Bước chân lên sân thượng tòa nhà số 180-182, đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM, tôi lạc vào một không gian đượm vị thiền. Cây khoe thế, hoa đua sắc tỏa hương, nhang đượm, kinh sách, tranh, tượng Phật… khắp nơi. Đón tôi là một ông lão quần áo giản dị, nói năng nhẹ nhàng chẳng khác gì một ông già quê mùa.
Ấy thế mà ông lại là chủ của Vina giày mà nếu định giá thương hiệu chắc cũng phải vài ba tỉ USD. Ông là Vũ Văn Chầm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giày Việt.
Nghệ nhân Vũ Chầm
Thợ lề đường
Là thành viên đời thứ 18 của một dòng họ có nghề làm giày truyền thống ở cái nôi của nghề giày Việt Nam - làng Phong Lâm, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương - nên Vũ Văn Chầm đã làm quen với nghề đo ni đóng giày từ thuở tóc còn để chỏm. Cha mất sớm, thương mẹ vất vả nên năm 1950, chàng trai 16 tuổi người nhỏ thó ấy đã bôn ba lên Hà Nội học và làm thợ giày ở cửa hiệu của nhà người bác ở số 263, phố Hàng Bột để kiếm kế sinh nhai và phụ giúp gia đình. Lăn lóc học từ cách đo ni, thuộc da, đóng, khâu, đánh xi đến chào hàng, bỏ mối nên chỉ ba năm sau, Chầm đã thạo nghề. Nhận thấy thị trường Hải Phòng rộng mở, ông rủ hai người anh em ruột xuống mở xưởng sản xuất và bỏ mối khắp thành phố hoa phượng đỏ. Chưa thỏa, một năm sau, ngày đông tháng giá rét cắt da cắt thịt, anh em, một mẹ già quyết định bôn ba vào miền đất hứa Sài Gòn để mở mang nghề nghiệp.
Mười tám tuổi, bắt đầu với môi trường mới, ông lân la khắp các tiệm giày ở Sài Gòn kiếm việc làm. Ban đầu, ông lao động cật lực, một ngày làm được một đôi giày, tiền công cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống tùng tiệm của gia đình. Nhưng với bàn tay khéo léo và tỉ mẩn chăm chút cho từng sản phẩm như những đứa con tinh thần của mình. Những đôi giày hoàn toàn làm thủ công mang cả cái hồn của người thợ đã làm hài lòng khách hàng dù khó tính đến đâu.
Chấp nhận đi làm công cho các chủ hiệu giày trong một thời gian ngắn để tìm hiểu thị trường. Cuối năm 1955, ba anh em như cái kiềng ba chân mỗi người mỗi việc đã đảm nhận hoàn toàn từ khâu đóng giày đến bỏ mối; hai năm sau đã có cửa hiệu giày Thanh Bình ở số 263, đường Phan Đình Phùng. Cái tên Vũ Chầm được giới thượng lưu Sài Gòn mến mộ bởi biệt tài đóng giày Tây theo lối thủ công đẹp mắt, sang trọng. Tay nghề giỏi, phục vụ tận tình, giày đẹp nên chẳng bao lâu hiệu giày Thanh Bình đã có hơn 200 nhân viên, sản xuất giày da chất lượng cao bán cho 50 thương hiệu giày tiêu thụ khắp các tỉnh từ Bình Trị Thiên trở vào và còn được hãng giày Bata của Pháp đặt sản xuất gia công giày da chất lượng cao; rồi mở lớp dạy nghề cho hơn 100 người, mua nhà, sắm xe…
Sài Gòn giải phóng, ông Chầm chấp nhận trở về vạch xuất phát. Tài sản sung vào hợp tác xã, tiêu chuẩn mỗi tháng 13 kg gạo, Vũ Chầm vào làm công nhân của tổ sản xuất Hoàng Diệu (Q.4), thời gian rảnh thì đặt chiếc tủ nhỏ nhận sửa chữa giày dép ở nhà, số 55, đường Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, Q.1. “Tôi tự nhủ, có nghề giỏi, có trí tuệ và làm ăn lương thiện thì dù ở đâu, sớm hay muộn sẽ có cơ hội”, ông bồi hồi nhớ lại. Vui với nghề và sống an nhiên tự tại đúng như lời Phật dạy nên ông thanh thản vượt qua tất cả mọi biến cố của cuộc đời để cần mẫn sửa giày dép để cùng vợ - người đẩy cái xe ra đường xay rau má bán với giá 50 đồng/cốc suốt 5 năm - mà nuôi sống gia đình, nuôi 8 người con ăn học đàng hoàng (5 người tốt nghiệp đại học). Chỉ là chủ một cái tủ giày nhỏ bé nhưng tay nghề và đạo đức làm ăn của Vũ Chầm đã nức tiếng khắp Sài Gòn, từng được mời vào đo ni đóng giày cho các đồng chí lãnh đạo cấp cao như Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười… “Lúc ấy tôi rất vui, rất tự hào về tay nghề của mình, ít ra mình cũng góp được chút gì vào hình ảnh đất nước và con người Việt Nam trên chính trường quốc tế”, ông nói.
Lên chủ tịch
Năm 1990, hòa vào làn sóng đổi mới của nước nhà, Vũ Chầm được giang rộng đôi cánh, bắt đầu mở cửa hàng đóng và bán giày tại số 638, đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 2, quận 3.
Tự tin ở tay nghề của mình; nghĩ rằng người Việt khéo tay, hay làm, đóng giày giỏi thế mà phải chấp nhận đi làm gia công cho các thương hiệu nước ngoài hoặc đóng giày rồi dán mác giả của các nhãn hiệu ngoại là việc làm tủi hổ nên ngay khi mở cửa hiệu, Vũ Chầm lập tức quyết định lấy tên thương hiệu là Vina giày (giày Việt Nam), logo được ông thiết kế là một quả cầu hàm ý giày Việt sẽ vươn ra thế giới. Đó là ngày 6-6-1990.
Có được thương hiệu rồi nhưng để bảo vệ nó còn khó khăn hơn. Và cách bảo vệ tốt nhất đó là phải biết giữ chữ tín với khách hàng. Đối với ông, sản phẩm có tốt, thương hiệu mới bền, hay nói cách khác là “thương hiệu phải đồng hành cùng chất lượng”. Chính vì vậy, ông luôn răn dạy con cháu và thợ thầy phải biết lấy cái tâm làm đầu nên sản phẩm của Vina giày làm ra bao giờ cũng bền đẹp.
Phương châm mà ông Vũ Chầm chia sẻ và yêu cầu 8 người con cũng như hơn 500 cộng sự của mình ở Vina giày phải tâm niệm rằng: khách hàng là thượng đế, mọi lỗi lầm đều thuộc về nhà sản xuất. Lợi ích của khách hàng lên trên hết. Ông bảo: “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn ba ngày đường”, muốn xây dựng thương hiệu phải giữ chữ tín với người tiêu dùng.
Và tâm nguyện ấy đã nhận được lòng tri âm của khách hàng. “Tôi là khách hàng thân thuộc của Vina giày từ 10 năm nay. Tôi không chỉ làm người tiêu dùng hài lòng về mẫu mã đa dạng mà còn bởi chế độ hậu mãi chu đáo, có lần tôi mua một đôi giày về đến nhà mới phát hiện có một chi tiết ở đường khâu không đều. Lỗi thuộc về mình khi không chọn lựa cẩn thận nên quay lại cửa hàng tôi cũng chỉ là để cầu may thôi, không ngờ người bán vui vẻ đổi lại hàng cho tôi ngay. Thế nên không chỉ sử dụng, tôi còn giới thiệu bạn bè, người thân cùng trở thành khách hàng của Vina giày và tất cả đều hài lòng”, chị Cao Thị Kim Dung, một khách hàng mà chúng tôi gặp tại Giày Việt plaza, số 180-182, đường Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3, TPHCM, cho biết.
Dẫu nói thế nhưng ở đời biết mình biết người bao giờ cũng có lợi, bởi vậy nghệ nhân Vũ Chầm không bao giờ tự thỏa mãn với những gì mình đã làm được. Chính vì vậy mà ngoài việc truyền lại bí quyết nghề cho con cháu và thợ thuyền, ông còn chủ trương đầu tư sâu hơn, rộng hơn về mọi lĩnh vực như công nghệ, kỹ năng thiết kế, nghệ thuật quản lý theo hướng hiện đại để có thể đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc. Bên cạnh đó ông cũng lên kế hoạch phân định lại thị trường bằng cách dành tới 70% cho thị trường nội địa, còn lại 30% là cho xuất khẩu để củng cố và nâng cao thêm khả năng cạnh tranh của mình trước tình hình mới. Để bắt kịp thời đại, ông đầu tư cho con trai út Vũ Văn Hiền sang Mỹ học thiết kế sản phẩm, điều hành doanh nghiệp, marketing… cả chục năm trời để vững tin quay về cùng gia đình đưa Vina giày lên hương.
Hiện nay Vina giày có hơn 40 chi nhánh và hàng chục đại lý trên cả nước, Giày Việt plaza sắp khai trương với 100 gian hàng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng từ bình dân đến sang trọng nhất. Vina giày đã được khách hàng công nhận là công ty da giày số một của Việt Nam và đủ sức cạnh tranh với các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Trả lời câu hỏi Vina giày có thể làm được những sản phẩm tương đương với các thương hiệu giày nổi tiếng trên thế giới như giày Nhật, Ý hay không..., nghệ nhân Vũ Chầm cười hiền cho biết: “Các thương hiệu giày nổi tiếng trên thị trường thế giới có nguồn gốc đã hàng ngàn năm. Giày Việt Nam ra đời muộn, nhưng người thợ Việt Nam rất khéo léo và thông minh. Đến bây giờ, tôi khẳng định rằng so với tay nghề của người thợ Việt Nam so với kỹ thuật của các hãng giày nổi tiếng trên thế giới không còn là bậc thày nữa mà có thể xem ngang ngửa như bạn!”.
Bí kíp Như Lai thiền
Quy y cửa Phật hơn 30 năm nay, ông Vũ Chầm uyên thâm Phật pháp và có tấm lòng, lối sống của bậc chân tu.
Trò chuyện với ai ông cũng chia sẻ những hiểu biết về đạo Phật và khuyên người đối diện sống theo lời dạy từ bi hỉ xả của đức Phật. Ông tặng tôi cuốn Như Lai thiền và khuyên tôi nên tập luyện hàng ngày để giữ được sự bình an trong cõi lòng để từ đó mà sống nhân từ với người, với đời.
Ngoài giày, ông Vũ Chầm còn một niềm say mê khác là nghiên cứu tư tưởng Phật giáo. Ông mang tư tưởng đó vào việc quản lý kinh doanh khi đưa ra bản đồ 8 nhánh bát chính đạo (chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định) để đánh giá chất lượng một con người, một doanh nghiệp.
Ông cho rằng: “Người lãnh đạo phải luôn như con tằm nhả tơ, phải biết yêu thương nhân viên của mình, làm sao để họ xem công ty là của họ, có như vậy họ mới gắn bó và làm việc hết mình”. Đối với ông: “Dù lãnh đạo một gia đình, doanh nghiệp hay một đất nước cũng đều cần phải có hai yếu tố, là trí tuệ và đạo đức. Ở nơi nào có tài và đức thì ở nơi đó có thành công, ở đâu chỉ có sự ngu dốt và không có đức thì ở đó bại vong”. Đức Phật chả dạy con người sống ở đời phải: giỏi nghề, bảo quản tài sản, làm bạn với người tốt và sống thăng bằng là gì! Có phải thế chăng mà khi tôi cật vấn chuyện tài sản, thu nhập, ông nằng nặc không nói. Ông nhỏ nhẹ, nhu cầu vật chất của mình chả cần gì nhiều nên cũng không như nhiều doanh nhân thích nói đến tiền, Vũ Chầm chỉ khoe công ty vui như gia đình, ai cũng có nhu cầu được cống hiến và sống tốt. “Sống là phải biết phấn đấu, đam mê, làm việc hết mình. Vật chất chỉ là thứ tạm dùng qua ngày, chết không mang theo được. Làm sao để lại cái tiếng tốt ở đời. Một doanh nhân thành công không phải kiếm được bao nhiêu tiền, mà ở việc mang lại được gì cho cuộc sống”, ông tâm niệm.
76 tuổi, bên cạnh vai trò Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Giày Việt (Vina giày), ông Vũ Chầm còn cáng đáng vai trò Chủ tịch Hội Da giày TPHCM, canh cánh khát vọng góp phần khẳng định thương hiệu da giày Việt trên trường quốc tế.
(Người đô thị)
|