Để duy trì và phát huy công đức tổ tiên, truyền thống của dòng tộc trong việc giáo dục, răn dạy lớp con cháu hậu sinh; các chi, phái trong dòng họ đã bầu ra "Hội đồng gia tộc" gồm 06 người có uy tín nhất của dòng họ để chỉ đạo các công việc lớn của dòng họ như: Việc thờ phụng, tế lễ liệt vị tổ tiên; tôn tạo, sửa sang di tích, duy trì quỹ khuyến học, khuyến tài; qua đó giáo dục con cháu ghi nhớ và phát huy ân đức tổ tiên, truyền thống của dòng tộc trong lao động, công tác và học tập. Trước hết là chấp hành nghiêm đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước, của địa phương; làm theo điều hay, lẽ phải, sống có ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội, không vi phạm pháp luật và các biểu hiện tiêu cực bên ngoài xã hội.
Trước sự phát triển không ngừng của xã hội, đời sống nhân dân nói chung và các gia đình trong dòng họ chúng tôi nói riêng ngày càng được cải thiện, nâng cao. Cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc hơn, song các biểu hiện vi phạm pháp luật, tai, tệ nạn xã hội ngày một gia tăng; tác động và đe dọa trực tiếp đến sự bình yên của từng gia đình, ngõ, xóm. Thôn Đồng Cống chúng tôi là địa bàn giáp ranh, phức tạp về an ninh trật tự của xã Đồng Phú. Có 5 cơ quan, doanh nghiệp đóng trên đất xã, có bến đò Cống Vực, có bến bãi kinh doanh nguyên vật liệu xây dựng .v.v. Hàng năm thường xảy ra các vụ cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng. Đối tượng chủ yếu từ nơi khác đến hoạt động. Nguy cơ con cháu trong dòng họ bị cái xấu, cái tiêu cực tác động là rất lớn.
Hưởng ứng phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc" do Chính quyền địa phương và Công an huyện Đông Hưng phát động; dòng họ Bùi Đăng chúng tôi xin đăng ký xây dựng mô hình "Dòng họ An toàn - Đoàn kết - Văn hóa".
Trên cơ sở đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương; Hội đồng gia tộc cùng mọi người trong dòng họ đã dày công nghiên cứu, vận dụng, bổ sung những quy định cụ thể vào Bản Quy ước của dòng họ đã xây dựng từ năm 1997 cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ mới. Sau đó báo cáo đăng ký với chính quyền địa phương cho tổ chức thực hiện. Đến nay, qua 10 năm thực hiện, mô hình "Dòng họ An toàn - Đoàn kết - Văn hóa" của dòng họ Bùi Đăng đã đạt được những kết quả cơ bản sau:
1. Giúp đỡ nhau chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; tình đoàn kết giữa các gia đình trong dòng họ ngày càng bền chặt.
Gương mẫu chấp hành chính sách pháp luật của Đảng, nhà nước, quy định của địa phương là một trong những quy ước quan trọng đối với các gia đình trong dòng họ. Mỗi khi có chủ trương lớn, chính sách mới, Hội đồng gia tộc và các ông trưởng chi, trưởng phái họp thống nhất biện pháp để thực hiện; đồng thời mỗi vị có trách nhiệm động viên mọi gia đình tự giác thực hiện. Trách nhiệm đó được cẩn cáo với tổ tiên, trở thành lời hứa danh dự trước liệt vị tiên tổ. Vào các ngày giỗ, tết khi con cháu hội tụ tại Từ đường của dòng họ, Hội đồng gia tộc đều tổ chức kiểm điểm việc thực hiện Quy ước của con cháu trong dòng họ dưới nhiều hình thức song tựu chung vẫn xoay quanh những nội dung như: Ôn lại truyền thống tốt đẹp của tổ tiên; khuyên nhủ con cháu sống thảo hiền, có luân thường đạo lý, bề bậc, biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau, tích cực làm việc thiện, không vi phạm pháp luật, sống kính trên nhường dưới, lá lành đùm lá rách, sống có kỷ cương phép nước. Không nghe, không tin, không nói và làm theo luận điệu xuyên tạc sai sự thật của kẻ địch và phần tử xấu. Con cháu trong dòng họ dù ở nhà hay đi công tác, sinh sống xa quê đều phải phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Người gương mẫu tự giác nhắc nhở người chưa gương mẫu, chưa tự giác. Người có điều kiện vật chất giúp người còn khó khăn để cùng nhau vươn lên, làm giàu chính đáng. Mọi việc vui buồn của các gia đình trong họ đều được chia sẻ thăm hỏi động viên kịp thời. Đặc biệt, những mâu thuẫn, vướng mắc giữa cá nhân, gia đình trong dòng họ đều được Hội đồng gia tộc phân tích, giảng giải có tình, có lý, lấy tình đoàn kết làm đầu và chính vai trò nêu gương của các Cụ trong Hội đồng gia tộc là gương sáng để các thành viên gia đình, con cháu làm theo. Điển hình như:
- Năm 2003 có 3 gia đình trong dòng họ bất hòa, nguyên nhân chỉ vì tranh chấp vườn cây. Hội đồng gia tộc họp, nguyên nhân được làm rõ, xem xét thấu đáo; phương án giải quyết được bàn bạc, thảo luận và quyết định.
Sau phiên họp của Hội đồng gia tộc; đại diện 3 gia đình được mời đến họp. Cụ Trưởng tộc nêu vấn đề, phân tích điều hơn lẽ thiệt. Đại diện 3 gia đình phát biểu ý kiến. Các thành viên Hội đồng gia tộc phát biểu tham gia ý kiến. Cách giải quyết cụ thể, thấu tính, đạt lý; 3 gia đình đều vui vẻ, tự nguyện dàn xếp với nhau, không tranh chấp nữa.
- Hồi 20 giờ ngày 18 tháng 4 năm 2008, cháu Bùi Đăng Hân, sinh năm 1978 tham gia đánh bài ăn tiền. Nhận được thông tin trao đổi của Ban Công an xã, tôi đã báo ngay cho ông trưởng chi và tìm cháu về. Yêu cầu sáng ngày hôm sau, ông trưởng chi có trách nhiệm đưa cháu Hân và bố mẹ sang Từ đường để gặp Hội đồng gia tộc. Qua phân tích, giáo dục của các Cụ trong Hội đồng gia tộc, cháu Hân đã nhận ra lỗi lầm. Ông tộc trưởng đã yêu cầu cháu Hân viết bản kiểm điểm. Chính tay ông thắp hương đưa cho cháu Hân đứng trước bàn thờ rưng rưng nước mắt cáo lỗi với tổ tông, dòng tộc hứa từ bỏ con đường cờ bạc. Hiện tại cháu Hân đã lấy vợ, chịu khó lao động, cuộc sống gia đình ổn định.
- Năm 2009, cháu Bùi Thị Liễu học lớp 12, do trường xa nhà gia đình mua cho cháu 01 xe máy. Sau một vài lần gặp cháu đi xe máy ngoài đường không đội mũ bảo hiểm, ông tộc trưởng đã mời bố cháu Liễu và bản thân cháu đến nhà thờ tộc họ để khuyên giải. Cháu Liễu nhận lỗi, viết bản cam kết và ông tộc trưởng cũng thắp hương trước bàn thờ họ tộc, cháu Liễu hứa sẽ không bao giờ đi xe máy mà không đội mũ bảo hiểm, mang theo đầy đủ các loại giấy tờ có liên quan.
Trên đây chỉ là hai trong những sự việc diễn ra trong dòng tộc được các cụ cao niên trong Hội đồng gia tộc khuyên răn, chỉ bảo. Con cháu của họ Bùi Đăng vi phạm đều được chủ động phát hiện, yêu cầu viết bản cam kết để cáo lỗi trước gia tiên dòng tộc, hứa không sai phạm. Do vậy, từ năm 2003 tới nay cả dòng họ Bùi Đăng không có người sinh con thứ 3, không có người vi phạm pháp luật, không có người nghiện ma túy hoặc sa vào các tệ nạn xã hội. Mọi hoạt động của dòng họ đều được thực hiện đúng quy ước, hương ước, đúng phong tục tập quán của quê hương, chấp hành các quy định về nếp sống văn hóa, về an ninh trật tự và các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ về quản lý vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo, đèn trời, an toàn giao thông. Một số gia đình gặp khó khăn về kinh tế được dòng họ trích quỹ họ ra cho vay không tính lãi để giúp các gia đình này có điều kiện phát triển kinh tế xoá đói, giảm nghèo. Đến nay không còn hộ nghèo trong dòng họ. Hàng năm có từ 75 đến 85% số gia đình trong dòng họ được công nhận là gia đình văn hoá. Trong 10 năm qua dòng họ luôn được Uỷ ban nhân dân huyện, xã công nhận và suy tôn là dòng họ "An toàn - Đoàn kết - Văn hoá".
2. Thường xuyên chăm lo, giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học của dòng họ cho con cháu, góp phần xây dựng gia đình văn hoá, quê hương giàu mạnh.
Cùng với việc quan tâm giáo dục con cháu chấp hành chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; dòng họ chúng tôi rất coi trọng việc giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần hiếu học của con cháu trong họ. Hàng năm cứ đến ngày giỗ Tổ mùng 3 tháng 3 âm lịch, dòng họ kết hợp tổ chức sơ kết việc thực hiện Quy ước về xây dựng dòng họ, gia đình "An toàn - đoàn kết- văn hóa" để đánh giá kết quả đã đạt được, nhắc nhở các gia đình có những mặt hạn chế cần khắc phục. Động viên, kịp thời uốn nắn khi có thành viên có biểu hiện lệch lạc, không để ảnh hưởng chung tới dòng họ, đồng thời khuyến khích động viên khen thưởng về tinh thần và vật chất cho con cháu có thành tích xuất sắc trong học tập. Trong dòng họ hiện nay có 5 cụ được công nhận là Lão thành cách mạng, có 4 cụ được phong tặng và truy tặng Huân chương Độc lập, 2 cụ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, hàng trăm con cháu dòng họ đã trở thành Tiến sĩ, Thạc sĩ, Kỹ sư, Bác sĩ, Sĩ quan trung, cao cấp trong lực lượng vũ trang nhân dân. Nhiều con cháu trong dòng họ là những doanh nhân, nhà quản lý kinh tế thành đạt, điển hình như gia đình ông Bùi Đăng Hòe có con trai là Bùi Đăng Thanh học vị tiến sỹ đang công tác tại Ba Lan. Ông Bùi Đăng Trà hiện là Giám đốc công ty kinh doanh vật liệu xây dựng xã Đồng Phú có tổng số vốn kinh doanh trên 50 tỷ đồng, thu hút 100 lao động. Ông Bùi Đăng Thăng là Giám đốc công ty xây dựng công trình thuỷ lợi Nghị Am, có quy mô 1.000 công nhân với mức thu nhập ổn định. Ông Bùi Đăng Năng có vợ là Giám đốc xí nghiệp bánh kẹo Hà Nội có tổng số vốn trên 200 tỷ đồng. Ông Bùi Đăng Múi là Tiến sỹ, giám đốc công ty tư vấn thiết kế ở thành phố Hồ Chí Minh.
Với mô hình "Dòng họ An toàn - Đoàn kết - Văn hóa" khởi phát từ dòng họ Bùi Đăng; đến nay xã Đồng Phú đã nhân rộng được 28 dòng họ đăng ký xây dựng dòng họ "An toàn - Đoàn kết - Văn hóa", đã góp phần xây dựng thành tích chung của địa phương: Xã Đồng Phú được Ủy ban nhân dân huyện suy tôn dẫn đầu về việc xây dựng và nhân điển hình tiên tiến phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc". Tình hình an ninh trật tự tại xã Đồng Phú nói chung và thôn Đồng Cống nói riêng đã thật sự ổn định, bền vững, tình làng, nghĩa xóm được khơi dậy và nhân lên, bà con trong xóm ngoài làng luôn có cuộc sống bình yên.
Với những thành tích đã đạt được trong 10 năm qua, dòng họ Bùi Đăng đã vinh dự được các cấp, các ngành tặng 10 Giấy khen. Trong đó có 05 Giấy khen của Giám đốc Công an tỉnh và Uỷ ban nhân dân huyện Đông Hưng; 05 Giấy khen của Hội khuyến học huyện Đông Hưng và Uỷ ban nhân dân xã Đồng Phú. Dòng họ chúng tôi coi đây là món quà tinh thần vô giá của các ngành, các cấp ghi nhận sự dầy công xây đắp, vun trồng của Hội đồng dòng tộc.
Một số kinh nghiệm qua 10 năm xây dựng và duy trì dòng họ "An toàn - Đoàn kết - Văn hóa"
Một là: Hội đồng gia tộc phải là những người gương mẫu, có uy tín trong dòng tộc. Tiếng nói của Hội đồng gia tộc luôn được mọi người trong dòng họ nghe theo. Đây chính là tấm gương để mỗi thành viên, mỗi gia đình trong Hội đồng gia tộc gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương và quy ước, hương ước của dòng tộc.
Hai là: Thường xuyên chăm lo, giáo dục truyền thồng tốt đẹp của tổ tiên gia tộc, gắn với truyền thống yêu nước, cách mạng, văn hóa của quê hương. Hàng năm duy trì sum họp trong ngày giỗ tổ, tập hợp con cháu ôn lại truyền thống, nhắc nhở con cháu phát huy truyền thống của dòng tộc, sống mẫu mực, thảo hiền, vị tha; không bon chen, vị kỷ, không tha hóa trước những cám giỗ vật chất tầm thường. Có như vậy việc giáo dục mới có hiệu quả thiết thực.
Ba là: Đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm của cá nhân, gắn kết sinh hoạt của dòng họ với các hoạt động đoàn thể xã hội của địa phương.
Các dòng họ đều tồn tại, sinh sống và liên quan nhiều mặt đến khu vực dân cư của địa phương. Sự phát triển của địa phương cũng chính là sự hưng thịnh của các dòng họ và các gia đình và ngược lại sự hưng thịnh của mỗi dòng họ, gia đình chung sức làm nên sự phát triển, tiến bộ của địa phương. Duy trì thực hiện tốt quy ước dòng họ cũng đồng nghĩa với việc các gia đình trong dòng họ thực hiện tốt nghĩa vụ công dân. Thực hiện tốt nội dung này không những truyền thống dòng họ được tôn vinh mà an ninh trật tự địa phương cũng sẽ được đảm bảo an toàn. Trên cơ sở duy trì nề nếp sinh hoạt của dòng họ, chúng tôi thường xuyên động viên các con, các cháu tích cực tham gia công tác xã hội, các phong trào của địa phương. Coi đây là nghĩa vụ công dân và là trách nhiệm với dòng họ. Do đó dòng họ chúng tôi luôn đi đầu trong việc đóng góp giao nộp các chỉ tiêu cho Nhà nước và địa phương.
Gia đình, dòng họ là tế bào của xã hội. Có nhiều gia đình yên ấm hạnh phúc, nhiều dòng họ an toàn, đoàn kết, văn hóa, hưng thịnh sẽ có nhiều thôn, xóm yên bình, hạnh phúc. Cấp uỷ, Chính quyền cùng các ban, ngành, đoàn thể của địa phương có điều kiện tập trung lãnh đạo chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bà con. Lực lượng Công an có thời gian để tập trung vào công tác chuyên môn giữ gìn an ninh trật tự chung. Chúng tôi luôn nhận thức việc làm của chúng tôi trước hết là trách nhiệm trong dòng họ, sau nữa là trách nhiệm với quê hương, tất cả vì một cuộc sống bình yên, xã hội phát triển hài hòa, tiến bộ và văn minh./.
xã Đồng Phú huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình