Được sự đồng ý của Cụ Vũ Oanh - Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, đồng Chủ tịch danh dự kiêm Cố vấn HĐDH Vũ - Võ Việt Nam, Ban biên tập website hovuvovietnam.com xin giới thiệu các chương trong cuốn truyện ký "Sống với dân" - truyện ký viết về Cụ Vũ Oanh do Diệu Ân ghi lại.
MỘT CON NGƯỜI TÂM HUYẾT
HỌC TẬP VÀ LÀM VIỆC THEO GƯƠNG
BÁC HỒ VĨ ĐẠI
Tháng 6/2007, ông Vũ Oanh, đã được Nhà nước tặng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta ghi nhận “ Có công lao to lớn, đặc biệt xuất sắc đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”.
Trong buổi lễ trọng thể trao tặng Huân chương do Ban Dân vận Trung ương tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thay mặt Đảng và Nhà nước ta đã trân trọng biểu dương ông Vũ Oanh về cuộc đời trung thành với cách mạng, với nhân dân và luôn luôn “lấy dân làm gốc” theo gương Bác Hồ vĩ đại.
Có dịp được tiếp xúc với ông Vũ Oanh và những cộng sự của ông, tôi viết đôi điều về từng bước đi của cuộc đời ông, mong góp phần để thế hệ trẻ biết về một con người có tấm lòng tha thiết yêu nước, yêu dân, coi trọng động viên, tổ chức, phát huy sức dân, nghiêm túc học tập nhân dân để phục vụ có hiệu quả cuộc sống của nhân dân.
Chương 1
NHỮNG NGÀY Ở TRƯỜNG BƯỞI
Ngay khi còn nhỏ, Vũ Oanh ( tên thật là Vũ Duy Trương ) đã là một cậu bé có nhân cách, học hành chăm chỉ, giúp đỡ gia đình, được mẹ hết sức tin tưởng thương mến.
Năm cậu 12 tuổi người anh ruột Vũ Duy Hiệu là chiến sĩ cộng sản bị đày ra Côn Đảo được thả về. Anh Hiệu tiếp tục làm nghề dạy học, tiếp tục tuyên truyền vận động cách mạng.
Các buổi chiều thứ bả anh về nhà trường dắt tay người em nhỏ Vũ Oanh đi quanh sân, giảng giải về lòng yêu nước, về sự độc ác của bọn thực dân Pháp cướp nước. Anh nói đến cả những từ rất mới lạ về cách mạng Việt Nam, về những chiến sĩ cộng sản. Có nhiều điều cậu bé 12 tuổi còn ngây thơ chưa hiểu hết. Hai anh em trao đổi với nhau. Vũ Oanh đã được tiếp nhận những bài học đầu tiên về cách mạng như vậy.
Tháng 6-1939, Vũ Oanh thi đỗ vào trường Bưởi ( nay là trường Chu Văn An, Hà Nội ), được nhận học bổng của Hội cựu học sinh trường Bưởi và được vào ở ký túc xá.
Vũ Oanh trở thành chàng thanh niên Hà Nội từ đấy. Anh học rất sáng dạ, được thàng cô quý mến, bạn bè tin cậy.
Mặc dù ít khi được gặp anh trai Vũ Duy Hiệu nhưng những lời dạy bảo của anh khi còn ở nhà vẫn thôi thúc tâm hồn trẻ trung, sôi nổi của Vũ Oanh. Anh rất muốn làm một việc gì đó để thể hiện “ chí làm trai” nhưng anh chưa tìm được cơ hội bắt liên lạc với cách mạng. Hàng ngày anh chứng kiến cảnh tàn bạo cảu bọn thực dân Pháp xâm lược và sớm nhận ra thân phận nô lệ của người dân mất nước.
Vũ Oanh vừa học, vừa để ý tìm hiểu trong số bạn học thân thiết ai là người có lòng yêu nước, thương những người dân bị đánh đập đàn áp. Anh muốn tập hợp họ lại để nói cho họ nghe những điều mà anh Hiệu đã nói với anh.
Khi chú ý tìm hiểu, anh thấy có nhiều bạn, kể cả các bạn con nhà giàu nhưng rất có tinh thần tự hào dân tộc, tỏ ra phẫn nộ trước sự tàn ác của bọn thực dân Pháp. Vũ Oanh kín đáo gần gũi tâm sự với một số bạn vè và bày tỏ ý muốn thành lập một nhóm các bạn học giỏi để cùng nhau rèn luyện, vui chơi, học tập.
Đầu tiên có 8 bạn đồng ý tham gia nhóm học tập của Vũ Oanh. Các bạn biết anh là một học sinh giỏi, luôn hăng hái trong mọi phong trào nên bầu anh làm nhóm trưởng. Buổi gặp mặt đầu tiên, Vũ Oanh giới thiệu tên từng người để làm quen với nhau, gồm: Tô Xuân Chiêu, Lã Triều Khu, Vũ Văn Mai (tức Vũ Quang), Phùng Văn Phúc, Lê Quân (tức Nguyễn Diệp Cầu), Nguyễn Viết Tiết (tức Nguyễn Anh Bảo), Lê Đức Vân (tức Nguyễn Hữu Phúc).
Sau khi giới thiệu xong, Vũ Oanh nêu phương thức hoạt động của nhóm là: Giúp nhau học tập; tích cực rèn luyện sức khỏe, hướng dẫn cách ăn uống điều độ, ăn nhiều rau, nhiều chuối, ít ăn thịt; tích cực tập thể dục, chơi thể thao; thỉnh thoảng tham quan thắng cảnh.
Tất cả các bạn đều hào hứng tham gia nhóm học tập mới. Sau này nhóm được đặt tên là Đội Ngô Quyền, đã được Đảng công nhận là tổ chức yêu nước cách mạng thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám. Đội trưởng là Vũ Onh. Đội gòm các bạn đều học rất giỏi nhưng ăn nhiều chuối nên được gọi là “ Đội Chuối”.
Đội Ngô Quyền gây được cảm tình của các bạn trong trường, số lượng đội viên sau lên 40 người.
Đội Ngô Quyền xin gia nhập Đoàn Rồng là một tổ chức học sinh được nhà trường cho hoạt động công khai. Vũ Oanh lợi dụng cái vỏ bọc đó để hoạt động công khai, đưa Đội Ngô Quyền đi dã ngoại, thăm các di tích lịch sử, như Đền Hùng, Đền Cổ Loa. Qua những chuyến đi đó, Vũ Oanh đã giúp các bạn có chí hướng yêu nước học tập, giữ tư cách tốt, luôn đoàn kết giúp đỡ nhau.
Vũ Oanh bí mật chuyền tay các bạn những cuốn sách về Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Ái Quốc và làn sóng đỏ; về nguyên lý của chủ nghĩa Mác, lịch sử tóm tắt Đảng Cộn sản Bôn sê vích và các cuốn như: Đông Dương ( SOS ), Dưới gót sắt..., nhằm giúp cho các bạn làm quen với những luồng tư tưởng cách mạng mới.
Anh làm tốt vai trò đội tưởng, dìu dắt đội hoạt động, ngày càng có uy tín. Anh cố gắng bắt liên lạc với tổ chức của Đảng.
Một hôm, vào đầu năm 1942 có anh Đóa và anh Thản học trên Vũ Oanh mấy lớp đã tìm gặp Vũ Oanh tâm sự:
- Em gây dựng phong trào học sinh khá lắm, các anh muốn giới thiệu em cho tổ chức Đảng.
- Em cũng đang đi tìm các anh. Em đã tập hợp được hơn 40 bạn, các bạn ấy đều học giỏi và rất tốt.
- Bọn anh sẽ giới thiệu em với đồng chí An ở Ban cán sự Đảng thành Hà Nội.
Sau khi được gặp đồng chí An, Vũ Oanh đã được đồng chí giới thiệu kết nạp vào Đoàn thanh niên cứu quốc thuộc Mặt trận Việt Minh Hà Nội. Một thhời gian sau, lần lượt các đội viên Đội Ngô Quyền trường Bưởi được Vũ Oanh giới thiệu vào Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội.
Đồng chí An chính thức cử Vũ Oanh làm Bí thư Ban chấp hành Đoàn thanh niên cứu quốc. Trong ban chấp hành còn có các anh Lê Tư, Bùi Thái Dương, Ban cán sự Đảng giao nhiệm vụ cho Ban chấp hành Đoàn đẩy mạnh phong trào thanh niên trong toàn thành phố.
Những đội viên của Đội Ngô Quyền do Vũ Oanh sáng lập trở thành những đoàn viên tích cực, nòng cốt của lực lượng thanh niên cứu quốc trường Bưởi và thực sự là những hạt nhân của Đoàn thanh niên cứu quốc toàn thành phố.
www.hovuvovietnam.com
|