Tấm lòng hiếu thảo của Đức Thần Tổ Vũ Hồn với mẹ già, uy đức của ông với dân làng và tấm gương đạo đức của ông được hậu thế nâng lên thành triết lý dòng họ: NHÂN TRÍ TRUYỀN GIA. Những giá trị cao đẹp mà họ Vũ / Võ truyền từ đời này sang đời khác đã tạo nên nhiều thế hệ nhân tài góp công với nước.
Ảnh: Ban thờ Đức Thần Tổ Vũ Hồn tại làng Mộ Trạch (Hải Dương)
Từ mấy chục năm nay nhiều dòng họ có ý thức xây dựng cộng đồng thành một tổ chức chặt chẽ và có quy mô ngày càng rộng mở. Một trong những căn cứ cho tính liên kết cộng đồng là gốc tích cội nguồn và sử - phả của dòng họ. Công việc tìm tòi, sưu tầm tài liệu viết gia phả và về những nhân vật tiêu biểu được đặc biệt coi trọng. Đó là những việc làm hết sức chính đáng. Tuy nhiên, trong hành trình tìm về cội nguồn của các dòng họ, đây đó bắt đầu xuất hiện những khuynh hướng, mà từ góc nhìn khoa học, chúng tôi thấy cần nêu một số ý kiến.
Trước hết xin được nói ngay rằng do khuôn khổ hạn hẹp, bài viết ngắn này không thể đề cập đến tất cả mọi nội dung liên quan đến vấn đề nêu trên. Hơn nữa, chủ đích của người viết bài này cũng chỉ tập trung vào dòng họ Vũ / Võ nên cũng sẽ không đề cập đến các dòng họ khác, mặc dù những vấn đề đưa ra không phải chỉ của riêng dòng họ Vũ / Võ.
1. Có hay không họ Vũ từ thời Hùng Vương?
Dòng họ, tên gọi và hệ thống ghi họ, tên là hai thực thể có liên hệ mật thiết với nhau, nhưng không phải lúc nào cũng có cùng một nguồn gốc. Có thể nêu một vài thí dụ. Cư dân sống trên bán đảo Triều Tiên (nay là CHDCND Triều Tiên và Hàn Quốc) có hệ thống tên họ rất sớm và từ thế kỷ XV có chữ viết riêng (Hangul), nhưng cách ghi tên họ hiện nay của dân tộc này là ảnh hưởng hệ thống ghi tên họ của văn hóa Trung Hoa mà họ đã tiếp thu từ vài thiên niên kỷ trước. Theo đó, họ tên người Triều Tiên / Hàn Quốc thường có 3 ký tự, ký tự đầu tiên là họ, phần sau là tên. Có thể lấy họ và tên Chủ tịch đầu tiên của CHDCND Triều Tiên (một nhân vật nổi tiếng nhiều người Việt Nam biết đến) làm một dẫn chứng cụ thể. Tên ông viết bằng chữ Hangul là 김일성, đọc là Kim Il-sung. Đây chỉ là ký âm [1] ba chữ Hán (金日成)của người Triều Tiên/Hàn Quốc. Người Việt Nam đọc theo âm Hán - Việt là Kim Nhật Thành.
Người Triều Tiên / Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống này mà không hề mặc cảm về việc họ học được hệ thống ghi họ tên từ văn hóa Trung Hoa. Cũng không ai ngây thơ đồng nhất việc tiếp nhận ảnh hưởng cách (hệ thống) ghi tên họ từ một nền văn hóa khác với việc các dòng họ ấy từ nơi khác đến. Một trong những quy luật phổ biến của văn hóa là tiếp biến (Acculturation - tiếp thu rồi biến đổi theo cách của mình).
Từ quy luật này cũng có thể giải thích hàng loạt hiện tượng tương tự trên thế giới như hệ thống tên họ của người Ả Rập phổ biến ở các nước Đông Nam Á hải đảo (Malaysia, Brunei, Indonesia…), ảnh hưởng của Ấn giáo trong hệ thống tên họ ở các nước chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ...
Sở dĩ tôi phải nhắc tới nhưng điều này vì trong thời gian gần đây xuất hiện hiện tượng cố chứng minh một số họ hiện nay, trong đó có họ Vũ đã xuất hiện từ thời Hùng Vương mà điển hình là trường hợp thầy giáo Vũ Thê Lang.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Hùng Vương thì câu chuyện bắt đầu từ việc phát hiện ra một Ngọc phả (đúng ra phải gọi là Thần tích - sự tích vị thần được thờ trong miếu) nhân một vụ cháy Thiên cổ miếu vào năm 1990. Theo đó thì “Bản ngọc phả được viết vào năm Hồng Phúc thứ 2 (1573) đời vua Lê Anh Tông, do Đông Các học sĩ Nguyễn Bính biên soạn như sau: Vào thời Hùng Duệ Vương, ở đất Mộ Trạch có vợ chồng Vũ Công, thuộc gia đình có học. Cha mẹ mất sớm, cảnh nhà sa sút, hai người lần tìm về đô thành Phong Châu, tới thôn Hương Lan mở lớp dạy học. Dân làng đã cấp cho họ ruộng đất để trả công dạy dỗ.
Vợ chồng Vũ Công sinh hạ được một người con trai là Vũ Thê Lang. Lớn lên, Vũ Thê Lang tìm về người bạn cũ của bố là Nguyễn Công ở đất Đông Ngàn - Kinh Bắc. Nguyễn Công đã gả cho Thê Lang người con gái yêu của mình là Nguyễn Thị Thục - một cô gái nết na, thạo nghề tơ tằm canh cửi. Khi cha chết, Vũ Thê Lang tiếp tục thay cha dạy học, Thục Nương giúp dân nghề nông trang, canh cửi. Tiếng lành đồn xa, nhờ học vấn cao và tận tụy với nghề, sống giản dị và mẫu mực nên ông giáo Vũ Thê được vua Hùng thứ 18 giao cho chăm nom việc học hành của hai công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa” [2]. Hầu hết các bài viết khác đều dẫn nguồn từ tài liệu này.
Ở đây tôi không bàn về ý nghĩa rất hay và đậm chất nhân văn của câu chuyện nói về thời Hùng Vương, nhưng được viết ra sớm nhất là vào cuối thế kỷ XVI, như từ thời Hùng Vương đã có một nền giáo dục nghiêm chỉnh, rằng thời đó đã có chữ viết, cha con vua Hùng hiếu học, rồi tình nghĩa thầy trò sâu đậm… Tôi cũng không bàn đến niên đại của văn bản (Hồng Phúc thứ 2 -1573) và của chính câu chuyện mà chỉ xin nói về danh xưng và tên họ.
Thứ nhất, theo Ngọc phả (Thần tích) này thì Vũ Công vốn là người “ở đất Mộ Trạch”. Điều này là không thể vì lịch sử lập làng và gốc tích họ Vũ ở đó được các tài liệu đáng tin cậy ghi chép rất rõ ràng: Vũ Hồn là người khai cơ lập địa trang Khả Mộ vào khoảng thập niên thứ 2 của thế kỷ IX, đến thời Trần (1225 - 1400) mới đổi là Mộ Trạch. Ông được dân làng Mộ Trạch suy tôn làm Thành hoàng. Họ Vũ ở đây và từ đây ra đi tôn ông làm Vũ Công Thần Tổ (ông Tổ họ Vũ). Không thể có đất Mộ Trạch từ thời Hùng Vương (đã tồn trước đó khoảng 15, 16 thế kỷ) và khi ấy ở đây cũng chưa có họ Vũ để lên Phong Châu làm thầy giáo.
Thứ hai, các danh tính Vũ Công (武公), con trai là Vũ Thê Lang (武棲郎) và con dâu là Nguyễn Thị Thục (阮氏淑) đều giống với cách ghi tên họ mà chúng ta đang sử dụng rộng rãi hiện nay. Mỗi chữ đều là một âm Hán - Việt có một chữ Hán tương ứng. Đó là sự mô phỏng cách đặt tên họ của người Hán. Về cơ bản hệ thống đó có ba yếu tố: Họ (chỉ gốc tích gia tộc theo phụ hệ), tên đệm (chỉ chi phái, giới tính hoặc sau này biến hoá với nhiều chức năng khác) và tên gọi (danh xưng phân biệt các cá thể với nhau). Cả ba yếu tố này đều sử dụng âm Hán - Việt và có thể dùng chữ Hán để ghi. Hệ thống này, như đã được các chuyên gia chứng minh, khó có thể xuất hiện trước thế kỷ III sau Công nguyên. Như đã trình bày ở phần đầu, đây là hiện tượng rất bình thường của quá trình tiếp biến văn hoá mà điều kiện tiên quyết là phải có giao lưu. Nói thời Hùng Vương chưa có họ Vũ (武) đơn giản là vì khi đó chưa diễn ra quá trình giao lưu với văn hóa Hán nên không thể có cách ghi tên họ kiểu này. Điều ấy hoàn toàn không có nghĩa là phủ định sự tồn tại một hệ thống tên họ nào đấy, thậm chí có thể có cả chữ viết riêng ở thời Hùng Vương. Tuy nhiên, cho đến nay chúng ta chưa có đủ thông tin và chứng cứ khoa học để hiểu về những điều đó. Tất cả mới chỉ dừng ở giả thuyết. Sau này việc nghiên cứu về chữ viết và cách ghi tên họ thời Hùng Vương có thể tìm ra nhiều kết quả mới, nhưng điều có thể khẳng định ngay từ bây giờ là chữ viết thời đó (nếu đã từng tồn tại) chắc chắn không phải chữ Hán và hệ thống tên họ thời đó dứt khoát không phải là hệ thống như chúng ta đang sử dụng hiện nay.
Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định rằng từ thời Hùng Vương chưa có họ Vũ / Võ (武). Những tên tuổi mang họ Vũ gắn với thời đại Hùng Vương được viết trong các Thần phả, Thần tích đều là sản phẩm từ thời Hậu Lê trở về sau, không thể dùng làm căn cứ để xác quyết về gốc tích dòng họ từ trước đó hàng thiên niên kỷ.
2. Đôi điều cần làm sáng rõ thêm về Thần tổ Vũ Hồn
Từ các bộ sử chính thức như Đường thư, Việt sử lược, Đại Việt Sử ký Toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… và nhiều tài liệu thư tịch khác, chúng ta biết rằng Vũ Hồn (武 渾,804 - 853) tuổi trẻ học rộng, tài cao, đến năm 37 tuổi được bổ nhiệm làm Kinh lược sứ Đô hộ phủ An Nam (vùng đất rộng lớn bao gồm phần tây nam Quảng Tây, Miền Bắc và Bắc Trung bộ Việt Nam hiện nay). Đô hộ phủ là một hình thức cai trị khá đặc biệt của triều Đường (618 - 907). Thay vì áp dụng chính sách đàn áp khốc liệt, đồng hóa ráo riết dưới thời Hán đối với cư dân các vùng đất người Hán chiếm được, nhà Đường chủ trương nới lỏng áp chế với các vùng đất chưa thành nội thuộc: phía bắc là địa bàn cư trú của người Mông Cổ, phía đông có các quốc gia Kokorio, Pache và Sila (tương đương với bán đảo Triều Tiên hiện nay), phía tây là khu vực núi Thiên Sơn, án ngữ con đường tơ lụa và phía nam là Giao châu. Nhà Đường đã lần lượt thành lập ra bốn đơn vị hành chính gọi là Đô hộ phủ tương ứng với các vùng đất nói trên: An Tây Đô hộ phủ (năm 640), An Bắc Đô hộ phủ (năm 648), An Đông Đô hộ phủ (năm 668) và cuối cùng là An Nam Đô hộ phủ (năm 679). Rút kinh nghiệm thành công trong chính sách phủ dụ ở các Đô hộ phủ đã hình thành trước, triều Đường thực thi chính sách ki mi tương đối lỏng lẻo với vùng đất An Nam. Một trong những biểu hiện của chính sách này là việc bổ dụng quan lại không phải là người Hán vào các cương vị quan trọng. Nếu như dưới thời Hán, từ sau khởi nghĩa Hai Bà Trưng, từ chức Huyện lệnh (đứng đầu một huyện) trở lên đều là người Hán thì đến đây, người đứng đầu Đô hộ phủ (tương đương với cả Giao Châu trước đó) cũng không nhất thiết là người Hán. Trong khoảng thời gian những năm 761 - 767, Abe no Nakamaro, một người Nhật đã được bổ làm An Nam Tiết độ sứ (chức quan đứng đầu An Nam Đô hộ phủ). Năm 905, người Hồng Châu (tương đương vùng đất Hải Dương hiện nay) là Khúc Thừa Dụ, nhân cơ hội thuận lợi đã đứng lên tự xưng là Tiết độ sứ, sau truyền cho con cháu là Khúc Hạo, Khúc Thừa Mỹ cũng được nhà Đường chấp nhận. Vũ Hồn đã được bổ nhiệm làm quan đứng đầu An Nam Đô hộ phủ hai năm (841-843) trong một bối cảnh chính trị như thế. Ông có thân phụ là Vũ Công Huy (武公輝), người huyện Long Khê, tỉnh Phúc Kiến, vốn là đất của người Mân Việt. Trước khi Tần Thủy Hoàng bành trướng xuống phương Nam, toàn bộ vùng đất nam sông Dương tử (Trường giang) là địa bàn cư trú của các tộc người phi Hán, sử sách gọi là Bách Việt. Các tộc người trong khối Bách Việt như Mân Việt, Điền Việt, Lạc Việt, Âu Việt (sau hợp thành Âu Lạc)… có rất nhiều nét tương đồng về văn hóa. Có lẽ chính vì vậy mà Vũ Công Huy đã sớm gắn kết sự nghiệp và cuộc đời mình với một vùng quê thuộc An Nam. Ông đã chọn một thế đất đẹp đưa hài cốt tổ tiên sang táng. Ngôi mộ tọa lạc trên khu đất nay nay thuộc Đống Dờm, Nam Sách, Hải Dương và kết hôn với một phụ nữ ở miền quê này - Cụ Bà Nguyên Thị Đức.
Thần Tổ Vũ Hồn là kết tinh hai dòng máu là hậu duệ của cư dân Bách Việt (Mân Việt và Âu Lạc).
3. Nguyên tắc tối thượng của cộng đồng dòng họ là tự nguyện
Với phương châm xây dựng dòng họ thành một cộng đồng duy trì và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, góp phần xây dựng khối đoàn kết dân tộc, trong thời gian qua tổ chức dòng họ đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của bà con họ Vũ / Võ cả nước. Quy mô cộng đồng đã vươn ra cả họ Vũ / Võ đang sinh sống và làm ăn ở nhiều nước trên thế giới. Sự quy tụ này là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ tâm nguyện của mỗi con người, mỗi gia đình. Điều này cũng đồng nghĩa với việc có ai đó mang họ Vũ / Võ nhưng không muốn nhận Thần tổ Vũ Hồn là quyền của họ và cũng là lẽ bình thường.
Từ lâu ngôi mộ Đống Dờm đã trở thành một linh tích không chỉ của riêng dòng họ Vũ và được truyền tụng là nơi phát đạt việc học hành, đỗ đạt - điều mà bất cứ gia đình nào của Việt Nam, một dân tộc hiếu học và trọng học đều hướng tới. Làng Mộ Trạch cũng từ lâu được biết đến là Tiến sĩ sào (Tổ sinh ra tiến sĩ). Thần tổ họ Vũ là người tìm ra đất này, bỏ công sức khai cơ lập địa và tạo dựng nên những giá trị cao đẹp được dân làng tôn làm Thành hoàng và kính cẩn thờ phụng.
Tấm lòng hiếu thảo của ông với mẹ già, uy đức của ông với dân làng và tấm gương đạo đức của ông được hậu thế nâng lên thành triết lý dòng họ: NHÂN TRÍ TRUYỀN GIA. Những giá trị cao đẹp mà họ Vũ / Võ truyền từ đời này sang đời khác đã tạo nên nhiều thế hệ nhân tài góp công với nước. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người thuộc các dòng họ khác cũng lấy làm tự hào là dâu, rể họ Vũ / Võ và sẵn sàng gánh vác công việc của dòng họ.
Những giá trị cao đẹp ấy là chất keo gắn kết cộng đồng ngày càng bền chặt, là định hướng cho hoạt động tích cực của dòng họ và là cội nguồn sức mạnh giúp cho dòng họ Vũ / Võ vững bước đi lên.
GS.TSKH Vũ Minh Giang
Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội;
Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hoá Quốc gia;
Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam;
Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư Liên ngành Lịch sử, Khảo cổ, Nhân học;
Uỷ viên Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước;
Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung ương;
Uỷ viên Hội đồng Chính sách Khoa học & Công nghệ Quốc gia;
Phó Chủ tịch Hội dồng dòng họ Vũ / Võ Việt Nam.
|