Cụ Vũ Uy (còn có các tên Võ Uy, Lê Uy) người thôn Thụ Mệnh, trước kia thường đi chăn voi ở đèo Trịnh Cao, vì thời vận không may nên trốn về ở với Lê Lợi và trở thành gia thần của trại chủ Lê Lợi. Sách Lam Sơn Thực Lục có viết: “Chỉ có vua là người đứng đầu một ấp, làm nghề cày ruộng, thường sai các người nhà là Trương Lôi, Vũ Uy, Trịnh Vô cày cấy ở động Chiêu Nghi”.
Cụ Vũ Uy là thế tổ đời thứ ba của gia tộc Vũ khắc làng Tò Hương, tổng Tô Xuyên, huyện Phụ Dực, thuộc trấn Sơn Nam Hạ, nay là thôn Tô Đàm, xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Trong tộc phả Vũ Khắc ghi:
“Tiên tổ khảo, Tiền Lê Triều (Đầu Lê Sơ) Khai quốc công thần, Tặng phong tam tư sử, Vũ tướng công tự Quốc tính Lê Uy".
先祖考.前黎朝.開國功臣.赠封三資使.武相公字獨泺先生
Cụ sinh vào khoảng năm 1390.
Năm 1406 Cụ cùng các tôn thất nhà Trần xây dựng Tô Xuyên Trang chống Hồ phục Trần.
Năm 1408 sự nghiệp không thành, Cụ đã vào Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa xây dựng trang trại, tích lũy lương thảo, sau đó tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi.
Tháng 2 năm 1416 tham gia Hội Thề Lũng Nhai.
Cụ là một trong 18 vị tham gia Hội thề Lũng Nhai tháng 2 năm 1416 dưới sự lãnh đạo của đức Lê Lợi. Cụ được Lê Lợi giao phụ trách quân lương. Năm 1424 Cụ trực tiếp chỉ huy trận đánh ở Trấn Năng và huy sinh tại đó, năm cụ mới 34 tuổi. Phần mộ Cụ ban đầu được táng ở Lam Sơn, sau đó được hậu duệ đời thứ 5 di dời về Đa Căng, xã Vạn Thiện, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Sự nghiệp bình Ngô thắng lợi Cụ được Lê Thái Tổ phong tặng Bình Ngô Khai Quốc Công Thần, tặng phong Tam tư sử. Trong cuốn tộc phả Vũ Khắc còn ghi: Tiền Lê triều (đầu Lê sơ) Khai Quốc Công Thần, tặng phong Tam tư sử, Vũ tướng công tự Độc Lạc tiên sinh. (Độc Lạc nghĩa là không có phần mộ ở quê nhà) (Tộc phả Vũ Khắc làng Tô Đàm - An Mỹ - Quỳnh Phụ - Thái Bình).
Trang thế phả họ Vũ - Võ Thanh Hóa ghi: Khai Quốc Công Thần, Tuy quốc công, quốc tính Lê Uy.
Trang tộc phả họ Võ làng Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh còn ghi lại: Tiền Thủy Tổ Lê triều Bình Ngô Khai Quốc Công Thần, Thiếu úy phụ triết hầu Võ tướng công, gia phong tự hiền tướng, tự sùng tướng, tự dụng tướng, tự Thiện tướng, tự Cẩn tướng, tự Trí tướng, Quận công, Phụng tứ quốc tính Lê tướng công.
Theo Vũ Tộc Thế Phả, hậu duệ của Bình Ngô Khai Quốc, Tuy Quốc Công ở Thanh Hóa (Hậu Lộc, Nông Cống, Vạn đồn, Đa Căng, Du Tràng xã). Theo bản Vũ Tộc Phả Thứ chi, thì bản tộc tộc phả được soạn từ năm 1664, thời Lê Huyền Tông, niên hiệu Cảnh Trị (1663-1671). Được chép lại thời vua Nguyễn Vĩnh Thụy, niên hiệu Bảo Đại thứ 11, năm 1936 (1925 - 1945). Theo cuốn này thì ghi là Thiếu úy, Tuy quốc công, Bình Ngô Khai Quốc Công Thần, Quốc tính Lê Uy. Cụ Sinh vào khoảng 1390, tham gia sự nghiệp Bình Ngô (1416 - 1424), mất năm 1424.
Như vậy đối chiếu với tộc phả của gia tộc thì năm 17 tuổi Cụ đã tham gia cùng các tôn thất nhà Trần xây dựng Tô Xuyên Trang chống Hồ phục Trần. Năm 1408 sự nghiệp không thành Cụ vào Vĩnh Thành, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, xây dựng trang trai, tích lũy lương thảo, sau đó tụ nghĩa dưới cờ Lê Lợi. Tham dự hội thề Lũng Nhai tháng 2 năm 1416, và mất 1424 năm 34 tuổi.
Cuốn thế phả đó còn ghi cháu đời thứ năm của Cụ là Bổ thịnh hầu Vũ Thì An, sinh khoảng 1502, bạn thân của Trịnh Kiểm, cùng Trịnh Kiểm đánh nhà Mạc dược phong tước hầu, con cháu đã khai hoang lập ấp ở 45 trang, gom góp binh lương, góp phần to lớn khôi phụ nhà Lê Trung hưng (1553 - 1788) (Lê Trang Tông - Lê Mẫn Đế).
Năm Quí Mão 1663 (Ngang với thời Khang Hy năm thứ 2), các bậc công thần họ Vũ như: Bổ thịnh hầu Vũ Thì An, Chấn dũng hầu Vũ Đình Tung, Dương khê hầu Vũ Đình Phúc cùng các trang trưởng, hội họp, và cùng nghĩ rằng: “Người ta sinh ra là do tổ tiên, mọi vật đều có nguồn gốc, huống chi người linh hơn muôn vật, há lại quên nguồn gốc hay sao”. Nay mộ tổ táng tại Lam Sơn đã lâu đời, e sau này ít thăm non, sợ bị sai lạc. Nay chọn được đất tốt, gò đống đẹp ở Trang Đa Căng, tổng Vạn Thiện, huyện Nông Cống, phủ Tĩnh Gia, diện tích 1 mẫu, 5 sào, 5 thước, 5 tấc. Gò đất cao, thế đất đẹp, trước có đường tiểu lộ, sau có ngòi nước nhỏ, nước lưu thông, cây cối xanh tốt quanh năm. Kính đem mộ Tổ, mộ các trang trưởng về táng ở một gò, dưng bia, cử người trông nom.
Về ngày cúng giỗ: Các dòng họ Vũ - Võ ở Nông Cống, Thanh Hóa hàng năm tổ chức cúng giỗ vào ngày 16/2.
Họ Võ ở thôn Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh cúng giỗ vào ngày 16 tháng Giêng hàng năm.
Dòng họ Vũ Khắc tổ chức cúng giỗ vào ngày 29/2 (ngày Cụ ra đi), được duy trì từ rất lâu, qua nhiều đời, còn để lại những áng văn cổ:
"Kỳ cao ất giả kỳ quang tân, Kỳ bản thân giả kỳ lục mậu, Kính duy Tiên tổ. Phượnng sơn rựng khí, Ngọc án linh chung, Tả thánh đế an dân chi liệt, Khai nho gia quan rạng chi truyền, Công đức cái tự thân vi, Bá hồ tiền sở, Rĩ dực hồ hậu tử tôn tự. Kỳ nhật cái vi chi hậu, Cái hữu vi chi tiền, Kiều ngưỡng dư huy, bất thăng vĩnh mộ, Tư nhân huý nhật, Chi thiết phỉ nghi. Sơ sơ bất tiến, Chi nghi thành mạc ngu, Chiểu mao hàm thuỷ, Tứ đậu lưu hương chi hạ. Nghĩa thứ minh. Mộc bản thuỷ nguyên”.
其高讦者其光新,其本狲者其淥茂,敬惟先祖,鳳山孕氣,玉案靈鍾,瀉聖帝安民之烈.開儒家官樣之傳.公德盖自親為,播乎前所.以翼乎後子孫自.圻日戤為之後.盖有為之前.翘仰餘輝.不勝永慕,兹因諱日梔設菲儀.蒭蔬不薦之儀誠默寓.沼毛頷水.诅豆留香之下.義庶明木本水源.
Theo tư liệu của Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh, Thanh Hóa, tuy là một gia thần trong gia đình Lê Lợi, nhưng Cụ Vũ Uy vốn là người có chí khí cao cả, dũng cảm và mưu lược, nên sớm trở thành một trong số những tay chân đắc lực và tin cậy của Lê Lợi. Cụ tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn ngay từ những này đầu khi còn trong trứng nước và trở thành một trong số 18 người cùng Lê Lợi tổ chức Hội thề ở Lũng Nhai vào năm 1416. Trong hội thề, tên Cụ đứng thứ 11.
Lúc chưa khởi nghĩa, giặc Minh theo tên Đỗ Phú (việt gian) chỉ đường đến xứ Phật Hoàng đào mả thân phụ của Lê Lợi ở động Chiêu Nghi, lấy linh xa treo ở sau thuyền nhằm dụ Động Chủ Lê Lợi ra hàng. Lê Lợi sai Cụ Vũ Uy cùng các công thần Trương Lôi, Trịnh Khả, Nguyễn Nhữ Lãm, Lê Liễu,… tất cả 14 người đang đêm đội cỏ gai bơi xuôi theo dòng nước đến doanh trại của giặc, nhân lúc giặc sơ hở đã lấy lại được hài cốt linh xa đem về cùng vua bí mật đem chôn cất ở động Chiêu Nghi chỗ cũ.
Năm Giáp Thìn (1424), theo kế sách của tướng Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hướng chiến lược tiến đánh vào Nghệ An làm đất dừng chân. Trong lần tiến quân này, Cụ Vũ Uy được Lê Lợi giao cho trọng trách làm tướng tiên phong triệt hạ đồn Đa Căng, mở đường cho nghĩa quân tiến thẳng vào giải phóng Nghệ An. Mặc dù giành thắng lợi, nhưng Cụ Vũ Uy đã bị hi sinh trong trận giao chiến này.
Sau khi cuộc khởi nghĩa Lam Sơn hoàn thành thắng lợi, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428), Cụ Vũ Uy được ban Quốc tính mang họ Vua (họ Lê), tặng Nhập nội thiếu úy.
Năm Thuận Thiên thứ 2 (1429), khi Lê Thái Tổ sai khắc biểu ban thưởng cho các công thần có công từ hồi Lũng Nhai, Cụ được ban chức An mỹ hầu.
Năm Hồng Đức thứ 15 (1484), đời vua Lê Thánh Tông Cụ Vũ Uy được phong tặng tước Tuy Tiết hầu và sau thăng là Tuy quốc công.
Phu nhân của Cụ là bà Lương Thị Ngọc, sinh hạ ba con trai là các võ tướng Vũ Lực (là Quan Đại thần triều Lê (1428 - 1433) thờ ở từ đường họ Võ thôn Yên Phúc, xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), Vũ Phấn và Vũ Lại.
Về sau con cháu Cụ Vũ Uy đều là những người có nhiều công lao giúp nhà Lê Trung Hưng như: Bổ Thịnh Hầu Vũ Thời An, Trấn Dũng Hầu Vũ Đình Tung, Khánh Khê Hầu Vũ Đình Thắng, Hào Lộc Hầu Vũ Đình Tiến…
Theo gia phả dòng họ Vũ ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống thì, Cụ Vũ Uy hi sinh tại trận đánh ở Yên Định vào năm Giáp Thìn (1424), được phong Nhập nội Thiếu úy, sau phong là An Mĩ Hầu, Tuy Quốc công, có đền thờ, lăng mộ ở Lam Sơn, sau này con cháu dời mộ về Đa Căng - Nông Cống cùng với 45 trang trưởng là con cháu Vũ Uy, còn đền thờ ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc.
Đền thờ Khai Quốc Công Thần Vũ Uy tại thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
Đôi câu đối trong đền thờ
Sau khi Cụ Vũ Uy hi sinh, tại các nơi là trang trại của Cụ đều lập đền thờ, tuy nhiên trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử mà đền thờ Cụ ở nhiều nơi không còn, hiện nay chỉ còn ở thôn Ngọc Uyên, xã Tân Phúc còn đền thờ Cụ.
Đền thờ Vũ Uy hay còn gọi là Đình làng Ngọc Uyên, vì ông là "bậc công thần có công mở nước" nên được nhân dân tôn thờ là Thần giúp nước và cũng là Thành hoàng của làng.
Vào thời Lê Sơ thế kỷ XV, thôn Ngọc Uyên thuộc trang Đại Bằng Tộc, xã Đội Trưởng. Đến thời kỳ Lê Trung Hưng, thôn Ngọc Uyên lại thuộc xã Tuy An, huyện Nông Cống, nay là làng Ngọc Uyên, xã Tân Phúc, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Đây là vùng đất cổ có từ lâu đời, xưa kia còn là Lộc điền của cha con đại quan lang Lê Hiểm, Lê Hiêu, là công thần Bình Ngô khai quốc triều Lê thế kỷ XV.
Theo lý lịch di tích do Bảo Tàng Thanh Hóa lập ngày 5/8/1994 thì, đền thờ Vũ Uy được xây dựng vào thời Lê thế kỷ XVI - XVII.
Đền thờ Cụ Vũ Uy nằm trong khuôn viên đất khá bằng phẳng với diện tích là 450 m2, với chiều rộng 18 m, chiều dài 25 m, xung quanh có tường bao, cổng ra vào. Đền là ngôi nhà gồm 5 gian, có chiều dài 14,2 m, chiều rộng 7,1 m, quay mặt về hướng Nam. Kiến trúc của đền xây dựng theo lối kiến trúc nhà gỗ truyền thống. Đây là công trình được xây dựng vào thời Lê, thế kỷ XVI - XVII, nhưng đã được sửa chữa tôn tạo nhiều lần. Song cơ bản công trình chủ yếu vật liệu bằng gỗ nên cấu trúc không còn nguyên sinh như xưa. Hai đầu hồi bị sạt đã phải tháo gỡ chái chùa, bỏ tàu đao mái cong mà thay thế bằng hai đốc xây gạch. Ba gian giữa cơ bản kiến trúc còn tương đối nguyên vẹn. Hai vì giữa kết cấu con ngang, kẻ chuyền vì kè sau, vì trước là bẩy hiên. Trên nóc là giá chiêng, câu đầu khóa 2 cột cái không có lòng mà chỉ có 2 nách trước sau. Hai vì giữa kết cấu 5 cột gỗ.
Hai vì bên có lòng, nách trước sau. Phần giá chiêng hai hồi chạm nổi hình đầu rồng hóa (gọi là hổ phù), nét chạm chau chút, tinh xảo, khỏe mạnh. Bốn bẩy trước chạm trổ hình long hóa ở 2 mặt cầu kỳ, đối xứng là hình rồng vươn lên với hình dáng khỏe mạnh, các lớp vẩy, ria chạm cầu kỳ chau chút, xen lẫn các hình vân hóa bay bổng...
Bốn mặt bẩy chạm xen kẽ tứ linh (long, ly, quy, phượng), cùng với tứ quý (tùng, cúc, trúc, mai). Đặc biệt các bức Xuân Hoa ở 3 gian cùng chạm nổi rồng chầu mặt trời.
Gian chính giữa là nơi thờ Cụ Vũ Uy, hiện vẫn còn long ngai, thần vị; Gian bên tả thờ các vị trang trưởng, còn bên hữu thờ Vũ Thời An là con cháu Cụ Vũ Uy, là trang trưởng trang Ngọc Uyên .
Phía trước đền là sân gạch, sân có chiều dài 18m, rộng 15m. Tiếp đến là bức bình phong nằm ngay chính giữa cổng ra vào. Bên ngoài bức bình phong là cổng, được xây theo kiểu cuốn vòm (kiểu cũ).
Đền thờ Cụ Vũ Uy là công trình kiến trúc đồ sộ được xây dựng từ thời Lê Sơ vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Mặc dù đã qua nhiều lần tu sửa, song vẫn giữ được nét sơ khai của nó. Ngoài đền thờ Cụ Vũ Uy ở thôn Ngọc Uyên làng Thanh Ban, xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống còn có lăng mộ, bia ký của 45 trang trưởng của Cụ Vũ Uy còn tương đối nguyên vẹn, trong đó 01 tấm bia được dựng vào triều Lê Trung Hưng, còn 02 tấm dựng vào thời Nguyễn. Ba tấm bia này đã khẳng định Cụ Vũ Uy và con cháu dòng tộc họ Vũ - Võ trên cả nước đã có nhiều công lao trong việc xây dựng đất nước dưới triều Lê còn lưu danh đến ngày nay.
Ba tấm bia này thường gọi là nhóm bia Đa Căng - Thanh Ban, đó là các bia:
- Thanh Ban bi kí: Bia dựng ngày mùng 1 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 5 (1667)
- Đa Căng lăng mộ bi chí: Bia được dựng ngày 16 tháng 2 năm Nhâm Thìn, đời vua Thành Thái (1892)
- Đa Căng miếu bi: Bia dựng năm Thành Thái thứ 15 (1905).
Hàng năm theo thông lệ cứ đến ngày 16/2 âm lịch con cháu dòng tộc họ Vũ - Võ và con cháu các trang trưởng lại kéo nhau về đền thờ Cụ Vũ Uy dâng hương tưởng niệm, để ôn lại truyền thống của cha ông trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước, đây cũng chính là cơ hội để nhắc nhở con cháu sau này phải có trách nhiệm với quê hương đất nước để không phụ công lao của tổ tiên mình.
Có thể nói, Đền thờ Cụ Vũ Uy không chỉ là di tích lịch sử văn hoá - nơi vinh danh, tưởng niệm những người có công với đất nước mà đây còn là công trình kiến trúc nghệ thuật cổ. Chính đền thờ và lăng mộ, bia kí Vũ Uy và 45 trang trưởng, (tức 45 vị đứng đầu các trang trưởng), đây là những chứng tích cụ thể về dòng họ Vũ - Võ ở Thanh Hóa đã có công trong việc chống ngoại xâm xây dựng đất nước từ thế kỉ XV đến thế kỉ XVIII. Đây cũng là địa chỉ đỏ để nhân dân cả nước nói chung và con cháu dòng họ Vũ nói riêng trở về tri ân, thành kính.
Tài liệu tham khảo:
1. Đại Việt sử ký toàn thư, tập 2.
2. Đại Việt thông sử - Lê Qúy Đôn, tập 2.
3. Danh tướng Việt Nam - Nguyễn Khắc Thuần, tập 2.
4. Khởi nghĩa Lam Sơn - Phan Huy Lê, Phan Đại Doãn
5. Lý lịch di tích đền thờ Vũ Uy
6. Gia phả dòng họ Vũ Uy ở xã Trung Chính, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa
7. Wikipedia
8. Di tích Lam Sơn, Thanh Hóa
Khu Mộ và Đền thờ Cụ Vũ Uy tại thị trấn Nông Cống, tỉnh Thanh, Thanh Hóa
Bia kí trong khu mộ Cụ Vũ Uy
BBT www.hovuvovietnam.com sưu tầm, tổng hợp
|