Ảnh: GS-TS Vũ Hà Văn cùng vợ và hai cậu con trai
Tiếp tôi tại nhà riêng của cha mẹ đẻ ở khu Định Công, Vũ Hà Văn cởi mở kể về câu chuyện học tập và làm việc của mình ở xứ người.
“Gien” toán trội hơn “gien” thơ
Vốn là học sinh chuyên toán trường Chu Văn An và Hà Nội - Amsterdam, Vũ Hà Văn thi đỗ điểm rất cao vào khoa Điện tử- Tin học của Đại học Bách khoa Hà Nội và được tiêu chuẩn theo học ở nước ngoài.
Thời ấy, vào những năm cuối 80, khoa Điện tử - Tin học đang là ngành học thời thượng ở Việt Nam. Anh cười nói: “Là ngành thời thượng đơn giản chỉ vì có thể sửa được tivi”.
Vũ Hà Văn sang học khoa Điện tử tại Đại học Bách khoa Hungary, nhưng đến năm thứ hai, lòng yêu toán học đã thắng và anh chuyển sang ngành toán tại Đại học Eotvos và gắn bó với nó từ đó đến giờ.
Trước đây, Vũ Hà Văn bắt đầu học chuyên toán chỉ vì bố mẹ nào cũng muốn con cái học trường chuyên.
Thấy con trai có năng khiếu toán học, nhà thơ Vũ Quần Phương đã cho con vào lớp chuyên toán. Hầu như “gien” thơ của bố chẳng di truyền sang hai cậu con trai của ông chút nào (cậu em của Vũ Hà Văn hiện là kỹ sư tin học).
Vũ Hà Văn cho biết: “Thực ra, trước khi là nhà thơ được mọi người biết đến, bố tôi là một bác sỹ đấy. Còn mẹ tôi là dược sỹ. Do đó, có lẽ tôi được thừa hưởng “gien suy luận” của bố mẹ”.
Nhớ lại quãng thời gian học chuyên toán, đến giờ Vũ Hà Văn vẫn còn thấy “sợ” vì sức ép học hành thời đó. Năm nào cũng phải thi lên lớp, mà thường các cuộc thi được tổ chức vào cuối tháng 8.
Vậy là các chàng trai, cô gái chuyên toán đang ở lứa tuổi ăn, tuổi chơi lại suốt ngày phải cắm cúi học, chẳng có chút nghỉ ngơi trong suốt dịp hè.
Về thành tích thi học sinh giỏi, Vũ Hà Văn khiêm tốn cho biết anh chỉ đoạt giải Nhì Toán toàn quốc. Nhưng theo tôi được biết, không chỉ những giải thưởng trong nước, anh đã từng đoạt giải tại cuộc thi Toán học quốc tế Schweitzer năm 1991, 1992, 1993. Đây là cuộc thi toán khó nhất cho sinh viên Hungary.
Ngoài ra, anh đã từng đoạt giải thưởng của Sloan, một trong những giải thưởng cao nhất dành cho các nhà khoa học trẻ tại Mỹ và giải thưởng NSF Career với phần thưởng trị giá 400. 000 đô la Mỹ.
Sau khi tốt nghiệp thạc sỹ tại Hungary năm 1994, Vũ Hà Văn sang Mỹ làm luận án tiến sỹ tại Đại học Yale dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Lovasz, người hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Toán học quốc tế.
Năm 1998, sau khi bảo vệ luận án Tiến sỹ, Vũ Hà Văn được mời về làm việc tại Viện Nghiên cứu toán học tại Princeton, rồi Microsoft Research. Từ năm 2001-2003, anh làm trợ giảng tại Đại học California và rồi trở thành giáo sư chính thức năm 2005.
Trường Đại học Rutgers tại New Jersey có nhiều giáo sư đầu ngành về toán tổ hợp là một nguyên nhân quan trọng khiến anh chuyển tới đây giảng dạy và nghiên cứu từ 2005 cho tới nay.
Nấu cơm, đi chợ là chuyện bình thường
Một ngày làm việc của tiến sỹ Toán học Vũ Hà Văn tại Mỹ cũng giống như biết bao người đàn ông Mỹ khác: 8 giờ sáng đưa hai con tới trường, rồi lái xe tới nơi làm việc hoặc làm việc tại nhà. 4 giờ chiều lại vội vã quay về đón con, rồi về nhà nấu bữa tối.
Anh Văn cho biết, do công việc giảng dạy và nghiên cứu của anh chủ động được thời gian nên anh đảm nhiệm việc đưa đón con tới trường giúp vợ.
Ngoài ra, do vợ phải làm công việc theo giờ hành chính, không thể về sớm được, anh đã chia sẻ phần lớn công việc nội trợ cùng vợ. Nấu cơm, đi chợ là công việc bình thường của người tiến sỹ toán học này. “Hầu hết đàn ông phương Tây đều như vậy mà”, anh cho biết.
Tại trường Đại học Rutgers, Vũ Hà Văn vừa tham gia giảng dạy, vừa nghiên cứu và hỗ trợ các sinh viên nghiên cứu. Số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại trường này không đông nhưng khá đoàn kết. Hiện nay anh có hai nghiên cứu sinh người Việt.
Vũ Hà Văn cho biết: “Trong khu vực tôi ở hầu như không có người Việt. Những người Việt mà tôi thỉnh thoảng được tiếp xúc là các em sinh viên. Các dịp lễ tết, gia đình tôi cố gắng tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ cùng các em”.
Chương trình cao học về toán tại Việt Nam
Mỗi lần về Việt Nam, Vũ Hà Văn rất thích. Anh dường như được sống lại thời thơ ấu, được ăn các món ăn Việt Nam, món ăn mà anh hiếm được thưởng thức ở bên Mỹ, hoặc có thì cũng chỉ là những món ăn đơn giản trong gia đình, không có đồ ăn tươi như ở Việt Nam.
Nhà anh cũng như phần lớn các gia đình bên Mỹ có một chiếc tủ lạnh lớn, mỗi lần đi siêu thị, mua đồ ăn cho cả tuần luôn.
Hiện nay, anh thường xuyên nhận được lời mời đi thỉnh giảng ở nhiều nơi, nhưng anh phải có sự cân nhắc, bởi nếu tuần nào cũng đi công tác thì lấy đâu thời gian cho nghiên cứu và gia đình.
Tính đến nay, Vũ Hà Văn đã có hơn 70 bài viết đăng trên các tạp chí chuyên ngành và xuất bản một cuốn sách về toán học mang tên Additive combinatorics dày 570 trang do nhà xuất bản Đại học Cambridge ấn hành.
Vũ Hà Văn là một trong số những nhà toán học trẻ, tài năng của Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Anh ấy đã có những công trình nghiên cứu có giá trị.
Hơn nữa, anh lại có người thầy, người cộng tác tuyệt vời, Giáo sư Lovasz, người Hungary, Chủ tịch Hội Toán học thế giới.
Phạm Ngọc Ánh, TS toán học, Viện Toán học Hungary, thành viên của Ban giám khảo IMO 48
|
Cuốn sách này, anh viết chung với Terence Tao, một trong những nhà toán học hàng đầu của thế giới.
Anh thổ lộ: “Về Việt Nam sống thì thích, nhưng về làm việc hẳn ở Việt Nam thì tôi chưa nghĩ đến. Bởi lẽ, điều kiện làm việc ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhất là về nhân lực. Viện Toán ở Việt Nam còn nhỏ, chỉ có một số ít người đầu ngành trong một, hai lĩnh vực.
Tôi cũng đã làm việc tại một số trường đại học của Mỹ và cuối cùng quyết định chuyển về Đại học Rutgers cũng chính vì tại đây có nhiều người làm việc với mình, có nhiều cơ hội chia sẻ thông tin. Nghiên cứu bây giờ ít ai làm một mình, mà cần phải có sự hợp tác”.
Mặc dù vậy, Vũ Hà Văn cùng một số nhà toán học tài năng Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có Ngô Bảo Châu ở Pháp, đang xúc tiến một chương trình đào tạo cao học về toán tại Việt Nam.
Các anh sẽ tự lo kinh phí đi lại của mình để giúp đào tạo các tài năng toán học trong cả nước vào dịp hè.
Hiện nay, các anh đang tìm kiếm nguồn tài trợ cho việc tổ chức lớp học này tại Việt Nam và sắp xếp thời gian để có thể về nước tham gia chương trình này.
Lan Anh - theo TPO
|