(hovuvovietnam.com) - Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ nổi tiếng thời Mạc, được biết đến qua nhiều nguồn tư liệu, trong đó, có tài liệu văn bia và nhất là văn bia thời Mạc. Bài viết này nhằm khái quát thông tin từ văn bia thời Mạc, liên quan đến bà Thái hoàng Thái hậu, trên cơ sở đó, đối chiếu với các nguồn tư liệu khác, góp phần làm rõ hơn về con người và công đức của bà Thái hoàng Thái hậu nổi tiếng ở thời Mạc và trong lịch sử người Việt.
1. Thông tin từ văn bia
Văn bia thời Mạc liên quan đến bà Thái hoàng Thái hậu ở thời Mạc được giới thiệu tóm tắt qua bảng kê sau:
TT
|
Họ tên
|
Nội dung
|
Năm
|
Địa phương
|
01
|
Thánh Thiên tử Thái hoàng Thái hậu
|
Ban tiền cấm, Cúng tiền vào chùa
|
Quang Bảo thứ 4 (1557)
|
Bắc Nin
|
02
|
Thái hoàng Thái Hậu. Khiêm Thái vương
|
1 mẫu 9 sào
|
Thuần Phúc sơ niên (1562)
|
Hải Phòng
|
03
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ
Hoàng Thái hậu họ Phan
|
Cúng 1 mẫu 9 sào ruộng
|
Quang Bảo thứ 9 (1563)
|
Hải Phòng
|
04
|
Hoàng Thái hậu họ Vũ
|
Tạo chùa Minh Phúc, cầu quán, chợ
Cúng tiến ruộng mới mua 5 mẫu
|
Sùng Khang
thứ 7 (1572)
|
Hải Phòng
|
05
|
Thái hoàng Thái hậu Khiêm Thái Vương, Ứng Vương phi, Thái bảo Thiệu Quốc công, Thái bảo Thiệu Quốc công phu nhân, Thái bảo Văn quốc phu nhân. Nghi Quận công
|
Cúng tiền, bạc dựng chùa
|
Sùng Khang
thứ 6 (1573)
|
Hải Dương
|
06
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ
Quốc Thái phu nhân Vương Thị Đĩnh
|
Cung 6 nghìn lá vàng.
Cúng 1 quan tiền
|
Sùng Khang thứ 7 (1574)
|
Quảng Ninh
|
07
|
Thái hoàng Thái hậu Thuận Vương
|
Ban tiền bạc trùng tu điện, tô tượng Phật
|
Sùng Khang thứ 9 (1576)
|
Hưng Yên
|
08
|
Thái hoàng Thái hậu
|
Là mẹ Thiên tử, là vị Phật sống trên trần, gieo trồng 8 phúc điền, dựng chùa Phật để cầu đời đời con thánh, cháu hiền, xứng bậc đế vương.
|
Diên Thành thứ 2 (1579).
|
Hải Dương
|
09
|
Thái hoàng Thái hậu
|
Cúng 1 mẫu 5 thước 2 tấc vào chùa Phổ Chiếu
|
Diên Thành thứ 2 (1579),
|
Hải Phòng
|
10
|
Thượng hoàng Thái hoàng Thái hậu
|
Cúng 20 lạch bạc hoa,Cúng 10 lượng bạc hoa và 30 mẫu ruộng
|
Diên Thành thứ 5 (1582)
|
Hải Phòng
|
11
|
Thái hoàng Thái hậu, Khiêm Thái Vương
|
Cúng 3 mẫu ruộng
|
Diên Thành thứ 6 (1583)
|
Hải Phòng
|
12
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ
|
Cúng 10 quan tiền.
|
Diên Thành thứ 7 (1584)
|
Hưng Yên
|
13
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ
An Thượng quận chúa Mạc Thị Ngọc Tỉ.
Khiêm Thái Vương Mạc Kính Điển, Chính phi Mạc Thị Ngọc Thanh
|
Hưng công hội chủ dựng chùa.
|
Diên Thành thứ 8 (1585)
|
Hải Phòng
|
14
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ
Hoàng Thái hậu họ Bùi
Phụ chính Ứng vương họ Mạc.
|
Cúng gỗ lim để dựng 2 gian thượng điện. Cúng tiền bạc làm thềm bậc
|
Đoan Thái thứ 4 (1589).
|
Hải Phòng
|
15
|
Hoàng thượng Mạc quốc Mẫu, Hoàng Thái hậu họ Bùi
|
Công đức
|
Diên Thành thứ 5 (1582)
|
Hải Dương
|
16
|
Thái hoàng Thái hậu Khiêm Thái Vương, Ứng Vương phi,
|
Công Đức
|
Sùng Khang thứ 6 (1573)
|
Hải Dương
|
17
|
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ. Hoàng thái hậu họ Bùi. Phụ chính Ứng vương họ Mạc
|
Hưng công hội chủ dựng chùa
|
Hưng Trị thứ 2 (1589)
|
Hải Phòng
|
Như vậy, có tất cả 17 bia ghi chép về Thái hoàng Thái hậu. Số văn bia này tập trung chủ yếu ở đất Dương Kinh xưa, bao gồm phần lớn thuộc đất Hải Phòng và một phần ở Hải Dương, Bắc Ninh và Quảng Ninh ngày nay. Số văn bia trên có niên đại từ năm Quang Bảo thứ 4 (1557) đến năm Hưng Trị thứ 2 (1589).
Bức phù điêu Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toàn. Ảnh: Hiếu Trần
2. Về tên tự, hiệu của bà Thái hoàng Thái hậu
Trong văn bia chủ yếu ghi tên họ, mà không ghi rõ tự, hiệu của bà Thái hoàng Thái hậu, cụ thể chỉ ghi Thái hoàng Thái hậu Vũ thị hoặc Thái hoàng Thái hậu, tức là bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ hoặc bà Thái hoàng Thái hậu.
Thông thường vợ của Hoàng đế tại vị được gọi là Hoàng Hậu, còn mẹ của Hoàng đế đang tại vị hoặc Hoàng hậu của vị Hoàng đế trước đó đã mất và do Hoàng đế đang tại vị tôn phong, được gọi là Hoàng Thái hậu.
Nếu vợ của Thái thượng hoàng (tức là cha vua còn sống) thì không gọi là Hoàng Thái hậu, mà là Thái thượng hoàng hậu. Chỉ khi Thái thượng hoàng mất thì Thái thượng hoàng hậu mới thành Hoàng Thái hậu. Trong cùng thời gian, có thể có hơn một Hoàng thái hậu.
Khi hoàng đế băng hà, hoàng hậu (vợ chính) của Hoàng đế đó trở thành Hoàng thái hậu. Các Hoàng phi trở thành Hoàng thái phi. Hoàng đế mới lên ngôi có thể tôn phong mẹ của mình làm Hoàng Thái Hậu, dù người mẹ này không phải là Hoàng hậu của vua trước đó. Bà nội của vua gọi là Thái hoàng thái hậu. Cụ của vua gọi là Thái Thái Hoàng thái hậu.
Thái hoàng Thái hậu được nhắc đến dưới thời Mạc chủ yếu là bà Thái hoàng Thái hậu họ Vũ.
Tài liệu dân gian xác lưu truyền cụ thể hơn tên tự hiệu của bà là Thái hoàng Thái hậu họ Vũ là bà Vũ Thị Ngọc Toàn, vợ đích của Thái tổ Mạc Đăng Dung. Bà là con gái làng Trà Hương, nay là Trà Phương. Trước khi Mạc Đăng Dung làm vua, đồng dao vùng Dương Kinh có câu ca: “Cổ Trai Đế Vương - Trà Hương Công Chúa”, quả đã linh ứng. Sau này Bà được Nhà Mạc phong làm Hoàng Hậu rồi phong làm Thái Hoàng Thái Hậu.
Trong văn bia, danh xưng Thái Hoàng Thái Hậu xuất hiện trên văn bia dưới hai đời nhà Mạc là Mạc Phúc Nguyên và Mạc Mậu Hợp, thuộc đời vua thứ tư và thứ năm. Thông thường thì các đời vua này phải tôn xưng bà là Thái Thái Hoàng Thái Hậu. Tuy nhiên, bà Vũ Thị Ngọc Toàn, được tôn phong làm Thái Hoàng Thái Hậu, khi Thái tổ Mạc Đăng Dung nhường ngôi để trở thành Thái Thượng hoàng, nhân vật nổi tiếng đương thời. Vì thế, danh xưng Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ trở nên gần gũi và phổ biến hơn cả, nên không nhất thiết phải gọi theo danh xưng khác, dù ở sang đến đời vua thứ tư, thứ năm.
Thực tế, Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ có nhiều công đức trong việc hưng công xây mới, sửa chữa chùa, cầu quán, chợ làng ở các địa phương trong Dương Kinh xưa, như ở bảng kê trên, Số ruộng do bà cúng tới trên 30 mẫu, vàng khoảng 6000 lá, cùng nhiều tiền bạc, gỗ lạt để xây dựng, trùng tu chùa, Phật. Có khi bỏ tiền chuộc lại 5 mẫu ruộng cho chùa trị giá 120 lạng bạc.
Riêng chùa Bà Đanh ở bản quán, Bà cũng có 1 mẫu 9 sào ruộng. Tương truyền, dải đất từ trang Tiên Cầm đến Kỳ Sơn, tục gọi là “giải yếm bà Chúa” là ruộng Thái Hoàng Thái Hậu ban cho dân Trà Phương.
Tại thôn Hòa Liễu có chùa Thiên Phúc do bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ xây dựng và đình làng thờ Bà. Nơi đây còn một số pho tượng Phật bằng đá khá đặc sắc, đặc biệt là tượng Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ ở miếu lại được tạc vào phần nổi của một phiến đá cao khoảng 3m, còn một phần chôn xuống đất, xung quanh là giếng nước. Thực tế, đây không phải là giếng nước, mà là huyệt đạo quán Đạo. Bởi đây vốn là quán đạo như động tiên thờ phụng Bà như bà tiên trên cõi trần. Bà được phụng thờ như thần tiên, nên ngày nay nơi đây được gọi là đình.
Trước điện thờ Bà, có bia đá khắc “ngày 18 tháng 4, năm Tân Dậu (1561) đời Mạc Phúc nguyên năm thứ 9” ghi: Bà và các quan lại, tướng thần, thân vương nhà Mạc mua 25 mẫu, 8 sào, 2 thước cúng vào chùa làm của Tam Bảo, cấp cho dân Hòa Liễu cày cấy phụng thờ. Trên bia đá còn quy định phân bổ ruộng cho 12 người làng Liễu cao tuổi, mỗi người được cấy 2 sào, để lo việc đèn nhang tuần tiết tại chùa và đền; 3 mẫu dành cho người phải đi lính, khi nào giải ngũ thì trả lại ruộng làng; 1 mẫu 4 sào giao thủ đình cấy; 2 mẫu 5 sào dân làng Trà Hương cày cấy, còn lại phát canh thu hoa lợi làm công quỹ của làng.
Số liệu nay được văn bia ghi lại chưa hoàn toàn phản ánh đầy đủ, song Bà quả là một người đã dốc toàn tâm toàn ý cho công cuộc trung hưng chùa Phật thời kỳ này. Bà từng được dân gian tôn xưng là “Mẫu nghi thiên hạ”, là vị phật sống trên trần gian, “Kim Thái Hoàng Thái Hậu dĩ thiên mẫu vi Phật trung thần”. Như Thái hậu Linh Nhân, vợ của hoàng đế Lý Thánh Tông (1054 – 1072), bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ xem như một biểu tượng của người phúc thiện, đáng được muôn đời ghi nhớ.
Nội dung cụ thể các văn bia này được trích dịch như sau:
1. Bia trùng tu chùa Linh Cảm, xã Long Khám, huyện Tiên Sơn, nay là huyện Từ Sơn, thành phố Bắc Ninh, dựng năm Quang Bảo thứ 4 (1557).
Nội dung: Ghi vị Đông Khê hầu họ Vũ và Tham tri Hoàng thành ty sự họ Bùi trong huyện cùng thái lão Nguyễn Văn Thư, Chính đức Phúc sơn Nguyễn Văn Phòng, Hoàng Bá Linh, Nguyễn Bảo Sá, Công bình Nguyễn Tam Trọng, Phúc tâm Nguyễn Văn Thỉnh, Túy tiên Trần Tử Đội … Trong các xã bỏ tiền của xướng làm điều thiện. Khi đó, trên có Thánh Thiên tử đặc ban cấm tiền cung tiến, Hoàng Thái hậu lại lấy tiền quan cúng vào; dưới có các thái lão, thiện nam tín nữ một vùng có tấm lòng lành đó khởi xướng lên. Chúng dân đổ về như nước cùng vui làm điều thiện, giúp tài vật.
Mọi việc đã hoàn bị, nhằm ngày Canh Ngọ 20 tháng 9 năm Đinh Tỵ, niên hiệu Quang Bảo thứ 3 (1557) khởi công. Ngày Kỷ Mão, 30 tháng 11 hoàn thành.
2. Bia chùa Bà Đanh còn gọi là chùa Thiên Phúc, xã Trà Phương, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng, dựng năm Thuần Phúc sơ niên (1562)
Nội dung ghi người công đức dựng chùa và cúng ruộng chùa, gồm:
Thái Hoàng Thái Hậu, Khiêm Thái vương cúng bạc 10 lạng. Lị vương, Thuận vương: 5 lạng. Vinh Quốc thái phu nhân 9 lạng 5 tiền. Tĩnh quốc thái phu nhân: 10 lạng. Bảo Gia thái trưởng công chúa tiền 10 quan. Phúc Nghi thái trưởng công chúa 1 lạng 8 tiền. Thọ Phương thái trưởng công chúa 2 lạng 8 tiền. Phúc thành thái trưởng công chúa.
Sùng Quốc công 5 lạng. Văn quốc công 9 lạng 5 tiền. Ninh quốc công 2 lạng. Triều Quận công 1 lạng. Phú Quận công 1 làng. Trịnh Quận công gỗ lim 2 cây. Ngạn Quận công 1 lạng. Khang Quận công 1 lạng. An Quận công 1 lạng, khuyên tai 1 đôi. Vị Quận công 1 lạng, khuyên tai 1 đôi. Vị Quận công, Dương Quận công 1 lạng. Tuy Quận công 1 lạng. Thanh Uy hầu 1 lạng.
Ngày 8 tháng 10 nhuận năm Bính Dần, Thái Hoàng Thái Hậu có ruộng của bản điện được cấp và mua mới tất cả là 1 mẫu 9 sào, cúng vào chùa Bà Đanh làm của Tam Bảo. Kê:
3. Bia dựng chùa Thiên Phúc, xã Hòa Liễu, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An; nay thuộc thành phố Hải Phòng, khắc năm Quang Bảo thứ 9 (1563).
Nội dung, ghi họ tên người xây dựng chùa, gồm:
Thái hoàng Thái hậu họ Vũ. Hoàng Thái hậu họ Phan. Khiêm Thái vương họ Mạc. Thuận vương họ Mạc. Vị vương họ Mạc. Tĩnh Quốc Thái phu nhân họ Nguyễn. Quốc Thái phu nhân họ Vương. Thọ Phương Thái trưởng công chúa họ Mạc. Phúc Thành thái trưởng công chúa họ Mạc. Bảo gia Thái trưởng công chúa họ Mạc. Tu Hòa công chúa họ Nguyễn. Khiêm Thái Vương phi họ Mạc. Chủ tế họ Nguyễn, Đặng Thị Hiếu.
Thụy Quốc công, Trường Quốc công, Sùng Quốc công, Văn Quốc công, Ninh Quốc công, Đoan Quận Công, Lập Quận Công, Phú Quận Công, Hoa Quận Công, Khang Quận Công, Tuy Quận Công, Triều Quận Công, Ngạn Quận Công, Trinh Quận Công, Lễ Quận Công, Phù Quốc hầu, Đông An hầu, Lương Xuyên bá, An Lộc bá.
4. Bia chùa Minh Phúc, xã Cẩm Khê, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, dựng năm Sùng Khang 7 (1572).
Nội dung ghi việc: Bà Hoàng Thái hậu họ Vũ hưng tạo chùa Minh Phúc và cầu quán, chợ xã Cẩm Khê. Bà lại cúng tiến ruộng mới mua là 5 mẫu tại xứ Mả Cả, xã Đốc Hành, huyện Tân Minh. Số ruộng trước đây là ruộng thế nghiệp của Phúc Tuy thái trưởng công chúa, mà nay các con trai bà Bùi Thế Mỹ, Bùi Thế Trách và Bùi Thế Triết đã bán đứt theo thời giá là 120 lạng bạc. Và bà đã cung tiến làm ruộng Tam bảo. Ruộng này phía đông giáp ruộng được cấp của như Phúc Nghi, tây giáp ruộng quan điền xã Đốc Hành, nam gần đường, bắc giáp ruộng thế nghiệp điền phủ Phúc Tuy.
5. Bia chùa Thiên Hựu, xã Mỹ Xá, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương, năm Sùng Khang thứ 6 (1573).
Ghi tên người Tín thí, gồm:
Thái Hoàng Thái Hậu, Khiêm Thái Vương, Ứng Vương phi, Thái bảo Thiệu Quốc công, Thái bảo Thiệu Quốc công phu nhân, Thái Bảo Văn quốc phu nhân. Nghi Quận công. Phù Nam nha thự nha sự Phù Hưng hầu, Phù Hưng hầu chính phu nhân Phạm Thị.
6. Chùa Bão Phúc xã Thái Khê, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh, dựng năm Sùng Khang thứ 7 (1574).
Ghi người hưng công trùng tu chùa gồm: Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ cung tiến 6 nghìn lá vàng. Quốc Thái phu nhân Vương Thị Đĩnh 1 quan tiền.
7. Bia chùa Sùng Ân, xã Thọ Lão, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, dựng năm Sùng Khang thứ 9 (1576).
Nội dung ghi việc năm Sùng Khang thứ 9 (1576) hương lão bản xã trùng tu chùa Sùng Ân, Sùng Phúc. Có bà Thái Hoàng Thái Hậu và Thuận Vương ban tiền bạc Trùng tu điện báu, tô tượng Phật.
Thái trưởng Phúc Thành công chúa, Khiêm Vương phủ Chính phi Hoàng Thị Ngọc Trâm … Chiêu văn quán Tú lâm cục Trần Khai.
8. Bia chùa Quang Minh, xã Hậu Bổng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương, dựng năm Diên Thành thứ 2 (1579).
Văn bia cho biết Chùa Viên Quang xã Hậu Bổng, huyện Gia Phúc, phủ Hạ Hồng là danh lam lớn của nước Nam.
Giáo lý nhà Phật khiến người đời tín kính để được báo phúc. Nay Thái Hoàng Thái Hậu là mẹ Thiên tử, là vị Phật sống trên trần gieo trồng 8 phúc điền, dựng chùa Phật để cầu đời đời con thánh, cháu hiền, xứng bậc đế vương.
Nay Phụ chính Ứng vương dựng chùa Viên Quang cũng là để phát lòng từ bi, vui làm điều thiện. Sở dĩ làm như vậy bởi chưng muốn nhờ chùa Phật nước Nam, để quốc mạch dài lâu. Trên thì vương công, dưới thì sĩ thứ dốc lòng thờ Phật, bố thí nhiều, không tư lợi. Nhìn một tòa lâu đài xà tô, cột chạm, nguy nga vượt hơn cảnh cũ. Vì ngưỡng mộ thắng tích này mà tôi gắng ghi lại đầy đủ:
9. Bia chùa Phổ Chiếu, xã Văn Hòa, huyện Kiến Thụy, tỉnh Kiến An, nay thuộc thành phố Hải Phòng.
Nội dung ghi: ngày 2 tháng 3 năm Diên Thành 2 (1579), bà Thái Hoàng Thái Hậu có ruộng mới mua tại xã Kim Đái và xã Văn Lan, huyện An Lão, nay cúng tiến vào chùa Phổ Chiếu làm ruộng Tam bảo, tổng cộng các thửa gồm 1 mẫu 5 thước 2 tấc lưu truyền hậu thế.
10. Bia chùa Hoa Tân, xã Bách Phương, huyện An Lão, tỉnh Kiến An, nay thuộc thành phố Hải Phòng.
Văn bia cho biết vào ngày 1 tháng 3, năm Diên Thành 5 (1582), Thượng hoàng cúng tiến 20 lạng bạc hoa làm của Tam bảo. Thái Hoàng Thái Hậu cúng tiến 30 mẫu ruộng làm của Tam bảo. Hoàng Thái hậu cúng tiến 10 lượng bạc hoa làm của Tam bảo, Thọ Phương thái trưởng công chúa tiến 20 mẫu ruộng làm của Tam bảo. Lục thanh giám, Đô thái giám, Tam chưởng giám Hoàng Văn Xuân tri Quang thọ điện sự, cùng Thân mẫu Ngô Thị Bang, phụ nhân được phong là Cung nhân, vợ là Nguyễn Thị Ngọc Hạng công đức cho chùa.
11. Bia chùa Linh Sơn, xã Áng Sơn, huyện An Lão, tỉnh Kiến An; nay thuộc thành phố Hải Phòng, dựng năm Diên Thành 6 (1583).
Văn bia cho biết chùa Linh Sơn, xã Áng Sơn, huyện An Lão, là danh lam cổ tích, phía đông gần núi Phù Liễn, phía tây tiếp cảng Đại Hoàng vốn có ruộng vạn khoảnh ….
Thái Hoàng Thái Hậu, Khiêm Thái Vương cúng 3 mẫu ruộng Tam Bảo.
12. Bia chùa Báo Ân xã An Chiểu, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên, dựng năm Diên Thành thứ 7 (1584).
Thái chiêu nghi Nguyễn Ngọc Tán ở điện Chiêu Đức của Thái tổ Cao hoàng đế triều Mạc (hưng công). Tín thí: Thái hoàng họ Vũ 10 quan tiền. Thái Bảo Đà Quốc công 10 quan.
Hiển khảo Tả đô đốc Đồng tri Nguyễn Quí công tự Lão Liên tiên sinh, người xã Đông Hương, huyện Nghi Dương, Hiển tỉ Thái Thuận phu nhân Vũ Quý Nương hiệu Thông Thái ….
13. Bia chùa Sùng Quang, xã Do Nghĩa, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, dựng năm Diên Thành 8 (1585).
Nội dung ghi về chùa Sùng Quang vốn là cổ tích trong huyện. Ngày 18 tháng 2 năm Diên Thành sơ niên (1578) Kiêm Thái Vương hạ cố đến đây ban lệnh tu tạo chùa.
Các vị vương công cung tiến gồm:
Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ, an Thượng quận chúa Mạc Thị Ngọc Tỉ. Khiêm Thái vương Mạc Kính Điển, Chính phi Mạc Thị Ngọc Thanh, Nguyễn Thị Ngọc Hiền, Hoàng Thị Ngọc Hào. Đường An vương Mạc Phúc Chi, phi Nguyễn Thị Tùng.
Nhà sư bản chùa Nguyễn Tri Thông.
Nội dung ghi việc trùng tu chùa Trúc Am. Chùa Trúc Am, ngôi chùa cổ ở xã Du Lễ thuộc đất Nghi Dương là thắng địa ở Dương Kinh, dựng năm Đoan Thái 4 (1589).
Kính nhờ Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ đã tín thí gỗ lim để dựng 2 gian thượng điện. Hoàng Thái Hậu họ Bùi cúng tền bạc làm thềm bậc. lại có các đại sĩ là Cẩm Xuyên bá Phạm Tất Dụng, Phế Xuyên bá Phạm Dụng Trung, An Đà bá Đào Chấp cùng bỏ tiền của gia tư và các sãi vãi, nam nữ trong làng phát lòng bồ đề, tạo thêm hành lang, tô tượng Phật. Ngày làng tháng 4 năm Nhâm Ngọ sai thợ khởi công.
15. Bia chùa Hà Lâu, xã Đông Minh, huyện Tiên Lãng, tỉnh Kiến An, nay thuộc thành phố Hải Phòng, dựng năm Hưng Trị 2 (1589)
Bia ghi về chùa Hà Lâu, xã Đông Minh. Chùa trải bao đời, nhiều lần tu tạo, nhưng quy mô chưa hoàn hảo. Khi đó có Mai Thanh Hựu, Phạm Văn Thư, Tạ Duy Nhất, Vũ Biểu đứng ra quyên góp tiền của. Ngày 13 tháng 10 năm Ất Dậu khởi công dựng tòa hậu đường hai bên tả hữu hành lang, rồi sau đó các hương lão vui điều thiện mà làm theo. Lại may, nhờ vị thánh hiền Thái Hoàng Thái Hậu tỉnh mộng, sai người dò hỏi, liền ban tiền đồng để tu bổ thêm tam quan từ vũ, tô tượng Phật và làm mới 4 pho. Mọi việc hoàn hảo. Công đức vẹn toàn, khắc lên bia đá lưu truyền mãi mãi cùng trời đất.
Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ. Thái Hoàng Thái Hậu Họ Bùi. Phụ chính Ứng vương họ Mạc. Tì khâu tăng hiệu Diệu Trí.
16. Bia chùa Viên Giác, xã Hương Lãng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hải Dương, dựng năm Diên Thành thứ 5 (1582).
Nội dung ghi các vị công đức tham gia trùng tu chùa trong đó có các vị trong Hoàng tộc nhà Mạc, như Hoàng thượng Mạc quốc Mẫu, Hoàng Thái Hậu họ Bùi. Phụ chính Ứng vương họ Mạc. Phò mã Đô Úy Ngạn Quận công Mạc Ngọc Liễn, tự Đức Quảng người hương Cổ Trai.
Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn người làng Trà Hương huyện Nghi Dương xứ Hải Dương, nay là thôn Trà Phương, xã Thụy Hương, huyện Kiến Thụy, TP. Hải Phòng. Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn là vợ đích của vua khai sáng nhà Mạc là Mạc Đăng Dung. Đồng dao cổ có câu: “Cổ Trai đế vương, Trà Hương công chúa”. |
PGS. TS. ĐINH KHẮC THUÂN
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
|