Ở Nghệ An, dòng họ Võ - Vũ được biết đến là dòng họ giàu truyền thống cách mạng, giàu tinh thần yêu nước. Đây cũng là dòng họ có nhiều anh hùng hào kiệt, trí dũng toàn tài, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, vì sự tự do độc lập của quốc gia dân tộc.
Theo gia phả họ Võ đại tôn ở xã Hưng Xá (hiện nay là xã Long Xá), huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An thì Thủy Tổ họ Võ có nguồn gốc từ làng Mộ Trạch, huyện Đường An, tinh Hải Dương vào Hưng Xá từ thế kỷ 15. Võ Trọng Cẩn là hậu duệ đời thứ 12. Ông sinh năm 1819 trong một dòng tộc có võ công, văn nghiệp. Vốn thông minh, cần cù, từ nhỏ Võ Trọng Cẩn đã quyết tâm học tập nhằm tiến thân bằng con đường khoa cử. Nhưng khi thi đậu Tú tài, thì ông cũng nhận thấy rõ sự suy vong của triều Nguyễn lúc bấy giờ.
Đồng cảm với nỗi thống khổ của nhân dân, Tú tài Võ Trọng Cẩn từ bỏ con đường quan lộ, để dùng hiểu biết của mình đi chữa bệnh cho người nghèo. Bằng tất cả tài y và đức độ, ông đã chữa trị cho nhiều người được khỏi bệnh tật, được khỏe mạnh. Vì lẽ đó, người dân địa phương gọi ông bằng cái tên thân thương cụ Tú Lang. Năm 1858, Võ Trọng Cẩn dựng ngôi nhà 3 gian 2 hồi lợp ngói âm dương là nơi hành nghề bốc thuốc chữa bệnh cho người dân. Sau khi ông mất, ngôi nhà được con cháu sử dụng làm nhà thờ.
Nhà thờ họ Võ - chi cụ Tú Lang tại xã Long Xá, huện Hưng Nguyên là di tích lịch sử cách mạng
Con trai cụ Võ Trọng Cẩn là Võ Trọng Việng sinh năm 1856. Ngay từ nhỏ, Võ Trọng Việng được nghe giới văn thân sỹ phu đàm đạo đạo việc nước tại nhà. Lại được truyền thụ tinh thần yêu nước của cha mình, chàng trai Võ Trọng Việng từ lúc còn nhỏ đã giác ngộ được tinh thần cách mạng, và luôn nung nấu quyết tâm chống Pháp. Ngay khi có cơ hội, chàng thanh niên họ Võ này đã tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng. Võ Trọng Việng được cụ Phan tin tưởng giao nhiệm vụ chỉ huy đội quân tại địa phương, là một vị tướng quân kiên cường tài trí mưu lược được nghĩa quân nhất tề ủng hộ. Nhà thờ họ Võ cũng là một trong những địa điểm hội họp bí mật của nghĩa quân trong phong trào Cần Vương.
Năm 1895, cuộc khởi nghĩa Hương Khê thất bại, Tác Việng (một tên gọi khác của tướng quân Võ Trọng Việng) bị thực dân Pháp đưa về quê và xử chém tại chợ Vực. Chúng bêu đầu ông lên ngọn tre đầu làng hòng uy hiếp tinh thần nhân dân Phù Xá, rồi phá nhà thờ và toàn bộ tài sản của gia đình. Hai năm sau, con cháu đã dựng lại nhà thờ trên nền cũ, như một sự khẳng định tinh thần quật cường của dòng họ Võ.
Sự tàn ác của kẻ thù lúc bấy giờ càng thêm sự căm hờn và ý chí chiến đấu của các thệ hệ dòng họ Võ trên vùng đất Hưng Huyên. Không nao núng, không sợ hãi, con cháu họ Võ tiếp tục đứng lên, tiếp bước cha ông tham gia hoạt động cách mạng, chiến đấu bảo vệ quê hương.
Nhà thờ họ Võ - chi cụ Tú Lang được công nhận di tích lịch sử - văn hoá
Là con trai đầu của tướng quân Võ Trọng Việng, chàng thanh niên Võ Trọng Đài được kế thừa tất cả tài trí và ý chí đấu tranh từ cha và dòng họ. Khi phong trào Đông Du sang Nhật của cụ Phan Bội Châu thất bại, Võ Trọng Đài là người đầu tiên ở Hưng Nguyên sang Thái Lan hoạt động. Đồng chí Võ Trọng Đài được cụ Phan Bội Châu giao nhiệm vụ xây dựng Trại Cày ở bản May, tỉnh Na Khon. Đây là cơ sở học tập, lao động sản xuất cho những thanh niên yêu nước, để tuyển chọn học viên tích cực gửi sang Trung Quốc đào tạo lực lượng cho cách mạng Vệt Nam. Năm 1928 và 1930, cả 2 lần Bác Hồ sang Thái Lan với tên gọi Thầu Chín đều được tổ chức tin tưởng bố trí ăn nghỉ trong nhà đồng chí Võ Trọng Đài. Đánh giá về ông, Lịch sử Đảng bộ huyện Hưng Nguyên viết: "Võ Trọng Đài là người đầu tiên của Hưng Nguyên được các sĩ phu đưa sang Thái Lan và trở thành yếu nhân trong tổ chức Trại Cày Đặng Thúc Hứa".
Tướng quân Võ Trọng Việng còn có người con trai thứ là Võ Trọng Tấn - một chí sĩ yêu nước kiên trung, nhiệt huyết. Ông là Đảng viên 1930 và được trao tặng Huân chương lao động hạng III. Ông Võ Trọng Tấn có hai người con trai cũng là những cán bộ tiền khởi nghĩa, tích cực trong các phong trào cách mạng tại quê nhà.
Tiếp nối con đường cứu nước của họ Võ, Võ Trọng Cánh - chắt của cụ Tú Lang cũng sang Trại Cày học tập. Về nước, Võ Trọng Cánh dưới vai thầy đồ dạy chữ Hán đã vận động, giác ngộ thanh niên tích cực để tuyển chọn đưa sang Thái Lan huấn luyện. Nhà thờ họ Võ ở Phù Xá trở thành địa điểm gặp gỡ, liên lạc, ăn nghỉ của những người cùng chí hướng. Trong số những người ra nước ngoài xuất phát từ nhà thờ họ Võ, có nhiều đồng chí sau này là cán bộ ưu tú của cách mạng Việt Nam như Đặng Quỳnh Anh, Lê Hồng Phong, Phạm Hồng Thái, Lê Thiết Hùng, Lê Xuân Đào…
Cuối năm 1926, Võ Trọng Cánh bị thực dân Pháp bắt vì tội cổ động phong trào xuất dương, đường dây này ngừng hoạt động. Đến tháng 3 năm 1930, khi đang ở tù, Võ Trọng Cánh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Sau khi ra tù đồng chí Võ Trọng Cánh càng tích cực hoạt động hơn. Cuối năm 1930 tri phủ Hưng Nguyên ra sức đàn áp phong trào cách mạng, một hệ thống đồn bốt được dựng lên khắp các làng xã, Võ Trọng Cánh được bọn chúng xếp vào một trong những phần tử nguy hiểm, chúng treo ảnh đồng chí khắp nơi và treo thưởng cho ai bắt được ông.
Liệt sĩ Võ Trọng Cánh đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh cách mạng và giải phóng dân tộc - được đặt tên đường tại phường Quán Bàu - Tp Vinh ( Nghệ An)
Tháng 4 /1931, đồng chí Võ Trọng Cánh bị địch bắt và tử hình trong phong trào đấu tranh cứu đói. Đồng chí Võ Trọng Cánh hy sinh khi còn rất trẻ, chỉ mới 43 tuổi nhưng tấm gương của đồng chí mãi sáng ngời trong trang lịch sử quê hương Hưng Nguyên Xô Viết anh hùng. Để ghi nhớ công lao của đồng chí, hiện nay đảng bộ cơ quan Khối Dân chính huyện Hưng Nguyên mang tên Đảng bộ Võ Trọng Cánh.
Lớp trước ngã xuống, lại có lớp sau tiến lên! Tinh thần quật khởi, kiên cường của dòng họ Võ ở Hưng Nguyên luôn luôn được nối theo, tiếp bước. Đồng chí Võ Trọng Ân, sau hai lần bị địch bắt và giam tù khổ sai, đến năm 1934 mới được trở về quê hương. Biết tin người anh họ là Võ Trọng Cánh đã hi sinh, ông càng thêm quyết tâm chiến đấu "báo thù nhà, trả nợ nước".
Năm 1937, Chi bộ Đảng Phù Xá được khôi phục do Võ trọng Ân là Bí thư. Ông cùng đồng chí Chu Huy Mân đã đứng ra lãnh đạo phong trào ở Hưng Nguyên. Nhà thờ họ Võ trở thành địa điểm hoạt động của Tổng ủy, Phủ ủy và Tỉnh ủy Nghệ An.
Năm 1940, đồng chí Võ Trọng Ân và đồng chí Chu Huy Mân bị bắt, đi đày tại nhà lao Kon Tum. Tại đây, đồng chí Võ Trọng Ân tiếp tục hoạt động Chi bộ với các đồng chí Tố Hữu, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huy Mân. Xây dựng cơ sở Cách mạng trong nhà tù, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, đồng thời lên kế hoạch và triển khai cho nhiều đồng chí vượt ngục thành công. Tháng 3/1945, Nhật đảo chính Pháp, lợi dụng tình hình chính trị rối ren, các đảng viên đồng loạt đấu tranh, đồng chí Võ Trọng Ân được thả ra.
Trở về quê hương sau gần 5 năm bị giam cầm, nén nỗi đau mất người thân, ông tiếp tục kiên cường đấu tranh, cùng với các đồng chí ở địa phương tổ chức quần chúng đứng lên giành chính quyền. Sau khi giành được chính quyền, đồng chí được Đảng phân công làm Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Những năm sau đó, đồng chí lần lượt được bầu vào Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính tỉnh rồi Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy và vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương lao động hạng Nhì.
Ông Võ Trọng Ân đã có công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc - được đặt tên đường tại phường Quán Bàu - Tp Vinh ( Nghệ An)
Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, và trong thời kỳ khôi phục xây dựng Đất nước sau chiến tranh, đồng chí Võ Trọng Ân đã trải qua nhiều vị trí và nhiệm vụ quan trọng. Ở thời điểm nào, bất kỳ nhiệm vụ nào, bằng tất cả tài - trí - dũng - đức, đều được đồng chí hoàn thành tốt, đảm bảo mục tiêu bảo vệ và xây dựng quê hương, Đất nước.
Với những đóng góp trong nhiều lĩnh vực, Cả cuộc đời cụ hy sinh vì đất nước, vì Nhân dân, một chiến sĩ Cộng sản trung kiên, được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý, đồng chí Võ Trọng Ân đã sống trọn vẹn với sự nghiệp cách mạng của dân tộc bằng tất cả tinh thần và ý chí của người cộng sản yêu nước. Là sự tự hào của những thế hệ sau, là sức mạnh để con cháu họ Vũ - Võ tiếp tục kế thừa, phát huy và phát triển! Càng thêm tự hào khi có bốn trong tám người con của đồng chí Võ Trọng Ân đều tham gia vào lực lượng vũ trang, trong đó có đồng chí Thiếu tướng Võ Trọng Thanh - Nguyên UVBTV Tỉnh ủy, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. Không ngừng nối tiếp và phát huy truyền thống võ công, văn nghiệp, tinh thần cách mạng kiên trung, các thế hệ con cháu họ Vũ - Võ cùng viết tiếp những vinh quang rạng rỡ của dòng tộc, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, xây dựng Tổ Quốc trong thời đại mới.
Ông Võ Trong Cư - con trai Liệt sĩ Võ Trọng Cánh, với Huân chương độc lập hạng ba đã có nhiều công lao đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc
Hiện nay, nhà thờ họ Võ ở xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên - thường được gọi là Nhà thờ họ Võ chi cụ Tú Lang - đã trở thành di tích lịch sử cấp tỉnh, và đang trong quá trình cấp trình thủ tục để được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây được ví như là một nhân chứng lịch sử, gắn bó với nhiều chí sĩ yêu nước và quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi của các thế hệ cha ông. Là nơi ghi dấu sự kiện của nhân dân Long Xá nói chung và con cháu họ Vũ - Võ nói riêng trong phong trào Văn Thân- Cần Vương, Đông Du, Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Thái Quảng - Lê Dung
(Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị)
|