Dù bị cụt bàn tay phải nhưng ông Vũ Minh Toán ở xã An Vĩ (huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã nỗ lực tự học, vươn lên vừa làm thợ giỏi, vừa làm thầy tài. Ông lại truyền nghề sửa chữa điện tử miễn phí cho nhiều người nên bà con trong vùng kính trọng, quý mến, gọi ông là “thầy Toán điện tử”.
Từ tai nạn rủi ro mất bàn tay phải…
Trong căn phòng vừa dạy học vừa sửa chữa chưa đầy 30m2, vật tư, linh kiện điện tử để kín nhà, người đàn ông gần 60 tuổi, phong thái điềm đạm, khoan thai đang cần mẫn dạy những học trò khuyết tật... Thấy tiếng chó sủa ngoài sân, ông ngoái đầu ra nói giọng trầm ấm, niềm nở: “Chú cứ để màn hình ở đó, vào nhà uống nước rồi mọi chuyện sẽ xong!”. Tôi định lấy phích nước, ông nhanh nhảu: “Em cứ ngồi đó, anh làm được, ai lại để khách pha chè”.
|
Thầy Vũ Minh Toán say sưa truyền nghề cho học trò khuyết tật.
|
Tôi chăm chú nhìn ông thao tác rất nhanh nhẹn, cánh tay phải ôm phích nước, tay trái lấy chè trong hộp, súc ấm… rồi tự mình rót nước mời khách. Trời lạnh giá, thỉnh thoảng ông cho cánh tay vào trong tay áo: “Chú thông cảm, phần tay phải còn lại mỗi khi trái gió, trở trời, thời tiết lạnh lại đau buốt, đôi khi cảm tưởng như dao cứa vào xương”.
Từ nhỏ, tôi đã nghe “thương hiệu” nổi tiếng về sửa chữa điện tử của thầy Toán trong vùng đất nhãn lồng. Tuổi thơ của Vũ Minh Toán suốt ngày lam lũ, ngoài thời gian đi học lại mải mê với ruộng đồng. Trong suốt thời gian học phổ thông, Vũ Minh Toán luôn là học sinh giỏi môn Vật lý. Thầy Toán nhớ lại kỷ niệm: “Đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ như in người thầy giáo đã gieo vào tâm hồn mình niềm đam mê Vật lý. Thầy Sắc là giáo viên dạy giỏi của Trường cấp 3 Khoái Châu. Khi tôi ra trường thì thầy xung phong đi bộ đội và hy sinh. Nếu không có thầy ấy, tôi cũng không có được như ngày hôm nay nên hằng năm cứ đến ngày giỗ, gia đình tôi đều làm lễ để tri ân thầy…”.
Tốt nghiệp cấp 3, năm 1970 chàng thanh niên được tuyển đi làm công nhân tại Xưởng phim Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội). Niềm vui lớn đối với Vũ Minh Toán “chưa tày gang” thì ông gặp phải tai nạn rủi ro… Nơi ở của anh em công nhân là một gian nhà lợp tạm, phòng ở có một bóng điện, không có công tắc nên mỗi tối đi làm về lại mò mẫm, lấy dây điện ngoắc vào cho đèn sáng. Mọi người bảo nhau cố tìm một cái gì đó về chế tạo làm công tắc để tiện sử dụng.
Một buổi sáng trên đường tới Xưởng phim, nhìn thấy một cục nhựa to bằng cái chén, nghĩ là làm công tắc được nên Vũ Minh Toán nhặt đặt vào cạnh đường, sợ người khác nhìn thấy nhặt mất, để buổi chiều mang về chế tạo thành công tắc điện. Ông Toán nhớ như in cái ngày định mệnh của mình: “Sau khi ăn cơm buổi chiều xong, một mình tôi cầm cục nhựa ra ngoài bờ ao rửa sạch.
“Lúc đó tôi nhìn thấy một chữ “П” tiếng Nga được in dưới đáy, cạnh đó có ít chì. Thấy vậy, tôi mới gõ nhẹ xuống một viên đá cạnh đó. Rồi một tiếng nổ đinh tai, như quả bom đánh giữa đầu. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm ở Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) và đã bị cưa mất gần hết cánh tay phải” ông Toán nghẹn ngào kể lại.
Cuối năm 1972, chàng trai khuyết tật trở về mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” và làm kế toán Hợp tác xã An Vĩ. Thời điểm đó, điều kiện kinh tế gặp rất nhiều khó khăn nên hai năm sau ông xin nghỉ để tập trung niềm đam mê với nghề sửa chữa điện tử. Vượt lên số phận, không thể bỏ phí tuổi thanh xuân, Vũ Minh Toán bắt đầu tự đi tìm sách về học nghề sửa chữa điện tử. Ngày đó sách viết về chuyên ngành kỹ thuật rất quý và hiếm, cả hiệu sách chỉ có duy nhất có quyển “Máy thu đổi tần” của tác giả Đoàn Nhân Lộ.
Thầy Toán nhớ lại kỷ niệm khi có được cuốn sách là “người thầy thứ hai” này: “Mỗi lần đến hiệu sách, tôi giúp cửa hàng sắp xếp lại sách theo thư mục. Chị bán sách thấy tôi say mê nghiên cứu nên cho mượn để đọc. Đến tận bây giờ, tôi chưa tìm thấy tài liệu nào được tác giả viết ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ thực hành. Đối với tôi, đó là cuốn cẩm nang vô cùng quý giá!”. Vũ Minh Toán cho tôi biết, sau này ông đã tặng lại cuốn sách đó cho người học trò - anh Phạm Văn Tuất (thương binh hạng 1/4 ) quê ở Kim Động, Hưng Yên. Đến nay, anh Tuất cũng là một thợ sửa chữa điện tử có tiếng ở huyện Kim Động.
… Đến chuyện lấy vợ, thành thợ và làm thầy
Với tố chất thông minh, hoạt bát nên chẳng mất nhiều thời gian Vũ Minh Toán đã có tiếng trong nghề sửa chữa điện tử. Chàng trai hơn 20 tuổi khuyết tật có rất nhiều cô gái yêu thầm, trộm nhớ. Mùa thu năm 1977, Vũ Minh Toán kết duyên với cô thôn nữ người cùng xã An Vĩ (chị Vũ Thị Tho). Họ đến với nhau bằng lễ cưới đơn giản nhưng đầy ắp tình cảm của gia đình, bà con làng xóm, họ hàng. Hạnh phúc vừa đến chưa tày gang, phần còn lại cánh tay phải lại bị rò xương nên mất thời gian dài chữa trị. Nhiều người khuyên nên đi cắt phần còn lại cánh tay để cho đỡ khổ, nhưng Vũ Minh Toán đã kiên trì điều trị và rồi cánh tay cũng lành bệnh.
Người xưa có câu: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay” quả không sai. Điều khó khăn nhất đối với Vũ Minh Toán trong quá trình tự học nghề là không có thầy giáo hướng dẫn. Tuy bị mất cánh tay phải nhưng Vũ Minh Toán không nản chí mà quyết tâm tự rèn luyện: Ban đầu tập viết tay trái; viết chữ đã khó khăn, kẻ mạch điện tử càng khó khăn hơn. Với tính bền bỉ, nhẫn nại, đam mê với nghề nên Vũ Minh Toán đã kiên trì tự vẽ, viết sơ đồ bằng tay trái; nhiều đêm say mê tìm hiểu về các vi mạch điện tử tới khi trời sáng. Đặc biệt vào mùa đông giá lạnh, cánh tay đau nhức, mỏi rã rời tưởng như không thể làm gì được; nhưng niềm đam mê nghề nghiệp đã giúp Vũ Minh Toán chiến thắng chính mình và trở thành người thợ sửa chữa điện tử có uy tín.
|
Thầy Vũ Minh Toán say sưa truyền nghề cho học trò khuyết tật.
|
Ngoài việc sửa chữa điện tử cho nhân dân trong huyện Khoái Châu, mỗi năm Vũ Minh Toán dạy từ 3 đến 7 em học sinh ôn luyện thi đại học. 100% các em được thầy Toán kèm cặp, hướng dẫn đều thi đỗ các trường cao đẳng, đại học. Một điều khiến tôi rất cảm phục đó là: Cả ba cô con gái của thầy đều tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Là một trong những học trò khuyết tật, anh Hoàng Văn Uyến, 40 tuổi - bị liệt hai chân đang theo học nghề sửa chữa điện tử, tự hào nói về thầy giáo của mình: “Tôi thật may mắn được thầy Toán truyền nghề. Trong đời mình chưa từng gặp người thầy giáo nào khéo tay, cẩn thận, tính tình hòa nhã, cởi mở, thân thiện, tâm huyết với học trò như thầy. Chúng tôi được thầy trang bị kiến thức cơ sở cơ bản về các vi mạch điện tử, sau đó thực hành sửa chữa nên sau thời gian 6 tháng tôi đã tự sửa chữa được nhiều đồ dùng điện tử”.
Gần 40 năm vừa làm thợ và làm thầy, Vũ Minh Toán đã dạy nghề cho 200 người. Nhiều người ở khu vực phía Bắc, như các tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Hải Dương, Quảng Ninh… đều có hoàn cảnh khó khăn nên ông không lấy tiền học phí và cho ở nhờ. Do cùng cảnh ngộ tật nguyền, khuyết tật nên thầy Toán rất thấu hiểu tâm lý của học trò. Ngoài thời gian học tập, thầy Toán thường chia sẻ, động viên những người cùng cảnh ngộ vượt lên số phận. Nhiều người có hoàn cảnh đặc biệt, không có điều kiện về nhà, gia đình nấu cơm miễn phí. Đáp lại công sức, tình cảm, sự nỗ lực của thầy, các lớp học trò đều trưởng thành. Thầy Toán không ngần ngại tâm sự: “Tôi rất mừng là đại đa số các em sau khi học nghề có việc làm ổn định và tự khẳng định uy tín trong nghề sửa chữa điện tử. Đó thực sự là niềm vui, thành quả lớn nhất vừa làm thợ vừa làm thầy”.
Ngoài tâm huyết với việc làm thầy giáo, ông Toán còn là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi. Nhiều đêm trời mưa, một mình ra cho cá ăn, chỉ lo những con cá giống không đủ nguồn dinh dưỡng. Nhiều hôm trời mưa tầm tã, vợ chồng, con cái gồng mình ra be bờ, đắp đập để không cho nước tràn vào ao cá. Với công sức của gia đình nên mỗi năm thu nhập từ nguồn trồng nhãn lồng, bưởi Diễn, chăn nuôi gia cầm, nuôi cá giống… được từ 70 triệu đến 80 triệu đồng, có năm được mùa lên tới tới 100 triệu đồng.
Tự hào về tấm gương điển hình Vũ Minh Toán, bà Vũ Hải Anh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Khoái Châu chia sẻ: “Dù bị cụt bàn tay phải nhưng thầy Toán đã nỗ lực tự học, vươn lên vừa làm thợ giỏi, vừa làm thầy tài. Ông lại truyền nghề sửa chữa điện tử miễn phí cho nhiều người nên bà con trong vùng kính trọng, quý mến, gọi ông là “thầy Toán điện tử”. Thầy là người có phương pháp sư phạm rất tốt, tính mô phạm cao; nhiệt huyết, đam mê với nghề, hết lòng vì học trò, tấm gương sáng về ý chí, nghị lực. Đồng thời, thầy là tấm gương điển hình về gia đình văn hóa mẫu mực, hiếu học của huyện nhà”.
Bài và ảnh: Nguyễn Kiên Thái (QĐND)