Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên, Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc. Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn, Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc. Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người., Muôn dặm bừng soi gương vị nước.
Văn bia tưởng niệm Hồn thiêng 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc
I
MỚI NGÀY NÀO
Từ trên đỉnh Trường Sơn
Tại ngã ba Đồng Lộc
Đây mười cô thiếu nữ:
vươn cao nghĩa cả non song
Giữa ngàn vạn anh hùng:
trải rộng hồn thiêng tổ quốc
Dạt dào sức trẻ,
nắng ban mai sáng chói nụ cười
Phơi phới tuổi xanh,
Gió đồng nội tung bay mái tóc.
II
NƯỚC NHÀ KHI ẤY
Chiến tranh dội xuống cả hai miền
Ác liệt dồn về riêng một góc
Ngã ba lịch sử,
suốt ngày đêm dồn dập đạn bom
Nhi nữ kiên cường,
trải năm tháng vững vàng tim óc
Đắp đường mở lối,
để binh lương không ùn lại đằng sau
Lội suối bắc cầu,
để xe pháo vẫn ào lên phía trước
Long trời lở đất,
cùng quân thù quyết tử đã bao phen
Vì nước quên thân,
cả đồng đội hi sinh trong một lúc.
III
KỂ TỪ BUỔI ĐÓ
Đau thương thành sức mạnh,
cờ bay sấm dậy khắp non song
Đại nghĩa thắng hung tàn,
Mỹ cút Ngụy nhào trong phút chốc
Đất trời muôn dặm,
chiến thắng vinh quang
Nam Bắc một nhà,
Khải hoàn ca khúc
Chỉ thương ai:
ngã trước bình minh
Chẳng còn được:
cùng vui hạnh phúc
Tiếng thông reo bát ngát hồn thiêng
Dòng suối chảy nghẹn ngào lệ khóc.
IV
NGÀY HÔM NAY
Một tượng đài cao vút hướng thanh thiên
Mười ngôi mộ sáng trưng như bạch ngọc
Tiếng chuông rung khí phách Trường Sơn
Tiếng chuông dội tinh thần Đồng Lộc
Ngàn thu thức tỉnh đạo làm người.
Muôn dặm bừng soi gương vị nước.
Đồng Lộc, ngày 27 tháng 07 năm 2018
GS - AHLĐ Vũ Khiêu
---------------------------
10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP hy sinh tại Ngã Ba Đồng Lộc
Cách nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc chừng 50m, cùng nằm ở dãy đồi Trọ Voi cao vút thông xanh là khu mộ của 10 cô gái TNXP tuổi từ 17 – 24 thuộc tiểu đội 4 - Đại đội 552- Tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm Tiểu đội trưởng. Cả 10 cô gái cùng hy sinh vào lúc 16 giờ ngày 24-7-1968 ( tức ngày 26-6 Mậu Thân).
Thi thể của các chị lúc đầu được an táng tại đồi Bãi Dịa cách Trọ Voi 2km. Năm 1976, sau giải phóng, được di chuyển xuống nghĩa trang liệt sỹ Huyện Can Lộc. Ngày 26/3/1990, một lần nữa các chị được di chuyển về tại vị trí cạnh hố bom mà ngày đó các chị hy sinh. Khu mộ 10 đã được mở rộng tôn tạo năm 2000, trang nghiêm và thoáng đãng. Hố bom nơi 10 cô hy sinh vẫn nẵm nguyên vị trí cũ.
1. Chị Võ Thị Tần
Sinh năm 1944 – con ông Võ Cung – quê quán xã Thiên Lộc – Can Lộc - Tiểu đội trưởng tiểu đội 4 – C552 - Tổng đội 55
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo đói nhưng giàu lòng yêu nước, lại được sự giáo dục của nhà trường nên chị Võ Thị Tần đã sớm hình thành lý tưởng cách mạng, lối sống giản dị, tiết kiệm, chịu đựng gian khổ để học tập.
2. Chị Hồ Thị Cúc
Sinh năm 1944 – quê quán: Sơn Bằng – Hương Sơn - Tiểu đội phó – C552 - Tổng đội 55. Bố mất năm 1945 - Mẹ đi lấy chồng.
Cúc cất tiếng khóc chào đời trên mảnh đất Nương Bao - xã Sơn Bằng – Hương Sơn, bên con sông Ngàn Phố trong xanh. Cúc vừa đầy một tuổi, nạn đối khủng khiếp năm 1945 đã cướp mất người cha, bà nội Cúc và bao người khác trong làng.
3. Chị Nguyễn Thị Nhỏ
Sinh năm 1944 ỏ Đức Lạng -Đức Thọ, con ông Nguyễn Thới và bà Trần Thị Bảy.
Cùng sinh năm 1944 như chị Tần, chị Cúc, nhưng Nhỏ có một hoàn cảnh tương tự Cúc. Bố mẹ mất sớm, nhà chỉ có 2 chị em gái: chị Miên và Nhỏ. Chị Miên thay bố mẹ nuôi Nhỏ từ tấm bé.
4. Chị Dương Thị Xuân
Sinh năm 1947 ở Đức Tân - Đức Thọ. Con ông Dương Quý và bà Đặng Thị Quý.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Đức Tân - Đức Thọ, trong một gia đình đông con, chị Xuân sớm ý thức được trách nhiệm người chị cả của mình. Là con gái đầu lòng nên Xuân khá vất vả.
5. Chị Võ Thị Hợi
Sinh năm 1948 ở xã Thiên Lộc – Can Lộc – con ông Võ Bảng và bà Võ Thị Em.
Sinh trưởng trong một gia đình nông dân ở xã Thiên Lộc – Can Lộc, nơi có dãy Hồng Lĩnh quanh năm mây vờn và ngôi chùa Hương cổ kính nằm ẩn mình trên đỉnh núi, từ nhỏ, cô bé Hợi đã cảm thấy yêu quê hương, yêu ruộng đồng yêu những người dân quê mộc mạc,” Một nắng hai sương”.
6. Chị Nguyễn Thị Xuân
Sinh năm 1948 – quê quán: Vĩnh Lộc – Can Lộc – con ông Nguyễn Trương (đảng viên 30 – 31) và bà Cao Thị Niêm.
Chị Nguyễn Thị Xuân sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố chị là đảng viên 1930 – 1931. Tuổi thơ Xuân gắn liền với hình ảnh ngôi nhà nhỏ 3 gian, cái bếp con con và mảnh sân vuông vắn trước thềm.
7. Chị Trần Thị Hường
Sinh năm 1949 tại TP Hà Tĩnh. Bố liệt sĩ chống Pháp. Mẹ đi lấy chồng.
Chị Trần Thị Hường là con của một liệt sĩ chống Pháp. Cha chị là vệ quốc quân hy sinh năm 1953 ở mặt trận. Khi ông hy sinh, Hường mới 4 tuổi, mẹ Hường đang có mang em Lý.
8. Chị Hà Thị Xanh
Sinh năm 1949 - ở xã Đức Hoà - Đức Thọ.
Sinh ra ở vùng quê Đức Hoà - Đức Thọ, Xanh vốn là cô gái hiền lành, ít nói nhưng làm việc thì rất chăm. Xanh đậm người, khoẻ mạnh, làm việc gì cũng xốc vác, hay nhận việc khó về mình.
9. Chị Trần Thị Rạng
Sinh năm 1950 - Đức Vịnh - Đức Thọ. Con ông Trần Trung. Mẹ theo con trai vào sinh sống ở Đắc Lắc.
Sinh ra tại xóm chài Thọ Thuỷ - Đức Vĩnh – Đức Thọ, từ nhỏ cô bé Rạng đã tỏ ra can đảm, ít nói song tinh nghịch. Thời thơ ấu Rạng theo cha mẹ làm nghề chèo lái trên sông La.
10. Chị Võ Thị Hà
Sinh năm 1951 – quê quán: thị trấn Đức Thọ. Con ông Võ Trọng Lạc và bà Trần Thị Khuyên.
Sinh ra ở thị trấn Đức Thọ, Hà vốn là cô gái không quen lao động nặng. Cha Hà – ông Võ Trọng Lạc quê gốc ở thị trấn Đức Thọ gặp bà Trần Thị Khuyên quê Bến Thuỷ- Vinh. Hai người cưới nhau và sinh được 5 người con. Hà là con thứ ba.
Bức ảnh cuối cùng về 10 cô gái Ngã 3 Đồng Lộc
CLB Thế hệ trẻ họ Vũ - Võ Việt Nam và CLB Thế hệ trẻ họ Vũ - Võ tỉnh Hà Tĩnh dâng hương tại Khu di tích Ngã 3 Đồng Lộc
Vũ Xuân Kiên sưu tầm, tổng hợp ngày 27/7/2018
|