Một trong những kỷ niệm không quên của tôi và cũng là ơn lành kỳ diệu của Thiên Chúa là cuộc gặp gỡ anh em họ Võ tại Lý Sơn.
Huyện đảo Lý Sơn nằm phía ngoài mũi Ba Làng An, Bình Châu, Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (22 km). Huyện gồm ba xã: hai xã An Hải và An Vĩnh trên đảo lớn (Cù lao Ré, xưa có nhiều cây ré dùng làm thuốc bắc, rộng khoảng 10 km2) và xã An Bình trên đảo nhỏ (Cù lao Bờ Bãi hay Hòn Bé). Trên tổng số 21 ngàn dân, giáo xứ Lý Sơn chỉ có 355 giáo dân, chiếm 1,7% dân số. Năm 2010 tôi được cha xứ Phạm Đức Thanh mời ra giúp bà con giáo dân trong Tuần Lễ Chúa Tử Nạn và Phục Sinh. Cả đời tôi chưa một lần qua đêm trên hải đảo. Cha Thanh lại cho biết trên đảo có rất đông cư dân họ Võ, vì thế, khi được mời, tôi đã nhận lời ngay. Sáng Thứ Tư 31-3, tôi rời cảng Sa Kỳ lúc 8 giờ và cập bến Lý Sơn khoảng 9 giờ. Chỉ vài giờ sau, tôi may mắn được chứng kiến cuộc đua thuyền rất hào hứng. Tuy nhiên, với tôi, sinh hoạt giao lưu họ Võ trong năm ngày trên đảo còn hào hứng hơn.
1. HỌ LÀ AI?
Cha Thanh đã nhiệt tình đưa tôi đi thăm các vị tôn trưởng họ Võ, trước hết là ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND Huyện, cho biết ở đây có ba nhánh họ Võ, hai tại An Vĩnh và một tại An Hải. Các nhánh này xuất phát từ mũi Ba Làng An trong đất liền, hiện ở xã Bình Châu vẫn còn một làng tên An Hải và ở xã Tịnh Khê vẫn còn một làng tên An Vĩnh. Ông Võ Xuân Thành, Chủ tịch Ủy Ban Mặt Trận Huyện, cho biết cư dân họ Võ trên đảo khoảng hai ngàn, chiếm gần 10% dân số. Ông Huyện và ông Thành đều thuộc nhánh thứ nhất của họ Võ ở An Vĩnh (Võ Xuân), hiện có ông Võ Xuân Phước là tộc trưởng. Ông Huyện đã thu xếp để tôi được gặp ông Phước nhưng ông Phước đã đi biển còn lâu mới về.
Ông Võ Xuân Huyện, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn
Tiếp đến tôi được gặp ông Võ Minh Hoàng, tộc trưởng nhánh họ Võ xã An Hải, và đến thăm nhà ông để xem một ít phả liệu. Về tiền hiền nhánh này, bài vị ở dinh tiền hiền chỉ ghi là Võ Đại Lang. Theo những chi tiết ngắn gọn sao chép lại từ gia phả thì tên thật của Võ Đại Lang là Võ Nước, con của cụ hiển khảo Võ Thông. Các chi tiết này còn phải kiểm chứng lại qua chính văn của gia phả.
Sau đó cha Thanh đưa tôi tới thăm hai ông Võ Thành Phượng và Võ Thành Hy thuộc nhánh thứ hai họ Võ xã An Vĩnh (Võ Văn), có tiền hiền là cụ Võ Văn Lúa. Sau ba thế hệ độc đinh, vị tổ đời thứ tư sinh được hai trai, do đó, từ đời thứ năm, nhánh này chia thành phái nhất (kỵ ngày thu) và phái nhì (kỵ ngày xuân - Thanh Minh). Ông Phượng cho biết trong cuộc tế Thanh Minh vào sáng Chủ Nhật lễ Phục Sinh sẽ có cả đại diện phái nhất, là ông Võ Văn Út, người đã đọc kỹ các tài liệu gia phả, có thể cung cấp nhiều chi tiết chính xác.
Ông Võ Minh Hoàng trước dinh Tiền Hiền xã An Hải.
2. HỌ ĐẾN ĐÂY TỪ BAO GIỜ
Đền thờ phái nhì ở An Vĩnh tọa lạc tại hẻm trước Bưu Điện Huyện Lý Sơn, trên cổng vào có ghi ba chữ “Thái Nguyên Tự” bị xuống cấp trầm trọng đang chờ có điều kiện để trùng tu. Sau buổi tế xuân, có bữa ăn thân mật. Ngoài anh em phái nhì còn có sự tham gia của một người con rể họ Võ từ Cam Ranh về, đại biểu phái nhất là ông Võ Văn Út, tộc trưởng họ Võ xã An Hải là ông Võ Minh Hoàng, và tôi. Theo sự bố trí của ông Phượng, bữa liên hoan đã thành một buổi tọa đàm. Ông Phượng rất phấn khởi khi nghe những thông tin về sinh hoạt liên kết dòng họ Vũ/Võ cả nước và yêu cầu tôi trình bày lại cho mọi người hiện diện cùng hiểu. Tiếp đến, ông Võ Văn Út trình bày những điểm chính đã đọc được từ các bản văn cổ về họ Võ ở An Vĩnh.
Theo thông tin một số tư liệu cũ ông Út đã đọc tại Lý Sơn, vào thời vua Lê Kính Tông, niên hiệu Hoằng Định năm thứ tư (1604), vào ngày 20-02 có tám người của làng An Hải xã Bình Châu, vượt biển ra tới đảo và chiếm cứ phần đất phía đông của đảo, nay là xã An Hải của Lý Sơn. Trong 8 người, có ba vị họ Nguyễn, một vị họ Trương, một vị họ Dương, một vị họ Lê, một vị họ Trần và một vị họ Võ (Nay tại dinh tiền hiền chỉ thờ thất tổ, vắng vị tổ họ Lê). Thủy tổ của họ Võ làng An Hải tên là Võ Nước, vẫn duy trì được gia phả qua các đời cho đến ngày nay.
Từ đường Võ tộc (phái nhì) ở An Vĩnh đang chờ có điều kiện để trùng tu.
Cũng vào năm 1604, ngày 16-7, có bảy vị từ làng An Vĩnh đất liền ra chia nhau phần đất phía tây của đảo và lập gia cơ đến ngày nay. Bảy vị ấy gồm hai vị họ Võ, hai vị họ Phạm, một vị họ Nguyễn, một vị họ Lê và một vị họ Trần. Hiện nay làng chỉ thờ sáu vị tiền hiền, gọi là lục tộc (vắng vị tổ họ Trần). Hai vị họ Võ là thủy tổ của hai nhánh họ Võ trong xã An Vĩnh hiện nay: một là dòng họ Võ Văn, hai là dòng họ Võ Xuân.
Ông Út thuộc dòng họ Võ Văn. Vị tổ dòng họ Võ Văn đã tham gia chinh phục ðảo là cụ Võ Văn Lúa. Sau khi chiếm đảo và phân chia ranh giới làm ăn thì cụ về đất liền và hằng năm ra thu hoạch và làm vụ mới, đến năm 1612 cụ đưa con trai là Võ Văn Hòa, còn gọi là Võ Gia Hòa, ra Lý Sơn và chính thức lập gia cư tại đảo. Sau ba đời độc đinh, đến đời thứ tư mới sinh được hai nam là Võ Nhất Lang và Võ Nhị Lang. Nhánh lớn (Võ Nhất Lang) có nhà thờ tại thôn tây xã An Vĩnh, nhánh nhỏ (Võ Nhị Lang) có nhà thờ tại thôn đông xã An Vĩnh. Dòng họ Võ Văn tế Xuân vào ngày 16-2 âm lịch, tế thu vào ngày 16-8 âm lịch và tảo mộ ngày 16-2 âm lịch.
Hậu duệ Võ Văn Út thắp nén hương lên mộ ông Võ Văn Khiết (ảnh Tuổi Trẻ)
Sau phần trình bày của ông Út, ông Võ Minh Hoàng nêu ý kiến hợp tác nghiên cứu để tìm định rõ liên hệ chính xác giữa các nhánh họ Võ tại Lý Sơn với nhau và với các nhánh tại Ba Làng An trên đất liền. Phương hướng đề ra là cần photocopy các tài liệu hiện còn giữ được (và phiên âm sang chữ quốc ngữ nếu chưa làm) và gởi rộng rãi đến các gia đình tại Lý Sơn cũng như những gia đình đã rời Lý Sơn đi nơi khác, vừa để tránh mai một vừa để tất cả những người liên quan thêm ý thức, tự kết nối phần mình vào phả hệ có sẵn và đóng góp ý kiến cũng như tư liệu vào việc tìm kiếm chung. Cách riêng cần huy động và tạo điều kiện cho lớp trẻ - nhất là những người đã thành đạt – tích cực tham gia vào công cuộc này.
3. HỌ ĐÃ GÌN GIỮ BIỂN ĐẢO CỦA ĐẤT NƯỚC
Gõ tìm trên Google, ta tìm được rất nhiều bài viết về Lý Sơn. Nổi bật nhất là vai trò của cư dân Lý Sơn trong việc bảo vệ quần đảo Hoàng Sa và lễ hội khao lề thế lính của họ. Hàng năm lễ này được tổ chức tại các Tộc họ từ ngày 10 đến 26 tháng 02 âm lịch và tại Âm Linh tự (một di tích được xếp hạng quốc gia) vào ngày 16 tháng 3 âm lịch. “Đây là lễ hội lớn không chỉ của huyện mà còn của cả tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức tổ chức rất công phu nhiều công đoạn, song đặc biệt hơn cả là hình thức thả thuyền giấy ra biển ngụ ý mãi duy trì việc ra biển như trước và có lẽ vì thế mà lễ hội có tên là khao lề thế lính. Vào những ngày này, ngoài việc tổ chức lễ, người địa phương còn thực hiện đắp và dọn các ngôi mộ của các chiến sĩ hải đội Hoàng Sa (dân nơi đây gọi là Mộ gió). Lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa phục vụ công tác nghiên cứu văn hóa cộng đồng cư dân ven biển Việt Nam, du lịch mà còn thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, truyền thống gìn giữ và bảo vệ lãnh thổ và lãnh hải của đất nước
“Theo tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, ngay từ đầu thời Chúa Nguyễn - cách ngày nay hơn 400 năm, tại vùng cửa biển Sa Kỳ thuộc các xã An Vĩnh và An Kỳ của huyện Sơn Tịnh cũng như xã An Hải, nay là xã Bình Châu, của huyện Bình Sơn, và đảo Lý Sơn hàng năm có 70 binh phu được nhà nước tuyển chọn đi Hoàng Sa tìm kiếm hải vật, sản vật để về dâng nộp cho triều đình và tuần phòng trên vùng biển Đông của Tổ quốc. Đội Hoàng Sa cũng đã hoạt động liên tiếp sang đến thời Tây Sơn, với những cai đội nổi tiếng như Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú, Hội Nghĩa hầu Võ Văn Khiết.”
Ông Võ Văn Khiết (phái nhất, nhánh thứ hai) được Thái Đức Hoàng Đế (Nguyễn Nhạc) phong tước Hội Nghĩa Hầu năm 1786, và đặt làm cai đội phó, tiến ra Hoàng Sa cùng với 6 người lính. Dinh ông Thắm thờ cai đội Hoàng Sa Võ Văn Khiết và ngôi mộ của ông đều nằm ở thôn Tây, xã An Vĩnh
Từ xa xưa, họ Võ tại Lý Sơn là dòng họ đầu tiên đã có lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, vào ngày 16-2 âm lịch, tại đình làng An Vĩnh, để ghi nhớ công ơn người xưa hay nhóm An Vĩnh thuộc hải đội Hoàng Sa đã ra đi tìm kiếm sản vật và cắm mốc biên giới hải phận mà không trở về.
Về sau, những dòng họ khác có người tham gia sứ vụ tổ chức lễ khao lề thế lính. Hôm Thứ Bảy trước lễ Phục Sinh, nhằm 18-2 Canh Dần, họ Phạm ở xã An Vĩnh tổ chức lễ khao lề, tưởng nhớ những vị chánh thủy quân suất đội nổi tiếng Phạm Văn Nguyên (1835), Phạm Hữu Nhật (1836), Phạm Văn Biện và nhiều vị họ Phạm khác thời Vua Minh Mạng. Cha xứ Phạm Đức Thanh và tôi cũng có đến thắp hương tại đền thờ họ Phạm.
Mộ gió lính Hoàng Sa
4. HỌ TỪ ĐÂU ĐẾN?
Tất cả các bia mộ họ Võ tại Lý Sơn dù thuộc nhánh nào cũng bắt đầu bằng ba chữ “Thái Nguyên Quận”. Các họ khác cũng có ba chữ tương tự, họ Nguyễn là “Trần Lưu Quận”, họ Bùi là “Hà Đông Quận”, họ Trần là “Vĩnh Xuyên Quận”, họ Trương là “Thanh Hà Quận”, họ Dương là “Hoàng Nông Quận”, họ Lê là “Kinh Triệu Quận” và họ Phạm là “Cao Bình Quận”. Phần đông cư dân trên đảo cho rằng đó là tên những châu quận trên đất liền mà các dòng họ này phát xuất. Tôi rất ngạc nhiên vì một vài tên gọi rất lạ, mới được nghe lần đầu, và vì không có thời nào trong lịch sử đất nước đã được trực tiếp chia thành quận thay vì tỉnh. Khi đến thăm chùa Từ Quang ở An Hải, tôi nêu câu hỏi và thầy Thích Hành Hỷ đã cho một câu trả lời khá thỏa đáng. Theo thầy, việc ghi châu quận như thế chỉ áp dụng cho người chết chứ không cho người sống. Tập tục này được ghi trong quyển Lịch Vạn Niên. Một phụ lục của quyển này liệt kê 510 dòng họ, mỗi dòng họ có kèm theo tên một châu quận và một số dòng họ có chung châu quận. Người ta hình dung địa lý cõi âm có nhiều châu quận khác nhau, khi sống người ta có thể trôi dạt bất cứ đâu trên trái đất, nhưng khi chết thì ai về châu quận nấy. Như thế, ba chữ “Thái Nguyên Quận” trên bia mộ người họ Võ không phải là địa chỉ xuất phát nhưng là địa chỉ đến.
Chiều Thứ Hai, 05-4, tôi về Qui Nhơn thì nhận được email của một người con họ Võ đi tìm nguồn cội, anh Võ Ngọc Bá, quê ở Tam Hòa, Núi Thành, Quảng Nam. Gia phả nhà anh Bá bắt đầu bằng mấy chữ Võ Nhai Thái Nguyên Quận cho nên anh hướng tầm mắt về tỉnh Thái Nguyên. Tôi chia sẻ với anh Bá lời giải thích của thầy Hành Hỷ. Anh Bá đã mau mắn tìm hỏi những vị anh tin cậy và trả lời cho tôi ngay: “Sáng nay con có gặp thầy Thích Nhuận Tiến chùa Quán Thế Âm, đường Thích Quảng Đức, Phú Nhuận, TP.HCM. Thầy có đưa con xem bảng chép tay về các quận và có cùng ý kiến với thầy Thích Hành Hỷ. Chiều nay con trao đổi với cụ Vũ Hiệp, cụ có cho xem bảng Bách Gia Tính do Hồng Kông phát hành năm 2010 (chữ Tàu) có tên gọi là lịch văn hóa, có ghi từng quận của mỗi họ và cụ giải thích: “dù sống phương nào khi chết cũng mong về cố quận nên ghi lại gốc tích để con cháu biết.” Cụ Vũ Hiệp là một nhà nghiên cứu nổi tiếng về sử họ Võ.
Thế là đã rõ bà con họ Võ ở Lý Sơn không phát xuất từ tỉnh Thái Nguyên. Vậy thì từ đâu?
Khi dự tế Thanh Minh ở đình làng An hải, tôi được hầu chuyện với các bô lão. Một vị cho biết các tiền hiền đã từ hai làng An Hải (xã Bình Châu) và An Vĩnh (xã Tịnh Kỳ) đến Lý Sơn. Cụ thêm: Đây là hai làng An trong số “ba làng An” (thiếu làng An Kỳ), có thể là từ Ba Làng ngoài Thanh Hóa đi vào.
Tôi tìm trên Google thì thấy ba làng làm nên mũi Ba làng An là: Vân An, An Chuẩn, An Hải (Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) - Tôi gọi điện hỏi cha xứ giáo xứ Ba Làng ở Thanh Hóa và được biết ba làng kết nên giáo xứ là Như Xuân, Sung Mãn, Ngoại Hải. Không làng nào trong ba làng ấy có chữ An. Như thế chưa thể nói được Ba Làng An ở Bình Châu bắt nguồn từ Ba Làng ở Thanh Hóa. Tuy nhiên việc tổ tiên họ Võ tại đây đã xuất phát từ Thanh Hóa là có thể đúng.
Sự kiện năm 1604 hai đợt tiền hiền từ hai làng An Hải và An Vĩnh trong đất liền ra chinh phục Lý Sơn cho thấy các vị tổ họ Võ đã lập cư tại xã Bình Châu thuộc huyện Bình Sơn nhiều năm trước. Nếu đó là cuối thế hệ thứ hai, hoặc đầu thế hệ thứ ba, thì họ đã hiện diện tại Bình Châu 50 năm trước đó, tức là năm 1550, thời điểm mà tổ Võ Kỵ đã vào Hà Tĩnh. Nói chung, các nhánh họ Võ đã di chuyển về phía Nam bằng đường biển và thường định cư tại các cửa biển hoặc ven biển dễ sống bằng nghề đánh bắt cá, cũng có khi chỉ tạm cư một thời gian rồi lại tiếp tục tiến về phía Nam. Một số truyền khẩu nhắc đến các chiến thuyền, cho thấy nhờ quen với biển cả, nhiều cư dân họ Võ được sung vào các hải đội.
Đó là đôi nét gợi ý. Mong rằng rồi sẽ có nhiều bạn trẻ họ Võ tham gia việc tìm kiếm. Với nhiệt tình với nguồn cội và với những phương tiện thuận lợi ngày nay, hy vọng sẽ khám phá thêm được nhiều điều lý thú.
|
Linh mục Võ Tá Khánh (Bình Định)
|