Chè Thái là tên gọi dân gian của chè Thái Nguyên, có xuất xứ từ Tân Cương (thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Thức uống này đã nổi tiếng trong và ngoài nước. Sẽ rất thú vị khi biết người gây dựng nên thương hiệu chè Tân Cương. Đó là một người con họ Vũ ở thôn Ngo, xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên.
Về Tân Cương, cuộc hẹn không định trước
Thôn Ngo, xã Bạch Sam liền kề cánh đồng với làng tôi. Người làng Ngo và làng tôi thường gửi lời ca cho nhau khi cầy cấy. Nhiều gia đình ở hai thôn đã thành người thân thuộc khi nhà có việc trọng, khi làng vào hội. Đã nhiều đời, họ mời khách miếng trầu chén nước. Đã mấy thế hệ uống trà Thái. Nước xanh, vị đượm, mùi thơm đặc trưng cùng dư vị ngậy béo, đăng đắng nơi cuống họng và cứ vương dư vị ở đó khá lâu, sau đó là tinh thần sảng khoái. Uống trà Thái nhiều và đã thành thú ẩm thực nhưng gần đây, tôi mới biết cụ Hiệt là người tạo dựng nên thương hiệu chè Tân Cương, nơi gốc gác của chè Thái Nguyên hiện thời.
Một nét đặc trưng của làng Ngo là gạo ngon, có tiếng trong vùng, bán được giá. Người chỉ cấy lúa và thêm vào chăn nuôi con gà con lợn tận dụng sản phẩm của thóc gạo đã có thu nhập hơn người làng khác cùng nghề. Làng Ngo còn có nghề mộc với nhiều tay nghề giỏi, công việc này cho thu nhập khá và được “ăn cơm thiên hạ” nhưng chỉ làm khi nông nhàn.
Những câu chuyện kể của con cháu cụ Hiệt và tư liệu từ trang mạng tratancuong.vn thì cụ Hiệt đến Tân Cương là cuộc hẹn không định trước.
Gia phả dòng họ Vũ ở thôn Ngo, do ông Vũ Văn Mọc lưu giữ ghi: Cụ Vũ Văn Hiệt sinh năm 1883, thuộc đời thứ 7 trong gia đình có 7 anh chị em, 3 trai 4 gái.
Dòng họ Vũ, theo ông Mọc là dòng họ có nhiều người thành đạt như: cố Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Cẩn, cố Cục trưởng Cục Quân giới Thiếu tướng Vũ Văn Đôn. Với cụ Hiệt, con giai Vũ Văn Thuận, hiện ở xóm Bình Định 1, xã Bình Sơn, thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên cho biết, bước vào độ tuổi lao động, bố ông đã mê nghề mộc và rồi thành thợ giỏi. Công việc làm nhà, đóng bàn tủ, giường ghế cho thiên hạ đã kéo cụ tới làm nghề ở nhiều làng quê trong vùng và thành phố Hà Nội.
Công việc đang tấn tới thì nổ ra chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 - 1918). Chính quyền Thực dân Pháp ở Việt Nam đã huy động một số thanh niên có sức khỏe, có tay nghề đưa sang Pháp phục vụ cuộc chiến. Đang vui với nghề mộc thì cụ sung quân, được đưa sang Pháp và được giao việc tạo khuôn mẫu đúc các chi tiết của máy bay. Làm việc ở Pháp 4 năm, từ vị trí người thợ, cụ Hiệt được chính quyền Pháp phong chức Thất phẩm đội trưởng (chức đội trưởng, hàm thất phẩm?), tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh, đây là huân chương cao quý nhất của nhà nước Pháp tặng thưởng cho những cá nhân hoặc tổ chức (cả dân sự và quân sự) có đóng góp đặc biệt cho nước Pháp. Kết thúc chiến tranh, đội trưởng Vũ Văn Hiệt được về Việt Nam. Lúc này cụ ở tuổi 35, nơi bến đậu nếu được theo nguyện vọng, sẽ là quê hương hoặc gia đình có người vợ tần tảo nuôi con, đăng đẵng chờ chồng. Chưa rõ nguyên nhân nào, nhưng cụ và một số người cùng về nước dịp ấy được chính quyền bảo hộ Pháp cấp giấy phép, kinh phí để khai khẩn vùng đất Tân Cương.
Dựng làng lập ấp
Theo tài liệu lịch sử, năm 1921, thành lập xã Tân Cương (tương đương với làng hiện nay). Nguyên thủy, Tân Cương là một trong ba thôn thuộc xã Y Na, có vài chục nóc nhà, người dân sống bằng nghề trồng lúa nước, hoa màu. Về nhân lực, có một số cụ giỏi chữ Nho như cụ đồ Hai, cụ đồ Nhĩ. Các cụ chơi thân với vị quan đầu tỉnh là Tiến sĩ Nguyễn Đình Tuân, có tên khác là ông nghè Sổ. Các cụ cùng dân làng xin quan tỉnh cho thành lập xã Tân Cương. Được nâng cấp từ thôn lên xã nhưng công việc vẫn trồng lúa, trồng màu. Cuối năm 1922, được sự giúp đỡ của ông nghè Sổ và quan tri huyện huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, cụ Vũ Văn Hiệt cùng một số người trong xã sang tỉnh Phú Thọ lấy giống chè về trồng trên vùng đồi thấp của xã. Cây chè hợp với khí hậu thổ nhưỡng và được người dân cần cù chăm sóc đã nhanh chóng thành cây công nghiệp. Song hành với sản xuất cây chè, đưa cây chè thành cây hàng hóa, Tân Cương kiện toàn bộ máy chính quyền. Người dân Tân Cương chọn Vũ Văn Hiệt làm tiên chỉ. Đây là chức tiên chỉ đầu tiên của xã. Từ ngày chính quyền được kiện toàn, cây chè tăng lên về sản lượng. Công việc chế biến chè bằng thủ công đã không còn phù hợp do năng xuất và nhu cầu thị trường. Đáp ứng yêu cầu của thực tế, năm 1925, vị tiên chỉ của xã ở tuổi 42, đã đi đầu trong thay đổi phương thức bằng việc mở xưởng chế biến sao chè theo quy mô bán công nghiệp. Mở cửa hiệu bán chè tại thị xã Thái Nguyên với thương hiệu Chè con hạc. Sản phẩm chè con hạc có nước xanh, thơm ngon, cánh nhỏ trở nên nổi tiếng cả vùng. Thành công ở địa bàn cấp tỉnh, vị tiên chỉ kiêm giám đốc thương hiệu Chè Con Hạc tổ chức đại lý ở cả 3 kỳ: Bắc, Trung, Nam. Như vậy là chỉ chưa đầy 10 năm, từ sản phẩm thức uống cho địa phương đã thành thức uống được cả nước mến mộ.
Chè Tân Cương với thương hiệu Chè Con Hạc trở nên nổi tiếng khi giành giải Nhất trong cuộc thi tại nhà Đấu Xảo tại Hà Nội năm 1935. Tên cụ Hiệt được tôn vinh cùng thương hiệu sản phẩm.
Người tiêu dùng ở nhiều nước trên thế giới đã hâm mộ chè Tân Cương. Các thương lái nước ngoài như Ấn Độ, Trung Quốc, … đã nhập hàng chục tấn chè mỗi năm đưa đi tiêu thụ.
Từ nguồn thu sản phẩm chè, Tân Cương tiến hành phát triển đường giao thông, làm hệ thống tưới tiêu để tăng năng xuất cây trồng, thuận lợi cho công việc vận chuyển hàng hóa, cho đi lại và làm đẹp quê hương. Hoàn thành công việc mở mang đường giao thông, hệ thống tưới tiêu, năm 1938, Tân Cương xây trường học đầu tiên để nâng cao dân trí cho người dân. Kết quả này có đóng góp quan trọng từ tầm nhìn và trình độ tổ chức của người tiên chỉ nói riêng và chính quyền nói chung.
Người dân Tân Cương, do mến mộ tài đức và tỏ lòng kính trọng đã tặng vị tiên chỉ bức hoành phi, câu đối viết chữ Hán Nôm. Bức hoành phi viết: Quân tử Vũ bản (người quân tử họ Vũ). Đôi câu đối ghi: “Tụ nghĩa hà nan, hướng tụ nghĩa hà nan, nhất chí quán thấu minh thế viễn/Di dân bất dị, phong di dân bất dị, đồng tâm khai hóa khánh tương lai ” (Tạm dịch: Tụ nghĩa gian nan, chí hướng tụ nghĩa cũng gian nan, một lòng cùng vì cuộc sống tươi sáng dài lâu/ Di dân đến khai phá vùng đất mới nhưng không đổi nghề khác, không mất đi phong tục, di dân để đồng lòng khai hóa, hướng tới tương lai).
Làm kinh tế giỏi và có uy tín trong dân, trong chính giới, cụ Hiệt còn là người có tâm với cách mạng do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Những ngày đầu của năm 1944, gia đình của ông chủ “trang trại” chè thành cơ sở tin cậy của tổ chức Đảng, là nuôi giấu cán bộ, cất giấu tài liệu. Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, cán bộ lã thành của tỉnh Hà Tây (ay là Thành phố Hà Nội) xác nhận: "Đầu năm 1944, đến đầu năm 1945,cụ Vũ Văn Hiệt đã dành cho tôi một phòng ở gác 2 nhà 2 tầng của cụ để ở, cất giấu tài liệu và là nơi để hội họp với các đồng chí Đặng Văn Dũng, Nguyễn Văn Sỹ …. ". Căn nhà cụ Hiệt còn là nơi gặp mặt, móc lối liên lạc với những người cộng sản bị giam cầm tại căng Bá Vân như Trần Huy Liệu, Hoàng Kiên (tức Lê Đình Mô – sau này thành con rể), Nguyễn Thế Dị (cố Cục trưởng Cục Đường sông Việt Nam). Cảm phục lý tưởng vì dân vì nước của những đảng viên, con giai, gái, dâu rể cụ Hiệt tích cực tham gia công tác cách mạng. Con giai cả cụ Hiệt là ông Vũ Văn Dĩnh, từng giữ chức chánh án tòa án tỉnh Thái Nguyên, thẩm phán Tòa án Khu tự trị Việt Bắc. Sau này gia đình chuyển sang ở xóm Bình Định, khu đất cũ hiến tặng cho Chính phủ mở trường quân chính. Nay do một gia đình ở Tân Cương sở hữu. Góp sức cho cách mạng như vậy nhưng tiếc là cụ chưa được công nhận bằng " có công với nước" theo Pháp lệnh số 26/2005 của UBTVQH, mặc dù gia đình đã có văn bản đề nghị.
Với quê hương Bạch Sam, cụ Hiệt đã tạo điều kiện cho nhiều người ở quê lên Tân Cương sinh cơ lập nghiệp. Thành đạt trong nghề chè, có uy tín trong giáo giới.
Ngày 21.3.1945, do bị cảm nặng, cụ Vũ Văn Hiệt qua đời ở tuổi 63. Cảm kích về những công lao đóng góp của cụ, người đồng hương là nhà Nho, thầy giáo Bùi Khắc Úy (1884 - 1959) soạn bài văn tế Nôm, xin trích một số câu:
Nhớ xưa tôn ông
Nếp nhà họ Vũ
Nết đất tài hoa tính trời đức độ
Thực tế đã ham, hư danh không mộ
Chấn hưng công nghệ, trí tung trời tranh thắng chốn Đông Đô
Khẳng khái trượng phu, gan vượt sóng phò nguy miền Tây Thổ
.... Lên khai khẩn quốc gia công thổ, miền Y Na điền địa hoang vu
Vui đồng niên đội ngũ doanh tiền, đồn Tân Ấp nhân dân sinh tụ
Người của có tính đường khai trí, mở học trường dậy lũ học sinh
.... Nhà chế tạo, nổi danh dấu Hạc, chè Tân Cương nổi khắp ba kỳ
Cuộc di dân dắt bạn miền xuôi, xã Bình Định sinh sôi dân số.
Nơi thờ cúc Cụ Vũ Văn Hiệt
Có nhiều bài viết nêu vấn đề ông tổ chè Tân Cương là cụ Vũ Văn Hiệt hay cụ nghè Sổ. Bài của Trường Xuân, đăng trên facebook.com, viết về cuộc phỏng vấn Tổng Giám đốc Công ty chè Hoàng Bình, Đỗ Thị Đức Lý, bà Nguyễn Thị Học, Chủ tịch UBND xã Tân Cương, 3 nông dân sản xuất chè gồm các ông Bùi Xuân Tiến, 65 tuổi (xóm Hồng Thái 2), cụ Muộn 91 tuổi và bà Nguyễn Thị Liễu 81 tuổi (xóm Guộc). Bài viết: Câu đối và văn tế ông tổ chè Tân Cương của Nguyễn Đình Hưng (Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Thái Nguyên) trong Thông báo Hán Nôm học năm 2013- Nhà xuất bản Thế Giới 2014. Các tác giả đều cho là cụ Đội Năm (tên khác của cụ Vũ Văn Hiệt) là ông tổ chè Tân Cương.
Ông Vũ Văn Thuận, con giai cụ Hiệt bên sơ đồ gia phả họ Vũ thôn Ngo
Có thể khảng định, cụ Vũ Văn Hiệt là người có công đầu trong việc lựa chọn và đưa giống chè Phú Thọ về trồng trên đất Tân Cương. Cụ cũng là người đi tiên phong chế biến chè quy mô bán công nghiệp, phát triển thành cây hàng hóa. Đưa sản phẩm chè Tân Cương thành thứ nước uống được cả nước và nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Thiết nghĩ, cụ Vũ Văn Hiệt xứng đáng được tôn vinh danh hiệu: Ông tổ chè Tân Cương.
Bài và ảnh: Đặng Văn Lộc
|