Mỗi tháng, GS Vũ Khiêu đi khám một lần theo chế độ bảo hiểm. Sáng 26/7, khi GS đến BV Hữu Nghị, các bác sĩ đã giữ ông lại vì thấy sức khỏe giảm sút. Khám và xét nghiệm tổng thể, bác sĩ phát hiện ông bị u nhỏ trong bàng quang, tim yếu, huyết áp không ổn định, viêm dạ dày và đại tràng.
GS Vũ Khiêu (Ảnh: Vũ Hồng Khanh)
Con gái GS - bà Đặng Quỳnh Khanh (SN 1944) định cư tại TP.HCM đã bay ra thăm và chăm bố trong bệnh viện. Hiện GS Vũ Khiêu đang nằm tại khoa Nội A, Bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội, chuẩn bị đối mặt với một thử thách rất lớn ở tuổi đại lão: phẫu thuật nội soi bàng quang vào thứ Bảy, 30/7. May thay, đây chỉ là u lành và xếp vào hàng tiểu phẫu. Dù mỗi ngày đều phải truyền đạm, thuốc, nhưng GS Vũ Khiêu vẫn minh mẫn, lạc quan với phong thái đầy bản lĩnh.
Làm việc 10 tiếng/ngày ở tuổi 96
Cả đời làm việc miệt mài, GS Vũ Khiêu thanh bạch đến mức chẳng có tài khoản, tiền quỹ để dành. Mỗi bữa, ông chỉ ăn một bát cơm, không chịu dùng nhiều đồ bổ trong khi dùng chất xám liên tục - thói quen từ những năm vất vả. Lương và các thu nhập của ông chỉ đủ trả lương cho 5 nhân viên (giúp việc đánh máy, thư ký), làm việc cả thứ Bảy. GS Vũ Khiêu có lẽ là trí thức lớn duy nhất ở VN hiện nay vẫn làm việc 10 tiếng/ngày ở tuổi 96.
Tận tụy viết, nghiên cứu, giảng dạy, là một trong những người đặt nền móng xây dựng nền khoa học xã hội ở Việt Nam, giáo sư Triết học - Mỹ học Vũ Khiêu chẳng màng tới quyền lợi chứ chưa nói gì tới bổng lộc từ thành quả lao động đồ sộ của mình. Ông đã viết hàng chục văn bia, văn tế kỳ công, dồn vào bao tri thức, kiến thức lịch sử. Những bài phát biểu quan trọng trước quốc dân đồng bào vào dịp sự kiện quan trọng, các vị lãnh đạo cao cấp đều tham khảo ông - pho văn chương lịch sử hiếm hoi từ lâu đã là “giáo sư của các giáo sư” - một trong các “tập đại thành” rường cột của nước nhà xuyên hai thế kỷ.
Lịch làm việc của GS dày đặc, ông liên tục được mời đến nhiều hội nghị, hội thảo. Hóm hỉnh, GS kể: “Hầu hết các hội nghị, Ban tổ chức thường mời tôi phát biểu sau cùng, mang tính tổng kết. Tức là tôi phải ngồi nghe la liệt những vị thích nói dài. Tại nhiều cuộc tôi đã thẳng thắn ngay từ đầu trước khi nói nội dung chuyên đề: “Các vị nói dài và nhiều quá, cứ tóm đi tóm lại mà không thoát ý, không kết thúc được, tóm lại mãi thành không có lối ra. Tôi già rồi, lớn tuổi nhất ở đây, nhưng tôi chỉ mắc một bệnh: bệnh nói ngắn”.
GS Vũ Khiêu và người bạn lâu năm - NSƯT Khánh Hợi. Ảnh: Cảnh Linh
Niềm vui với căn nhà mới
Chỉ biết cống hiến và từ chối những gì vốn xứng đáng được nhận, GS Vũ Khiêu cật lực sống và viết trong ngôi nhà 26m2 cấp 4 tập thể trên phố Lý Thường Kiệt tới năm 76 tuổi (1993) mới về nhà N2 Vạn Bảo - khu nhà được bảo vệ ấy là nơi sống của nhiều quan chức và các nhà văn lão thành: Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam... Căn hộ 4 phòng đã xuống cấp, bị mưa dột, quá tải vì sách, do đó cuối năm 2010 ông được TP.Hà Nội cho mua với giá ưu đãi một căn nhà (chứ không phải được phân cấp). Khi bàn giao, nhà mới xong khung thô, các con ông cùng nhau bỏ tiền hoàn thiện. Con phố mang tên nhà triết học Cao Xuân Huy, đô thị Mỹ Đình 2, huyện Từ Liêm, Hà Nội, giờ an cư một nhà triết học - GS Vũ Khiêu.
Một số học trò, doanh nhân khi biết GS về nhà mới đã góp sức: làm cửa, lắp cổng, lát sân, mua bếp, rồi sắm đồ, tặng cây cảnh. Hiện cổng chưa gắn chuông và còn thiếu nhiều tiện nghi, nhưng GS đã chính thức chuyển về an cư hôm 8/7. Hòa thượng Thích Như Niệm (80 tuổi) trụ trì chùa Pháp Hoa (TP.HCM) đã bay ra làm lễ nhập trạch. Theo GS Vũ Khiêu, hoà thượng Như Niệm bạn ông, là học trò sư Thiện Chiếu.
Luận bàn về Văn hiến Thăng Long
Người ta tin bởi tâm đức tài năng ông làm không công: đặt tên, cho chữ, giúp đỡ bao người; viết văn bia cho nhiều nghĩa trang liệt sĩ, nên giờ được hưởng phúc sức khỏe, bởi người đã khuất phù hộ, người sống chịu ơn.
Chiều 16/7, tôi may mắn và vinh dự được cùng lão nghệ sĩ cải lương Khánh Hợi là khách mời đầu tiên của GS Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đến nhà mới của ông. GS Vũ Khiêu đón tiếp bạn lâu năm - NSƯT Khánh Hợi, nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất VN hiện nay, thật trọng thị, chân tình. Bà là vợ của NSND Sỹ Tiến - người bạn thân đã mất của GS.
Trong phòng khách thiếu tivi, điều hòa, GS Vũ Khiêu vừa quạt tay vừa nói: “Tôi sắp cho ra mắt nốt bộ sách 3 tập 2.400 trang Văn hiến Thăng Long. Ở đó, tôi lý giải văn hiến là gì, sự biến động và phát triển của văn hiến Việt Nam từ thời Hùng Vương tới Đại lễ 1.000 năm Thăng Long gắn với truyền thống dân tộc, nổi bật nhất chính là lòng yêu Tổ quốc là toàn vẹn nhất”.
Ông phân tích: “Người VN, người Thăng Long không lấy ranh giới dân tộc làm giới hạn. Nếu tình cảm, quan tâm chỉ trong dân tộc mình, là ích kỷ. Từ gia đình tới làng xóm quê hương, cao hơn là Tổ quốc, tình yêu thương chỉ dừng lại đấy, là chủ nghĩa dân tộc - biểu tượng của chủ nghĩa cá nhân. Những quốc gia lớn trên thế giới xâm lược nước nhỏ cũng vì tham vọng bành trướng xuất phát từ sự ích kỷ ấy. Phải yêu thương con người tới gia đình, quê hương tỏa sáng ra toàn thể nhân loại, đó là lòng nhân của chủ nghĩa nhân văn tiến bộ”.
“Điểm lớn thứ hai, tôi phân tích về trí thông minh và sáng tạo, mưu trí của người Việt. Từ sự yêu thương nồng nhiệt với dân tộc, giúp dân ta chống chọi thiên tai địch họa, kết tinh thành sức mạnh, như Nguyễn Trãi viết Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/Lấy chí nhân thắng cường bạo”.
GS Vũ Khiêu say sưa chuyện khoa học, nghệ thuật. Bên ông, cháu đích tôn chăm chỉ gõ laptop ghi lại những lời ông nói.
Người già thường ngại Tết, sinh nhật. Nhưng GS Vũ Khiêu chờ sinh nhật thứ 96 ngày 19/9 tới với nhiều kế hoạch vượt qua tuổi 100. Với sức khỏe thể chất và tinh thần ấy, ca phẫu thuật nội soi tới đây chỉ là một chuyện nhỏ.
Luôn thức dậy lúc tinh mơ, âm thanh đầu tiên của mỗi ngày ùa đến mà ông muốn nghe mãi, là tiếng chim líu lo cùng tiếng nô đùa nắc nẻ của lũ trẻ tới trường.
Vi Thùy Linh (TT&VH)
|