Cụ Vũ Duệ tên thật là Vũ Nghĩa Chi sinh năm 1468 mất năm 1522, người làng Trình Xá (Kẻ Chịnh), phủ Sơn Vi, trấn Sơn Tây nay là làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Ông nổi danh từ nhỏ về sự cần cù, thông minh, hiếu học, năm lên 7 tuổi ông đã thông thạo các sách nho, y, lý, số làm thơ Đường luật, làm câu đối, nhân dân quanh vùng gọi ông là “ Thất tuế Thần đồng”. Năm 22 tuổi ông thi đỗ Trạng nguyên, khoa Canh Tuất, năm 1490, tức năm thứ 21 đời Hồng Đức vua Lê Thánh Tông.
Đền Thờ Trạng nguyên Vũ Duệ, làng Trình Xá, xã Vĩnh Lại, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Sau khi đỗ đại khoa ông làm quan một thời gian ngắn sau đó cáo quan về quê ở ẩn mở trường dạy học tại đầu làng, như bao vị nho gia cùng thời “ Tiến vi Quan, thoái vi Sư”, học trò của ông là người dân quanh vùng như phủ Sơn Vi, phủ Hạc Trì, trấn Sơn Tây, trấn Hưng Hóa… và con cháu của các gia đình có mối quen biết với ông trong những năm ông còn làm việc ở trốn quan trường. Trong hơn 28 năm dạy học tại quê nhà có nhiều lớp học trò được ông dạy dỗ tham gia thi cử và đỗ đạt, tiêu biểu trong số học trò ấy có 2 người đỗ đại khoa và 1 người đỗ Tiến sỹ, đó là Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc người làng Dòng xã Xuân Lũng, Thám hoa Nguyễn Như Thức người làng Mạc, xã Cao Xá và Tiến sỹ Nguyễn Trọng Đạt, người làng Mạo Phố, xã Lương Lỗ, huyện Thanh Ba, cả ba người đều là người cùng phủ Sơn Vi cũ, trấn Sơn Tây với ông.( huyện Lâm Thao ngày nay).
Đền thờ Bảng nhãn Nguyễn Mẫn Đốc tại làng Dòng, xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ
Tương truyền, Nguyễn Mẫn Đốc sinh ra trong một gia đình khoa bảng nhiều đời, cha, anh kế thế. Cha của ông là Tiến sỹ Nguyễn Doãn Cung đỗ đệ tam giáp tiến sỹ đồng suất thân khoa Kỷ Mùi, niên hiệu Quang Thuận 10 (1469) đời Lê Thánh Tông làm quan tới chức Tả Thị Lang bộ lại, đồng triều với Vũ Duệ, khi Vũ Duệ từ quan về quê dạy học thì Nguyễn Doãn Cung đưa người con trai út của mình về làng Trình Xá để bái ông làm thầy và nhờ ông dạy bảo. Nguyễn Mẫn Đốc tư chất thông minh, nhờ được cha, anh dạy bảo từ nhỏ nên ông nổi danh sáng dạ lại cộng thêm sự chỉ bảo của thầy là Trạng nguyên Vũ Duệ nên học vấn của ông nức tiếng cả một vùng.
Lễ giỗ Trạng nguyên Vũ Duệ
Theo giai thoại đường đi từ quê nhà của ông làng Xuân Lũng về làng Trình Xá của thầy để học khoảng cách trên 10km, ông thường đi bộ trên con đường Thiên Lý nối giữa hai làng, có những buổi ông xuống nhà thầy học, khi về ông mượn thầy cuấn sách Bắc sử về để học, nhưng trên đường về đến phủ Lâm Thao, cách nhà Thầy khoảng 5 km ông đã đọc thuộc, hiểu và quay lại trả sách cho thầy để mượn cuốn khác, thầy hỏi nội dung ông đáp thuộc một mạch không thiếu một từ, thầy ưng ý với cậu học trò nhỏ tuổi mà thông minh, hiếu học của mình nên hết sức khen ngợi.
Khoa thi năm Quang Thiệu thứ 3, năm Mậu Dần - 1518 đời Vua Lê Chiêu Tông, sau hai kỳ thi Hương và thi Hội ở quê nhà ông đều vượt qua với kết quả xuất sắc, khi đó Nguyễn Mẫn Đốc tham gia giải Đình nguyên, khoa thi ấy ông đỗ Đệ nhất giáp tiến sỹ cập đệ, đệ nhị danh Bảng nhãn khi ông 27 tuổi. Sau khi đỗ đại khoa ông được Vua Lê Chiêu Tông bổ làm quan và làm tới chức Thượng thư bộ lại, ngang với chức của thầy mình khi trước, làm quan đồng triều với thầy với cha và anh. Khi Mạc Đăng Dung soái ngôi nhà Lê, ông cùng thầy mình tập hợp quân binh, cùng các quan lại khác chống lại Mạc Đăng Dung, tuy nhiên thế nhà Mạc mạnh, ông đã cùng thầy chạy vào Thanh Hóa, nơi phát tích của nhà Lê, khi đó mất liên lạc với vua Lê thầy trò cùng đoàn tùy tùng hướng về đất Lam Kinh vái lạy và cùng nhảy xuống cửa Biển Thần Phù, Nga Sơn, Thanh Hóa tự vẫn để thể hiện lòng chung trinh, ái quốc với triều Lê Sơ.
Năm 1566 sau 144 năm ngày hai thầy trò tử tiết, khi đó nhà Lê Trung Hưng được khôi phục, vua Lê Huyền Tông xét công lao của những danh thần tiết nghĩa có công với vương triều Lê thì ông và thầy của mình cùng đứng tên trong bảng vàng 13 danh thần tiết nghĩa được phong thượng đẳng phúc thần và dựng đền thờ tại quê nhà “Tiết Nghĩa từ”, cho con cháu và nhân dân hàng năm tế lễ.
Đảng bộ, Chính quyền các cấp tại địa phương, giáo viên, học sinh các trường và nhân dân đến dâng hương và thăm đền Trạng nguyên Vũ Duệ.
Còn với Nguyễn Như Thức ông thi đỗ Đệ tam giáp Tiến sỹ năm Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ hai (1499) đời vua Lê Hiến Tông, làm đến chức Hàn Lâm viện. Tương truyền sau khi thi xong kỳ thi đình nguyên, bài thi của Nguyễn Như Thức làm khá tốt. Sau buổi khảo thí ông hội ngộ cùng thầy và thưa lại với Vũ Duệ nội dung bài thi mình đã làm thầy rất khen ngợi học trò làm bài có tính sáng tạo với tài đối đáp và sự uyên thâm kinh sử. Vũ Duệ nói “ khoa này là ân khoa, có hơn 5.000 cử nhân trong cả nước ứng thí với bài của con như vậy cao lắm cũng chỉ đỗ đến Thám Hoa”, Nguyễn Như Thức rất buồn với kết quả bài làm của mình sau khi triều đình có loa truyền kết quả kỳ thi thì ông chỉ đỗ đồng tiến sỹ xuất thân.
Do Nguyễn Như Thức khi thi xong về quê nhà chờ kết quả, có nói với dân làng Mạc lời nhận xét của thầy như vậy dân làng mừng rỡ và mọi người cứ vậy mà gọi ông là Thám Hoa, đời sau vẫn truyền nhau về giai thoại này. Sau khi đỗ Tiến sỹ Nguyễn Như Thức ra làm quan triều Lê, như thầy và đồng môn Nguyễn Trọng Đạt và sư đệ Nguyễn Mẫn Đốc ông làm quan thanh liêm và giữ phẩm hạnh nhà nho được nhà Lê Sơ trọng dụng, giao nhiều chức vụ quan trọng và được triều thần nể phục.
Đối với Nguyễn Trọng Đạt, là người ở thượng phủ Sơn Vi, trấn Sơn Tây nên khi đi học Đạt thường lưu trú tại nhà thầy để ăn, học được thầy tin yêu, dạy dỗ, kèm cặp rất chu đáo. Kỳ thi Đình nguyên năm Kỷ Mùi niên hiệu Cảnh Thống thứ hai (1499) đời vua Lê Hiến Tông, Nguyễn Trọng Đạt cùng đồng môn Nguyễn Như Thức lên kinh ứng thí, năm đó Đạt cùng đỗ Tiến sỹ của khoa này, người đời sau có câu rằng “ Huynh, đệ Đồng khoa, bái một thầy”, sau khi đỗ đạt, Nguyễn Trọng Đạt được triều đình Lê Sơ bổ ra làm quan.
Hậu duệ tôn Vũ Khắc Hòa Sơn, Chủ tịch Hội đồng Dòng họ Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ
Như vậy với 28 năm dạy học và hơn 5 năm tham gia chốn quan trường Trạng nguyên Vũ Duệ ngoài việc để lại cho đời nhiều tác phẩm văn học, cho triều đình nhà Lê nhiều bậc nhân tài lương đống còn thể hiện được khí tiết của một nhà nho, một vị quan sống nghĩa khí hết lòng trung quân, ái quốc như Tổng đốc Sơn Tây Vũ Hiển Văn từng viết đôi câu đối:
“ Bắc quốc Văn Thừa tướng,
Nam triều Vũ Trạng nguyên”
Dịch nghĩa:
“ Ở Trung Quốc có Thừa tướng Văn Thiên Tường
Ở Việt Nam có Trạng nguyên họ Vũ”
Tuy nhiên xét về vai trò của người thầy ông là người thành công hơn với hàng trăm học trò đỗ đạt khắp vùng đặc biệt là ba vị học trò đỗ đại khoa và giữ nhiều trọng trách trong triều đình Lê Sơ, có những đóng góp cho sự ổn định và phát triển của nhà Lê Sơ cũng như của đất nước trong gian đoạn này./.
Hậu duệ tôn: VŨ KHẮC HOÀI SƠN
Chủ tịch Hội đồng Dòng họ
Vũ - Võ tỉnh Phú Thọ
|