Chiến tranh đã qua đi hơn nữa đời người, nhưng trên mãnh đất Bình Giang anh hùng, ký ức về một thời oanh liệt của bao lớp người đi trước vẫn còn nguyên vẹn. Trong dòng ký ức đó, người ta nhắc đến ông như một huyền thoại. Ông được người dân ở đây gọi bằng cái tên thân thuộc: Cụ Tá hay ông già Tá. Ông chính là liệt sĩ Võ Đông- người con trung kiên của quê mẹ Bình Giang - Thăng Bình - Quảng Nam trung dũng, kiên cường. Những câu chuyện về ông được người dân kể lại như những minh chứng hào hùng, sống động cho danh hiệu “một trong ba con hổ của vùng Đông Thăng Bình” mà người ta đặt cho ông từ sau năm 1954. Đó là những mãnh ghép về bức chân dung người con ưu tú của đất mẹ Bình Giang.
Người dân nơi đây truyền lại rằng:
Hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, cùng với lòng yêu nước nung nấu bấy lâu, năm 1954 cụ Tá tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Nhiệm vụ chính của ông lúc này là tìm cách nuôi dấu cán bộ về hoạt động tại vùng Đông huyện Thăng Bình- Quảng Nam. Nhận nhiệm vụ, ông nhanh chóng dùng tiền túi mua xi măng, gạch về xây 3 căn hầm bí mật ngay trong nhà. Hết tiền, ông tự tay đập chính ngôi nhà mình đang ở để lấy gạch xây hầm. Trên hai sở nò, là dụng cụ để mưu sinh trên sông của mình, ông cũng biến thành căn cứ bí mật để nuôi dấu cán bộ. Lợi dụng địa thế nằm ngay giữa sông, chỗ nước sâu và chảy mạnh nhất, ông làm một chòi canh nò thật vững chắc với sức chứa khoảng 10 người. Mỗi tối, trong dụng cụ đi làm của mình, ông tìm cách ngụy trang để mang theo đầy đủ cơm, canh cũng như giấy bút và tài liệu mật do cấp trên giao cho tất cả cán bộ đang ẩn nấp tại đây. Từ đó, hết lớp cán bộ này đến lớp cán bộ khác được ông nuôi dấu an toàn. Những đồng chí cấp cao như Đ/c Võ Chí Công (tức anh Năm Công), Đoàn cán bộ cấp cao Trung Quốc, Đ/c Hoàng Minh Thắng, … khi về đây hoạt động đều được ông nuôi dấu cẩn thận tại căn cứ bí mật này.
Bọn mật thám thấy ông ngày càng khả nghi nên ráo riết rình mò, do thám, rà soát. Chúng liên tục đến nhà ông để tìm kiếm manh mối. Với tài trí và lòng quả cảm cùng tinh thần cảnh giác cao độ, ông đã khiến bao lần bọn mật thám đến đều phải về tay không.
Có lần, 2 tên do thám đến nhà ông, không chào hỏi gì, chúng xông thẳng vào nhà. Như đã chuẩn bị chu đáo từ trước, từ trại nan ông bước ra, chặn chúng lại tại cổng. Với cái cười xởi lởi, tay cầm ấm nước, 2 cái chén:
- Mấy chú đi mô mà nắng nóng ri, ngồi xuống đây uống chén trà với lão cho mát cái đã!
Rồi ông gọi với vào trong:
- Bà ơi! Coi chừng chứ heo nhảy chuồng ăn hết khoai bà hử!
Lúc đó, trong nhà có 4 đồng chí cán bộ đang họp (gồm ông Nguyễn Mãnh, Hồ Trượng, Vũ Đình và Trần Lộng). Chính nhờ câu hiệu lệnh báo động của ông mà 4 đồng chí trên kịp thời trốn thoát.
Sau nhiều lần do thám, tìm kiếm bắt bớ không thành, năm 1956 chúng dùng vũ lực bắt giam ông để tra tấn. Trong 3 năm 1956, 1957, 1958, ông liên tục bị chúng bắt giam và tra tấn tại các địa điểm Hội trường 57, Trại nguồn quận Thăng Bình và Nhà giam Hội An. Nhưng lần nào cũng vậy, không khai thác được gì nên sau mấy ngày tra tấn, đánh đập, sau bao trận đòn thừa chết thiếu sống, chúng đành phải thả ông về. Trong 3 năm ấy, ông nếm đủ mọi loại cực hình. Từ đốt ống chân, ống tay, lỗ rốn, đập dập bàn tay, bàn chân, tra điện, bẻ răng đến “rửa ruột” (chúng hòa xà phòng đổ vào miệng cho uống đến no rồi leo lên bụng đạp cho trào bột xà phòng ra ngoài). Hay thậm chí, có nhiều buổi trưa hè, trời nắng như đổ lửa, chúng bắt ông quỳ trên đá tổ ong, đầu đội một cối đá to, xung quanh là những cái hố sâu có cắm chông. Cứ quỳ như thế cho đến khi nào hộc máu ra mới thôi. Nhưng lòng kiên trung của ông dành cho Đảng vẫn son sắt như buổi đầu.
Có lần, ông bị bắt và tra tấn cùng với ông Phạm Đình Tùng. Trong lần ấy, cả 2 ông đều bị đánh đến chết lịm đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, thấy ông Tùng đã kiệt sức, để cứu đồng chí của mình, cụ Tá nghiến răng, dùng hết sức lực còn lại bò lê ra cửa xin cháo. Tên lính gác cho ông một bác cháo nhỏ. Ông chia từng giọt cháo cho đồng đội của mình. Cháo thấm vào môi, miệng, ruột làm con người ta hồi tỉnh. Ông Tùng gượng hỏi:
- Cháo tiết chi ở mô mà ngon quá rứa bác?
Ông cười, đôi bàn tay run run vì máu ở mấy đầu ngòn tay bị dập nát vẫn rỉ từng giọt vào bát cháo, ông đáp:
- Đó là máu khí tiết cách mạng đó chú.
Từ sau năm 1961, với kế hoạch Staley (Taylor) Mỹ đề ra tham vọng thôn tính hoàn toàn Việt Nam. Trước tình hình đó, Đảng ta đề ra những chính sách đấu tranh mới. Nhiệm vụ của Cụ Tá càng nặng nề hơn. Lúc này, ông xây dựng thêm bốn căn hầm bí mật nữa để nuôi dấu bộ đội. Như vậy, tính đến năm 1962, ông trực tiếp nuôi dấu cán bộ trong bảy căn hầm bí mật do chính tay ông xây dựng.
Đến năm 1964, ông nhận nhiệm vụ Trưởng ban giao bưu huyện Thăng Bình- Quảng Nam. Ông còn chỉ huy một đội thuyền gồm năm chiếc để đưa đón cán bộ về hoạt động tại các xã vùng Đông huyện Thăng Bình. Bất chấp đêm tối, mưa gió, bão lụt, hễ nghe có tín hiệu là lập tức ông vác chèo lên đường để kịp đưa bộ đội sang sông an toàn.
Một hôm, khi đang đưa 5 cán bộ qua sông, bỗng có tiếng máy bay Mỹ do thám. Tiếng máy bay mỗi ngày một gần, đôi bàn tay rám nắng gày guộc của ông càng ghì chặt hơn tay chèo. “Không kịp rồi”, ông nhẩm tính và ra hiệu:
- Nhảy thôi anh em ơi!
- Nhưng chiếc ghe thì làm răng đây hở cụ?
- Nhận nước.
- Trời! mất răng?
Năm anh em chỉ còn kịp lao nhanh xuống sông. Ông xoay lưng, lắt mạnh một cái rồi nhoài xuống nước. Một tay dìu một đồng chí không biết bơi, một tay kẹp lấy be thuyền ấn mạnh. Chiếc thuyền tròng trành thêm vài cái nữa rồi chìm hẳn. Lần ấy, tất cả đều thoát an toàn. Bọn chúng điên tiết cho tàu gáo quạt tung các bụi dừa, gốc lát. Chúng nghiến răng:
- Lão già ni gân thiệt.
Sau bao lần bắt hụt, thiếu tá Nguyễn Minh Đen- tên quận trưởng khét tiếng nham hiểm và độc ác của quận Thăng Bình- tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ, liên tục đề ra thêm nhiều kế hoạch khác để bắt cho được ông bằng mọi giá. Hắn tuyên bố sẽ trọng thưởng hậu hĩnh cho những ai bắt được ông Võ Tá. Chúng còn cho máy bay ném bom, canh tọa độ pháo từ doanh trại của chúng bắn thẳng xuống nhằm tiêu diệt căn cứ “nguy hiểm” này. Trước tình hình đó, ông dựng lên nhiều ngôi nhà ngụy trang bằng tranh tre nứa lá ở khắp xung quanh căn cứ của mình để đánh lừa bọn chúng. Nhờ vậy mà địa điểm chính vẫn được bảo vệ an toàn.
Lần cuối cùng người ta chứng kiến ý chí kiên cường, tinh thần quả cảm cùng tài trí thông minh sắc sảo của ông là mùa xuân năm 1968. Đó là ngày 22/3/1968, trong một cuộc càn quét lớn của địch xuống vùng Đông huyện Thăng Bình- Quảng Nam, căn cứ của ông bị bao vây. Lúc này, trong nhà có 10 cán bộ đang ẩn nấu. Được tin gấp, ông nhanh chóng ngụy trang hầm bí mật cho các cán bộ rồi cùng con trai út là đồng chí Võ Được (trưởng ban binh vận xã) ra “đón” bọn chúng. Lợi dụng lúc đàn chó nhà nhảy ra sủa, ông vớ lấy cây tre dùng làm sau nò (dụng cụ để đánh bắt tôm, cá trên sông) vờ đuổi chó để quật mạnh vào chân tên Mỹ đi đầu. Tên lính Mỹ bị gãy chân la ó ỏm tỏi, máu chảy lênh láng. Chúng tức tối nhảy xổ vào bắt cả 2 cha con ông lên núi Quế thuộc huyện Quế Sơn tỉnh Quảng Nam. Ngay sau đó, bọn ngụy quân, ngụy quyền quận Thăng Bình hộc tốc ra nhận cha con ông về để tra hỏi. Ở đây, chúng tra tấn cha con ông bằng đủ mọi loại cực hình mà chúng có. Cuối cùng, chúng dùng chính con trai ông để dụ dỗ:
- Nếu mày chịu khai, thằng con út của mày sẽ được thả ra ngay lập tức.
Ông khẳng khái trả lời:
- Cha con tôi bị mấy ông bắt đến đây rồi thì không mong được trở về. Muốn chém, muốn giết tùy các ông. Cha con tôi có biết chi mô mà khai.
Điên tiết vì không khái thác được gì, ngày 24/3/1968, bọn chúng kéo lê cha con ông qua các cánh đồng Bình Nguyên để thị uy dân chúng. Cuối cùng, cha con ông bị kéo đến Cây Bàng nay thuộc thị trấn Hà Lam huyện Thăng Bình tỉnh Quảng Nam, nơi mà hàng trăm người dân bị bọn chúng tập trung đến để chứng kiến cảnh hai cha con ông bị xử bắn nhằm uy hiếp tinh thần của họ. Hai cha con ông anh dũng hy sinh tại đây. Trước khi nhắm mắt, cha con ông vẫn hô vang khẩu hiệu “ Đã đảo Đế quốc Mỹ, đã đảo bọn tay sai. Hồ Chí Minh muôn năm!”.
Ông đã vĩnh viễn ra đi nhưng hình ảnh của ông còn sáng mãi với quê hương, đất nước, với người dân Bình Giang anh hùng.
Vũ Xuân Thịnh
|