Liệu có ai biết rằng tượng đài điền kinh Việt Nam Vũ Bích Hường bây giờ lại đang đối diện với một hoàn cảnh cực khổ chưa từng thấy khi chồng ung thư, con bệnh nặng, còn bản thân mình lại đang sống trong cảnh, không cửa, không nhà…
Vũ Bích Hường hiện là cán bộ đào tạo của bộ môn điền kinh Hà Nội
Nào là "độc cô cầu bại" trên đường chạy. Nào là "con linh dương đen" nhiệm mầu. Nào là "tượng đài bất hủ" của điền kinh Việt Nam. Hàng loạt những biệt danh mĩ miều được người ta gán với cái tên Vũ Bích Hường. Nhưng lúc này đây, liệu có ai biết rằng chủ nhân của hàng loạt những biệt danh mĩ miều, bóng loáng ấy, người đã đi vào lịch sử điền kinh nước nhà với chiếc HCV SEA Games đầu tiên ấy, bây giờ lại đang đối diện với một hoàn cảnh cực khổ chưa từng thấy khi chồng ung thư, con bệnh nặng, còn bản thân mình lại đang sống trong cảnh, không cửa, không nhà…
Bán được thứ gì bán nốt
Nói Bích Hường không cửa, không nhà hẳn sẽ có người cho là nói quá, bởi thực ra hiện nay, Hường vẫn ở tại một ngôi nhà nhỏ trên phố Thụy Khuê. Ngôi nhà ấy 20 mét vuông. Và đồ đạc trong nhà gồm có một chiếc giường, một chiếc tủ, một chiếc máy tính cũ kĩ rồi… chấm hết. Song hỏi ra mới vỡ lẽ, cái ngôi nhà tuềnh toàng ấy không phải là nhà của Hường, mà là nhà đi thuê. Và nếu cứ với cái đà này thì trong một ngày không xa nữa, đến cả cái nhà đi thuê, gia đình Hường cũng không còn nốt.
Vậy nhà Hường đâu? Ngôi nhà từng được ông bà nội để lại, ngôi nhà mà ngày xưa từng được nhà đài VTV đến ghi hình làm phóng sự, ngôi nhà chứa trong nó thật nhiều bằng khen, thật nhiều huân huy chương của cả một đời VĐV, rốt cuộc biến đi đâu mất rồi? Hỏi thẳng chị Hường câu hỏi ấy mới giật ngửa người với câu trả lời: "Bán lâu rồi em ạ". "Linh dương đen" ngày xưa cứng cáp là thế, ăn nói phổi bò, ruột ngựa, thẳng băng là thế, vậy mà khi nói mấy câu "bán lâu rồi em ạ" thì cái giọng chợt ngậm ngùi, và những giọt nước mắt như chỉ chực trào ra…
Hai năm trước, thời điểm Vũ Bích Hường bất ngờ quay trở lại đường chạy trong tư cách của một "U.50", làm sững sờ cả làng điền kinh ĐNA thì nghiệt ngã thay cũng lại là lúc đứa con 5 tuổi bất ngờ mắc bệnh tự kỷ. Thằng bé bây giờ đã học lớp 2. Trông kháu khỉnh, trắng trẻo, và đôi mắt hấp háy, thông minh nữa. Thấy "chú nhà báo" đến chơi, nó nói chuyện nhiều lắm, thậm chí còn khoe "cháu thích môn toán, và học giỏi toán…". Vậy mà khi trở bệnh nó lại biến thành một bộ dạng hoàn toàn khác: mệt mỏi, yếu đuối và ngơ ngơ ngác ngác.
Chị Hường tâm sự: "Loại bệnh này rất kỳ lạ, chữa trị rất tốn kém và mất thời gian. Thế nên không bán nhà lấy đâu ra tiền mà chữa…". Chị cũng bảo, sau 2 năm điều trị, bệnh tình của cu cậu cũng đỡ được 70 - 80% rồi, nhưng bác sĩ dặn với những đứa trẻ mắc bệnh này thì không thể chắc chắn bất cứ điều gì cả. Đã được bác sĩ "xác định trước" như thế, chị Hường cũng xác định trước là trong nhà còn cái gì để bán rồi cũng quyết bán nốt để chữa bệnh cho con. Nhưng thử hỏi, cái nhà đi thuê vỏn vẹn 20 mét vuông với một cái giường, một cái tủ, một chiếc máy tính một khi "tổng động viên" liệu sẽ bán được tất cả bao nhiêu tiền?
Không nhập viện vì không có tiền
Khổ sở với bệnh tật của đứa con trai út, mới đây Vũ Bích Hường còn tiếp tục khổ sở với bệnh tật của chồng. Đấy là cái hôm mà đang yên đang lành, không hiểu sao anh Hòa chồng chị lại sốt cao tới 40 độ, rồi máu cứ thế ộc ra đằng miệng, đằng mũi.
Chị Hường muốn đưa anh tới viện, nhưng anh nhất định cự tuyệt với lý do: "Hãy cứ dồn tiền chữa bệnh cho con". Phải đến hôm sau, khi chị Hường nhờ bạn bè, anh chị em họ hàng tới động viên thì anh mới đồng ý vào viện. Mà vào viện rồi thì anh phải đối diện với một cái tin sét đánh: anh Hòa bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Mới chỉ 2 tháng nay thôi mà trông anh Hòa đã tiều tụy không còn sức sống. Tóc đã rụng gần nửa vì hóa chất, hai cánh tay anh thâm đen vì những vết kim tiêm. Ấy vậy mà sợ vợ buồn, con buồn, ở trên giường bệnh anh vẫn cố cười và cố nói vui: "Chắc mình vẫn còn khá hơn mấy tên nghiện, nhà báo nhỉ?".
Mà ông trời hình như cứ muốn thử thách sức chịu đựng của những người đàn bà mạnh mẽ. Thế nên ngày anh Hòa nhập viện cũng là ngày đứa con đầu lòng Ngọc Quang của hai anh chị bước vào đường chạy ở giải vô địch điền kinh toàn quốc. Hôm ấy, lo con bị "ảnh hưởng tâm lý" nên chị Hường giấu nhẹm bệnh tình của anh.
Ấy thế mà không hiểu sao, Quang lại phạm quy ngay từ vạch xuất phát, nên đã bị loại thẳng khỏi cuộc chơi. Có một sự thật là, nếu Quang có thành tích ở giải quốc gia, rồi lại được chọn đi dự SEA Games và có thành tích ở SEA Games thì cũng kiếm được một khoản nho nhỏ đỡ đần bố mẹ. Đằng này, Quang lại mất trắng như thế, bị loại ngay từ vạch xuất phát như thế, chị Hường còn có thể trông đợi gì thêm?
Buổi sáng chồng nhập viện, buổi chiều con trai đầu lòng coi như "mất sạch sành sanh", chị Hường buồn ghê gớm. Nhưng chị quyết không khóc, bởi nói như chính chị thì "khóc trước mặt chồng con, tôi sợ cả nhà quỵ ngã mất, còn khóc một mình thì tôi đã khóc nhiều lắm, khóc đến cạn nước mắt rồi…". Chị cũng bảo rằng may mà mình theo nghiệp điền kinh, và nhờ thế mà đã tôi luyện được một tính cách mạnh mẽ, bằng không ở vào hoàn cảnh này, có lẽ khó mà sống nổi…
Trên đường chạy ngày nào
Thực ra chưa nói đến việc "tôi luyện bản lĩnh" hay "xây dựng một tính cách mạnh mẽ" này nọ, với Vũ Bích Hường ở cái thuở sơ, điền kinh trước tiên giúp Hường thỏa chí đam mê. Vì mê chạy, và vì có tố chất của một VĐV chạy nước rút nên Hường sớm được HLV lão làng Hoàng An "nhặt" vào nội dung 100m rào - cái nội dung mà hồi ấy là rất khó và rất mới. Vậy mà tập luyện không bao lâu, tại giải VĐQG năm 1987, Hường đã phá KLQG và giật HCV khi mới tròn 18 tuổi.
Cũng ở đường chạy 100m rào, Hường đã giật được chiếc HCV quý hơn vàng ở SEA Games 18 năm 1995 khi trở thành VĐV điền kinh Việt Nam đầu tiên có vàng ở mặt trận SEA Games. Và cũng ở đường chạy 100m rào, đến năm 2009, Hường đã làm cả ĐNA phải ngỡ ngàng khi quyết định trở lại ở tuổi 41 - cái tuổi mà nhiều người hoặc đã giã từ sự nghiệp, hoặc đã chuyển qua làm HLV.
Cuộc đời VĐV của Vũ Bích Hường có thể gói gọn trong 3 cái đích oanh liệt ấy. Nhưng ít ai biết rằng giữa 3 cái đích oanh liệt ấy, cô gái gốc Gia Lâm này đã phải đánh đổi bằng không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt. Bởi vì nếu chiếc HCV toàn quốc ở tuổi 18 là chiếc HCV đơn thuần của khát vọng tuổi trẻ thì chiếc HCV SEA Games ở tuổi 26 lại là chiếc HCV của "bà mẹ một con" làm ngỡ ngàng cả ĐNA.
Chẳng là chỉ 2 năm sau chiếc HCV tuổi 18, Vũ Bích Hường lập gia đình, và vì cuộc sống mưu sinh mà bắt buộc phải bỏ đường chạy. Hồi ấy, hình ảnh một "cô Hường đen nhẻm, nói to…" bán bánh mì patê, bán xôi, rồi bán nước ở cuối con đường Thụy Khuê là một hình ảnh rất quen thuộc của người dân khu vực này. Chỉ đến khi việc bán bán - buôn buôn tạm nuôi đủ gia đình thì Vũ Bích Hường với niềm đam mê không bao giờ nguội tắt của mình mới quyết định trở lại đường chạy.
Và cái năm 1995 lịch sử ấy, hình ảnh của "bà mẹ một con" vừa khóc vì hạnh phúc, vừa gục xuống vì kiệt sức sau khi trở thành số 1 trên đường chạy SEA Games đã khiến cho cả nước phải nức lòng. Hình ảnh ấy từng được xem như một hình ảnh điển hình cho sức sống của một VĐV và cho nghị lực phấn đấu của một con người.
Riêng năm 2009, khi bất ngờ trở lại đường chạy ở tuổi 41 - khi đã trở thành "bà mẹ 2 con" thì Vũ Bích Hường lại mang trong mình một tâm thế khác: Cái tâm thế của một "đàn chị" dám tìm kiếm vinh quang ngay trong hiện tại, chứ quyết không chịu "ăn nhờ" vào cái bóng sừng sững của mình trong quá khứ. Mà cái năm 2009 ấy, ở đường chạy AIG, Vũ Bích Hường phải đối diện với phần lớn những "đàn em", thậm chí là "đàn cháu" thế hệ 8X, 9X, thế mà chị vẫn khiến những kẻ hậu sinh của mình phải nhìn vào kinh ngạc với "mắt chữ A, mồm chữ O"…
Rõ ràng, ở trên đường chạy, Vũ Bích Hường là một tượng đài vinh quang. Và rõ ràng, cái đường chạy vinh quang ấy vừa giúp chị thỏa chí đam mê, vừa giúp chị tôi luyện trong mình một sức sống phi thường. Và bây giờ, bằng chính sức sống đã được tôi luyện hàng chục năm trời đó, chị đang đối diện với đời, với vô vàn những tai ương đang đổ xuống gia đình mình. Những tai ương mà ở đấy, chị đang phải sống trong cảnh chồng bị ung thư, con lâm trọng bệnh, còn với bản thân mình, đến một cái nhà để tá túc qua ngày có khi cũng sắp sửa không còn nữa…
Có thể, Vũ Bích Hường tự tin với sức sống và nghị lực của mình, cũng có thể, chị chẳng đòi hỏi gì nhiều, nhưng để một tượng đài như chị, người từng làm rạng ranh, kiêu hãnh cho cả một nền thể thao như chị cuối cùng lại phải một mình chống chọi với tai ương thì tất cả chúng ta - những người đã từng ngưỡng mộ chị, tung hô chị, liệu có vô cảm quá không?
Mơ về một mái ấm…
Chồng Vũ Bích Hường, anh Hòa những ngày này đi không vững, nên gần như nằm trên giường bệnh suốt ngày. Khi chúng tôi gặng hỏi là bây giờ mong ước lớn nhất của anh là gì thì anh Hòa bảo: "Bây giờ tôi ước mơ gia đình được tạo điều kiện cho mua một ngôi nhà giá rẻ, để lỡ có làm sao tôi cũng yên tâm phần nào với cuộc sống sau này của vợ con mình. Bản thân tôi khi ấy cũng còn có một chỗ cố định để mà vợ con hương khói. Chứ cứ thế này, tôi yên tâm sao nổi…".
Được biết, mới đây, chị Hường đã làm đơn lên phòng tổ chức của Sở VH - TT&DL Hà Nội để xin vào diện ưu tiên mua nhà giá rẻ, nhưng tới bây giờ lá đơn vẫn chưa được duyệt. Mới đây, bộ môn điền kinh của Tổng cục TDTT cũng đã họp và thống nhất sẽ đề xuất để chị có thể mua một căn nhà giá rẻ. Nhưng nghe đâu, những suất này mới chỉ áp dụng cho khối văn phòng, còn những diện như chị thì chưa…
|
CAND
|