Đó là hai giấc mơ của một người đàn ông đã in đậm dấu ấn của mình trên nhiều công trình của Việt Nam trong thập kỷ qua. Một giấc mơ đang trở thành hiện thực và một, có lẽ còn đang dang dở…
Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải cùng các đồng chí lãnh đạo TPHCM, ông Vũ Quang Hội (ảnh giữa) và đại diện Bitexco nhấn nút khánh thành Tháp tài chính Bitexco Financial Tower. Ảnh: Việt Dũng
"Tại sao mình lại không thể biến cái người ta không thể thành cái ta có thể?".
Khát vọng nhỏ và thương vụ mạo hiểm đầu tiên
Hơn 20 năm trước, anh cùng một người bạn trí thức trẻ Việt Nam đi qua nhiều nước châu Âu. Trên đường từ sân bay Athens - Hy Lạp về khách sạn, vừa bước lên xe thì người lái taxi tò mò hỏi: "Các ông từ đâu tới? Có phải từ Nhật không?". "Không", "Hàn Quốc? Trung Quốc? Singapore? Thái Lan?" - "Không, chúng tôi từ Việt Nam tới".
Nghe vậy, anh ta đột nhiên buông cả 2 tay lái và reo lên: "Ồ, Việt Nam. Việt Nam - Hồ Chí Minh". Tiếng reo hoan hỉ của người lái xe khiến anh trào dâng một niềm tự hào, tự hào vì mình được là người dân của nước Việt Nam, đất nước của vĩ nhân Hồ Chí Minh.
Nhưng niềm vui đó đột ngột bị dập tắt khi ngay sau đó, người lái xe giơ tay làm súng, miệng hô "Pằng... Pằng... Pằng", biểu lộ sự đồng cảm với nhân dân Việt Nam. Buồn, vì bạn bè nước ngoài hình như chỉ biết đến một Việt Nam anh dũng, kiên cường trong chiến tranh, chứ không phải là một Việt Nam cường thịnh về kinh tế. Day dứt khôn nguôi vì điều đó, suốt chặng đường trở về Việt Nam, người thanh niên trẻ đó thầm hứa sẽ cống hiến hết tài năng, sức lực để xây dựng Việt Nam trở thành một nước giàu mạnh.
May vì khi đó, đất nước đang bước vào cuộc đổi thay lớn. Cha anh, một trí thức Tây học đã nghỉ hưu, chỉ trước khi công cuộc đổi mới bắt đầu từ năm 1986 một năm, đã lập ra một cơ sở dệt may với mong muốn vực dậy ngành dệt nhuộm truyền thống của làng, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống khó khăn của người dân quê mình.
Những ngày sống bên cha, anh đã học được nhiều điều, từ tầm nhìn, ý chí vượt khó và cả cách vun đắp những hoài bão của mình. Nhưng phải tới khi anh quyết định sản xuất nước khoáng, chân trời mới mới mở ra cho anh.
Số là từ trước năm 1990, Nhà nước đã đầu tư nhiều cho công tác tìm kiếm và thăm dò dầu khí. Rồi những năm 1993-1996, các giếng khoan thăm dò dầu khí được cải tạo để khai thác nước khoáng. Nhưng nguồn nước quý giá từ độ sâu khoảng 3.000 m này chỉ được sử dụng phục vụ cho nhân viên công ty khai thác dầu khí. Trong khi đó, những nhãn hiệu nước khoáng nước ngoài đang "lấn sân" trong nước, với giá bán đắt ngang bằng giá xăng.
"Xót của", cộng với sự tự ái "tại sao nước ngoài làm được, vậy mà Việt Nam lại không" khiến anh quyết định đầu tư khai thác. Gửi mẫu nước khoáng sang Italy và mừng húm khi kết quả cho thấy, đây là mỏ nước có nhiều khoáng chất quý hiếm, rất tốt cho sức khỏe con người. Vậy là quyết định đầu tư 4 triệu USD để nhập dây chuyền sản xuất nước khoáng từ Italy.
Nhiều người khuyên ngăn, thậm chí chỉ trích, nhưng anh vẫn kiên trì thực hiện dự định. Một năm sau, khi chai nước khoáng Vital có mặt trên bàn của các cuộc hội nghị, hội thảo quốc tế, các khách sạn sang trọng và đơn đặt hàng tới tấp bay về, người ta mới gật gù thầm khen tay giám đốc trẻ táo bạo dám nghĩ, dám làm.
Trăn trở cho hướng đi mới
Thành công ban đầu chưa khiến anh hài lòng. Những chuyến đi dài đã mở ra cho anh tầm nhìn và những khát vọng mới mẻ. Anh hiểu, một đất nước được thừa nhận là cường thịnh, có vị thế trên chính trường quốc tế phải là đất nước có nền kinh tế mạnh. Và một nền kinh tế mạnh phải có những doanh nghiệp mạnh, thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia và quốc tế, giống như khi nhắc đến Hàn Quốc, người ta biết Hyundai, Samsung, hay nhắc đến Nhật Bản, là Toyota, Honda...
Việt Nam thì sao? Câu hỏi đó luôn thường trực trong anh. Và rồi, lời giải đáp đã được tìm thấy một cách ngẫu nhiên.
Năm 2000, anh vào TP.HCM để tìm đất xây dựng văn phòng đại diện. Một buổi tối đi trên đường Nguyễn Huệ, anh phát hiện một mảnh đất rộng, quây kín tôn, điện đóm tối om. Hỏi ra mới biết, đây là một dự án bất động sản của chủ đầu tư Singapore, do gặp khủng hoảng kinh tế (1997) nên bị phá sản. Chủ đầu tư đã "rao bán" cả ở nước ngoài nhưng không có người mua.
"Tại sao mình lại không thể biến cái người ta không thể thành cái ta có thể?". Và anh đã tìm ra cơ hội ngay trong thời khủng hoảng một cách tình cờ như vậy.
Nhiều năm sau, giới kinh doanh Việt Nam vẫn xem việc thâu tóm hàng loạt mảnh đất "vàng" ngay tại trung tâm Thành phố trong giai đoạn đó là một nước cờ rất táo bạo và vô cùng khôn ngoan. Hai năm sau, tại mảnh đất đầu tiên anh mua ở 19-25 Nguyễn Huệ, một cao ốc văn phòng cao 20 tầng, trị giá 20 triệu USD, được khánh thành vào đúng thời điểm nền kinh tế bắt đầu phục hồi.
Có đất trong tay, phải làm gì với nó? Xé nhỏ từng mảnh chờ được giá rồi bán, hay xây nhà chung cư như nhiều chủ đầu tư khác để thu về một "mớ" tiền lớn?
Nhớ lại những chuyến đi ra nước ngoài, thấy người dân họ sống trong những cộng đồng với các sản phẩm dịch vụ cao cấp, anh không khỏi chạnh lòng. Xa hơn, rộng hơn, cả nước chưa có một khu đô thị hiện đại, khang trang, là bộ mặt của đất nước, là biểu hiện cho sự phát triển trong đời sống người dân. Ai chẳng mong khi cuộc sống tốt đẹp hơn, sẽ được sống trong một môi trường sống hoàn mỹ. Và thế là anh quyết định đầu tư vào phân khúc bất động sản cao cấp trong sự ngần ngại của nhiều người. Thậm chí, nhiều người đã không ngại khi nói thẳng với anh là "điên" khi bỏ 80 triệu USD để tạo lập dự án.
Cách làm của anh cũng bị cho là "điên" khi anh chối bỏ cách làm thông thường, mà trực tiếp bay khắp thế giới "tuyển mộ" những công ty tư vấn, thiết kế kiến trúc, thi công, xây dựng hàng đầu về để thực hiện dự án. Anh cũng là người tiên phong trong làng bất động sản khi bỏ ra hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà mẫu để khách hàng "thực mục sở thị" căn hộ, biệt thự mà mình sẽ mua.
Quả thật, The Manor mà anh và các cộng sự của mình đã triển khai xây dựng cho đến hôm nay vẫn là một hiện tượng của thị trường bất động sản với kiến trúc cảnh quan hiện đại, tinh tế và không gian sống đẳng cấp, nội thất quan trọng.
Nửa thập kỷ để hoàn thành một giấc mơ
Năm 2002, khi anh cùng vợ đứng trên tầng thượng của Tòa nhà Chrysler ở Thành phố New York, câu hỏi lúc mua khu đất đường Nguyễn Huệ lại vang lên trong anh. Chrysler Building không phải là tòa nhà cao nhất, nhưng chưa bao giờ bị lu mờ hay lãng quên vì nó là niềm tự hào của người New York. "Mình sẽ xây dựng một tòa tháp để người Việt Nam tự hào, như người New York có Chrysler Building, hay người Malaysia tự hào có tòa tháp đôi Petronas". Anh tự nhủ như vậy.
Khi ý tưởng xây dựng một tòa nhà cao nhất Việt Nam được tiết lộ, cả giới địa ốc, bất động sản không khỏi ngạc nhiên, xen lẫn nghi ngờ. Trước đây, chưa người Việt Nam nào có đủ tiềm lực tài chính, kinh nghiệm để xây dựng những tòa nhà vượt chiều cao 40 tầng. Hầu hết các dự án cao tầng ở Việt nam thời điểm đó đều do nhà đầu tư nước ngoài triển khai.
Nhiều tờ báo "đả kích" dự án cao 262 m của anh. Anh lẳng lặng mời các công ty hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới như AREP, Zapata Studio, LERA, Turner (Mỹ), Hyundai (Hàn Quốc). DSA (Anh)... cùng nghiên cứu để xây dựng công trình. Mơ ước ấp ủ đó là Việt Nam phải được hiện diện trên bản đồ kiến trúc thế giới bằng chính công trình của mình, một đóa sen thanh thoát vươn lên bầu trời TP.HCM.
Để thực hiện khát vọng này, anh buộc phải bỏ thêm hàng trăm triệu USD, giảm 30% diện tích sử dụng. Hàng chục chuyên gia giỏi các nước đã tụ họp trên một du thuyền ở Vịnh Hạ Long để cùng anh tính toán. Và kết quả của những đêm thâu đó, cũng như những nỗ lực của bao ngày tháng vất vả trên công trình là, ngày 31/10/2010, Tháp Tài chính Bitexco, công trình đẳng cấp thế giới cao 262 m được khánh thành. Tháp Tài chính Bitexco Financial Tower, với kiến trúc và tiện nghi đẳng cấp, là biểu tượng của sự phát triển kinh tế và thịnh vượng không chỉ của TP.HCM, mà còn của cả Việt Nam.
Tháp tài chính Bitexco Financial Tower
Đến đây, không khó để nhận ra nhân vật của chúng ta chính là Vũ Quang Hội, Chủ tịch Tập đoàn Bitexco, người đàn ông "nói ít, làm nhiều" với những ý tưởng kỳ lạ. Anh chính là người đã ví những bất động sản của mình, những The Manor, Bitexco Financial Tower, khách sạn 5 sao JW Mariott Hà Nội... như những "chiếc Phantom Rolls Royce" dành cho người Việt Nam.
Ai cũng mơ được sở hữu những chiếc Rolls Royce đẳng cấp, nhưng chỉ có anh mới làm ra được những chiếc "Rolls Royce" cho người Việt Nam. Giấc mơ "sản xuất" những "chiếc Rolls Royce trong bất động sản" đã chiếm trọn một thập kỷ của anh. Giấc mơ này đã tròn. Nhưng còn một giấc mơ khác, từ thời trai trẻ, có lẽ sẽ mãi dở dang.
Ít ai biết rằng, người đã để lại những dấu ấn sâu đậm bằng các công trình hiện đại, đặc sắc lại là một kỹ sư chế tạo máy của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. "Làm doanh nghiệp là một nỗi khổ của tôi. Tôi đã từng ước mơ mình sẽ trở thành một ông đồ", anh Hội tiết lộ.
Ngoài các dự án đã hoàn thành trong lĩnh vực bất động sản, hàng loạt dự án khác như Khách sạn 5 sao JW Marriott Hà Nội, Khu đô thị Nam đường Vành đai 3, Tháp Bến Thành, Khu đô thị mới Tứ giác Nguyễn Cư Trinh... đang được thực hiện dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng Bitexco. Giấc mơ trở thành "ông đồ" của anh đã không thể trở thành hiện thực. Nhưng những khát vọng, hoài bão xây dựng một thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam vươn khỏi tầm quốc gia và hội nhập với thế giới, những ý tưởng táo bạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm thực sự là điều đáng học tập ở "ông đồ" Vũ Quang Hội.
Tôi gặp anh Hội vài lần. Lần nào anh cũng vội. Tình cờ mới hay, anh Hội sinh năm 1963, tuổi Quý Mão.
Theo Hữu Tuấn (Đầu tư xuân)
|