Mãi cho đến năm 1226; nghĩa là, sau một thời gian gần 4 thế kỷ, chính xác là 373 năm, gia phả dòng họ Vũ mới nối lại được và duy trì cho đến ngày nay.
Vậy trong thời gian 373 năm đó, từ cuối thời kỳ Bắc thuộc cho đến đầu Nhà Trần, họ Vũ đã đi đâu và ở đâu ? Đây cũng là một vấn đề tồn nghi của lịch sử dòng họ Vũ. Tuy nhiên, theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, chúng ta được biết, ngay sau khi lên ngôi vua, kế nghiệp của Lý Thái Tổ, Lý Thái Tôn đã phong quan chức cho môt loạt cận thần trong triều như sau:
Lương Nhậm Văn làm Thái Sư
Ngô Thượng Dinh làm Thái Phó
Đào Sứ Trung làm Thái Bảo
Vũ Bá Uy (Vũ Ba Tư- BT) làm Uy Vệ Thượng Tướng, v.v. …
Năm đó là năm 1028. Gỉa sử Thượng Tướng Quân Vũ Bá Uy (Vũ Ba Tư- BT) lúc được phong đã trên hoặc dưới 40 tuổi, tuổi trung bình của các thượng tướng đời Lý-Trần, thì có thể ông sinh năm 988, tức là sau khi Cụ Vũ Hồn mất 135 năm.
Cũng vào đời Lý Thái Tôn, năm 1054, Nùng Trí Cao bị Tướng Địch Thanh nhà Tống đánh bại. Tướng tâm phúc là Hoàng Sư Mật cùng với thủ hạ, 57 người, đều chết tại trận. Quân Nhà Tống đuổi theo giết hơn 2000 người. Nùng Trí Cao đốt thành và bỏ chạy. Cùng năm, vào tháng 10, mùa đông, Nùng Trí Cao sai Lương Châu đến xin vua Nhà Lý cho quân cứu viện. Vua Lý Thái Tôn đã xuống chiếu cho Chỉ Huy Sứ Vũ Nhị đem quân cứu viện.
Như vậy, ngay từ đời Vua Lý Thái Tôn, họ Vũ đã có đồng thời 2 tướng trong triều.
Đến đời Vua Lý Anh Tôn (1138-1175), quyền thần Đỗ Anh Vũ (em ruột Đỗ Thái Hậu) tư thông cùng Lê Hoàng Thái Hậu, làm loạn triều đình. Quan lại trong triều không ai dám hé răng, chống đối. Vì Vua Lý Anh Tôn lên ngôi vua khi mới 3 tuổi, sau khi Lý Thái Tôn mất. Mọi việc trong triều đình Nhà Lý lúc bấy giờ đều do Lê Thái Hậu và quyền thần Đỗ Anh Vũ giải quyết. Họ Vũ lúc bấy gìờ có Ông Vũ Đái làm quan Điện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ đã không chịu được cảnh chướng tai, gai mắt đó. Ông đã phối hợp với Phò Mã Lang Dương Tự Minh và các Ông Tri Minh Vương, Bảo Ninh Hầu, cùng các Ông Vũ Đô Hỏa Đầu Lương Thượng Cả và Ngọc Giai Đô Hỏa Đầu Đông Lợi, mưu trừ kẻ quyền thần Đỗ Anh Vũ.
Các ông đã đem quân cấm vệ vào cửa Việt Thành, đồng thanh hô to lên rằng ” Anh Vũ ra vào cấm đình, làm bừa; tội ác ô uế; tiếng xấu đồn ra ngoài; không tội gì to bằng. Bọn thần xin sớm trừ đi, khỏi để mối lo về sau”.
Vua Lý Anh Tôn xuống chiếu, sai cấm quân bắt giam Đỗ Anh Vũ và giao cho đình úy tra xét. Vì xét công của Đỗ Anh Vũ trước đây,Vua Lý Anh Tôn đã không xử tử Đỗ Anh Vũ, mà chỉ tước hết quan chức, đuổi về làm thường dân phục vụ ở thôn dã (có thể là Xã Nhật Tảo, ngoại thành Hà Nội ngày nay).
Nhưng có Lê Thái Hậu (mẹ Vua Lý Anh Tôn) bao che, bà đã dùng quyền lực của mình để cố cứu Đô Anh Vũ. Vào thời đó, nhà Lý rất tin vào Đạo Phật (Lý Công Uẩn, tức là Vua Lý Thái Tổ, người khởi nghiệp của Nhà Lý lại là con nuôi nhà sư Vạn Hạnh; do đó, vào thời đầu của Vua Lý Thái Tổ, chùa chiền đã được xây ở khắp mọi nơi), do đó, Lê Thái Hậu đã nghĩ mưu, tìm kế phục hồi lại chức vụ cho Đỗ Anh Vũ. Bà liên tiếp trong nhiều năm mở các hội chùa để xin xá tội cho các tội nhân. Vì vậy, Đỗ Anh Vũ, qua nhiều lần được xá tội, đã dần dần phục hồi và cuối cùng trở lại chức vụ Thái Úy Phụ Chính như cũ. Đến lúc nàyĐỗ Anh Vũ mới ra mặt báo thù. Đỗ Anh Vũ tự tổ chức đội Phụng Quốc Vệ, gồm toàn thủ hạ, tay chân thân tín. Bất kỳ ai phạm tội đều do đội Phụng Quốc Vệ đi bắt; ví vậy nếu vu cho ai phạm tội, thì người đó rất khó trốn thoát.
Đỗ Anh Vũ được sự đồng tình của Lê Thái Hậu đã vào cung mật tấu với vua: “…Trước kia bọn Vũ Đái tự tiện đem quân cấm vệ vào cung đình; tội ấy không gì to bằng. Nếu không trừng trị sớm đi, sợ một ngày kia sinh biến, không thể tính được.” Vua chẳng hiểu gì cả, cũng chuẩn y lời tâu.
Đỗ Anh Vũ sai đội Phụng Quốc Vệ bắt Vũ Đái giam vào ngục để trị tội. Xuống chiếu giáng Tri Minh Vương làm tước Hầu, Bảo Minh Hầu làm tước Minh Tử, Bảo Thắng Hầu làm phung chức; bọn nội thị là Đỗ „t, 5 người, phải tội “cuỡi ngựa gỗ”; bọn Hỏa Đô Đầu Ngọc Giai là Đồng Lợi, 8 người, bị chém ở chợ Tây Nhai; bọn Đìện Tiền Đô Chỉ Huy Sứ Vũ Đái, 20 người, bị chém bêu đầu ở các bến sông; bọn Phò Mã Lang Dương Tư Minh, 30 người, bị lưu ở những nơi rừng-thiêng-nước-độc xa xôi…(2) .
Thương thay, một con người cương trực của dòng họ Vũ vì đấu tranh với cường quyền mà đã bị chết thê thảm như vậy! Và phải chăng, vì cái chết của Ông Vũ Đái mà các cụ họ Vũ thời xưa ở làng Mộ Trạch đã ngại không đưa danh tính ông vào gia phả; và bởi đó đã gây ra sự đứt đoạn trong dòng họ Vũ như vậy (3).
Đến đời Vua Lý Cao Tôn (1176-1210), dòng họ Vũ có Ông Vũ Tá Đường làm đến chức Tham Tá Chính Sự (một chức quan to trong triều Nhà Lý).
Sự tích về Ông Vũ Tá Đường vẫn lưu truyền trong truyền thuyết dân gian, trong sử sách, và gần đây trong cả các sách giáo khoa:
… Quan Thái Úy Tô Hiến Thành bị bệnh. Vì thương ông, quan Tham Chính Sự ngày đêm hầu bên cạnh; còn quan Gián Nghị Đại Phu Trần Trung Tá vì bận việc, nên it đến thăm hỏi. Đén khi bệnh nguy kịch, Thái Hậu thân đến thăm và hỏi:
Ông đau yếu; nếu có mệnh hệ nào, ai thay được ông ?
Tô Hiến Thành trả lời:
Trần Trung Tá có thể thay được.
Thái Hậu nói:
Vũ Tá Đường hết lòng vì ông ! Sao (ông) không cử ông ta ?
Tô Hiến Thành đáp:
Vì Bệ Hạ hỏi người nào đáng thay tôi, nên tôi nói : (là) Trần Trung Tá. Nếu như Bệ hạ hỏi (về ) người hầu nuôi, (giả như) không phải Tá Đường thì còn ai nữa !
Thái Hậu khen là trung, nhưng cũng không dùng lời ấy, mà lấy Đỗ An Di làm Phụ Chính (4).
Đọc đoạn Việt sử này, chúng ta thấy khó chịu, không phải vì thái độ thiếu trong sáng của ông cha, mà vì nhà viết sử không khách quan, thiếu suy xét và cân nhắc khi trình bày sự việc, Sự thực có phải là Vũ Tá Đường ngày đêm chăm nom, trông sóc quan Thái Úy Tô Hiến Thành chỉ vì mong được quan Thái Úy đề nghị mình làm Phụ Chính ? Điều đó nhiều phần không đúng:
Thứ nhất: Ông Vũ Tá Đường là một đại thần Nhà Lý, hà tất phải hạ thấp mình một cách nhỏ mọn để đạt mục đích như Tô Hiến Thành nhận xét. Điều này hoàn toàn trái với bản chất dòng tộc họ Vũ mà cả ngàn năm sau con cháu vẫn duy trì; đó là lòng tự hào về khí tiết của dòng họ.
Thứ hai: Trong lời đối đáp mà nhà viết sử ghi lại trên đây (có thể từ nhà sử học Lê Văn Hưu, tác gỉa cuốn Đại Việt Sử Ký mà sau này Ngô Sĩ Liên dựa vào đó để biên soạn lại), chúng ta thấy đó không phải khẩu khí của Ông Tô Hiến Thành, một con người tài ba và cương trực, như đã được sử sách nhiều lần nhắc tới. Tại sao khi trả lời Đỗ Thái Hậu, Tô Hiến Thành lại đáp, “Vì Bệ Hạ hỏi …” Là quan Đại Thần Nhiếp Chính, sao Tô Hiến Thành lại có đã xưng hô một cách tùy tiện như vậy ? Chắc chắn là ông không thể dùng lầm lẫn hai tước hiệu Bệ Hạ với Thái Hậu, và ngược lại, Thái Hậu với Bệ Hạ. Thật lại càng vô lý khi gán ghép cho Tô Hiến Thành câu nói : Nếu như hỏi người hầu nuôi, không phải Tá Đường thì còn ai nữa?
Đó là một loại văn phong miệt thị của sử gia sau này, chứ không thể là ngôn từ của một vị đại thần trước lúc lâm chung ! Nhất là vị đại thần đó lại là Thái Sư Tô Hiến Thành. Là một người có tấm lòng trung quân và ái quốc cao độ, Thái Sư Tô Hiến Thành biết rõ hơn ai hết sự suy đồi của Nhà Lý, như đã khởi đầu từ cuối đời Vua Lý Nhân Tôn (1072-1127).
Vua Lý Nhân Tôn không có con, do đó người kế vị không phải là người trực hệ, lại càng không phải là người được đào tạo để kế vị ngôi vua. Vì vậy, Vua Lý Thần Tôn khi lên ngôi mới có 13 tuổi. Hai vị vua kế tiếp sau đó lại còn tệ hại hơn: Vua Lý Anh Tôn (1138-1175) và Vua Lý Cao Tông (1176-1210) đều lên làm vua lúc mới có 3 tuổi. Vì các vị vua này lên ngôi lúc còn nhỏ tuổi hoặc quá ít tuổi, nên việc các bà Thái Hậu, Thái Phi tham gia quyền bính là điều không tránh khỏi. Trong thực tế thời đó, các bà Thái Hậu không có và cũng không được tiếp thụ nền giáo dục khả dĩ đào tạo cho bản thân mình có đủ trình độ và kiến thức của một người lãnh đạo đất nước.
Ngay đến Bà Thái Hậu nổi tiếng nhất và được nhiều nhà viết sử ca ngợi - và hiện nay vẫn còn đền thờ ở Làng Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội - là bà Nguyên Phi Ỷ Lan, cũng có những vết đen trong cuộc đời.
Khi Vua Lý Thánh Tôn đột ngột băng hà, triều đình Nhà Lý đã gặp nhiều rối ren. Mãi 4 tháng sau, Ỷ Lan Nguyên Phi mới được làm Thái Hậu và nắm quyền nhiếp chính. Khi đã có quyền lực trong tay, bà đã bắt giam Hoàng Hậu Thương Dương cùng 72 cung nữ vào lãnh cung và bỏ đói họ cho đến chết. Phải chăng vì tội ác đó mà Vua Lý Nhân Tôn đã không có con để thừa kế sau này ?
Tiếp đó đến đời Vua Lý Anh Tôn, quyền bính trong triều đình thực tế do quyền thần Đỗ Anh Vũ và Bà Lê Thái Hậu thao túng. Hai người tư thông với nhau. Thái Tử Long Xưởng lại thông dâm với Cung Phi, nên bị phế làm thứ dân và bị giam.
Triều đình điên loạn ! Chính vì thế mà Đỗ Anh Vũ đã bị bắt, bị đày làm thứ dân, rồi lại được phục hồi để làm Phụ Chính Đại Thần với quyền lực làm nghiêng ngả triều đình, và đã gây ra cái án oan khốc, làm cho 30-40 người cùng Vũ Đái bị chém, bị bêu đầu trên các bến sông, bên chợ.
Vai trò của Thái Sư Tô Hiến Thành trong vụ này thế nào? Các nhà viết sử không thấy đề cập. Nhưng rõ ràng quyền hành trong triều đình Nhà Lý đâu còn ở trong tay Thái Sư ! Thái Sư chỉ còn là cái bóng để cho bọn quyền thần mặc sức hoành hành!
Đến khi già ốm, không có người trông nom, săn sóc. Có thể vì cám cảnh cho một ông già đầy quyền lực trước đây mà bây giờ bị cô đơn, ốm đau không người chăm sóc, nên Ông Vũ Tá Đường, với tấm lòng nghĩa hiệp vốn có của dòng họ Vũ, đã thường xuyên qua lại thăm hỏi (? ).
Ông Vũ Tá Đường và Ông Vũ Đái chắc chắn cùng một dòng tộc họ Vũ, lại cùng làm quan đại thần nhà Lý qua các triều đại, thì làm sao mà Ông Vũ Tá Đường lại không biết Ông Vũ Đái bị chết oan (? ); ngay cả quan Thái Sư Tô Hiến Thành cũng biết là vậy nhưng đành bất lực(? ). Có lẽ vì có cùng tâm tư, cùng tình cảm lo buồn cho đát nước, và cùng cám cảnh cho thân phận, mà 2 ông già đã thường xuyên gặp nhau để cùng chia sẻ nỗi niềm(? ). Chứ lẽ đâu Ông Vũ Tá Đường đến với Ông Tô Hiến Thành để đi tìm cái gì đó không trong sáng cho bản thân mình!
Do đó khi được hỏi ai sẽ thay mình, Tô Hiến Thành đã nói ngay: Trần Trung Tá, quan Giản Nghị Đại Phu, chứ không phải là Đỗ An Thuân (Đỗ Thái Hậu lúc bấy giờ đã được phong làm Hoàng Thái Hậu). Khi đó Đỗ An Thuân đã được phong làm Thái Sư Đông Bình Chương Sự, và Tô Hiến Thành chỉ còn giữ chức Thái Úy (5). Đỗ Anh Vũ lúc đó đã chết. Vì câu trả lời của quan Thái Úy không hợp ý mình, nên Hoàng Thái Hậu đã hỏi kháy lại: Tá Đường ngày nào cũng hầu thuốc thang, mà ông lại không nói đến là làm sao?
Câu trả lời, “… Nếu như hỏi người hầu nuôi, thì không phải Tá Đường còn ai nữa? “, thật là qúa quắt. Khẩu khí đó chỉ có thể là của Đỗ Hoàng Thái Hậu, người chị ruột của Đỗ Anh Vũ - đã bị qưan đại thần Vũ Đái vạch mặt trong vụ án “Đỗ Anh Vũ ” - Do tư thông với Lê Hoàng Thái Hậu, Đỗ anh Vũ đã bị bắt giam, bị tước hết quan chức, và bị giáng xuống làm thứ dân; sau đó Đỗ Thái Hậu đã âm mưu cùng Đỗ Anh Vũ báo thù: sát hại 30-40 người cùng một lúc. Chính vì căm ghét họ Vũ mà người đàn bà ấy đã bịa khẩu ra lời nói của Tô Hiến Thành để bôi nhọ thanh danh của Vũ Tá Đường - một vị quan họ Vũ đồng thời với Vũ Đái.
Có thể xác tín như vậy vì rõ ràng là sau buổi gặp đó, người thay thế Tô Hiến Thành không phải là quan Giản Nghị Đại Phu Trần Trung Tá, mà là Đỗ An Di, một người anh-em của Đỗ Hoàng Thái Hậu, làm phụ chính, và cùng với Đỗ An Thuần đã nắm hết quyền bính của triều đình Nhà Lý lúc bấy giờ. Vì vậy, việc Đỗ Hoàng Thái Hậu đến hỏi Thái Úy Tô Hiến Thành, về việc người thay ông, không nhằm mục đích sáng - ích quốc, lợi dân - mà rõ ràng chỉ nhằm mục đích bịa khẩu để bôi nhọ thanh danh của Vũ Tá Đường.
Sự thực về Vũ tá Đường chúng ta phải hiểu như vậy! 820 năm qua, Ông Vũ Tá Đường vẫn bị miệng đời đàm tiếu, và con cháu họ Vũ vẫn bị cay đắng vì bị hiểu lầm.
Đã đến lúc chúng ta cần minh chứng cho Vũ Tá Đường cùng giải cái oan khuất của Vũ Đái.
Lịch sử cần phải được xác minh lại một cách nghiêm túc, rõ ràng. Ít nhất, trong dòng tôc họ Vũ cũng phải hiểu được cái oan ức của ông-cha, để - trong những trường hợp cần thiết - yêu cầu giới chức có thẩm quyền (các sử gia, dĩ nhiên) đính chính lại lịch sử cho hợp lý.
Phải chăng vì hiểu được nỗi oan bịa khẩu này mà Ông Vũ Nạp (Vũ Vị Phú), Viễn Tổ của họ Vũ sau này, đã lấy tên đệm của ông-cha để đặt tên cho con trưởng của mình là Vũ Nghiêu Tá?
Nếu qủa như vậy thì dòng họ Vũ đã có thể nối liền từ Ông Vũ Tá Đường sang Ông Vũ Nạp; nghĩa là từ cuối đời Nhà Lý sang đầu đới Nhà Trần. Do đó khoảng thời gian bị mất thông tin về gia phả dòng tộc họ Vũ dã từ 372 năm còn có 135 năm, tức là rút ngắn được 238 năm. Như vậy phần thông tin gia phả chỉ còn lại có 4, 5 đời kể từ sau Cụ Thủy Tổ Vũ Hồn.
Gần đây, trong tư liệu “Phả họ Vũ ở Làng Lương Ngọc, Phủ Bình Giảng, Tỉnh Hải Dương,” do Ông Vũ Huy Chân biên soạn tại Sài Gòn năm 1972, có viết:
Vị Tổ họ Vũ được phân nhánh tới làng Ngọc Cục, Huyện Đường An, Tỉnh Hải Dương, lập nghiệp từ đời Đinh hoặc đời Tiền Lê. Nhiều đời con cháu nối nhau sinh trưởng ở đó qua đời Lý và khoảng đầu đới Trần.
Trong thời gian đó, khoảng 300 năm, có chừng 10 đời đã sống trên đất Ngọc Cục.
Sau khi Giặc Nguyên sang xâm lấn nước ta vào thời kỳ Nhà Trần, một chi nhánh lại ra lập nghiệp ở Thôn Bông và định cư ở đấy. Đến đời vua Nhà Mạc, Mạc Mậu Hợp, niên hiệu Diên Thành (1578-1583), Thôn Bông được lập thành làng gọi tên là Hoa Đường (sau đổi tên là Lương Đường và hiện nay là Lương Ngọc).
Như vậy chi nhánh họ Vũ phân nhánh từ Mộ Trạch sang Ngọc Cục, và từ Ngọc Cục đến Hoa Đường đã kéo dài khỏang 20 thế hệ, trên dưới 600 năm.
Từ thời gian thành lập Làng Hoa Đường cho đến đời Vua Lê Hân Đức Công, Lê Duy Phương (1729-1732), khoảng 150 năm; như vậy nối tiếp thêm 5 đời nữa.
Cộng chung cả 3 thời kỳ, phân nhánh họ Vũ ở Làng Lương Ngọc đạ có 25 đời nối tiếp, khoảng 750 năm.
Người viết phả họ Vũ đầu tiên ở Làng Lương Ngọc là Ông Vũ Đình Lâm, tự Pháp Chân. Ông Viết phả vào thời gian Vua Lê và Chúa Trịnh.
Đem so với cuốn “Phả họ Vũ Làng Mộ Trạch” do các Ông Vũ Phương Lan (Cử Nhân), Vũ Tông Hải (Tú Tài), Vũ Thế Nho (Tú Tài) viết, và Ông Vũ Huy Đỉnh (Tiến Sĩ) nhuận đính - cuốn phả này được viết từ năm 1769 và hoàn thành vào năm 1769, tức là vào đời Vua Lê Hiển Tông (1740-1786) và Chúa Trịnh Giang - ta sẽ thấy 2 cuốn phả này coi như cùng đưọc viết đòng thời.
Đáng tiếc nguyên bản cuốn ” Phả họ Vũ làng Lương Ngọc” đã bị thất lạc. Nếu như có thể tìm lại được, chúng ta có khả năng ghép nối dòng họ Vũ từ Cụ Thủy Tổ Vũ Hồn cho đến con cháu họ Vũ ngày nay.
——————
(1). Theo bia đá ở nhà thờ Cụ Vũ Uy ở Đa Căng, Huyện Nông Cống, Tỉnh Thanh Hóa, Cụ Thủy Tổ Họ Vũ có bà vợ họ Hoàng, sinh hạ được 3 người con trai. Đệ nhất lang thi trúng Tiến Sĩ Nam Quốc; đệ nhị lang thi trúng Tiến Sĩ Bắ Quốc; đệ tam lang văn và võ kiêm toàn, biệt phù Chiêm Quốc. Cụ Vũ Uy, một trong 18 công thần khai quốc nhà Lê thuộc về phân nhánh này. Trong bia đá này có ghi rõ ” Vũ Hồn Tiên Tổ, Trung Quốc nhân, Phúc Kiến nhân”.
(2). Trích nguyên văn trong Dõi Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên, tập I, kỷ nhà Lý, trang 283, NXBKHXH, 1972.
(3). Về việc “ngại” đưa vào gia phả của dòng họ Vũ ở Làng Mộ Trạch cũng đã thể hiện 1 lần ở trường hợp Vũ Trác Oánh, lãnh tụ Nông Dân Khởi Nghĩa ở thế kỷ 17. Danh sách tiến sĩ của làng đề tên ông là Vũ Trác Lạc, đỗ tiến sĩ khoa 1656 khi ông 42 tuổi. Thực tế Ông Vũ Trác Oánh đỗ tiến sĩ khoa 1656 khi ông 22 tuổi, và đã làm quan đến chức Tham Chính, tước Nam; sau đó bị họ Trịnh truy lùng, nên đã bỏ làng đi nơi khác lập nghiệp.
(4). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển IV, tr.294, nhà XHKHXH, 1972.
(5). Khi Long Trất còn là Hoàng Thái Tử, chưa lên ngôi Hoàng Đế, thì Tô Hiến Thành đã được Vua Lý Anh Tôn phong làm Nhập Nội Kiêm Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự, tước Vương, giúp Đông Cung.
(Trích từ sách “Đặng Vũ Phả ký” của Đặng Phương Nghi)
|