Đúng ngày đầu năm dương lịch rất đẹp trời ở Hà Nội chúng tôi về thăm làng Mộ Trạch, cái nôi phát sinh của dòng họ Vũ. Họ Vũ còn được biến cải thành Võ, vì thế nên bây giờ gia phả chép lại được của dòng họ mang cái tên kép “Họ Vũ/Võ Việt Nam”. Họ Vũ không phải là một dòng họ đế vương, sinh đẻ ra một vì vua, một vương triều như các dòng họ Đinh, Lê, Lý, Trần, Nguyễn.
Họ Vũ, theo thế đất Mộ Trạch, “đáng lẽ” chỉ sản sinh ra các quan văn, nhà văn, nhà giáo, dịch giả, lương y…, không có thế mạnh về võ. Nhưng đến đây, trong thời đại của chúng ta hẳn bạn đọc nhớ ngay đến những cái tên bất tử như Vũ Trọng Phụng, Vũ Hoàng Chương, Tam Lang Vũ Đình Chi, Võ Tánh, Võ Trường Toản, Bát Nạn Công chúa Vũ Thị Thục nữ tướng của Hai Bà Trưng (là con của ông Vũ Chất và bà Hoàng Thị Mẫu)…và gần đây nhất là một vị đại tướng, vốn xuất thân là nhà giáo mang tên: Võ Nguyên Giáp.
Nhân tài có quyền cao chức trọng về cánh “văn” trong họ Vũ thì có nhiều, một bài viết ngắn không thể kể ra hết. Trước “nhà võ” Võ Nguyên Giáp, tộc phả họ Vũ có ghi chép lại mấy vị tướng tài, trong đó có Đồng Giang Hầu Vũ tướng quân Vũ Đại, có công lớn trong trận chiến thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng năm 1288 đời Trần, thế kỷ thứ 13. Lại có thêm tướng Vũ Trí Thắng, tả hữu của Trần Hưng Đạo, chính là người đã chỉ huy công việc đóng bãi cọc trên sông Bạch Đằng, sau chiến thắng bắt sống Ô Mã Nhi được phong chức Điện tiền đô chỉ huy sứ.
Trong thời đại quân chủ bị ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, trọng nam khinh nữ, vị trí của phụ nữ trong xã hội tất nhiên bị mờ nhạt rất nhiều, cái khen lớn nhất dành cho người phụ nữ chỉ giới hạn trong vai trò “hậu cần” làm vợ và làm mẹ. Tuy thế, sự ghi nhận vài gương mặt nổi bật của con gái dòng họ Vũ, như Bát Nạn công chúa Vũ Thị Thục (thế kỷ I), Vũ Hoa Nương (hay Vũ Anh Nương) hoàng phi của vua Lý Anh Tông (thế kỷ XII), Võ Thị Huệ cung phi thứ sáu của vua Lý Thần Tông, Vũ Vương Nương cung phi thứ năm của vua Trần Thái Tông và là mẹ của Trần Nhật Duật, Vũ Thị Thiết (Vũ Nương) trong sự tích “vợ chàng Trương” thời nhà Hồ…cho đến Võ Thị Sáu, ba cô gái họ Vũ ở Đồng Lộc… cũng nêu lên rằng, dòng họ Vũ/Võ ở đất Việt đã sản sinh ra nhiều trai dòng họ Vũ, gái dòng họ Vũ vừa văn vừa võ song toàn.
Đền thờ Thần tổ họ Vũ/Võ ở làng Mộ Trạch – Photo: MTT 2014
Làng Mộ Trạch là một ngôi làng nằm giữa đồng bằng miền Bắc, thuộc xã Tân Hồng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Xã Tân Hồng có 4 làng, làng Mỵ Cầu, làng Tuyển Cử, làng Trạch Xá và làng Mộ Trạch. Từ Hà Nội chúng tôi đi theo hướng Hải Dương/Hải Phòng về thăm làng Mộ Trạch, thật ra không xa lắm, chỉ cách Hà Nội có khoảng 45 cây số, nhưng thời gian ra khỏi Hà Nội cộng với tốc độ di chuyển chỉ có tối đa 40 cây số giờ, khiến đoạn đường mất gần 2 tiếng ngồi xe.
Anh tài lái xe chạy đến phía sau của làng, rồi chúng tôi đi bộ vào làng trên một con đường đất nhỏ, khi về sẽ ra bằng cổng trước. Đường trong làng khá nhỏ hẹp, có những đoạn ngóc ngách, xe hơi không thể vào được, chỉ đi bộ hay chạy xe hai bánh. Chúng tôi đến thăm gia đình bác Vũ Xuân Kiến, người làng Mộ Trạch và nhờ bác dẫn đi thăm làng. Làng Mộ Trạch vẫn còn tính cách của một làng quê sâu đậm, lối đi quanh co, hẹp, nhà nọ sát nhà kia, cửa ngõ mở rộng, nhà nào cũng có đống rơm, đàn gà…, người dân vẫn còn dùng nước giếng, hứng nước mưa, chứa đựng trong những bồn xây bằng xi măng để ăn, uống, tắm giặt bằng nước ao, mỗi một giọt nước sạch là một giọt “quý hiếm” cho sức khỏe. Năm nay, làng Mộ Trạch đang chuẩn bị đón nước máy, cung cấp bởi nhà máy nước Hải Dương, các đường rãnh chứa ống dẫn nước đã được đào, có đoạn đã có ống dẫn nước, nhưng chưa được lấp. Vì thế, mà chiếc xe taxi chở chúng tôi và anh Phúc, dù là loại nhỏ xíu, khi rẽ vào một ngõ đã bị tụt bánh xe trước bên phải xuống rãnh ấy. Các bà mẹ và các em bé chạy ra xem, rồi gọi trai làng đến. Chỉ cần hai ba anh nâng chiếc xe lên, đẩy lùi về phía sau, thế là thoát nạn, xe không bị hư hại.
Từ nhà bác Kiến, chỉ đi bộ vài bước đã thấy một ngôi nhà rất to, kiến trúc như một cái đình có một sân đổ xi măng khá rộng, đó là Nhà Văn Hóa của làng. Nhà Văn Hóa làng cửa rộng mở để dân làng làm nơi gặp gỡ nhau, chơi cờ, tổ chức hội thảo, hội nghị, đám cưới… Nhà Văn Hóa chỉ có một gian rất rộng, có sân khấu chuyên nghiệp hẳn hoi, các hàng ghế bằng gỗ, chạm khắc mỹ thuật sơn mầu đỏ gụ, có thể chứa trên 200 người ngồi. Làng tôi ở bên Pháp không có được một cái nhà văn hóa như thế, mà nhà làng thì cửa đóng then gài rất chi hành là chính, xa cách với dân làng, nếu không có việc gì giấy tờ thì chẳng ai muốn đến. Khi chúng tôi đến có hai ba đám cụ ông đang chơi cờ, mang theo cả cháu, vừa trông cháu, vừa đánh cờ.
Từ nhà Văn Hóa, bác Kiến dắt tôi vào thắp nhang trong một cái miếu ba gian nhỏ thờ ngai tổ họ Vũ, và cũng là Thành Hoàng của làng. Chúng tôi đi tiếp sang ngôi miếu cổ thờ Thần tổ họ Vũ. Hôm nay tôi đi, theo thường lệ chẳng coi ngày coi tháng gì cả, gặp hên, khu miếu Thần tổ họ Vũ rất nhộn nhịp đông vui, trẻ con xúm xít vây quanh các hàng quà vặt nhà quê như kem ốc, bò bía, kẹo bông đường chơi câu vịt (nhựa) có thưởng quà, sạp bán sách, cờ ngũ sắc bay phất phới.
Cổng tam quan mới kiến tạo của đền thờ Tổ dòng họ Vũ/Võ. Photo: MTT Mộ Trạch 2014
Mải nhìn bọn trẻ con nhà quê, tôi chưa kịp thấy cái miếu cổ ! Xoay lưng lại là một ngạc nhiên trước “cái” cổng miếu to lớn, oai nghi, bề thế, hoành tráng, mới mẻ…thiết kế như nhiều đền của các anh hùng liệt nữ ở miền Bắc. Không phải vua, không phải khai quốc công thần nước Việt, chỉ là Thành hoàng làng Mộ Trạch, đó là nơi thờ phụng Thần tổ dòng họ Vũ: Vũ Hồn. Ngay sau cổng vào phía bên phải là một tấm bia tưởng niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước miếu cũng có sân chầu, băng ghế đá, giếng rồng, hai nhà tả vu và hữu vu, nhà bia đặt ở phía sau miếu.
Ngoài miếu, trong miếu hương khói nghi ngút, các đỉnh nhang, bát nhang đều đầy ắp chân hương, án thờ sơn son thếp vàng lộng lẫy phủ đầy mâm hoa quả, tiền cúng, đầu heo nấu chín, mâm xôi…bức tượng thủy tổ họ Vũ, trong dáng vẻ một vị quan văn, thếp vàng, lung linh trong ánh sáng mờ ảo và không khí huyền bí.
Bên cạnh miếu, một cái rạp rất rộng và một sân khấu lớn đã được dựng lên để chứa mấy trăm quan khách và đại gia về tham dự lễ khánh thành các công trình công đức của một đại gia họ Vũ đã chi 45 tỷ đồng để xây dựng con đường làng tiến sĩ dài 3.215 mét, cổng tam quan vào làng, từ đường, nhà khách, nhà bia, giếng mắt rồng, giếng chùa Diên Phúc, đình làng, tượng thủy tổ, lăng mộ thủy tổ và vườn cây tiến sĩ. Đồng thời, hội đồng dòng họ Vũ/Võ Việt Nam cũng làm lễ xin lập miếu thờ đại tướng Võ Nguyên Giáp trong khu vực miếu thủy tổ họ Vũ/Võ. Một bàn thờ đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được lập tạm thời trong nhà tả vu để mọi người chiêm bái.
Tuy đã được một người trong ban tổ chức quan tâm, đến mời dùng bữa tiệc trưa bày trong rạp dựng trước cổng miếu, nhưng tôi nào dám vào “ăn ké” vào hội nghị, chỉ đứng vòng ngoài tần ngần chụp hình, tiếc là không được nghe hát chèo, dù các nghệ nhân hát chèo còn ngồi sau sân khấu. Bác Kiến chỉ cho tôi xem mấy cây đào tiên, quả to như quả bưởi mọc lủng lẳng từ thân cây mọc lên, bảo, quả đào tiên không ăn được, chỉ dùng để ngâm rượu. Nhân tất cả mọi người còn đang tụ họp trong miếu, con lân dài cả chục thước còn dựng nghỉ ở cạnh tường, bác Kiến bảo tôi ra thăm khu lăng mộ và con đường tiến sĩ cho thoải mái.
Cổng làng Mộ Trạch mới kiến tạo dẫn ra con đường tiến sĩ trước mặt, bên trái là đồng ruộng, bên phải có tháp bút, nghiên mực và lăng mộ . Photo: MTT 2014
Từ cổng miếu ra đến cổng tam quan khắc hàng chữ “Cổng làng Mộ Trạch” mới tinh, to, cao, rộng, chỉ vài trăm mét. Ấn tượng hơn nữa là con đường tiến sĩ, dài từ cổng tam quan ra đến cổng chính của làng, giáp với mặt lộ chính, ven đường bên trái được viền bởi hàng cây dừa trồng đều cách quãng, bên này ven đường, bên phải, là đồng ruộng rộng bao la, đất đen mới cầy xới bở ra từng tảng. Mọi kiến trúc đều được phá võ, xây mới, tu bổ lại, khiến cho tôi tiếc những cái cổ, cái xa xưa nay không còn nữa. Dân làng Mộ Trạch vẫn còn chuyên sống bằng nghề nông. Đất ruộng mới cầy được nghỉ ngơi qua Tết, sau Tết nhà nông mới cho nước tràn vào ruộng, bắt đầu làm vụ mùa đông-xuân, tháng sáu là gặt lúa, vụ lúa hè-thu thì gặt vào hai tháng chín, mười. Giữa đó, nhà nông cho đất nghỉ, hay trồng thêm khoai.
Con đường này rộng sáu lằn xe, thẳng tắp, mặt đường là những tảng bê tông như kiểu xa lộ Mỹ, máy bay hạ cánh được mà xe tăng chạy cũng được. Thế mới oai! Đứng trước cổng tam quan đã thấy khu vực đang được thiết kế với tháp bút cao 7 tầng có ngọn bút vàng chĩa lên trời trên tầng thứ tám, bên cạnh chân tháp bút là nghiên mực, còn ngổn ngang gạch đá, biểu trưng cho vị trí xã hội và lĩnh vực đóng góp của dòng họ Vũ/Võ Việt Nam. Đi ngang qua tháp bút, nghiên mực là đến khu vực lăng mộ thủy tổ dòng họ Vũ. Tháp bút và nghiên mực được dựng theo đường thẳng với cổng chính của lăng mộ, nhưng chúng tôi đi vào cổng bên, phía con đường tiến sĩ.
Khu lăng mộ cũng có cổng tam quan, vườn hoa, tượng ngựa tế, được chăm sóc rất sạch sẽ. Đặc biệt là mộ của một người con dâu họ Vũ, bà Nhữ Thị Thuận, hiệu Diệu Huệ, phu nhân của Thống chính sứ Vũ Phương Đầu (thế kỷ 18), bà được phong là Quế Lâm Quận phu nhân và Lưỡng quốc Quế hộ Thượng quận phu nhân. Mộ bà được xây theo lối mộ cổ, ba vành đá tròn, bên trên là một đài hoa đựng đất, không xây bê tông bít bùng hình chữ nhật như các mộ hiện đại. Ngoài đồng ruộng của làng Mộ Trạch còn có những ngôi mộ cổ với ba vòng tròn bằng đá ở giữa là ụ đất cỏ xanh, trước là tấm bia dựng đứng.
Gần đó, mấy bậc thang dẫn vào lăng mộ chính có tượng hai con lân tạc bằng đá đứng chầu hai bên, tất cả các kiến trúc đều rất mới, cùng một mầu xanh xám. Trước mộ là nhà bia, khắc ghi năm 804-853. Ngôi mộ song táng của đôi vợ chồng Thủy tổ họ Vũ, từ thế kỷ thứ 9, cũng được xây thành hình tròn, chỉ có một vành đá bao bọc chung quanh, bên trong là gò đất lớn, hai nấm mộ là hai ụ đất nhỏ nổi lên có trồng hoa, trước mộ là bàn thờ, sau mộ là một bức phù điêu tạc bằng đá mầu xanh xám.
Khi chúng tôi trở về làng thì cũng vừa lúc đoàn khách đi khánh thành bắt đầu chuyển động, con lân vàng dài ngoằng uốn éo theo tiếng trống, tiếng chiêng múa lân rất vui tai. Đám rước sẽ đi suốt 3 cây số con đường tiến sĩ đến cổng làng mới, rồi quay trở về.
Họ Vũ/Võ có một bộ tộc phả từ hơn một nghìn năm, viết bằng chữ Hán, Nôm và quốc ngữ, gồm có chính phả là “Mộ Trạch Vũ tộc thế hệ sự tích” và các phần nghiên cứu, chắp nối tộc phả, giai thoại nhân vật…Họ Vũ ở làng Mộ Trạch huyện Đường An xưa, được mệnh danh là “làng Tiến sĩ”, vì trong thời khoa cử Nho học từ 1070-1919 có 33 Tiến sĩ (Đăng Khoa lục) thì dòng họ Vũ đã có đến 23 người thi đậu Tiến sĩ.
Theo gia phả, tộc phả và thần phả ở Mộ Trạch thì khoảng năm 800 có một viên quan trí sĩ đời nhà Đường (618-907) Trung quốc tên là Vũ Huy, quê ở làng Mã Kỳ, huyện Long Khê, phủ Thường Châu, tỉnh Phúc Kiến, đi chu du ngắm phong thủy ở đất Giao Châu phương Nam. Vũ Huy đã có vợ tên là Lưu Thị Phương, nhưng cả hai đã gần 60 tuổi mà không có con.
Đến ấp Mạn Nhuế huyện Thanh Lâm, đất Hồng Châu (tỉnh Hải Dương bây giờ), Vũ Huy thấy một kiểu đất đẹp có 98 gò đất nhỏ bao quanh một gò đất cao và to như hình 98 ngôi sao chầu về mặt trời gọi là “cửu thập bát tú triều dương”, cái gò to ấy tên là Đống Dờm theo tiếng địa phương. Vũ Huy quay về Phúc Kiến, đem hài cốt thân phụ sang táng ở gò Đống Dờm, rồi làm nhà ở bên cạnh để trông nom mộ.
Trong làng Mạn Nhuế có một cô thôn nữ có quý tướng, phúc hậu, đoan trang, tên là Nguyễn Thị Đức. Vũ Huy cầu hôn và được gia đình chấp thuận. Khi bà Nguyễn Thị Đức mang thai, Vũ Huy đưa bà về Phúc Kiến. Ngày 08 tháng giêng năm Giáp Thân (804) bà hạ sinh một con trai đặt tên là Vũ Hồn.
Năm 16 tuổi (820) Vũ Hồn đã đậu kỳ thi Đình, ít lâu sau được vua Đường bổ làm Tả Thị Lang Bộ Lễ, hai năm sau thăng chức Đô đài Ngự sử. Năm 825 (Ất Tỵ) đời vua Đường Kính Tông, Vũ Hồn được phong cử làm Thứ sử Giao Châu, tuy còn rất trẻ. Năm 841, Vũ Hồn thăng chức Kinh Lược Sứ. Trong khoảng thời gian này Vũ Hồn đã nhiều lần về Đống Dờm thăm mộ ông nội. Đến trang Lạp Trạch huyện Đường An, Vũ Hồn nhận ra một kiếu đất đẹp có năm gò đống tựa năm con ngựa, bẩy ngôi sao, có ao như một quyển sách mở ra. Năm 843, chán ngán đường công danh và bị bãi chức Kinh Lược Sứ, Vũ Hồn xin vua Đường Vũ Tôn cho về trí sĩ lúc mới có 39 tuổi. Ông quyết định đưa mẹ và gia đình về định cư ở vùng đất Lạp Trạch, sau này là thôn Khả Mộ, rồi đổi tên thành Mộ Trạch. Vũ Hồn lập gia trang đặt tên là Khả Mộ Trang, lập xóm, gọi dân cư về ở, dạy cho dân học. Khi cụ bà Nguyễn Thị Đức qua đời, Vũ Hồn đưa mẹ về an táng ở quê ngoại, xã Kiệt Đặc, huyện Thanh Lâm (sau này là huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), và ở đó để tang mẹ đúng ba năm ròng, rồi mới trở về Khả Mộ.
Năm 853, Vũ Hồn đang ngồi dạy học, thì bất chợt qua đời, thọ 49 tuổi. Dân và gia thần đem lên xứ Đồng Cạn, an táng trên một gò đất nhỏ trong cánh đồng phía Tây Bắc. Từ đó, khu đất này có tên là Mả Thần, cánh đồng đó được gọi là cánh đồng Mả Thần. Mả Thần được tu tạo lại từ năm 1993, nay được gọi là Thần Lăng. Dân làng tôn Vũ Hồn làm Thành hoàng của làng, làm đình, làm miếu thờ cúng. Con cháu họ Vũ nối đời sinh ra có gốc ở Mộ Trạch đương nhiên tôn thờ Vũ Hồn là Thủy tổ - Thần tổ của dòng họ mình. 1)2)
Bác Kiến và anh Phúc đưa tôi đi xem thế đất năm con ngựa, vừa than, bây giờ người dân làm nhà lung tung, nên trên năm gò ngựa đều có người dân xây dựng nhà ở, nhưng hễ đào sâu thì đất “chảy máu” đỏ ửng. Đến gò ngựa, tôi thấy trên mặt đất là nhà, bên cạnh là ao đào sâu để nuôi vịt, đất có nhiều từng, từng bên dưới, gần mặt nước ao, thì đỏ au. Đến ao sách, ao bút…thì tôi không hình dung được con mắt tinh anh của thầy địa lý, vì tôi thấy đó nhưng không biết nhìn thế đất.
Có thể nói làng Mộ Trạch gồm toàn người họ Vũ, con trai, con gái, con dâu, con rể. Mỗi chi, mỗi nhánh lại có nhà thờ tổ riêng. Theo anh Vũ Xuân Đoàn kể, hàng năm, cứ đến ngày sinh của cụ Thần tổ Vũ Hồn, ngày 08 tháng giêng âm lịch, làng đã có hơn ba ngàn người họ Vũ, khoảng 900 hộ dân, thì người họ Vũ khắp nơi nườm nượp kéo về trẩy hội, khiến người làng phải lo nấu sẵn hơn 7 ngàn nắm xôi lộc, phát không, tính ra là cũng đến mấy tấn gạo nếp. Đường xá dẫn về làng đều kẹt kín các loại xe khắp các ngõ. Kể từ bây giờ thì con đường mới rộng thênh thang, con đường Tiến sĩ, sẽ làm giảm bớt khó khăn di chuyển cho các xe nhà, xe buýt vào làng.
Lịch sử nước ta xưa nay vốn coi trọng “chính sử”, sử do triều đình các hoàng đế, các vua cho các quan văn “chép” lại các sự kiện nổi bật, mỗi chữ mỗi câu đều được cân nhắc đắn đo kỹ lưỡng cho hậu thế. Có nhiều sự kiện, nhiều cá nhân không được nêu trong chính sử. Nhưng kho tàng lịch sử của mỗi nước không hẳn chỉ có “chính sử”, quốc gia nào cũng có phần ngoại sử, dã sử khá đa dạng, từ những chuyện thần thoại, giai thoại, truyền thuyết dân gian, tiểu thuyết lịch sử….lưu truyền có văn bản hay chỉ truyền miệng từ đời này sang đời khác. Truyền thống thờ ông bà tổ tiên của người Việt là một phương cách rất tự do để gìn giữ, bảo tồn và lưu truyền lịch sử của dân tộc. Các tộc phả của các dòng họ đều góp phần viết nên những trang lịch sử cho cả dân tộc, chi tiết hơn, gần gũi hơn, thực tế hơn, để bổ xung cho chính sử.
Tộc phả họ Vũ trải qua nhiều thế kỷ có nhiều thất truyền, những thay đổi về địa danh, hay mộ bia bị hủy hoại…nên còn có nhiều câu hỏi về các nhân vật họ Vũ, các chi, các nhánh, các phái, các hệ…., hiện nay có chi đã đến đời thứ 17, còn bỏ ngỏ. Những nơi nào còn phần mộ, miếu thờ, bia, văn tế…thì cung cấp thông tin rõ ràng hơn. Công việc thu thập thông tin, viết tộc phả cần nhiều thời gian và sự tỉ mỉ, kiên nhẫn.
Người châu Âu cũng thích nghiên cứu gia phả họ tộc, họ thích đi ngược dòng thời gian khám phá điều kiện sinh sống, những mối quan hệ trong gia đình, trong xã hội của các thế hệ trước. Cái nhu cầu ấy không hẳn chỉ là một việc đi tìm định nghĩa cho một cá nhân mà còn mang một sự tìm hiểu bước tiến bộ của xã hội qua các thời đại, trong thanh bình, trước và sau những cuộc chiến tranh dai dẳng, khủng khiếp. Chồng tôi, sau nhiều năm mải miết tìm tòi lịch sử của dòng họ, đã đi ngược thời gian lên đến giữa thế kỷ thứ XVII và tìm ra 8 thế hệ với hơn 400 người cùng dòng họ. Tôi chia xẻ công việc ấy của anh, nhưng chưa bao giờ tôi để ý tìm hiểu về tộc phả của tôi. Mãi đến giờ, tôi mới chợt thấy rằng chính tôi cũng là một người con gái dòng họ Vũ! Bài viết này tôi kính dâng lên hương hồn mẹ tôi, một người con gái dòng họ Vũ suốt đời vì chồng, vì con, biết thời biết thế, can đảm, khiêm tốn và rộng lượng đóng góp phần mình cho xã hội.
Chú thích:
1) Vũ Ngọc Khánh, Giai thoại người họ Vũ, Đại hội họ Vũ cả nước năm 2004
2) Tộc phả họ Vũ (Võ) – Thế kỷ IX-XIX , Ban liên lạc họ Vũ/Võ Việt Nam, NXB Thế Giới, Hà Nội
Mộ Trạch 2014
Mathilde Tuyết Trần (Việt kiều tại Cộng hòa Pháp)
|