Hiện nay ở Bắc Giang có các họ Dương, Đỗ, Đồng, Đinh, Chu, Cao, Biện, Giáp, Khổng, Lê, Mai, Nguyễn, Phí, Ông, Ong, Trương, Trịnh, Trần, Thôn, Vũ, Vi, Phùng, Ngọ, Phương, Lều, Thạch, Bạch, Vương, Hoàng, Sầm, Quách, Ninh, Lã, Ngô, Lưu, Hà, Lý, Khuất, Tạ, Đào, Phạm, Phan, Bùi, Phó, Đoàn, Lương, Hồ, Nông, Âu, Hoắc, La, Kiều, Cáp, Diêm, Tô, Tống, Yên...
Trước thế kỷ X các dòng họ ở Bắc Giang chưa được ghi trong sách chính sử. Do đó không rõ thời ấy có những họ nào đã cư trú ở Bắc Giang. Tài liệu dã sử như Thần tích, Thánh tích ở các địa phương có cho biết một số họ đã sống ở Bắc Giang như họ Thạch trong tích Thạch Linh thần tướng, họ Hùng ở Thù Sơn (Hiệp Hoà); họ Diên, họ Ngọ, họ Dương có các vị nữ tướng của Hai Bà Trưng đóng quân ở Đông Lâm (Hiệp Hoà), Vân Sơn (Yên Dũng), Nhã Nam (Tân Yên), họ Trương ở Mai Thượng (Hiệp Hoà)... Các truyền tích ấy đều do người đời sau hư truyền, thực giả không rõ nên chỉ có ý nghĩa tham khảo.
Từ thế kỷ X trở đi, trong chính sử đã xuất hiện các nhân vật và sự kiện liên quan đến vấn đề các dòng họ ở Bắc Giang : Trong mỗi thế kỷ lại xuất hiện một vài họ có người hiền tài và những nhân vật lịch sử hay các danh nhân khoa bảng...
Dòng họ ở Bắc Giang có họ gốc và họ di cư ở nơi khác tới cư trú, nhưng các dòng họ đều hoà hợp, thương yêu, đoàn kết với nhau để cùng tồn tại. Cơ cấu tổ chức các dòng họ ở Bắc Giang không chặt chẽ, mà đơn giản hơn nhiều nơi. Trong họ không có các điều lệ quy định khắt khe đối với các thành viên, ngoài những tiết lệ giỗ tổ.
Trong nghiên cứu về dòng họ, hai loại tài liệu xác thực nhất là nhà thờ họ và gia phả. Các họ lớn ở Bắc Giang có nhà thờ họ không nhiều. Số gia phả dòng họ còn lại rất ít. Nhiều họ do điều kiện xưa ít học, bận mưu sinh nên không có gia phả. Nhưng cư dân ở các tỉnh khác về Bắc Giang cư trú, có một số gia đình mang theo bản sao gia phả dòng họ để giữ lấy gốc. Cũng có những quyển gia phả của một số họ viết khá rõ. Chẳng hạn, người Sán Dìu lập gia phả từng nhà, từng chi, gia phả viết tên đệm gồm 9 chữ khác nhau tượng trưng cho 9 đời rồi quay lại chữ đầu. Để nhận nhau là họ hàng, anh em, người ta còn có lối in dấu “hợp phù”. Nghĩa là gấp tờ đầu của hai quyển gia phả lại, khớp hai nửa giấy vào nhau thành một trang. Sau đó đem dấu của gia đình úp mực in lên. Mỗi quyển gia phả có một nửa dấu. Không may các đời sau lưu lạc đi xa, theo 2 nửa dấu đó mà nhận họ hàng. Còn gia phả của người Sán Chí tuy có ghi các bậc nam, bậc nữ, nhưng con gái thì gọi là “Múc” (tương đương với từ Cô trong tiếng Việt).
Căn cứ vào các nguồn tài liệu trong sử sách và các bản gia phả có được, xin trình bày tóm tắt về nguồn gốc, địa bàn cư trú và những nhân vật tiêu biểu của một số dòng họ ở Bắc Giang trong lịch sử. Do không có đủ tài liệu nên còn nhiều họ chưa được giới thiệu trong dịp này. Rất mong được sự thông cảm và cộng tác của các họ để lần tái bản sách Địa chí Bắc Giang, sẽ có thêm thông tin về nhiều họ khác và về bản thân những họ đã được giới thiệu lần này, nhưng chưa đầy đủ.
Họ Vũ ở Bắc Giang:
Họ Vũ cư trú ở khắp 10 huyện, thị Bắc Giang. Trong các dòng họ Vũ, chỉ có họ Vũ ở vùng ngã ba sông Lục Nam là to hơn cả. Tổ tiên của họ Vũ này, do loạn lạc nên có thời gian chuyển đổi thành họ Chu. Đến thời Lê - Mạc lại lấy lại tên họ Vũ.
Dòng họ này vốn ở Nam Chân, Nam Sơn vì yêu mến đất Tiên La nên đã cư ngụ ở nơi đây. Kể từ đời Sầm quận công trở đi có các vị Vũ Đức Trọng, Vũ Chí Trung, Vũ Chí Thân, Vũ Chí Vượng... đều là các bậc anh tài kế thế ở đời.
Sầm quận công có công tu sửa chốn tổ Vĩnh Nghiêm. Vũ Đức Trọng là người có công phù Lê dẹp Mạc được phong tước Khuông quận công, dự hàng công thần triều Lê, hàm Thái bảo.
Vũ Hữu Râm là con của Khuông quận công có công trong việc tòng chinh ở Cao Bằng, Tuyên Quang được phong Trung thực tuyên lực công thần, Đặc tiến phụ quốc thượng tướng quân...
Vũ Chí Trung làm quan ở chức Nhập nội thị nội, Binh bộ viên ngoại lang, sau lại thăng Hình bộ thị lang trung thị vệ sự, tước Bàn quận công.
Dòng họ Vũ này có địa danh cư trú ở Vũ Trù, Vũ Xá, Tiên La, Trạm Điền, Đan Hội... và có nhà thờ ở Tân Độ.
Họ Vũ ở Tiên Lát (nay thuộc Tiên Sơn) có Vũ Cẩn 35 tuổi thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân năm 1556 đời Mạc Phúc Nguyên. Sau khi thi đỗ thì đổi tên là Vũ Ngụ, được cử đi sứ nhà Minh. Làm quan đến chức Thượng thư bộ Lễ, tước Dũng quận công. Khi mất được tôn vinh là bậc bề tôi tiết nghĩa.
Gia phả họ Vũ ở Đức La có chép :
“Nguyên ngày trước, cụ tổ ở xã Kỳ Lão, huyện Tam Chân, đạo Sơn Nam sinh được bốn người con trai. Mỗi người cư trú ở một phương :
Người con thứ nhất cư trú ở xứ Sơn Nam, nối đời làm công hầu.
Người con thứ hai ở xứ Sơn Tây ở triều trước không rõ sự tích như thế nào.
Người con thứ ba sống ở xứ Hải Dương, nối đời được làm quan phụ đạo.
Người con thứ tư cư trú ở xứ Kinh Bắc, miền núi non vùng Phượng Nhỡn. Ban đầu nhà ở thôn Tân Độ (thôn Bến) xã Trí Yên”.
Theo gia phả này thì cụ thuỷ tổ ở xã Trí Yên (Yên Dũng) được phong tặng thừa Chính sứ, ở đây cụ đã đổi sang họ Chu, lý do đổi họ vì khi ấy gặp thời loạn lạc mà đổi tránh đi. Đây cũng là dòng họ lớn có nhiều người làm tới bậc công hầu khanh tướng như : Sầm quận công, Chu Văn Sầm, Khuông quận công Vũ Đức Khuông, Bật quận công Vũ Thuận Đạo, Vân quận công Vũ Hữu Râm,... Trong các vị quận công ấy có Sầm quận công là nổi danh chống Mạc, được vua tin dùng. Gia phả chép :
“Lúc ông Sầm còn hàn vi phải đi buôn muối, gánh bộ bán ở Thanh Hoá. Gặp khi quân nhà vua đi đánh giặc bị thua chạy, ông cười mà nói rằng : “Cơm vua áo chúa đánh giặc mà bỏ chạy thì thật là hèn nhát”. Có người nghe thấy nói đến tai vua. Vua vời vào hỏi : “Nhà ngươi có tài gì mà nói thế, có dám đi đánh giặc không ?”. Ông nói : “Nếu nhà vua cần”. Vua tuyển ông vào lính. Ông được phong làm ngũ trưởng, sau đi đánh giặc nhiều trận được phong đến quận công. Ông người Cao sáu thước, diện mạo phi thường; tướng hổ oai hổ; tiếng cao giọng lớn người người thấy ông đều sợ không dám đối địch, được nhà vua yêu quý, vắng mặt vua nhớ, có mặt vua sợ. Lúc này nhà Mạc cướp ngôi vua. Nhà vua sai ông đi đánh dẹp họ Mạc, trấn thủ ở phương Bắc thuộc địa phận Đức La, cũng là nơi quê ông. Không may bị quân Mạc đánh thuốc độc chết”.
(Nguồn: Địa chí Bắc Giang, năm 2006)
|