Đại Đồng, Yên Bình vốn là Lỵ sở trấn Tuyên Quang thời Lê Trung hưng, nơi đây cũng là Phủ thành An Tây Vương của Chúa Bầu Gia Quốc Công Vũ Công Mật. Ngày nay, những thành quách, đền đài miếu mạo thờ các Chúa đã chìm sâu dưới lòng hồ thủy điện Thác Bà mênh mông… May thay trên mảnh đất này vẫn còn lại một ngôi đền thờ Nhà Chúa.
Tại Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái, ngay ngã tư nơi quốc lộ 70 cắt ngang con đường tỉnh lộ từ Bến cảng Hồ Thác Bà ra ga Văn Phú, có một quả gò nhô cao hơn những quả gò khác ở chung quanh, nhân dân ở đây (Tổ 14A) xưa nay vẫn quen gọi là Gò Đền. Gọi là Gò Đền bởi vì trên đỉnh gò có một ngôi đền rất thiêng, không ai dám lai vãng hoặc xâm phạm, bởi đã có lần người dân dưới chân gò mang đồ vật của đền về nhà mà xẩy ra tai họa. Ngày nay đi làm đồi rừng người ta cũng có đôi lần bắt gặp đôi rắn mào đỏ về chầu quanh bát hương.
Ngôi đền không biết có từ bao giờ, nhưng ngày nay phế tích chỉ còn lại 7 tảng đá kê chân cột và một bát hương. Các tảng đá có kích thước không đều nhau, hòn lớn cỡ 50x40x15cm, hòn nhỏ cỡ 40x40x10cm và những hòn nhỏ hơn có dạng hơi tròn. Trong số đó 4 hòn tảng lớn, trên mặt đều khoét rãnh lòng máng chạy vòng quanh làm nổi mặt tròn ở giữa để đặt chân cột, đường kính khoảng 25cm.
Cụ Lương Bá Tục, nay đã tuổi ngoài 80, thuộc đời thứ 5 của họ Lương từ Đông Lý (một xã nằm bên con ngòi Ho, qua xã Diên Gia nơi có Thành Bầu Việt Tĩnh) ra ở đây đã lâu – người hồi trẻ đã từng giúp việc cho cụ thủ nhang của ngôi đền. Cụ cho biết: xưa kia nơi đây là Làng Thân, xã Ký Mã, Châu Thu, trên đỉnh gò cao có một ngôi đền nhìn xuống một khe nước, chung quanh cây cối rậm rạp. Đền có 2 gian cột gỗ lợp lá. Gian trong là hậu cung có hương án đặt bài vị và bát hương, gian ngoài là tiền tế. Ngày tuần tiết dân làng vẫn hương khói lễ cầu. Vào dịp tháng tám hàng năm dân làng vào hội, có tục rước bài vị từ đền xuống đình làng dâng lễ vật, cúng tế rất đông vui. Lúc đó tuy còn ít tuổi, nhưng cụ vẫn nhớ, trong lúc hành lễ, ông chủ tế đọc sớ, xướng mời thần linh chư vị tứ phương, chư vị Đại vương, Quốc công tướng lĩnh xưa về…
Sau này khi ông từ mất, không có ai trông coi, hương khói nhạt nhòa, ngôi đền trở nên hoang phế…và rồi nhân một lần người dân đốt nương, ngọn lửa đã cháy lan đến và thiêu rụi ngôi đền để lại phế tích như ngày nay. Trong ký ức của những người già ở đây bây giờ chỉ còn nhớ rằng Làng Thân có ngôi đền thiêng trên gò cao thờ ông Quốc Công.
Vào tháng 6/2013, cán bộ Ban Quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Yên Bái đã tới khảo sát di tích ngôi đền. Ngày 15/8/2014 UBND huyện Yên Bình đã có tờ trình “Đề nghị xếp hạng di tích Đền Làng Thân là Di tích LSVH cấp tỉnh”.
Theo “Đồng Khánh dư địa chí” thì : “Thu Châu do Phủ Yên Bình kiêm lý, có 8 tổng, 40 xã phường”. Xã Ký Mã giáp liền với xã Diên Gia ở mạn đông bắc, nơi có Thành Bầu Việt Tĩnh (dân vẫn quen gọi là Thành Bầu ở xã Văn Chính).
Theo “Đại Nam nhất thống chí” thì: “Thành cổ Việt Tĩnh ở địa phận xã Diên Gia, Châu Thu, do Vũ Văn Mật đắp”. Cũng theo sách trên thì: Vũ Văn Mật là người xã Ba Đông huyện Gia Phúc (nay là Gia Lộc) trấn Hải Dương, là em Vũ Văn Uyên. Hai anh em đều khỏe mạnh và có tài trí, lánh nhà Mạc lên ở xóm Khâu Bầu xã Đại Đồng trấn Tuyên Quang (nay thuộc huyện Yên Bình tỉnh Yên Bái), tá túc nương nhờ một phú hộ người địa phương và sau này được phú hộ gả con gái cho người em.
Thời ấy ở Đại Đồng tình hình rất lộn xộn. Thổ tù Châu Thu là kẻ tham tàn, gian ác, anh em Uyên, Mật bèn tập hợp đồ đảng rồi giết đi, sau đó ổn định tình hình dân chúng, chiếm giữ quyền cai quản địa phương này. Từ đây anh em Uyên, Mật cho xây thành, đắp lũy (Thành Việt Tĩnh, Thành Bạch, Thành Hoàng Loan), dương cờ “Phò Lê, Diệt Mạc”.
Để mở rộng vùng chiếm cứ, anh em Uyên. Mật đem quân ngược lên vùng thượng châu Lục Yên, xây Thành Nghị Lang, dựng doanh Ninh Bắc (nay là Phố Ràng huyện Bảo Yên, Lao Cai), xây dựng vùng hậu cứ để chống nhau với nhà Mạc.
Khi Vũ Văn Uyên mất, Vũ Văn Mật tiếp nối sự nghiệp. Vũ Văn Mật xây dựng Đại Đồng trở thành lỵ sở của trấn Tuyên Quang, xưng là Gia Quốc Công, cho người vào Thanh Hóa quy thuận nhà Lê, được Lê Trang Tông phong An Tây Vương, cho nối đời tập tước và quản trị đất Đại Đồng.
Anh em Uyên Mật dấy nghiệp ở đất Khâu Bầu, Đại Đồng nên dân chúng tôn xưng là Chúa Bầu, Chúa Vũ. Những thành quách do các ông xây dựng đều gọi là thành nhà Bầu.
Sau khi các Chúa Bầu mất dân chúng đã lập đền miếu thờ ở nhiều nơi. ở vùng Đại Đồng xưa có “Đại Đồng Vũ miếu”, “Đình lăng Đức Ông”, “Đình Cát Tường” thờ Vũ Văn Mật; “Đền Bà Loàn”, “Đình Đồng Phường” thờ các bà em ông Mật – nay đều đã chìm trong lòng hồ Thác Bà cùng với các ngôi thành kể trên.
Xã “Ký Mã”, theo nghĩa tên chữ của xã là “ngựa hay”/ “ngựa tốt”, đã là nơi cung cấp giống ngựa “tốt” cho đội quân kỵ của Chúa Bầu (?), vì theo như Lê Quý Đôn (trong “Kiến văn tiểu lục”) đã nói đến: “Trên bờ khe Đài Kỵ châu Lục Yên có núi Thần Áo Đen” mà tương truyền thì Bà Chúa Bầu Vũ Thị Ngọc Anh (hiện thờ ở đền Đại Cại, Lục Yên) là Phó tướng của Vũ Văn Mật, đã từ trên “Đài Kỵ” để thị sát quân kỵ luyện tập dưới “Trường Đua” nằm ngay ở cánh đồng thôn Đồng Cậu, dưới chân phía nam của núi Thần Áo Đen-nay vẫn còn dấu tích ở xã Tân Lĩnh huyện Lục Yên. Bởi vậy mà sau này dân làng Thân xã Ký Mã đã lập đền thờ Chúa Bầu Gia quốc Công ở một vị trí cao nhất trong làng để con cháu thờ cúng tôn vinh và tri ân Nhà Chúa đã đặt tên cho làng xã.
***
Ngôi đền từ thời Nguyễn đã được nhà vua ban sắc:
“Lệnh cho tổng Đại Đồng, phủ Yên Bình, tỉnh Tuyên Quang từ trước vốn thờ phụng:
“Tuấn Mại Cương Trung, Dực Bảo Trung Hưng, Gia Quốc Công” là công thần nhà Lê, đã được ban sắc phong: Trung Đẳng Thần chuẩn cho thờ phụng.
Nay nhân dịp “Đại lễ tấn quang Duy Tân Nguyên niên” lại ban chiếu báu, tỏ rõ ân điển, giữ nguyên thứ bậc, chuẩn cho thờ phụng như cũ để ghi nhớ ngày vui của Đất Nước và tỏ rõ điiển lễ. Hãy tuân theo.
Duy Tân năm thứ Ba ngày Mười một tháng Tám.
(Kỷ Dậu-1909)
Bản sớ văn đọc trong các dịp lễ lớn có đoạn :
‘’ Yên Bình phủ, Thu Châu, Đại Đồng tổng, Chánh tổng, từ nhân, Lý trưởng, Hương hào, kì cựu, xã dịch, đồng bản tổng đẳng cẩn dĩ…
Đại vương thánh tiền,
Đức chế tiền thủy tổ khai sáng Nghị Lang thành, Ninh Bắc quân doanh, Trưởng doanh Phó Đô tướng Thái úy, Hoàng triều vinh phong sắc: “Tuấn Mại Cương Trung cố Lê Công thần Gia Quốc Công Vũ Công Mật”, gia ban cấp sắc tặng: “Anh Phong Dực Bảo Trung hưng Trung Đẳng Thần, Tĩnh Tây Hồng Thánh Duệ Triết Anh Nghị Nghĩa Thuận…
…Kính thỉnh nội ngoại gia tiên, bá thúc huynh đệ, cô di tỷ muội ký vu; bản thổ, thổ công, táo quân, thổ địa đẳng thần, đồng lai giám cách. Cẩn cáo.
Ngày 16/11/2014 HĐDH Vũ - Võ Yên Bái và Chính quyền địa phương đã mời Thầy Địa lý về định vị ngôi đền để chuẩn bị lập dự án xây dựng lại ngôi Đền Làng Thân trong thời gian tới đây.
Vũ Dương
Chủ tịch HĐDH Vũ - Võ tỉnh Yên Bái
www.hovuvovietnam.com
|