Năm 2010, chúng ta được chứng kiến sinh nhật tuổi 95 của Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu. Nhìn lại tất cả những gì ông đã làm cho đời, trong đó có những trước tác đồ sộ chúng ta đã không khỏi thán phục. Và hôm đó, chúng tôi rất kinh ngạc khi nghe ông tâm sự rằng sẽ làm việc thêm 5 năm nữa. Chưa hết, những ngày cuối năm này, gặp lại ông, chúng tôi kinh ngạc gấp bội phần vì ông còn dự định làm việc vượt qua tuổi 100 đến tận năm 110 tuổi.
Chỉ có trái tim, khối óc của một Anh hùng Lao động mới có thể lao động can trường, chiến thắng thời gian, chiến thắng cái hữu hạn của đời người như vậy.
Trong giấc mộng hoang đường nhất tuổi trẻ, tôi chưa lần nào dám mơ viết được lượng tác phẩm bằng phần nhỏ của ông, người từ lâu đã gây kinh ngạc bao người, chung niềm kính phục và ngưỡng mộ. Trí tuệ uyên bác, phẩm cách và tâm hồn giàu có ấy đang sống giản dị không ngờ, ở phía Tây thủ đô. Hai chú chó phốc sủa ran mỗi khi nhà có khách. Chúng “mất trật tự” nhiều, vì ngày nào cũng có ít nhất ngót chục người tìm gặp ông chủ.
Em hỏi anh lên mấy?
Anh đố lại em đấy
Em trả lời thông minh
Chúng ta cùng lên bảy
Từ đó đêm rồi đêm
Mỗi lần em đi ngủ
Có một bông huệ nhỏ
Đặt ở đầu giường em
Hôm ấy ngồi giữa sân
Đầy que và đầy lá
Anh làm nhà em ở
Em nấu cơm anh ăn...”.
|
Đoạn thơ trích trong bài Lên bảy (1937) về mối tình năm... 7 tuổi mà tác giả giờ đã 96 tuổi ta.
9 bậc cầu thang gỗ dẫn lên nhà, lối vào phòng khách, hai bên tường đầy tranh, câu đối tặng chủ nhà, dàn máy tính 2 cái cùng vài trăm cuốn sách, cuốn nào cũng dày, bìa cứng. Phòng ngủ - làm việc của GS Vũ Khiêu nhìn ra vườn - mái bằng căn hộ tầng trệt, khoảng xanh vườn treo lòa xòa hoa giấy, cây si, khế, mẫu đơn, ngâu và những giò lan. Sát mép hiên, lục bình cuộn lụa bạch, giấy dó.
Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh chúc sinh nhật GS Vũ Khiêu. Bìa phải là GS Hoàng Chương. Bìa trái là GS-TS Đỗ Hoài Nam (Viện trưởng Viện KHXHVN)
|
Cận cảnh bàn làm việc của người anh hùng tuổi 95
Muốn viết chân dung Vũ Khiêu của đời thường, lại gặp sự khác thường. GS Vũ Khiêu làm việc 14 tiếng/ ngày đều đặn. Số lượng tác phẩm, công trình ông viết, chủ biên, biên tập, cố vấn cho đến tuổi 95, đủ khiến những ai làm việc cật lực và hiệu suất nhất phải kính nể.
Mỗi đêm, ông chỉ ngủ tối đa 4 tiếng. “Không được ngủ nhiều, hơn 12h đêm ngả lưng, 4 giờ sáng dậy viết. Viết bằng đầu”. Cứ thế ông tư duy tới 7h. Bữa sáng là cốc sữa. “Hệ thống Vũ Khiêu” gồm 5 người trợ lý, 4 nữ, 1 nam. Họ làm việc đều đặn 8 giờ/ngày, GS đọc các loại văn bản cho họ ghi chép, đánh máy xong sẽ đưa ông xem lại. Văn tự của bậc thầy, câu chỉnh, trong sáng. Trưa và tối, Vũ Khiêu chỉ ăn được nửa bát cơm, không hơn. Và dùng đồ uống, thuốc bổ.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH VN, Viện trưởng Viện Xã hội học về hưu, còn làm cố vấn cho Viện tới 1996, tuổi 80 mới rời công sở. Nhà ông là “siêu văn phòng” với hiệu suất làm việc hơn một viện nghiên cứu.
Mỗi khi mệt, ông nằm một lát, rồi lại dậy, đọc cho nhân viên hay tự xem lại các sách sắp in. Sức lực đâu trong thể trạng ông cụ tuổi 95, chỉ 47kg, mà đọc, sửa hiệu đính trong vai trò Chủ tịch Hội đồng Tư vấn khoa học của bộ sách trăm cuốn do Thành ủy, UBND TP Hà Nội ấn hành. Sự uyên bác, trí nhớ siêu phàm, kiến văn sâu sắc của nhà Thăng Long học khiến ông như cái cây lớn lồng bóng mình vào cây lịch sử, để cho ra những bộ sách đồ sộ, bề thế về giáo dục, kinh tế, tôn giáo, trang phục, hàng hóa, lễ hội, công trình văn hóa, truyện kể dân gian, thần tích, văn chương đất thiêng này, từ thời Văn Lang - Âu Lạc, tới Lý Trần, Lê - Mạc, Lê, Trịnh, Nguyễn tới nay.
Gắn bó với Thăng Long từ 1935, dẫu không phải nơi sinh ra, song sự thấu hiểu, tôn trọng nó bằng tâm huyết của bậc trí giả, chí sĩ, con người đất thành Nam mang dòng dõi thi thư vẫn là yếu nhân rường cột của văn hiến Hà Nội và đất nước suốt thế kỷ 20 đến nay.
Trà nguội, lại pha cốc khác. Tập trung tâm trí, vắt não mà tuôn ý. Tại căn hộ 58m2, 4 phòng ở nhà N2, phố Vạn Bảo, ông không sống cùng con cháu, nhưng họ luôn qua lại thăm ông mỗi ngày. Kiên, thanh niên trẻ - “tiểu đồng” tháp tùng ông mỗi khi ra khỏi nhà, đi khắp nước, nấu bếp và ngủ giường xếp cạnh ông ban đêm. Kiên khiến cháu ruột của GS “phát ghen” vì được bên ông thường xuyên, nhiều kỷ niệm, dù không có huyết thống.
Sự độ lượng, nhân hậu của Vũ Khiêu cảm hóa vạn người. Họ tận tình với ông hơn ruột thịt, đáp lại tình ông dành cho họ. Bác Lan tuổi 60, suốt từ 1992 đến nay, người đàn bà quê gốc Hưng Yên ngày nào cũng đạp xe từ đường Trường Chinh đến làm việc nhà cho GS từ 9h đến 18h, việc nhà mình thuê ô sin (!). Con đã xong đại học, có nhà cho thuê, bác Lan vẫn tảo tần như chăm cha mình.
|
Tựa vào chiếc ghế massage bọc da màu vàng, tay vịn đã sờn, GS nhìn ra vườn qua khung cửa sổ. Bên trái ông, chiếc bàn gỗ có tượng đồng Hồ Xuân Hương của nhà điêu khắc Lê Công Thành tặng năm 1995, và điêu khắc gỗ mun hình người đàn bà của họa sĩ Lê Bá Đảng từ 10 năm trước, thần thái Vũ Khiêu như ông tiên. Nghệ sĩ đích thực, theo nghĩa sáng tạo, theo đuổi cái đẹp, không chỉ bởi ông là GS Triết học và Mỹ học, mà bởi tâm hồn, lối sống, các quan hệ của ông đa số là nghệ sĩ ở nhiều lĩnh vực. Ông là bạn, là thầy của nhiều người.
Ông đồ yêu cái Đẹp
Hàng trăm cuốn sách về Thăng Long đã phát hành. Hàng trăm bài phú, văn tế, văn bia, lao tâm khổ tứ ròng rã đêm trắng, ông không một lần lấy tiền công. Ông tặng chữ, tặng câu đối cho bạn bè, đặt tên cho nhiều đứa trẻ, những trường hợp đặc biệt bởi gia thế và cũng có thường dân như ông thợ cắt tóc, sửa đồng hồ. Số phận lớn, phẩm cách lớn, chu đáo từ điều nhỏ, với đồng loại bình thường nhất. Đó là tính cách nhất quán, tình người nơi ông, từ thuở tam thập nhi lập.
Chứng kiến nhân dân ta chết đói hơn 2 triệu người, Xuân 1945, trước cảnh đau khổ ấy, Vũ Khiêu viết Truy điệu những lương dân chết đói. Tiếp đến: Văn tế anh hùng liệt sĩ của Cách mạng tháng Tám (in báo Cứu quốc 8/9/1946, Tổng biên tập Xuân Thủy).
Đền thờ Ngô Quyền ở Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội), tới các đền miếu Thái Bình; Văn bia, đài liệt sĩ Hồng Bàng, Tây Ninh; Văn miếu Trấn Biên, Đồng Nai; Văn bia tưởng niệm Lý Thái Tổ ở Hoa Lư… cho đến Phù Đổng Thiên Vương phú, Chúc văn tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, Văn bia về Trần Đăng Ninh, Văn bia đường 20 - Quyết Thắng Quảng Bình, bài minh trên chuông xã Bát Tràng nhất là Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương… là các áng văn quý giá. Văn tế, phú, văn bia, là những thể cổ văn rất khó, Vũ Khiêu viết, vừa tề chính niêm luật mà vẫn phóng khoáng, biến ảo, ngồn ngộn dữ liệu lịch sử, văn hóa, nhịp điệu trầm hùng. Thể biến phú với đa số câu tứ lục, văn đối ngẫu 2 câu 1 cặp khó viết, cần hội nhiều điều kiện, đã được con người dòng nòi Nho phong sáng tạo vô song.
GS Vũ Khiêu cùng vợ chồng con trai Hạ Vũ - Tuyết Minh, cháu nội Cảnh Linh và chắt Bảo Linh
|
Nhắc đến văn bia, văn tế, phú, để thấy một mảng lớn trong hành trình sáng tạo của Vũ Khiêu người đã tham gia thành lập Hội Nhà văn VN năm 1957. Đọc kỹ Văn tế giỗ Tổ Hùng Vương, tôi cảm kích, tự hào về dân tộc Việt trong nỗi xúc động thiêng liêng toát ra từ hơi văn hùng tráng, linh khí lan tỏa, với những câu biến ngẫu uyển chuyển, thanh tao, hào hoa, nhã tiệp.
Sau Nguyễn Tuân, Thạch Lam chỉ phú Vũ Khiêu khiến tôi thấy tiếng Việt lung linh, biến ảo, ngân vang đầy mỹ cảm đến thế.
Nhà văn Xuân Cang soi chiếu cuộc đời Vũ Khiêu bằng Kinh dịch. Con người thư hương mã thượng ấy mang quẻ Tập Khảm chủ mệnh 5 hào dương, trùng phùng hiểm nạn mà sứ mệnh cứu nạn, thông biến, di chuyển như nước chảy. Vũ Khiêu “chảy” đời mình qua nhiều chốn. Ở đâu thời nào cũng có kẻ tị hiềm, thủ đoạn; Vũ Khiêu vượt hết, bằng đức độ, phẩm cách của một trái tim quảng đại.
Nhập thế chích thân thiên lý mã (nghĩa là: Vào đời một thân như ngựa ngàn dặm (chữ của Cao Bá Quát), Vũ Khiêu tự học, xông pha, thông thạo Pháp văn và cực giỏi tiếng Việt. Ông khai mở ngành nghiên cứu KHXH, nghiên cứu Mỹ học, Đạo đức học, Lịch sử tư tưởng. Đặc biệt, khi là Viện phó Viện Triết học phụ trách ban Mỹ học, ông cho ra chuyên luận Đẹp (1963) gây chấn động, một trong các công trình có giá trị nhất của mỹ học VN. Ông đặt vấn đề: “Cái đẹp mang tính nhân loại, là sự thống nhất giữa Chân - Thiện - Mỹ. Gắn lý luận mỹ học với lý luận văn học”. Tiếp đến: Anh hùng và nghị sĩ (1972), ông soạn giáo trình Mỹ học và giảng dạy trường Sân khấu, Điện ảnh, các đoàn văn công miền Bắc, nhiều nghệ sĩ lừng danh các lĩnh vực là học trò của ông. Những cách mạng và nghệ thuật (1976), Con người mới VN và sứ mệnh vinh quang của văn nghệ (1980) là một hệ thống đặt các sự kiện, hiện tượng của VHNT vào lĩnh vực thẩm mỹ, tôn vinh cái đẹp, coi đó là trung tâm của mối quan hệ thẩm mỹ. Văn hiến Việt Nam (3 tập, 1.500 trang), nghiên cứu lại con người tác phẩm, tư tưởng của nhiều danh nhân VN, ông là hiện thân của sự hòa quyện chính trị và văn hóa.
Năm 2000, ở tuổi 84, ông được phong danh hiệu Anh hùng Lao động, ở tuổi lẽ ra tĩnh dưỡng, nghỉ ngơi từ lâu. Hơn 10 năm qua, vị anh hùng ấy vẫn tiếp tục sáng tạo bằng bộ óc minh mẫn vĩ đại. Năm 1996, giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 trao cho GS Vũ Khiêu, với bộ sách Mỹ học, Đạo đức học, Văn hóa học. Tất cả là thành quả của một nghị lực, công phu ghê gớm.
Sinh ra ở Hành Thiện, Xuân Trường, Nam Định, làng văn vật nức tiếng, thừa hưởng từ ông nội - một nhà Nho đã đào tạo nhiều trí thức thành tài - kế tục cha, Vũ Khiêu học chữ, đọc thơ chữ Hán từ khi 5 tuổi.
Hiếm ai biết, tên của ông là do ông nội đặt. Khi ông bế, cậu đích tôn cứ nhảy nhót trên tay, nên ông nội đặt cho cháu đầu lòng là “Khiêu” - nghĩa của “khiêu vũ”. Tên đầy đủ Đặng Vũ Khiêu, lấy bút danh Vũ Khiêu, vì cụ cố của ông họ Vũ, thời chúa Trịnh làm rể nhà họ Đặng, họ Đặng không con trai nên muốn cụ lấy họ để có người thừa tự. Đặng Vũ là dòng họ lớn ở Nam Định. Cháu họ GS Vũ Khiêu - ông Đặng Vũ Chư - nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, GS Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKTVN. Hiện là Chủ tịch danh dự dòng họ Vũ/Võ Việt Nam, trưởng ban liên lạc Hội đồng hương Xuân Trường, Vũ Khiêu yêu quê mình. Ở đó, ông lớn lên cùng 3 em: Đặng Thị Điệt, em gái kế ông (sinh 1921, đã mất 2 năm), còn lại 2 em trai: Đặng Vũ Phầu (sinh 1923), Đặng Vũ Nhứ (1925) sống ở Hải Phòng, gần đây về HN.
Vũ Khiêu, năng lực liên tài bậc nhất của học giả lớn được trí thức các lĩnh vực tin cậy, Chính phủ và Nhà nước trân trọng. Dịp sinh nhật ông (19/9/2010), Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến thăm, tặng hoa. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến chúc sinh nhật cùng tấm bảng đồng khắc câu đối rất xác đáng, khái quát mà đầy đủ về cuộc đời GS Vũ Khiêu: “Triết gia trong cách mạng/ Nghệ sĩ giữa anh hùng”.
|
Mới 10 tuổi, Vũ Khiêu đã về Hải Phòng, học xong tú tài trường Bonnal (Ngô Quyền), năm 1935, chàng Khiêu mảnh khảnh về Hà Nội, ở trọ, làm lao công cho Bệnh viện Pháp (BV Hữu Nghị, 108 hiện nay). Chàng trở lại làng năm 1939, lấy cô gái nghèo hiếu học Nguyễn Thị Quý. Họ biết nhau từ bé. Lại dắt díu ra HN dạy học tư, ở tại 23 phố Tiên Sinh (nay là Hàng Gà), tới 1944 mới sinh con đầu lòng Đặng Quỳnh Khanh.
Giám đốc Sở Văn hóa khu 10 tại Việt Bắc rồi Tây Bắc (1947 - 1954), cùng vợ và 3 con hết Thái Nguyên lại Việt Trì, sống đạm bạc, thiếu thốn trăm bề mà toàn làm việc lớn. Sau giải phóng Thủ đô, ông sang Bắc Kinh học trường Đảng cao cấp (1954 - 1956), trở về, giữ chức Phó Tổng Giám đốc TTXVN thời “sôi nổi và phức tạp”. Tới 1959, ông tổ chức bộ phận Mỹ học đầu tiên ở VN rồi sang Hungary học, về dạy Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Lẫm liệt giữa đời thường
Mấy ai biết và chứng kiến 1/3 cuộc đời GS, AHLĐ Vũ Khiêu, những năm sung sức nhất, viết những công trình cơ bản nhất lại ở nhà cấp 4 ngoài 20m2, cùng vợ, mẹ vợ, 4 con tại sân sau Viễn đông Bác Cổ (lúc đó là Viện Khoa học Trung ương, nay là Viện Thông tin KHXH).
Một học giả lẫm liệt, sự hiểu biết bao la lại sống trong chật chội, 4 chiếc giường nhiều khi không đủ, chủ và khách nằm dưới đất; ông viết trên cái bàn ọp ẹp với cái máy chữ xách tay cũ kỹ, mãi sau mới được phân xe đạp Praha cũ. Ở nơi ấy, ông tạo ra Đẹp gây tranh cãi một thời trong những ngày mưa tầm tã dột tứ tung, vợ con bưng xô chậu nồi soong hứng mà nhà vẫn ngập nước, trang giấy hằn vệt nước mưa xám từ mái nhà đầy bụi rơi xuống. Ở nơi ấy, năm 1960, ông thức trắng đêm để dịch tiểu thuyết 6 tập Rừng thẳm tuyết dày của Khúc Ba (Trung Quốc) để sáng ra kịp nộp báo Thời mới in dài kỳ. Ở đấy, ông bà nuôi 4 con ăn học bằng lạc rang, muối vừng, đậu phụ. Ở đấy, cả khi thùng gạo rỗng, bà vẫn xoay xỏa tươm tất để phu quân quảng giao tiếp đón bạn bè.
16 năm qua, ông không có vợ hiền bên cạnh. Bà Nguyễn Thị Quý (1918-1994), sau bao năm khổ cực, túng thiếu, đã kiệt sức. Về căn nhà khang trang này được 2 năm, bà qua đời. Ông ký quyết định phân nhà, đất cho cán bộ, lái xe, mà cố ý quên mình. Giá ông đừng từ chối mấy lần được phân nhà trước đó, ông nhận những gì xứng đáng với cống hiến của ông, thì ông bà đã có thêm thời gian bên nhau, thoát sớm phòng “nêm cối” phải dùng chung nhà tắm, khu phụ tuềnh toàng trong cảnh chung đụng tập thể kéo dài.
Thư pháp, chữ của Vũ Khiêu tung hoành và lịch lãm, sâu sắc và tao nhã như con người ông. GS-TS Đặng Cảnh Khanh (sinh 1947) con trai cả của GS nói về cha mẹ: “Chữ ông nguệch ngoạc mà phóng khoáng, vạch ngang vạch dọc như dao cứa; chữ bà đẹp, ngay ngắn, thẳng hàng và rất nắn nót cả lúc vội vàng. Tất cả bản thảo của ông đều qua tay bà. Thông thường ông đọc cho bà viết, hoặc bà chép lại, rồi lưu giữ bản thảo của ông cùng sách vở, tư liệu gia đình. Chúng tôi không tưởng tượng nổi, chỉ hơn 20m2 ngổn ngang đủ thứ mà bà lại xếp đặt được như thế. Với tư chất của cán bộ tư liệu bậc thầy, bà phân định, xếp loại, lưu giữ hệ thống mọi giấy tờ, ảnh, cả những trang viết dở dang”.
Bà Quý vẫn còn trong nỗi nhớ chồng con, bè bạn. Câu đối vui ông tặng vợ và con trai:
Mẹ Quý của bố, mẹ Quý của con
Hai mẹ Quý, bố con cùng Quý.
|
Là bởi vì, vợ và con dâu GS Vũ Khiêu đều tên là Quý. “Nhân trí truyền gia”, cùng theo đuổi ngành xã hội học, viết về gia đình học, vợ của GS Đăng Cảnh Khanh là GS-TS Lê Thị Quý. Họ sống ở phố Hoàng Cầu cùng gia đình. Con trai duy nhất Đặng Vũ Cảnh Linh (sinh 1974) - giảng viên khoa Xã hội học, Học viện Báo chí Tuyên truyền. Cảnh Linh từng du học Mỹ, tốt nghiệp thạc sĩ tại Thái Lan, xuất bản 15 cuốn sách, tiếp tục con đường của ông và cha mẹ, đáng chú ý có Giá trị của con người Việt Nam truyền thống, Niềm tin trong một thế giới đang biến đổi. GS Vũ Khiêu đặt tên cho các con cháu, ông dạy dỗ đích tôn từ nhỏ và rất yêu “Tam Linh”. Cháu dâu Mỹ Linh, chắt nội Bảo Linh nhà Cảnh Linh.
Bao tao nhân mặc khách ông gặp và được gặp ông, đều biết con người bác ái này vô cùng vị tha, và giản dị. Cái ông giàu nhất là lượng từ vựng, kiến thức, tâm hồn.
Đức độ và trường thọ
Vũ Khiêu tích hợp nhiều vẻ đẹp để tạo ra minh triết cái đẹp phương Đông, vẻ đẹp VN. Câu đối, chữ ông cho mọi người, những bài văn tế, phú của ông, khiến chúng ta thêm yêu truyền thống, ngôn ngữ, văn hóa đất nước mình. Đại gia đình GS Vũ Khiêu có lệ đoàn tụ chiều mùng 1 Tết. Ông sẽ chuẩn bị quà và cho bốc thăm. Con sẽ trúng chai rượu, cháu được hộp bánh hay cuốn sách hoặc một câu đối. “Chữ là khẩu hiệu, mong muốn; câu đối để treo trong nhà, nhà thờ, tùy đối tượng hoàn cảnh mà cho chữ phù hợp”, GS Khiêu nói. Giờ thì mực Tàu, giấy tốt, cũng chỉ cho chữ trường hợp đặc biệt, vì ông đã yếu hơn, cần dồn thời gian, còn quá nhiều việc phải làm.
Nghệ sĩ Vũ Khiêu ưa rượu mạnh, chí ít là 1 chai vang, vào dịp đoàn tụ. Ngày thường, ông thích cá rán, cá kho. Về ẩm thực Tết, ông bảo: “Không háo hức lắm, vì ngày thường đủ các món Tết rồi”. Thưởng Tết, ông thích ngắm mai trắng. Tiệc, ông chuộng đồ ăn Pháp. Tinh tế, duy mỹ và trác việt, bộ óc lớn, trí tuệ lớn ấy tâm niệm về nghề văn: “Phải có xúc động chân thành, sâu sắc và tư tưởng rộng lớn khi cầm bút”. Bởi tư tưởng ấy, không chỉ các giáo sư nhà khoa học đầu ngành trong nước phục; đồng nghiệp ở Pháp, Nga, Hungary là những người bạn yêu mến, kính trọng ông.
Chính đức độ của cha mẹ và muôn điều tốt Vũ Khiêu làm cho người sống, những người oan khuất, giúp ông trường thọ, cùng các em trai, với tuổi già không hề bệnh tật.
Làm việc tới 110 tuổi!
May mắn là người duy nhất được ông tiếp, trả lời phỏng vấn trong phòng riêng dịp Tết Tân Mão, bên con cháu ông, tôi nhận thấy nơi Vũ Khiêu một sức hút kỳ lạ. Ánh sáng từ đôi mắt, vầng trán ông, khẩu khí, sự nhạy cảm, tinh tế của ông, khiến người tiếp xúc bị lôi cuốn giữa “vòng vây” hàng ngàn cuốn sách. Vũ Khiêu anh minh với kính lão 4 độ hiệu Crown, nghe và nói tinh tường. Hầu chuyện ông trong tư cách hội viên trẻ nhất với hội viên cao tuổi nhất Hội Nhà văn VN, nhờ “hai cái nhất” này nên ông mới cho tôi dịp hạnh ngộ.
Chẳng bao giờ sợ hãi cái chết, GS Vũ Khiêu, người tuổi Thìn, vẫn nghĩ về tương lai. Ông quả quyết, một khẳng định bất ngờ: “Sẽ làm việc tới 110 tuổi mới thôi!” khi tôi hỏi: “GS định khi nào nghỉ?” .
Năm 2011, xuất bản tập 3 Văn hiến Thăng Long (trên 600 trang) và một số cuốn khác tái bản. Ông thôi hướng dẫn các luận án để tập trung cho sách, điều mà ông muốn để đời, sau cả cuộc đời truyền thụ cho nhiều thế hệ.
Chiều se lạnh nghe nhạc cổ điển Pháp, trong căn phòng ấm áp máy điều hòa Panasonic, TV Sony plasma (do người ta lắp tặng vì ông không chịu nhận nhuận bút), ăn múi bưởi (sợ các quả khác có thuốc sâu), thưởng trà thư thả là sinh thú, mà ít khi ông dành cho mình. Phòng khách có bức tranh mai bằng đá quý, ít khi vắng khách chờ. Cô bé Bảo Linh, lớp 2, bò ra sàn gỗ ký họa chân dung cụ nội. Chú bé Khiêu nhảy trên tay ông nội thuở nào, đời sắp đầy 100 năm, đi qua 2 thế kỷ, tóc màu mây trắng, da mồi sắc hồng. Ông làm vô số việc cho cộng đồng mà lại quên in thơ, một mảng giá trị đáng chú ý.
Tôi thực sự xúc động khi đọc Xanh - bài thơ tình tuổi 80 của Vũ Khiêu: “Cho anh ca màu xanh / của biển xanh trời xanh/khi buổi ấy / lòng anh / đã xanh cả / những chiều xám nhất / Cho anh ca màu xanh / Từ mắt em chan hòa ánh biếc / Từ ngày mai trong lành / một màu xanh... xanh biếc”.
Không cần ba toong, dáng thanh thoát 1m63, Vũ Khiêu bước ra balcon bắt đầu hé nụ chồi mai trắng. Gió lên, niềm vui hắt từ đôi mắt ông vào khoảng xanh sắc Xuân thánh thiện.
Vi Thùy Linh (VH&TH)
|