Đại diện Hội người cao tuổi thôn Trạch Xá phát biểu
Các sắc phong hiện lưu giữ tại làng Trạch Xá
Tượng Đức Thần Tổ Vũ Hồn - Thành hoàng làng Trạch Xá an vị tại đình Trạch Xá
Đoàn dâng hương tại đình làng Trạch Xá
Đoàn khảo sát, tìm hiểu các hiện vật tại đình
Cột đá hoa văn thể hiện niên đại thời nhà Trần
Bia ký tại đình làng Trạch Xá
Chuông cổ
Chân sập đá hoa văn thể hiện niên đại nhà Trần
Đoàn chụp ảnh lưu niệm tại đình Trạch Xá
Đoàn dâng hương và khảo cứu đền Nghè Trạch Xá - nơi Đức Thần Tổ Vũ Hồn dạy học
www.hovuvovietnam.com